Wednesday, January 1, 2025
Trang chủGóc nhìn mớiCanberra: “giữa hai dòng nước”

Canberra: “giữa hai dòng nước”

Trung Quốc là đối tác thương mại lớn nhất của Úc. Tới mức, các chuyên gia kinh tế nhận định: Tăng trưởng kinh tế ở Úc có thể giảm tới 2,8% nếu bị Bắc Kinh làm khó dễ trong vấn đề thương mại. Có lẽ vì thế, liên quan vấn đề Biển Đông, Canberra như kẻ “phân vân đứng giữa hai dòng nước”

Hải quân Mỹ và Úc trong một lần tuần tra chung trên Biển Đông

“Giữa hai dòng nước…” là ví von một cách hình ảnh để chỉ sự phân vân, lưỡng lự của Úc trước Mỹ và Trung Quốc gắn với vấn đề Biển Đông.

Trung Quốc là đối tác thương mại lớn nhất của Úc. Thống kê của công ty nghiên cứu Capital Economics (Anh) cho biết: 39,4% xuất khẩu hàng hóa và 17,6% xuất khẩu dịch vụ từ năm 2019-2020 của Úc là vào Trung Quốc. Thậm chí, chuyên gia Marcel Thieliant tại Capital Economics còn cảnh báo rằng, tăng trưởng kinh tế ở Úc có thể giảm tới 2,8% nếu dám “đụng” đến Trung Quốc. Một khi Bắc Kinh thực hiện một cuộc chiến thương mại qua đòn tăng thuế đối với hàng hóa nhập khẩu, Canberra có thể thiệt đơn, thiệt kép.

Còn Mỹ, thì lại là đồng minh lớn. Không những thế, Mỹ còn là thủ lĩnh của “bộ tứ” kim cương trên Biển Đông,  ngoài Úc, có Ấn Độ, Nhật Bản. Hồi tháng 3 năm nay, hội nghị thượng đỉnh của “bộ tứ” này từng ra tuyên bố, trong đó dành  riêng một phần về Biển Đông, nhấn mạnh: “Tiếp tục ưu tiên vai trò của luật pháp quốc tế trong lĩnh vực hàng hải, đặc biệt là tuân thủ Công ước LHQ về Luật Biển (UNCLOS) 1982 và tạo điều kiện cho sự hợp tác, bao gồm vấn đề an ninh hàng hải, nhằm đáp ứng các thách thức đối với quy tắc trật tự hàng hải ở biển Hoa Đông và Biển Đông”.

Sau đó một tháng, “bộ tứ” này cùng với Pháp đã tập trận chung tại vịnh Bengal, trước cửa ngõ Biển Đông – một động thái được coi như nhả một thông điệp về Trung Quốc. Trước đó, tháng 4-2020. Tàu hộ vệ tên lửa của  Úc cũng đã tham gia tập trận chung với nhóm tàu chiến Mỹ gần khu vực tàu khảo sát Hải Dương 8 của Trung Quốc hoạt động – nơi trước đó, nhóm tàu Trung Quốc đã quấy nhiễu hoạt động dầu khí của Malaysia.

Chưa hết, ngược thời gian, ngót một năm trước, Canberra còn là đồng minh sớm lên tiếng ủng hộ quan điểm của Mỹ về vấn đề Biển Đông. Thủ tướng Úc Scott Morrison khi đó đã khẳng định, nước này “ủng hộ mạnh mẽ tự do hàng hải trên Biển Đông” khi được hỏi về việc tuyên bố của Mỹ bác bỏ hầu hết yêu sách hàng hải phi pháp của Trung Quốc – gần như trúng phóc nội dung phán quyết của Tòa trọng tài (PCA) trong vụ kiện của Philippines đối với Trung Quốc.

Tận tụy với “bộ tứ” và thể hiện sự ủng hộ không chỉ sớm, mà còn nhiệt tình với ông bạn đồng minh lớn như trên, Canberra có được Washington ghi nhận?

Hiển nhiên là có. Tuy nhiên, trong một bối cảnh mà Trung Quốc, sau khi đã vượt qua giai đoạn khó khăn, khốc liệt nhất của đại dịch Covid-19 bằng những nỗ lực phi thường, khó tin đối với một quốc gia 1,4 tỷ dân, đang triển khai những động thái mới còn hung hăng, ngang ngược hơn nữa trên Biển Đông, chính quyền mới của ông Biden ở Mỹ đang muốn người bạn đồng minh Úc làm nhiều hơn thế, trong đó, tích cực nhất là cử tàu tham gia các hoạt động thực thi “tự do hàng hải” (FONOP) một cách quyết đoán hơn trên Biển Đông.

FONOP đối với Mỹ thì đã hẳn. Chẳng phải tới khi có tuyên bố thể hiện quan điểm chính thức vào giữa năm 2020, trước đó, tàu Mỹ đã nghênh ngang nhiều lần trong khu vực, với danh nghĩa FONOP. Thậm chí, Washington còn cho tàu đi vào vùng lãnh hải 12 hải lý (khoảng cách mà luật biển quốc tế xác định là ranh giới lãnh thổ có chủ quyền của các đảo tự nhiên, tồn tại lâu dài) một số đảo mà Trung Quốc tuyên bố chủ quyền trên Biển Đông. Động thái ai cũng biết là vừa như thử, vừa như thách thức, bất chấp sự tức tối, đe dọa của Trung Quốc.

Tuy nhiên, đó là Mỹ – cường quốc có lẽ là duy nhất Trung Quốc vẫn phải nhẫn nhục tới thời điểm này. Còn nếu điều đó là Úc, hoặc một quốc gia nào khác mà lảng vảng trong phạm vi 12 hải lý các đảo Trung Quốc tuyên bố chủ quyền thì câu chuyện rất có thể cũng sẽ khác. Trung Quốc liệu có thêm một lần nhẫn nhịn. Hay ỷ vào các bệ phóng tên lửa tối tân sẵn có tại một số đảo, đá đã được quân sự hóa;  ỷ vào số lượng tàu chiến đông đảo, ỷ vào lực lượng dân quân biển trá hình tàu cá…,Trung Quốc sẽ có những phản ứng cứng rắn hơn rất nhiều và chẳng thể biết, điều gì tiếp theo sẽ diễn ra.

Vậy nên: Chiều theo Mỹ hay thỏa hiệp với Trung Quốc trong vấn đề Biển Đông, là bài toán nan giải đặt ra với Canberra trong lúc này

RELATED ARTICLES

Tin mới