Saturday, January 18, 2025
Trang chủBiển nóngSự kiệnĐánh giá về chương trình tiêm chủng Covid-19 của VIỆT NAM

Đánh giá về chương trình tiêm chủng Covid-19 của VIỆT NAM

Làn sóng lây nhiễm Covid-19 lần thứ tư, bắt đầu vào cuối tháng 4, là đợt bùng dịch nghiêm trọng nhất tại Việt Nam cho đến nay.

Tổng cộng đã có 5.758 ca nhiễm tính đến trưa ngày 7/6, chiếm khoảng hai phần ba tổng số ca nhiễm tại Việt Nam từ khi dịch bệnh xuất hiện vào năm ngoái. Quan trọng hơn, nó đã lan tới các khu công nghiệp trên địa bàn tỉnh Bắc Giang và Bắc Ninh, gây gián đoạn hoạt động của nhiều nhà máy tại hai trung tâm sản xuất công nghiệp quan trọng này. Đợt bùng phát này càng cho thấy rõ hơn tầm quan trọng của chương trình tiêm chủng Covid-19 vốn đang được Việt Nam nỗ lực tăng tốc sau một khởi đầu chậm chạp đáng thất vọng.

Việt Nam bắt đầu chương trình tiêm chủng Covid-19 vào ngày 8 tháng 3 năm 2021, tập trung vào các nhân viên tuyến đầu. Tính đến ngày 5 tháng 6 năm 2021, số người được tiêm ít nhất một liều vắc xin là 1,24 triệu người, chỉ chiếm 1,3% tổng dân số. Đây là tỷ lệ thấp nhất trong số mười nước thành viên ASEAN.

Việc triển khai tiêm chủng chậm của Việt Nam có thể do ba nguyên nhân chính. Đầu tiên, việc dập dịch tương đối thành công trong năm 2020 bằng cách đóng cửa biên giới và tiến hành các biện pháp cách ly và truy vết tích cực đã tạo ra sự chủ quan, tự mãn. Trước đợt bùng dịch mới nhất, có rất ít cảm giác cấp bách trong giới chức về việc phải tích cực đẩy nhanh tiến trình tiêm chủng.

Thứ hai, bốn công ty Việt Nam hiện đang phát triển vắc xin Covid-19 nội địa. Trong số đó, vắc xin NanoCovax của Nanogen, vốn sẽ trải qua thử nghiệm giai đoạn 3 vào cuối tháng này, đang đạt được nhiều tiến triển nhất. Do đó, giới chức Việt Nam có thể đã đặt cược vào sự thành công của vắc xin nội địa, điều họ cho rằng sẽ giúp Việt Nam giảm phụ thuộc vào vắc xin nhập khẩu và nâng cao tinh thần dân tộc cũng như hình ảnh quốc tế cho Việt Nam.

Thứ ba, giống như hầu hết các nước đang phát triển khác, Việt Nam cũng phải đối mặt với tình trạng thiếu hụt nguồn cung vắc xin toàn cầu. Mặc dù Công ty Cổ phần Vắc xin Việt Nam (VNVC), một công ty tư nhân, đã đặt hàng 30 triệu liều vắc xin AstraZeneca trong năm 2020, nhưng nguồn cung từ hợp đồng này cho đến nay vẫn còn hạn chế. Việc cung cấp vắc xin cho Việt Nam thông qua chương trình COVAX cũng vậy. Việc dập dịch thành công trước đó cũng khiến Việt Nam không được các nhà sản xuất và các đối tác quốc tế ưu tiên trong việc cung cấp vắc xin.

Quy mô và ảnh hưởng nghiêm trọng của đợt bùng dịch thứ tư đã buộc chính phủ Việt Nam phải đẩy nhanh tiêm chủng như một chiến lược quan trọng, căn bản và lâu dài để vượt qua đại dịch. Những nỗ lực lớn đã được thực hiện trong một thời gian ngắn để giành được nhiều nguồn cung vắc xin nhất có thể. Thay vì để chính phủ giữ độc quyền trong việc nhập khẩu vắc xin, Việt Nam đã khuyến khích tất cả các thành phần liên quan, đặc biệt là các công ty tư nhân và các nhà đầu tư nước ngoài, giúp mua vắc xin cho cả nước. Vào ngày 5 tháng 6, một sáng kiến ​vốn ban đầu được thúc đẩy bởi Thành phố Hồ Chí Minh đã được chính phủ chính thức phát động nhằm kêu gọi công chúng và cộng đồng doanh nghiệp đóng góp 1,1 tỷ đô la Mỹ nhằm trang trải chi phí cho chương trình tiêm chủng Covid-19 của quốc gia. Sáng kiến ​​này đã thu hút được hơn 250 triệu USD cam kết đóng góp chỉ sau vài ngày.

Ở cấp độ quốc tế, Việt Nam đã hoạt động tích cực thông qua các kênh ngoại giao để đảm bảo được nhiều nguồn cung vắc xin hơn. Chẳng hạn, Hoa Kỳ đã quyết định viện trợ cho Việt Nam 500.000 liều vắc xin Covid-19. Nhật Bản cũng được cho là đang chuẩn bị viện trợ vắc xin cho Việt Nam. Mặc dù có một số do dự ban đầu do lo ngại về sự an toàn và có thể là cả các cân nhắc địa chính trị, Bộ Y tế vào ngày 4/6 đã quyết định phê duyệt vắc xin Sinopharm để sử dụng trong trường hợp khẩn cấp và có thể phê duyệt thêm vắc xin Sinovac trong những tháng tới. Các tin tức không chính thức cho biết Trung Quốc theo đó cũng đã cam kết cung cấp cho Việt Nam 500.000 liều vắc xin Sinopharm.

Nhờ những nỗ lực này, Bộ Y tế vào ngày 3/6 thông báo rằng các nhà cung cấp đã cam kết bàn giao cho Việt Nam khoảng 120 triệu liều vắc xin Covid-19 trong năm 2021, bao gồm Moderna (5 triệu liều), Sputnik V (20 triệu liều), AstraZeneca (30 triệu liều), Pfizer (31 triệu liều), và chương trình COVAX (38,9 triệu liều). Việt Nam cũng được cho là đang đàm phán với các đối tác Nga để có thể sản xuất vắc xin Sputnik V trong nước. Với việc vắc xin NanoCovax sẽ sớm đi vào thử nghiệm giai đoạn 3, Việt Nam cũng hy vọng có thể có thêm nguồn cung từ vắc xin nội địa.

Tuy nhiên, chương trình tiêm chủng của Việt Nam vẫn còn phải đối mặt với các thách thức lớn. Thứ nhất, do tình trạng thiếu hụt nguồn cung toàn cầu và sự cạnh tranh gay gắt giữa các quốc gia, các đối tác nhiều khả năng sẽ không thể cung cấp kịp thời cho Việt Nam tất cả số liều đã cam kết. Đến cuối năm 2021, nếu có 40 triệu liều được giao trên thực tế vẫn có thể được coi là một thành công lớn đối với Việt Nam. Thứ hai, dù các nhà sản xuất Việt Nam có thể đang trên đà phát triển thành công vắc xin nội địa nhưng năng lực sản xuất của họ vẫn chưa rõ ràng. Ví dụ, Nanogen, ứng cử viên hứa hẹn nhất trong việc phát triển thành công vắc xin trong nước, là một phòng thí nghiệm nghiên cứu chứ không có cơ sở sản xuất lớn, và họ sẽ phải dựa vào các đối tác khác trong việc sản xuất vắc xin.

Mặc dù việc triển khai tiêm chủng đã có được động lực mạnh mẽ hơn trong những tháng gần đây, Việt Nam vẫn còn phải vượt qua một chặng đường dài phía trước để có thể hoàn thành chương trình thành công. Trong quá trình đó, dự kiến ​​sẽ có thêm nhiều đợt lây nhiễm mới và nền kinh tế có thể tiếp tục bị ảnh hưởng. Để giảm thiểu tác động kinh tế, cần ưu tiên tiêm chủng cho các công nhân làm việc trong các nhà máy, những người đóng vai trò quan trọng trong việc giữ cho nền kinh tế quốc gia tăng trưởng nhưng phải làm việc trong điều kiện rất dễ lây lan dịch bệnh quy mô lớn. Do các đợt lây nhiễm hiện nay cũng như thời gian tới, Việt Nam có thể sẽ không đạt được mục tiêu tăng trưởng 6,5% trong năm nay. Tuy nhiên, nếu chương trình tiêm chủng được đẩy nhanh và thực hiện đúng cách, các thiệt hại kinh tế có thể được hạn chế và Việt Nam vẫn có thể trên đà đạt được tốc độ tăng trưởng khoảng 4 đến 5% trong năm nay.

RELATED ARTICLES

Tin mới