Ngày 8/6 vừa qua, Thượng viện Mỹ đã thông qua một dự luật lưỡng đảng hiếm hoi nhằm chống lại ảnh hưởng ngày càng tăng của Trung Quốc. Cụ thể, các nghị sĩ đã nhất trí đầu tư hơn 200 tỷ USD vào công nghệ, khoa học và nghiên cứu của Mỹ với số phiếu là 68 phiếu thuận – 32 phiếu chống.
Dự luật vẫn cần được Hạ viện Mỹ duyệt trước khi trình tới tổng thống Biden.
Dự luật lớn
“Thế giới hiện đang cạnh tranh hơn bất kỳ lúc nào kể từ khi chiến tranh thế giới thứ hai kết thúc,” lãnh đạo phe đa số tại Thượng viện Chuck Schumer, một đảng viên Đảng Dân chủ ở New York, nói tại Thượng viện ngay trước cuộc bỏ phiếu. “Nếu chúng ta không làm gì, những ngày Mỹ có tư cách là siêu cường thế giới có thể sẽ kết thúc”.
Đạo luật này – được gọi là Đạo luật Cạnh tranh và Đổi mới của Mỹ – có mục tiêu đối đầu với ảnh hưởng của Trung Quốc trên nhiều mặt và “sẽ thúc đẩy sự đổi mới của Mỹ và duy trì lợi thế cạnh tranh của chúng ta cho các thế hệ sau”, ông Schumer nói.
“Dự luật này có thể là bước ngoặt đối với vai trò lãnh đạo của Mỹ trong thế kỷ 21, và vì lý do đó, đạo luật này sẽ trở thành một trong những thành tựu lưỡng đảng quan trọng nhất của Thượng viện Mỹ trong lịch sử hiện đại.”
Dự luật, bao gồm khoản chi tiêu trị giá 250 tỷ USD, giải quyết gần như mọi khía cạnh của mối quan hệ phức tạp và ngày càng căng thẳng giữa Washington và Bắc Kinh.
Dự luật bao gồm hàng tỷ USD tăng cường sản xuất chất bán dẫn của Mỹ, một dấu hiệu cho thấy sự cấp bách ngày càng tăng ở Washington rằng Mỹ đã trở nên phụ thuộc “một cách nguy hiểm” vào chuỗi cung ứng của Trung Quốc. Dự luật đề xuất cấm các quan chức Mỹ tham dự Thế vận hội Mùa đông Bắc Kinh 2022 vì những lo ngại về nhân quyền và tuyên bố các chính sách của Bắc Kinh ở vùng Tân Cương của Trung Quốc là “một tội ác diệt chủng”.
Khoảng 2 tỷ USD sẽ được chi tiêu để “sản xuất chip điện tử nhằm thúc đẩy lợi ích kinh tế và an ninh quốc gia, vì những con chip này rất cần thiết cho ngành công nghiệp ô tô, quân sự và các ngành công nghiệp quan trọng khác”.
Luật cũng bao gồm một loạt các điều khoản nhằm tăng cường quan hệ của Mỹ với Đài Loan và các liên minh quân sự của Mỹ ở Thái Bình Dương, bao gồm nhóm Quad – hiệp ước ngày càng được thắt chặt giữa Mỹ, Úc, Ấn Độ và Nhật Bản. Ngoài ra, còn những điều khoản khác nhằm ngăn chặn ảnh hưởng của Trung Quốc ngay tại các trường học Mỹ và trong các tổ chức quốc tế.
“Đây là cơ hội để cạnh tranh với Trung Quốc ở cấp độ nghiên cứu,” Thượng nghị sĩ Roger Wicker, một đảng viên Cộng hòa Tennessee, nói trước cuộc bỏ phiếu. “Dự luật này sẽ tăng cường sự đổi mới của đất nước chúng ta trong các lĩnh vực công nghệ quan trọng của tương lai, các lĩnh vực như trí tuệ nhân tạo, robot, điện toán lượng tử và truyền thông, và dự luật này cũng là một yếu tố làm thay đổi cuộc chơi”.
Biện pháp trừng phạt
Đạo luật cũng cho phép Mỹ áp dụng các biện pháp trừng phạt mới đối với các quan chức Trung Quốc vì một loạt cáo buộc, bao gồm tấn công mạng, trộm cắp tài sản trí tuệ và vấn đề Tân Cương. Mỹ cho rằng có tới 1 triệu người Duy Ngô Nhĩ và các nhóm thiểu số Hồi giáo khác bị giam giữ trong “trại cải tạo” trong khi phụ nữ dân tộc thiểu số bị “cưỡng bức phá thai và triệt sản cưỡng bức”.
Bắc Kinh đã nhiều lần bác bỏ các cáo buộc vi phạm nhân quyền ở Tân Cương và khẳng định rằng các trại này là cơ sở đào tạo nghề.
Dự luật vẫn cần được Hạ viện Mỹ duyệt trước khi trình tới tổng thống Biden.
Các nội dung khác của dự luật bao gồm đầu tư 10 tỷ USD trong 5 năm cho Bộ Thương mại Mỹ để tạo ra các chương trình kiến tạo trung tâm công nghệ, một phần ba trong số đó sẽ phải được đặt ở các khu vực nông thôn.
Luật cũng yêu cầu sắt, thép, các sản phẩm chế tạo và vật liệu xây dựng được sử dụng trong các dự án cơ sở hạ tầng do liên bang tài trợ phải được sản xuất tại Mỹ.
Các quan chức Nhà Trắng đã giám sát chặt chẽ và tham gia vào quá trình soạn thảo và sửa đổi dự luật mà họ đã kêu gọi các nhà lập pháp trình lên trước ông Biden.
Dự luật sẽ giúp Nhà Trắng hoàn thiện nhiều mục tiêu, đặc biệt là tìm cách tăng cường năng lực kinh tế của Mỹ khi đối mặt với một Trung Quốc đang trỗi dậy và ngày càng cạnh tranh.
Trong khi đó, Ủy ban Thương mại, Khoa học và Vận tải Thượng viện đã tranh luận và sửa đổi Đạo luật Biên giới Vô tận (Endless Frontier Act). Nhiều điều khoản mới đã được bổ sung, bao gồm một điều khoản đề cập đến việc cấm vận chuyển, bán hoặc mua vây cá mập. Ủy ban đã bổ sung Đạo luật ủy quyền của NASA vào luật, cùng với ủy quyền trị giá 10 tỷ USD cho chương trình tàu đổ bộ mặt trăng Artemis của NASA.