Xuất khẩu cao su tăng 58,7% về lượng và tăng 94% về trị giá so với cùng kỳ năm 2020 do Trung Quốc tăng tốc thu mua lượng lớn phục vụ ngành công nghiệp ô tô đang trên đà phục hồi, giúp kéo giá cao su trong nước lên mốc mới.
Do cầu vượt cung, dự báo giá cao su thế giới sẽ còn tăng, tạo điều kiện cho người trồng cao su và các doanh nghiệp hồi phục sản xuất.
Cập nhật giá cao su mới nhất
Theo thông tin của Công ty TNHH MTV Cao su Phú Riềng (Bình Phước), giá cao su hôm nay 2/6 được công ty thu mua ở mức 375 đồng/độ mủ, giảm nhẹ so với tuần trước nhưng vẫn ở mức cao.
Tổng Công ty Cao su Đồng Nai cũng vừa có thông báo điều chỉnh giá thu mua mủ cao su lần thứ 9 trong năm nay áp dụng đối với các hộ trồng cao su tiểu điền.
Cụ thể, mức giá cao su công ty đưa ra là 380 đồng/độ mủ (loại 1) và 373 đồng/độ mủ (loại 2).
Mức giá cao su Công ty TNHH MTV Cao su Lộc Ninh (Bình Phước) đưa ra là 378 đồng/độ mủ.
Theo Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công Thương), trong tháng 5/2021, giá mủ cao su nguyên liệu có nhiều biến động, giá thu mua mủ cao su nguyên liệu được các công ty điều chỉnh liên tục.
Trong tháng 5, Công ty TNHH MTV Cao su Lộc Ninh cũng 6 lần thông báo điều chỉnh giá thu mua mủ cao su tiểu điền.
Công ty TNHH MTV Cao su Đồng Nai 3 lần thông báo điều chỉnh giá thu mua mủ cao su.
Nhiều nông dân cho biết, mức giá cao su phục hồi, tăng đáng kể so với năm 2020 giúp họ có thu nhập khác. Bà Phạm Thị Lương, một nông dân trồng cao su ở huyện Tuy Đức (Bình Thuận) cho biết, với mức giá này, ngày nào gia đình bà cũng thu tiền triệu từ mủ cao su.
Không chỉ tại Việt Nam, giá cao su tại Thái Lan cũng có xu hướng tăng mạnh. Ngày 28/5/2021, giá cao su RSS 3 chào bán ở mức 71,6 Baht/kg (tương đương 2,29 USD/kg), tăng 8,5% so với cuối tháng 4/2021 và tăng 64,2% so với cùng kỳ năm 2020.
Giá cao su của Việt Nam tăng là do xuất khẩu cao su khởi sắc. Theo ước tính, tháng 5/2021, xuất khẩu cao su của Việt Nam đạt khoảng 80.000 tấn, trị giá 139 triệu USD, so với tháng 5/2020 tăng 7,2% về lượng và tăng 54,9% về trị giá.
Giá cao su xuất khẩu bình quân ở mức 1.738 USD/tấn, tăng 44,6% so với tháng 5/2020.
Lũy kế 5 tháng đầu năm 2021, xuất khẩu cao su ước đạt 548.000 tấn, trị giá 923 triệu USD, tăng 58,7% về lượng và tăng 94% về trị giá so với cùng kỳ năm 2020.
Trung Quốc mua lượng mủ cao su khủng, giá cao su còn ổn định
Có thể thấy, xuất khẩu cao su của Việt Nam khởi sắc là do thị trường Trung Quốc tăng tốc thu mua.
Theo thống kê của Cơ quan Hải quan Trung Quốc, trong 4 tháng đầu năm 2021, nhập khẩu cao su của Trung Quốc đạt 4,25 tỷ USD, tăng 27,5% so với cùng kỳ năm 2020. Thái Lan, Việt Nam, Malaysia, Hàn Quốc và Nhật Bản là 5 thị trường lớn nhất cung cấp cao su cho Trung Quốc.
Trong 4 tháng đầu năm 2021, Việt Nam là thị trường cung cấp cao su lớn thứ 2 cho Trung Quốc với 705,64 triệu USD, tăng 81,6% so với cùng kỳ năm 2020.
Thị phần cao su Việt Nam trong tổng trị giá nhập khẩu của Trung Quốc trong 4 tháng đầu năm 2021 chiếm 16,6%, tăng mạnh so với mức 11,65% của 4 tháng đầu năm 2020.
Theo Tổng cục Hải quan Việt Nam, trong 4 tháng đầu năm 2021, hỗn hợp cao su tự nhiên và cao su tổng hợp là mặt hàng được xuất khẩu nhiều nhất, chiếm 60,89% tổng lượng cao su xuất khẩu của cả nước, với 285.090 tấn, trị giá 459,18 triệu USD, tăng 87,1% về lượng và tăng 116,3% về trị giá so với cùng kỳ năm 2020.
Trong đó, xuất khẩu sang Trung Quốc chiếm 99,53% tổng lượng hỗn hợp cao su tự nhiên và cao su tổng hợp xuất khẩu của cả nước, với 283.740 tấn, trị giá 456,58 triệu USD, tăng 88,8% về lượng và tăng 118,3% về trị giá so với cùng kỳ năm 2020.
Về giá cao su xuất khẩu, trong 4 tháng đầu năm 2021, giá xuất khẩu bình quân các chủng loại cao su hầu hết đều có xu hướng tăng so với cùng kỳ năm 2020.
Giá cao su còn tăng do cầu vượt cung?
Theo báo cáo mới nhất của Hiệp hội các nước sản xuất cao su tự nhiên (ANRPC), tháng 4/2021, sản lượng cao su tự nhiên thế giới đạt 903.000 tấn, trong khi nhu cầu lên tới gần 1,13 triệu tấn.
Nguồn cung cao su toàn cầu chuyển sang thiếu hụt do Trung Quốc tăng cường mua vào. Ngành sản xuất ô tô Mỹ hồi phục tích cực cũng góp phần làm cho thị trường thêm sôi động.
Trong khi đó, đại dịch Covid-19 bùng phát ở châu Á khiến cho việc thu hoạch mủ gặp khó khăn bởi tình trạng thiếu nhân lực, gây khan hiếm nguồn cung.
Tại Ấn Độ, nước tiêu thụ cao su lớn thứ 2 thế giới và là nước sản xuất cao su lớn thứ 6 thế giới, đang phải đối mặt với khủng khoảng Covid-19.
Bang Kerala, nơi sản xuất cao su lớn nhất của Ấn Độ, đã áp lệnh phong tỏa từ đầu tháng 5/2021 do đại dịch Covid-19 bùng phát mạnh.
Tại Thái Lan, nước sản xuất và xuất khẩu cao su hàng đầu thế giới, làn sóng tái bùng phát dịch Covid-19 cũng đang diễn biến phức tạp khi tổng số ca mắc tính đến nay đã nhiều gấp 4 lần so với đầu tháng 4/2021, trong khi số ca tử vong gấp 4 lần và Bangkok trở thành tâm chấn của đại dịch.