Báo nhà nước Trung Quốc hôm 30/5 đưa tin giàn khoan biển sâu nửa chìm nửa nổi nặng 100.000 tấn của nước này đã hoàn thành lắp đặt trang thiết bị.
Hoàn Cầu thời báo dẫn tin từ Tập đoàn Dầu khí quốc gia Trung Quốc (CNOOC), cho biết giàn khoan “Biển Sâu số 1” là giàn khoan nặng 100.000 tấn đầu tiên trên thế giới, đang đẩy mạnh việc vận hành các thiết bị và sẽ đi vào sản xuất cuối tháng 6, với sản lượng hàng năm hơn 3 tỷ mét khối khí tự nhiên.
Giàn khoan sẽ được đặt ở khu vực Lăng Thủy, Đông Nam đảo Hải Nam, ở độ sâu lớn nhất 1.500 m.
CNOOC là công ty dầu mỏ lớn thứ ba của Trung Quốc, là nhà khai thác dầu mỏ và khí đốt ngoài khơi lớn nhất của Trung Quốc. Giàn khoan Hải Dương 981 là một trong những tài sản thuộc sở hữu của công ty này, xâm nhập vào vùng biển thuộc chủ quyền của Việt Nam trong năm 2014.
Giàn khoan Hải Dương 981 cũng nằm trong tham vọng khai thác dầu khí ở Biển Đông của Bắc Kinh, với kích thước dài 114m, rộng 90 m, cao 137,8 m và nặng 31.000 tấn.
Trong những năm gần đây, CNOOC tham gia vào các cuộc đàm phán gây tranh cãi liên quan đến thỏa thuận phát triển dầu khí, bất chấp việc Tòa Trọng tài bác bỏ yêu sách chủ quyền đường chín đoạn phi pháp của Trung Quốc trên Biển Đông vào năm 2016.
Đầu năm 2021, Bộ Thương mại Mỹ liệt CNOOC vào danh sách đen vì hỗ trợ Bắc Kinh thực hiện hành động hiếu chiến ở Biển Đông. Bộ cáo buộc CNOOC nhiều lần quấy rối và đe dọa hoạt động thăm dò, khai thác dầu khí ngoài khơi ở Biển Đông, với mục tiêu “gây rủi ro chính trị cho các đối tác nước ngoài quan tâm, trong đó có Việt Nam”.
Đối với các hoạt động ở Biển Đông, Việt Nam nhiều lần khẳng định có đầy đủ bằng chứng lịch sử và cơ sở pháp lý để khẳng định chủ quyền đối với quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa, phù hợp với luật pháp quốc tế. Mọi hoạt động xâm phạm chủ quyền và các quyền liên quan của Việt Nam trên quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa là bất hợp pháp và vô giá trị.
Việt Nam yêu cầu các bên liên quan tôn trọng chủ quyền của Việt Nam và luật pháp quốc tế, tuân thủ Tuyên bố về cách ứng xử của các bên ở Biển Đông (DOC), Công ước Liên hợp quốc về Luật Biển (UNCLOS) năm 1982, không có các hành động làm phức tạp thêm tình hình và đóng góp tích cực vào duy trì hòa bình, ổn định trên Biển Đông, cũng như tạo môi trường thuận lợi cho đàm phán Bộ quy tắc về ứng xử ở Biển Đông (COC).