Tuesday, November 26, 2024
Trang chủKinh tế - Văn hóa - Xã hộiThấy gì khi doanh nghiệp Việt xin được... bình đẳng?

Thấy gì khi doanh nghiệp Việt xin được… bình đẳng?

Điều phi lý đang tồn tại trong nền kinh tế số non trẻ của Việt Nam. Dịch vụ xuyên biên giới được thả lỏng, doanh nghiệp Việt chỉ xin… bình đẳng.

Phản ứng của nhiều doanh nghiệp Việt, đặc biệt là các chủ thể liên quan tới lĩnh vực quảng cáo trước Nghị định 38/2021 Quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực văn hóa và quảng cáo không gây bất ngờ.

Miếng bánh quảng cáo trực tuyến tại Việt Nam trị giá tới 14.500 tỷ đồng/năm, chỉ tiếc rằng, hơn 2/3 trong số đó đang rơi vào túi các ông lớn OTT như Google, Facebook, YouTube… Phần dành cho báo chí điện tử, các doanh nghiệp Việt Nam mỗi năm chỉ khoảng trên dưới 4.000 tỷ đồng. Chúng ta đang thua ngay trên sân nhà.

Lý trí khách quan sẽ đưa ra câu trả lời nhanh chóng và không phải thiếu sức thuyết phục. Dù chủ động hay bị động, khi tham gia vào nền kinh tế số, chúng ta buộc phải chấp nhận cuộc cạnh tranh với các doanh nghiệp thành công ở mức độ toàn cầu. Google, Facebook, YouTube hay Netflix… là những cái tên như vậy.

Dễ thấy, khó có thể so với những nền tảng OTT như trên về lượng người dùng. Sức hấp dẫn không chỉ nằm ở những tiện ích vượt trội do nền tảng công nghệ và khả năng đầu tư thường xuyên, liên tục cung cấp ứng dụng mới. Đã vậy, thế giới ‘phẳng’ và tư duy ‘công dân toàn cầu’ gây nên sự ám ảnh khó cưỡng lại đối với giới trẻ ở bất cứ quốc gia nào và Việt Nam đương nhiên không là ngoại lệ.

Có được lượng người dùng là có bán hàng và quảng cáo. Các nền tảng OTT xuyên biên giới không chỉ tạo ra những sân chơi riêng mà còn đang thống lĩnh hai thị trường này. Trong bối cảnh như vậy, một nghị định siết chặt hơn nữa các quy định quảng cáo trên báo chí điện tử, chẳng hạn điểm b, khoản 2, điều 38, “thời gian chờ tắt hoặc mở quảng cáo không ở vùng cố định vượt quá 1,5 giây” càng gây thêm khó khăn cho doanh nghiệp nội.

Thế nhưng, lý lẽ về sự thiếu thực tế, cản trở các nhà quảng cáo, khiến họ lựa chọn các kênh khác, mà nhiều khả năng lại là các ông lớn OTT xuyên biên giới được điểm tên ở trên, tiếc thay, lại đẳng lập với giải thích từ phía cơ quan chức năng. Theo đó, “báo chí nói chung và báo điện tử nói riêng là phương tiện thông tin thiết yếu đối với đời sống xã hội, việc có các quy định riêng biệt về quảng cáo đối với loại hình báo chí là cần thiết”.

Cả bên chất vấn và người trả lời chất vấn đều quên lưu ý tới hai điểm quan trọng. Thứ nhất, quy định tại điểm b, khoản 2, điều 38 thực chất đã được đưa ra trong Nghị định 158/2013. Sau gần 10 năm, với quá nhiều sự biến chuyển của thị trường, giữ nguyên quy định đó liệu có phù hợp? Thứ hai, có hay không sự tham chiếu các chế tài tương tự ở các nước có điều kiện phát triển tương tự Việt Nam và những nước phát triển hơn? Đối thoại thẳng thắn và sòng phẳng về những điểm này, hẳn sẽ tìm ra được một phương án phù hợp.

Đáng chú ý, dựa vào những lời giải thích có trách nhiệm từ phía cơ quan chức năng, có vẻ như, đã có một sự hiểu nhầm rằng, điều mà truyền thông và các doanh nghiệp kinh doanh trong lĩnh vực quảng cáo đang mong chờ là các nền tảng OTT xuyên biên giới phải bị đối xử như thể đó là báo chí.

Chính vì thế, câu hỏi về việc tại sao các nền tảng OTT xuyên biên giới, dù được hưởng phần lớn doanh thu quảng cáo lại không bị điều chỉnh trong một nghị định về quảng cáo chưa nhận được câu trả lời xác đáng. Xem ra, đây là điều cần lưu tâm nhiều hơn, đặc biệt khi nó không phải là cá biệt.

Xin được dẫn lại câu chuyện buồn liên quan tới Nghị định 06/2016 về quản lý, cung cấp và sử dụng dịch vụ phát thanh, truyền hình. Theo thông tin từ đại diện Hiệp hội Truyền hình trả tiền, từ cuối năm 2018 tới nay, Hiệp hội đã gửi ít nhất khoảng 10 văn bản tới các cơ quan hữu trách kiến nghị sửa đổi Nghị định 06 theo hướng bổ sung nội dung quản lý về nội dung, chương trình, giấy phép đối với các nền tảng OTT xuyên biên giới.

Nói một cách công bằng, phải thừa nhận sự phản ứng rất kịp thời của Bộ Thông tin Truyền thông. Dự thảo Nghị định 06/2016 sửa đổi đã được soạn thảo từ những năm 2018, được đưa ra lấy ý kiến góp ý công khai vào năm 2019 và năm 2020.  

Trả lời chất vấn tại kỳ họp thứ 10 Quốc hội khóa XIV vào tháng 11/2020, Bộ Thông tin Truyền thông thông tin, hiện Nghị định 06/2016 đã được soạn thảo xong và đang trình xem xét.

Sự kỳ vọng và kiên nhẫn của doanh nghiệp nội, tưởng như, không có giới hạn. Thật ra, họ cũng không có lựa chọn nào khả dĩ hơn.

So găng với các nền tảng OTT xuyên biên giới là bài toán khó với doanh nghiệp Việt. Khái niệm thị trường nội địa trở nên khá mờ nhạt trong nền kinh tế số, vì thế, chuyện tận dụng thị trường nội địa không thể coi là điểm cộng cho doanh nghiệp nội. Ưu thế bản địa chỉ được tính đếm khi ưu tiên lấn sân vào thị trường Việt Nam của doanh nghiệp ngoại không được đặt lên hàng đầu, điều không xảy ra với các nền tảng xuyên biên giới. Chính sách bảo hộ các doanh nghiệp nội rất khó được đặt ra, đặc biệt với một nền kinh tế có độ mở rất lớn và phụ thuộc nhiều vào xuất khẩu như Việt Nam.

Điểm tựa duy nhất doanh nghiệp nội có thể trông chờ là các văn bản quy phạm pháp luật, nếu không ưu tiên cho ‘người nhà’ thì chí ít cũng giúp họ được đối xử bình đẳng như những doanh nghiệp ngoại. Khi điều tối thiểu này vẫn chưa được thực hiện, họ sẽ tiếp tục thua thiệt và chờ đợi.

Thiếu khuyết trong các văn bản quy phạm pháp luật liên quan tới các nền tảng OTT nói riêng và các đối tượng phát sinh trong nền kinh tế số nói chung phải được nhìn nhận như một sự thật khách quan. Bởi lẽ, cho tới tận thời điểm này, những vấn đề về cách thức vận hành, cách áp đặt các quy luật, tính chất không biên giới của kinh tế số vẫn chưa thực sự tường minh.

Chẳng hạn, ngoài mục tiêu đòi lại công bằng trong phân phối lợi nhuận nhóm doanh nghiệp toàn cầu, thỏa thuận của các nước G7 về việc áp thuế tối thiểu 15%, buộc các công ty phải trả thuế tại các nước phát sinh doanh thu còn thể hiện nỗ lực kiểm soát nền kinh tế trên mạng internet của các quốc gia phát triển.

Đối với Việt Nam, phát triển kinh tế số, chúng ta sẽ buộc phải bước trên con đường mà các nước phát triển đã đi qua. Và việc đầu tiên chúng ta cần làm là tạo ra một khuôn khổ pháp lý công bằng, bình đẳng giữa doanh nghiệp nội và doanh nghiệp ngoại trong nền kinh tế số, trong đó, ưu tiên hóa giải những thắc mắc rất chính đáng liên quan tới Nghị định 06/20216 và Nghị định 138/2021.

May thay, đây không phải là một nhiệm vụ bất khả thi. Thực tế, tại điểm b điều 2 có quy định, đối tượng áp dụng Nghị định 138/2021 là “Tổ chức, cá nhân nước ngoài có hành vi vi phạm hành chính trong lĩnh vực văn hóa và quảng cáo trên lãnh thổ Việt Nam”.

Như vậy, Nghị định 138/2021 đã manh nha vấn đề quản lý các nền tảng OTT xuyên biên giới nói chung và các nền tảng OTT xuyên biên giới nói riêng. Sự lúng túng, thiếu sót trong áp dụng các quy định xử phạt với các nền tảng OTT xuyên biên giới có thể đến từ việc chưa có quy định cụ thể về bản chất hoạt động kinh doanh của các nền tảng này.

Điều này có thể bù đắp một phần bằng Nghị định 06/2016 sửa đổi. Cụ thể, theo dự thảo, sửa đổi điểm đ, Khoản 1 Điều 4 của Nghị định 06/2016 như sau: “Dịch vụ phát thanh, truyền hình trên mạng Internet: Là loại hình dịch vụ phát thanh, truyền hình sử dụng kết nối mạng Internet thông qua tên miền của trang thông tin điện tử hoặc địa chỉ Internet xác định, gồm cả chương trình ứng dụng Internet để truyền tải đến người sử dụng dịch vụ”.

Dựa vào quy định này, có thể có những điều chỉnh tại Nghị định 138/2021 phù hợp với pháp luật, đáp ứng nhu cầu thực tiễn và kỳ vọng của doanh nghiệp. Xin hãy nhớ rằng, doanh nghiệp Việt chỉ mong được… bình đẳng.

RELATED ARTICLES

Tin mới