Thursday, November 7, 2024
Trang chủGóc nhìn mớiPhương Tây hợp lực ngăn chăn TQ ở "Nhất đới nhất lộ"

Phương Tây hợp lực ngăn chăn TQ ở “Nhất đới nhất lộ”

Lãnh đạo “Bộ tứ kim cương”, hay còn gọi là Quad (gồm các nước Mỹ, Úc, Nhật Bản và Ấn Độ) dự kiến sẽ nhóm họp mùa thu này để bàn về phương thức tài trợ cho các dự án cơ sở hạ tầng.

Liệu phương Tây có tìm ra giải pháp thay thế BRI của Trung Quốc?

Lãnh đạo “Bộ tứ kim cương”, hay còn gọi là Quad (bao gồm các nước Mỹ, Úc, Nhật Bản và Ấn Độ) dự kiến sẽ nhóm họp mùa thu này để bàn về phương thức tài trợ cho các dự án cơ sở hạ tầng. Đây là nỗ lực mới nhất của Mỹ và các đồng minh nhằm tìm kiếm một giải pháp thay thế cho Sáng kiến Vành đai và Con đường (BRI) của Trung Quốc.

Kể từ đầu năm nay, Liên minh châu Âu (EU), Mỹ, Ấn Độ và Nhật Bản đã có các cuộc họp riêng và cam kết hợp tác chặt chẽ hơn trong các dự án cơ sở hạ tầng quốc tế. Đáng chú ý, Tổng thống Mỹ Joe Biden cũng đã đề xuất tăng cường đầu tư nâng cấp cơ sở hạ tầng trong nước. Chủ đề này dự kiến sẽ được đưa ra tại Hội nghị thượng đỉnh G7 sắp tới do Anh chủ trì, sau khi ông Biden, trong cuộc điện đàm vài tháng trước với Thủ tướng Anh Boris Johnson, đã đề xuất hợp tác tìm ra giải pháp nhằm đối trọng với BRI của Trung Quốc.

Các nhà phân tích đưa ra các quan điểm trái chiều khi đánh giá tiềm năng của một “BRI” do phương Tây dẫn dắt. Một số nhà phân tích cho rằng nhu cầu toàn cầu mạnh mẽ về đầu tư vào cơ sở hạ tầng khi các nền kinh tế đang phát triển phải vật lộn với những tác động của Covid-19 lên nền kinh tế và quyết tâm của các chính trị gia phương Tây trong việc ngăn cản tham vọng toàn cầu của Trung Quốc có thể giúp kế hoạch này nhanh chóng thành công.

Một số nhà phân tích khác cho rằng đây sẽ là một trận chiến khó khăn do Mỹ và các đồng minh khi họ cũng đang phải đối mặt với hậu quả từ đại dịch, bao gồm cả triển vọng kinh tế ảm đạm. Suisheng Zhao, Giám đốc Trung tâm Hợp tác Trung-Mỹ tại Đại học Denver, chỉ ra rằng những nỗ lực trước đó đã thất bại.

Zhao đề cập đến nỗ lực của cựu Tổng thống Mỹ Donald Trump trong việc thành lập Tổ chức Tài chính Phát triển Quốc tế năm 2017 nhằm cung cấp và tạo điều kiện hỗ trợ tài chính cho các dự án phát triển ở các nước có thu nhập thấp và trung bình. Cũng trong năm 2017, các nước châu Âu đã đề xuất một quỹ cơ sở hạ tầng châu Á nhằm cạnh tranh với BRI của Trung Quốc.

Theo ông, thất bại của họ chủ yếu là do các vấn đề tài chính ở các nước sở tại khiến cho nguồn vốn không thể được phân bổ.

“Nỗ lực của Mỹ nhằm chống lại, trong khi nỗ lực của châu Âu nhằm cạnh tranh với BRI của Trung Quốc. Nhưng không nỗ lực nào trong số đó trở thành các chương trình đáng tin cậy,” Zhao nói.

Tuy nhiên, Don McLain Gill, một thành viên thường trực tại Tổ chức Hợp tác An ninh và Phát triển Quốc tế (IDSC) có trụ sở tại Manila cho biết, việc Mỹ và các đồng minh tập trung vào các vấn đề kinh tế cho thấy một nhận thức rằng “gốc rễ của ảnh hưởng toàn cầu của Trung Quốc không nằm ở dàn xếp quân sự mà là thông qua BRI với các dự án kết nối và cơ sở hạ tầng khổng lồ.”

Ramon Pacheco Pardo, giảng viên quan hệ quốc tế tại Đại học King’s College London, cho rằng Mỹ và EU sẽ cần hợp tác với Nhật Bản và Hàn Quốc để đạt được hiệu quả trong việc xây dựng cơ sở hạ tầng ở châu Á vì nơi hai nước này cùng với Trung Quốc và Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) là những nhân tố chủ đạo.

Dư địa cho nhân tố mới?

Kể từ khi Sáng kiến Vành đai và Con đường (BRI) của Trung Quốc, còn được gọi là Con đường Tơ lụa Mới, được khởi động vào năm 2013 để thúc đẩy kết nối toàn cầu thông qua đường sắt và cảng biển từ Đông Á đến Châu Âu, hơn 100 quốc gia đã ký kết tham gia các dự án trong khuôn khổ của sáng kiến này. Theo ước tính gần đây của Refinitiv, tính đến giữa năm ngoái, hơn 2.600 dự án trị giá 3,7 nghìn tỷ USD có thể được kết nối với BRI.

Tuy nhiên, BRI đã bị cáo buộc về các vấn đề như thiếu tính minh bạch, tham nhũng, hủy hoại môi trường, các vấn đề pháp lý và các vấn đề về lao động. Một số dự án quy mô lớn thậm chí còn được cho là đã tạo ra “bẫy nợ” cho các nước thu nhập thấp.

Theo W. Gyude Moore, chuyên gia chính sách cấp cao tại Trung tâm Phát triển Toàn cầu (CGD) có trụ sở tại Washington, EU có khả năng sử dụng các mối quan hệ đối tác hiện có với Nhật Bản và Ấn Độ để thúc đẩy việc phát triển một “BRI” của phương Tây thay thế cho BRI của Trung Quốc.

Với Nhật Bản, EU hy vọng sẽ thúc đẩy các dự án cơ sở hạ tầng liên kết mạng lưới giao thông và kết nối dịch vụ kỹ thuật số giữa Đông Á và châu Âu. Còn với Ấn Độ, EU hy vọng sẽ xây dựng các dự án cơ sở hạ tầng chung ở châu Phi, Trung Á và Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương.

Moore cho rằng cả hai sáng kiến này được đề ra một phần do lo ngại của người dân châu Âu về việc mất thị phần xây dựng vào tay các công ty Trung Quốc ở châu Phi.

Nhưng trong bối cảnh thái độ bài Trung Quốc đang gia tăng trên khắp các nước công nghiệp, ông cho rằng sẽ có nhiều quốc gia tham gia hơn, bao gồm cả các nền kinh tế mới nổi muốn có nhiều nguồn tài trợ hơn cho các dự án cơ sở hạ tầng trong khu vực.

Moritz Rudolf, một cộng sự tại Viện Các vấn đề Quốc tế và An ninh Đức, cho rằng giải pháp của phương Tây nhằm thay thế BRI của Trung Quốc có khả năng không chỉ giới hạn trong phạm vi phát triển cơ sở hạ tầng.

“Nếu có một số lượng đáng kể các quốc gia cùng chí hướng tham gia những nỗ lực đó, tôi cho rằng nó sẽ không còn đơn giản là đầu tư vào cơ sở hạ tầng,” Rudolf nói, cho biết thêm rằng có khả năng các quốc gia này sẽ chia sẻ các giá trị mục tiêu chính sách như thúc đẩy pháp quyền và phát triển bền vững.

Về cách thức tài trợ cho BRI của phương Tây, Moore cho rằng đây rất có thể là sự kết hợp của các khoản vay và viện trợ vì việc tài trợ cơ sở hạ tầng bằng nợ của Trung Quốc đã vấp phải chỉ trích.

Và nếu các nước công nghiệp có thể thuyết phục quốc hội của họ về sự cần thiết phải “chống lại Trung Quốc”, họ có thể nhận được ủy quyền tài trợ cho sáng kiến này, Moore nói, đồng thời cho biết thêm rằng các quỹ này không có khả năng cạnh tranh với các quỹ dành cho BRI của Trung Quốc.

Pacheco Pardo tại Đại học King’s College London cho biết Mỹ và EU có khả năng sẽ huy động tài chính và chuyên môn từ các tổ chức đa phương toàn cầu và khu vực như Ngân hàng Thế giới (WB), Ngân hàng Phát triển Châu Á (ADB), Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF), Ngân hàng Tái thiết và Phát triển Châu Âu (EBRD) và Ngân hàng Đầu tư Châu Âu (EIB).

Các dự án BRI được tài trợ chủ yếu thông qua các khoản vay ngân hàng được điều tiết bởi ba ngân hàng chính sách của chính phủ Trung Quốc, các ngân hàng quốc doanh lớn và các quỹ tài sản có chủ quyền như Quỹ Con đường Tơ lụa.

Các dự án của Ngân hàng Đầu tư Cơ sở hạ tầng Châu Á (AIIB) ban đầu được tài trợ từ nguồn vốn do Bắc Kinh cung cấp, nhưng sau đó thông qua trái phiếu và đầu tư của khu vực tư nhân, và được đồng tài trợ bởi các khoản vay từ các tổ chức phát triển khác.

Gill tại IDSC lưu ý rằng Hành lang Tăng trưởng Á – Phi (AAGC), được Ấn Độ và Nhật Bản thiết lập với tính minh bạch cao hơn nhằm đối trọng với BRI của Trung Quốc, đã không diễn tiến như dự kiến.

“Nó dần mất đà do các vấn đề về triển khai và các ràng buộc chính sách trong nước,” Gill nói, đề cập đến việc tập trung vào các dự án phát triển, cơ sở hạ tầng, kết nối thể chế, việc nâng cao năng lực và hợp tác nhân dân.

Được khu vực đón nhận

Các quốc gia ở Trung, Đông Nam và Nam Á có thể sẽ chào đón BRI của phương Tây vì nhu cầu phát triển cơ sở hạ tầng của các quốc gia này “không thể được đáp ứng từ một nguồn duy nhất,” Pacheco Pardo nói, bổ sung thêm rằng “những quốc gia này cũng có thể đứng về phía Trung Quốc để chống lại liên minh do Mỹ dẫn dắt.”

Theo ADB, châu Á sẽ cần đầu tư 1,7 nghìn tỷ USD mỗi năm vào cơ sở hạ tầng cho đến năm 2030 để duy trì đà tăng trưởng, xóa đói giảm nghèo và ứng phó với biến đổi khí hậu. ADB cũng lưu ý rằng nhu cầu cơ sở hạ tầng trên khắp châu Á và Thái Bình Dương vượt xa nguồn cung.

Gill cho rằng BRI của phương Tây đang có “thiên thời” vì khoảng 20% các dự án BRI của Trung Quốc đã bị ảnh hưởng đáng kể vào năm ngoái do đại dịch và sự phản đối từ các nước Ấn Độ Dương do các dự án này có chi phí cao và thiếu tính minh bạch.

“Việc thiết lập một đối trọng với BRI của Trung Quốc có thể là một giải pháp thay thế quan trọng cho các quốc gia nhỏ có thu nhập trung bình đang có nhu cầu phát triển cơ sở hạ tầng mà không muốn dựa vào các đề xuất hợp tác của Trung Quốc,” Gill nói, cho biết thêm rằng việc tạo ra một cuộc cạnh tranh về cơ sở hạ tầng toàn cầu cũng có thể mang lại cho các nước nhỏ có thu nhập trung bình một thỏa thuận tốt hơn và một sự lựa chọn tốt hơn.

“Điều này sẽ buộc các đối thủ cạnh tranh tạo ra các thỏa thuận tốt hơn và hấp dẫn hơn,” Gill cho biết thêm, đồng thời cảnh báo rằng một số quốc gia có thể không muốn tham gia vào BRI của phương Tây nếu nó cứng nhắc tuân thủ các giá trị tự do như nhân quyền và dân chủ.

“Đây là lợi thế của Trung Quốc vì họ không yêu cầu các quốc gia phải tuân theo các tiêu chuẩn nhất định khi tiếp nhận đầu tư,” Gill lưu ý.

Rudolf, cộng sự tại Viện Các vấn đề Quốc tế và An ninh Đức, cho biết việc có một BRI thay thế có thể mang lại một phương pháp giải quyết tranh chấp chất lượng cao và mang lại sự chắc chắn hơn về mặt pháp lý.

“Đây là điểm yếu quan trọng của BRI và là một trong những vấn đề mà Trung Quốc vẫn đang tìm cách giải quyết. Phương Tây tiếp tục có lợi thế đáng kể trong lĩnh vực này,” Rudolf nói.

Tuy nhiên, Pacheco Pardo cho rằng Bắc Kinh đã củng cố cuộc chơi của mình với AIIB vì tiêu chuẩn cho các dự án do ngân hàng này tài trợ cũng giống như tiêu chuẩn được các ngân hàng phát triển khác sử dụng. Điều này, theo ông, là do sự hiện diện của các nước phương Tây, cũng như Úc và Hàn Quốc, trong AIIB.

“Vì vậy, tôi không nghĩ rằng sự hiện diện của các nước phương Tây trong cuộc chơi về cơ sở hạ tầng sẽ có nhiều tác động đến việc Trung Quốc cải thiện chất lượng đầu tư cơ sở hạ tầng của mình, bởi vì đó là việc họ phải làm,” Pacheco Pardo nói.

RELATED ARTICLES

Tin mới