Friday, January 10, 2025
Trang chủĐiểm tinCạnh tranh ảnh hưởng Mỹ-Trung tại Đông Nam Á

Cạnh tranh ảnh hưởng Mỹ-Trung tại Đông Nam Á

Bài viết so sánh chính sách đối ngoại của Trung Quốc và Mỹ, cụ thể là các hình thức hội nhập kinh tế và cách tiếp cận địa chính trị tại Đông Nam Á. Các tác giả so sánh động cơ và lý do các cường quốc lớn và hạng hai trong khu vực chấp nhận hoặc tranh cãi về các chính sách của Mỹ và Trung Quốc.

Tóm tắt

Trung Quốc và Mỹ, hai cường quốc và là hai nền kinh tế lớn nhất thế giới đang cạnh tranh ảnh hưởng và vị trí lãnh đạo ở khu vực Đông Nam Á thông qua các kế hoạch hội nhập và cách tiếp cận địa chính trị khác nhau. Bài viết so sánh chính sách đối ngoại của Trung Quốc và Mỹ, cụ thể là các hình thức hội nhập kinh tế và cách tiếp cận địa chính trị tại Đông Nam Á. Các tác giả so sánh động cơ và lý do các cường quốc lớn và hạng hai trong khu vực chấp nhận hoặc tranh cãi về các chính sách của Mỹ và Trung Quốc. Mỹ ở vị thế có lợi hơn trong việc thể hiện sức mạnh quân sự ở khu vực và nhấn mạnh tới sự phát triển của con người. Trong khi đó, Trung Quốc đề xuất cách tiếp cận tập trung vào đầu tư cơ sở hạ tầng và sử dụng các biện pháp quân sự trong tranh chấp Biển Đông.

1.  Giới thiệu chung

Với các động lực của nền kinh tế và chính trị quốc tế, hai cường quốc toàn cầu là Mỹ và Trung Quốc sẽ mở rộng ảnh hưởng ra phạm vi toàn cầu. Sau khi Mỹ thành công ở Trung Đông, đặc biệt là tại Iraq và Afghanistan trong chiến lược kiềm chế chủ nghĩa khủng bố và bảo vệ lợi ích của Mỹ bằng cách tiếp cận gián tiếp và trực tiếp (Jeffrey và Eisenstadt, 2016: 14-16), Mỹ sẽ đi tìm các mục tiêu mới. Chính sách kiềm chế truyền thống vẫn đóng vai trò chủ chốt trong quá trình thiết kế và xây dựng chính sách đối ngoại của Mỹ. Noam Chomsky lập luận rằng chiến lược của Mỹ ở Trung Đông là giành được các mục tiêu tại “Khu vực Đại chiến lược” (Chomsky, 1991: 14-31). Tuy nhiên, Mỹ vẫn cần thực hiện một nhiệm vụ, đặc biệt là kiến tạo các quốc gia dân chủ ổn định ở Trung Đông. Trong khi đó, Iraq, Afghanistan và hiện tại là Syria không thể triển khai các mục tiêu dân chủ và vẫn dễ bị tổn thương do sự tồn tại của Nhà nước Hồi giáo Iraq và Syria (ISIS).

Mặt khác, Trung Quốc tiếp tục nâng cao hình ảnh ở châu Phi (van Dijk, 2009b: 10-11). Chính sách ngoại giao kinh tế của Trung Quốc tập trung vào viện trợ tài chính và đầu tư khiến các nước châu Phi ngày càng phụ thuộc vào Trung Quốc. Tới năm 2015, 15% khối lượng thương mại của các nước châu Phi là với Trung Quốc (Thrall, 2015: xiii). Nguyên tắc duy nhất Trung Quốc sử dụng là không can thiệp vào chính trị nội bộ và quân sự khi xây dựng quan hệ với các nước châu Phi. Trung Quốc cũng hưởng lợi từ khía cạnh an ninh với các khoản đầu tư khổng lồ vào 20 quốc gia thất bại ở châu Phi (ibid.: xv). Thêm vào đó, các nước châu Phi cũng mong muốn có các dự án kinh tế với Trung Quốc do đang phải gánh chịu các cuộc xung đột trong nước trong một thời gian dài và cần ổn định để tránh xung đột trong tương lai. Hiện tại, dù sự thành công của Trung Quốc hiện không đe dọa các lợi ích của Mỹ ở châu Phi nhưng về dài hạn đây có thể là một thách thức to lớn với Mỹ và ở khía cạnh đó, điều này có thể tạo ra thêm nguyên cớ va chạm.

Căn cứ vào tình hình hiện nay giữa Trung Quốc và Mỹ, Gaiser và Kovae (2012) chỉ ra rằng tình trạng phân cực (polarity) một lần nữa có thể là đặc trưng của quan hệ quốc tế và có khả năng hình thành tình trạng phân cực Chiến tranh Lạnh mới. Sau năm 1990, Mỹ không thể duy trì lâu dài tình trạng đơn cực. Tình trạng đơn cực chỉ kéo dài tới năm 2006 và sụp đổ vào năm 2008 do khủng hoảng Tài chính Toàn cầu (Gaiser và Kovae, 2012: 49-63). Trong khi đó, sự trỗi dậy của Trung Quốc với vị thế là một cường quốc mới nổi trong nền kinh tế toàn cầu chỉ khiến cuộc cạnh tranh chính trị giữa Trung Quốc và Mỹ thêm căng thẳng. Từ phía Mỹ, một số nhà khoa học chính trị như Huntington (1997) và Fukuyama (2006) vẫn bảo vệ quan điểm khẳng định sự chiến thắng của chủ nghĩa tư bản và văn minh phương Tây so với các giải pháp kinh tế và chính trị khác trong việc định hình tư duy của các công dân toàn cầu, những người ủng hộ sự mở rộng của Mỹ. Những định nghĩa và ý tưởng này ủng hộ sự mở rộng của Mỹ và góp phần biện minh cho chính sách an ninh của Mỹ, đặc biệt là chính sách gia tăng ảnh hưởng tại khu vực. Mặt khác, Trung Quốc có tham vọng mở rộng ảnh hưởng trong nền chính trị quốc tế và trở thành một chủ thể toàn cầu. Chiến lược “Vươn ra toàn cầu” bắt nguồn từ năm 2001 là nền tảng cho nỗ lực trở thành nhà đầu tư số một thế giới của Trung Quốc (Thrall, 2015: 10). Sau khi Trung Quốc trở thành cường quốc chủ chốt trong nền kinh tế quốc tế, nước này cũng có thể tăng cường khả năng quân sự và chính trị.

Gần đây, khả năng xung đột tiềm tàng giữa Trung Quốc và Mỹ diễn ra ở Đông Nam Á, một khu vực được kỳ vọng tăng trưởng kinh tế trong tương lai. Phần lớn các chuyên gia cho rằng Đông Nam Á là khu vực ổn định nhất với tốc độ tăng trưởng kinh tế ổn định và các quốc gia khu vực có thể tiếp tục chung sống hòa bình (Archarya, 2014; Narine, 2002: 2). Cam kết mạnh mẽ đối với các giải pháp hòa bình có thể giúp ngăn ngừa tình trạng thuộc địa hóa và bạo lực xảy ra trong quá khứ, từ đó tạo nên nền tảng vững chắc cho ổn định và hoà bình trong khu vực. Do đó, khu vực này sẽ là một mục tiêu mới của cả hai siêu cường với sự hỗ trợ từ các nước đồng minh của mình.

Là một phần trong chiến lược xây dựng ảnh hưởng ở Đông Nam Á, Trung Quốc và Mỹ tập trung vào khía cạnh kinh tế và địa chính trị. Khía cạnh đầu tiên có tầm quan trọng trong nền kinh tế là thương mại quốc tế. Sau khi toàn cầu hóa và công nghệ phát triển vào những năm 90, biên giới quốc gia trở nên ít quan trọng hơn. Các rào cản thương mại, đặc biệt là thuế thương mại được cắt giảm đáng kể vì những nhân tố này bị xem là cản trở dòng thương mại. Xu hướng này đã thúc đẩy các nước Đông Nam Á thành lập Hiệp hội các Quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) nhằm xây dựng hội nhập kinh tế khu vực: Cộng đồng Kinh tế ASEAN (AEC) năm 2015.

Hiệp định thương mại tự do của AEC không giới hạn trong thương mại nội khối mà có mục tiêu xây dựng thỏa thuận tự do thương mại toàn cầu nhằm xóa bỏ rào cản thương mại ở phạm vi toàn cầu. Thông qua sáng kiến này, Trung Quốc và Mỹ thâm nhập vào khu vực bằng các sáng kiến thúc đẩy thương mại quốc tế trong ASEAN. Trung Quốc đề xuất RCEP (Đối tác Kinh tế Khu vực Toàn diện) và Mỹ đề xuất TPP (Đối tác Xuyên Thái Bình Dương) (Ye, 2015: 206-224). Thậm chí không phải tất cả các nước ASEAN tham gia vào các chiến lược này. Xu hướng này cho thấy phần lớn các nước ASEAN đều có lợi ích trong những sáng kiến này trong khi toàn cầu hóa buộc các nước ASEAN tận dụng các hình thức hội nhập gần gũi hơn. Tới nay, RCEP đã thu hút được một số quốc gia từ ASEAN kể từ khi Con đường Tơ lụa thay thế hoặc cạnh tranh của TPP. Theo quan điểm thông thường về Thái Bình Dương, TPP bao phủ phạm vi và mức độ rộng lớn hơn và sẽ là thỏa thuận thương mại tự do lớn nhất khi được hiện thực hóa. Tuy nhiên, chính sách bất định của Trump khi xóa bỏ thỏa thuận này đã không thể tạo nên những đóng góp đáng kể và nhanh gọn hơn cho lợi ích của Mỹ và TPP bắt đầu mất dần chức năng.

Nằm giữa hai siêu cường, các quốc gia ASEAN có một số lựa chọn: chọn một bên, chọn cả hai bên hoặc tự xây dựng các cơ chế và trở thành các nước tiên phong của một thỏa thuận thương mại tự do thay thế bên cạnh TPP và RCEP. Trong ngắn hạn, lựa chọn thứ ba là rất khó khăn và hầu như là không thể. Do đó, trong vị trí hiện tại, các nước ASEAN sẽ tìm kiếm các thỏa thuận nhất định có khả năng thúc đẩy sự phát triển trong mỗi quốc gia. Tuy nhiên các nước này sẽ buộc phải chọn một hoặc cả hai phe.

Trong lĩnh vực quân sự, Mỹ và Trung Quốc vẫn đang đấu tranh để có được nhiều đồng minh hơn ở Đông Nam Á. Đặc biệt, các nước này muốn bảo vệ lợi ích an ninh quốc gia và nguồn cung tài nguyên từ khu vực này. Vấn đề nảy sinh là Trung Quốc đang xử lý tranh chấp Biển Đông với 4 nước ASEAN (Rowa, 2005: 414-436), trong khi Mỹ là quốc gia vẫn bị xem là không thể tôn trọng nguyên tắc không can thiệp vốn là nguyên tắc cốt lõi của các nước ASEAN, đặc biệt là trong vấn đề dân chủ và nhân quyền (Mauzy và Job, 2007: 822-641). Cả hai nước dường như vẫn mâu thuẫn với phần lớn các nước ASEAN về vấn đề giữ ổn định và an ninh.

Mặc dù đôi khi khu vực này có những giai đoạn thăng trầm, các nước ASEAN vẫn tổ chức các hội nghị thượng đỉnh thường niên và đưa ra các thỏa thuận trong hầu hết các lĩnh vực, nhấn mạnh nguyên tắc không can thiệp, phương cách và các giá trị của ASEAN. Thêm vào đó, đặc trưng cơ bản của ASEAN là luôn chào đón đối thoại và trao đổi.

Bởi tầm quan trọng của khu vực và quyết tâm thống trị nền chính trị thế giới và bảo vệ lợi ích quốc gia, Mỹ và Trung Quốc đang cạnh tranh vị trí lãnh đạo trong khu vực thông qua hai nhân tố chính là: quân sự và kinh tế.

RELATED ARTICLES

Tin mới