Ngày 1/6/2021, Không quân Malaysia ra thông cáo lên án việc 16 máy bay vận tải quân sự Trung Quốc áp sát không phận nước này trong ngày 31/5. Trong một tuyên bố, Tổng chỉ huy của Lực lượng không quân Hoàng gia Malaysia (RMAF) Ackbal Abdul Samad cho biết dựa trên những gì có thể quan sát được, các máy bay của không quân Trung Quốc được xác định gồm hai loại máy bay vận tải quân sự chiến lược IL-76 và Y-20.
Các máy bay này bay qua khu vực Trường Sa xuống đến khu vực bãi cạn Luconia trước khi vòng trở lại. Tuy nhiên, chúng không đáp ở thực thể có đường băng nào mà Trung Quốc chiếm đóng phi pháp ở Trường Sa. Thời gian gần đây, Trung Quốc thường triển khai số lượng lớn máy bay quân sự bay vào Vùng nhận diện phòng không Đài Loan. Tuy nhiên, đây là lần hiếm hoi một số lượng lớn máy bay quân sự Trung Quốc được phát hiện bay xuống khu vực quần đảo Trường Sa.
Theo thông cáo của phía Malaysia, các máy bay này bay theo “đội hình chiến thuật” và không trả lời khi được đài kiểm soát không lưu của Malaysia liên hệ. Vì thế, không quân Malaysia đã điều máy bay chiến đấu Hawk 208 cất cánh để nhận diện. Phía Malaysia khẳng định đây là một “vụ việc nghiêm trọng đe dọa an ninh quốc gia và an toàn hàng không”. Ngoại trưởng Malaysia Hishammuddin Hussein tuyên bố Malaysia gửi công hàm phản đối Trung Quốc, nhấn mạnh: “Lập trường của Malaysia rất rõ ràng – duy trì quan hệ ngoại giao thân thiện với tất cả các quốc gia không đồng nghĩa với việc nhượng bộ an ninh quốc gia”.
Ngày 1/6/2021, Bộ Ngoại giao Malaysia đã triệu Đại sứ Trung Quốc tại Kuala Lumpur lên án Bắc Kinh “vi phạm không phận và chủ quyền của Malaysia”; yêu cầu Trung Quốc giải thích vụ 16 máy bay quân sự xâm nhập không phận Malaysia, hoạt động trên bầu trời trong vùng đặc quyền kinh tế (EEZ) của Malaysia, khoảng 60 hải lý từ bờ biển thuộc bang Sarawak, Malaysia.
Sau nhiều tháng liên tiếp cho các máy bay chiến đấu xâm nhập vùng nhận diện phòng không của Đài Loan, uy hiếp và gây sức ép với chính quyền Đài Bắc. Giờ đây, Bắc Kinh điều động hàng chục máy bay xuống phía Nam Biển Đông, làm cho tình hình Biển Đông càng nóng thêm. Ý đồ của Trung Quốc là nhằm: (i) phô diễn sức mạnh quân sự, thể hiện sự vượt trội của không quân Trung Quốc và khả năng dùng sức mạnh không quân để củng cố các yêu sách phi pháp của Bắc Kinh ở Biển Đông; (ii) thông qua việc điều động máy bay quân sự đến gần Cụm bãi cạn Luconia ở phía nam Biển Đông mà Malaysia tuyên bố nằm trong EEZ để Bắc Kinh tiếp tục khẳng định yêu sách “đường lưỡi bò” đã bị Tòa Trọng tài vụ kiện Biển Đông ra phán quyết bác bỏ năm 2016 và nhiều nước gửi công hàm lên Liên hợp quốc phản đối; (iii) thực hiện sách lược “rung cây dọa khỉ”, thông qua việc đe dọa uy hiếp Malaysia để làm nhụt chí các bên tranh chấp khác.
Thủ đoạn của Bắc Kinh hết sức thâm độc, họ tính toán thời điểm hết sức nhạy cảm khi cho rằng Kuala Lumpur sẽ không phản ứng quyết liệt do đang phải đối mặt với những khó khăn của đại dịch Covid-19 với 8000 – 9000 ca mắc mỗi ngày và chính quyền Kuala Lumpur phải tuyên bố giới nghiêm để ngăn chặn dịch bệnh. Các nhà quan sát cho rằng Trung Quốc hoàn toàn nhận thức được những khó khăn do Covid-19 mà Malaysia đang đối mặt, hành vi của Trung Quốc cho thấy sự tranh thủ của Bắc Kinh khi nước khác gặp khó. Vụ việc này càng chứng minh cho nhận định bấy lâu nay là Bắc Kinh đang lợi dụng đại dịch Covid -19 để gia tăng các hoạt động gây hấn các nước láng giềng nhằm đẩy nhanh việc thực hiện mưu đồ độc chiếm Biển Đông.
Đây không phải là lần đầu tiên máy bay Trung Quốc bay xuống khu vực gần Malaysia. Các máy bay quân sự Trung Quốc thỉnh thoảng vẫn bay trong vùng thông báo bay Kota Kinabalu của Malaysia. Theo một số hình ảnh được đăng trên mạng xã hội, vào năm ngoái, một máy bay ném bom H-6 từng bay gần một giàn khoan Malaysia hoạt động ở trong vùng đặc quyền kinh tế của Malaysia. Khi đó, Malaysia không đưa ra phản đối. Lâu nay, Kuala Lumpur thường chơi trò “ngậm miệng ăn tiền” trên vấn đề Biển Đông, rất ít khi lên tiếng để công kích các hoạt động gây hấn, bắt nạt các nước láng giềng của Bắc Kinh khi các hoạt động của Bắc Kinh chưa động đến lợi ích sát sườn của Kuala Lumpur.
Lần này, số lượng của máy bay quân sự Trung Quốc xâm nhập vùng trời của Malaysia nhiều nhất từ trước đến nay, lên tới 16 chiếc và rõ ràng là hoạt động này của không quân Trung Quốc là nhằm vào Malaysia. Theo bản đồ do phía Malaysia cung cấp, các máy bay Trung Quốc dường như đã né tránh vùng thông báo bay (FIR) Hồ Chí Minh. Từ Chiến khu Nam bộ, các máy bay này nhiều khả năng bay qua FIR Tam Á hoặc FIR Hồng Kông rồi qua FIR Manila trước khi vào FIR Singapore và sau đó nhóm máy bay Trung Quốc bay vào vùng thông báo bay Kota Kinabalu và tiếp tục hướng thẳng vào vùng biển, vùng trời Malaysia với tốc độ khoảng 540km/h. Trước tình thế này, Malaysia buộc phải điều động máy bay chiến đấu Hawk 208 để “quan sát trực quan” các máy bay Trung Quốc.
Trên đường về, chúng dường như cũng bay từ FIR Singapore vào lại FIR Manila chứ không vào FIR Hồ Chí Minh. Đường bay của nhóm máy bay cũng cho thấy chúng dường như đã bay qua gầm cụm Sinh Tồn (nơi nhiều tàu dân quân biển của Trung Quốc đã tụ tập trong thời gian dài và đã bị Philippines, Việt Nam và nhiều nước ngoài khu vực như Mỹ, Anh, Nhật… lên tiếng chỉ trích) xuống phía Nam vòng qua hai cụm bãi cạn Luconia Bắc và Luconia Nam, đến gần bãi James trước khi vòng lên phía Bắc. Như vậy, nhóm máy bay quân sự Trung Quốc không chỉ xâm phạm vùng trời của riêng Malaysia mà còn vi phạm vùng thông báo bay (FIR) của Philippines và Singapore, song chưa thấy 2 nước này lên tiếng.
Một số chuyên gia quân sự cho rằng có thể Bắc Kinh đang thử nghiệm đường bay này nhằm làm quen với những khu vực chiến trường trên biển để tìm ra phương án “tác chiến” thuận lợi nhất cho việc triển khai những hành động leo thang mới ở phía Nam Biển Đông trong thời gian tới.
Hiểu rõ mưu đồ của Trung Quốc trong việc khống chế, kiểm soát Biển Đông, ngày 04/6, Tư lệnh Không quân Mỹ ở Thái Bình Dương, tướng Kenneth Wilsbach lên án việc Trung Quốc điều các máy bay quân sự đến gần Malaysia, nhấn mạnh hoạt động nói trên của không quân Trung Quốc, cùng với việc gia tăng xâm nhập vùng nhận diện phòng không của Đài Loan đã thêm vào danh sách những hành vi gây bất ổn và leo thang của Bắc Kinh trong khu vực.
Việc 16 máy bay quân sự của Trung Quốc xâm nhập không phận Malaysia hôm 31/5/2021 gây mối lo ngại nghiêm trọng đối với chính quyền Kuala Lumpur, bởi lịch sử cho thấy Trung Quốc có thể leo thang hơn nữa với những diễn biến tiếp theo. Động thái mới này báo hiệu khả năng phối hợp giữa không quân, hải quân và hải cảnh cũng như tàu dân quân biển của Trung Quốc trong việc gây sức ép, quấy phá các hoạt động dầu khí của Malaysia trong vùng đặc quyền kinh tế của nước này.
Malaysia thường không đưa tin công khai về các hoạt động của các tàu Trung Quốc vi phạm vùng biển của Malaysia bởi chính quyền Kuala Lumpur có sự phụ thuộc lớn vào kinh tế Trung Quốc. Tuy nhiên, vụ việc 16 máy bay quân sự xâm phạm vùng trời của Malaysia khiến Kuala Lumpur không thể kiên nhẫn thêm được nữa và đã có phản ứng mạnh mẽ nhất từ trước đến nay. Điều này thể hiện sự bất mãn cao độ của chính quyền Malaysia đối với Bắc Kinh.
Trước phản ứng mạnh mẽ của Malaysia, Đại sứ quán Trung Quốc tại Kuala Lumpur ngang nhiên nói rằng các máy bay chỉ tiến hành bay huấn luyện định kỳ và “tuân thủ nghiêm ngặt” luật pháp quốc tế mà không vi phạm không phận của các nước khác. Người phát ngôn Trung Quốc thì có ý xoa dịu rằng “Trung Quốc và Malaysia là hai nước láng giềng thân thiện, và Trung Quốc sẵn sàng tiếp tục các cuộc tham vấn hữu nghị song phương với Malaysia để cùng nhau duy trì hòa bình và ổn định trong khu vực”.
Vụ việc 16 máy bay quân sự Trung Quốc xâm nhập không phận của Malaysia không chỉ đe dọa chủ quyền, an ninh của Malaysia mà còn vi phạm nghiêm trọng các quy định của luật pháp quốc tế về hoạt động hàng không, trở thành mối nguy cơ đối với tự do và an ninh hàng không trên bầu trời Biển Đông bởi lẽ:
Một là, hành vi của máy bay Trung Quốc ảnh hưởng đến sự an toàn của không phận thương mại. Phi đội 16 máy bay quân sự Trung Quốc bay qua hai vùng FIR mà không hoạt động theo các nguyên tắc và mục tiêu được nêu trong các tiêu chuẩn quốc tế của Tổ chức Hàng không Dân dụng Quốc tế (ICAO) và các thông lệ khuyến nghị (SARP). Trung Quốc không thông báo về hành trình và mục đích của chuyến đi. Thậm chí các máy bay này còn cố tình phớt lờ các cuộc gọi của kiểm soát viên không lưu (ATC) từ FIR tương ứng. Như vậy, các máy bay quân sự Trung Quốc đã vi phạm nghiêm trọng Luật hàng không dân dụng quốc tế, trong đó có Công ước Chicago ngày 07/12/1944.
Hai là, hành động này đã phá vỡ niềm tin của các chuyến bay thương mại tại các khu vực liên quan. Vấn đề đặt ra là liệu trong tương lai Trung Quốc có tiếp tục các hành vi tương tự và vẫn phớt lờ các yêu cầu an toàn đối với không phận thương mại mà ICAO nêu lên hay không? Trước thời điểm đại dịch Covid-19 bùng phát, dữ liệu về lưu lượng bay hàng ngày do ICAO cung cấp năm 2018 cho thấy các không phận bị Trung Quốc xâm nhập trái phép mỗi ngày ghi nhận hơn 180 chuyến bay. Dù dịch bệnh đã khiến mật độ giảm nhiều, song đây vẫn là những không phận thương mại khá sôi động do kết nối nhiều thành phố lớn. Và hơn nữa tốc độ triển khai các chương trình tiêm chủng trong khu vực cũng đang giúp ngành hàng không dần khôi phục hoạt động.
Ba là, hoạt động của 16 máy bay quân sự Trung Quốc trên bầu trời Biển Đông cũng giống như hoạt động của tàu hải quân, hải cảnh và dân quân biển của Trung Quốc ở Biển Đông, gây nguy cơ leo thang căng thẳng trong khu vực. Các hành vi khiêu khích và đụng độ ở cự ly gần có nguy cơ dẫn đến các vụ va chạm ngẫu nhiên và làm bùng phát xung đột. Tự do, an toàn, an ninh hàng hải và hàng không ở Biển Đông là lợi ích chung của tất cả các nước trong và ngoài khu vực. Động thái mới của máy bay quân sự Trung Quốc ở Biển Đông cho thấy quốc gia này đang ngày càng thể hiện sự quyết đoán và hung hăng trong khu vực bất chấp sự quan tâm của cộng đồng quốc tế.
Một số nhà phân tích cho rằng, gần đây Trung Quốc đã từ chối đề nghị của Mỹ về việc áp dụng Bộ quy tắc về tránh va chạm bất ngờ trên biển (CUES) ở Biển Đông, cho thấy quốc gia này không mặn mà với những nỗ lực hạ nhiệt căng thẳng ở Biển Đông. Mưu đồ của họ là tạo dư địa cho các hoạt động của không quân, hải quân Trung Quốc để thực hiện mục tiêu khống chế, độc chiếm vùng trời, vùng biển ở Biển Đông. Các chuyên gia cũng cảnh báo nếu Malaysia và các nước ven Biển Đông không có những đối sách phù hợp, Trung Quốc sẽ tiếp tục gia tăng hoạt động của máy bay quân sự ở Biển Đông trong tương lai như họ đã làm với Đài Loan trong thời gian gần đây.
Có thể sau vụ việc bị hàng chục máy bay quân sự Trung Quốc uy hiếp lần này, chính quyền Kuala Lumpur đã nhận ra “bộ mặt thật” của Bắc Kinh và rút ra bài học để điểu chỉnh cách ứng xử với Trung Quốc trên vấn đề Biển Đông. Không phải cứ giữ im lặng là được Bắc Kinh “tha” không gây sự. Giới chức Kuala Lumpur cần nhìn vào gương chính quyền Tổng thống Duterte của Philippines để có cách hành xử đúng đắn trên vấn đề Biển Đông. Thực tế cho thấy sau 5 năm cầm quyền, mặc dù luôn “chiều lòng” Bắc Kinh, song ông Duterte không thu được những lợi ích kinh tế như mong muốn, kể cả những lời hứa của Bắc Kinh trong việc hỗ trợ Manila phòng chống đại dịch Covid-19 cũng chỉ dừng lại ở những lời hứa xuông. Trái lại, Bắc Kinh tiếp tục gia tăng các hoạt động xâm lấn trong vùng biển của Philippines. Việc Philippines tỏ thái độ mạnh mẽ khác thường trên vấn đề Biển Đông thời gian gần đây là minh chứng về sự bất mãn cao độ của chính quyền Manila trước các hành vi của Trung Quốc ở Biển Đông. Đây có thể là bài học để Kuala Lumpur tham khảo.
Cần nhận thức rõ rằng khống chế, độc chiếm Biển Đông là âm mưu xuyên suốt của những người lãnh đạo ở Bắc Kinh. Do vậy, sự im lặng trước các hành vi hung hãn của Trung Quốc không phải là giải pháp phù hợp để bảo vệ chủ quyền và lợi ích biển đảo. Dẫu ai cũng biết rằng các nước đều có lợi ích kinh tế to lớn trong hợp tác với Trung Quốc bởi đây là một thị trường lớn với 1,4 tỷ dân, đồng thời Trung Quốc lại dồi dào về tài chính, tuy nhiên, cần tách bạch vấn đề chủ quyền, an ninh quốc gia với vấn đề hợp tác kinh tế; hết sức cảnh giác trước những “miếng mồi nhử” về hợp tác kinh tế mà Bắc Kinh đưa ra để gây sức ép trên vấn đề chủ quyền biển đảo.
Một yếu tố quan trọng giúp các nước nhỏ ven Biển Đông có sức mạnh trong đối phó với sự bành trướng của Trung Quốc trên Biển Đông là sự đoàn kết. Các thành viên ASEAN, trước hết là các nước liên quan trực tiếp đến tranh chấp Biển Đông (Malaysia, Philippines, Việt Nam, Brunei) phải cùng với Indonesia, Singapore (là hai nước hải đảo có lợi ích thiết thân ở Biển Đông) thể hiện một mặt trận thống nhất và gia tăng ảnh hưởng trong vấn đề Biển Đông để duy trì “hòa bình, ổn định và an ninh” khu vực. Các thành viên ASEAN nên cảnh giác với âm mưu chia rẽ và thao túng của Bắc Kinh nhằm phá vỡ sự đoàn kết, nhất trí trong ASEAN trên vấn đề Biển Đông.
Dù tìm mọi cách bao biện và lấp liếm cho các hành vi hung hăng của mình ở Biển Đông, song mọi người đều thấy rõ chính giới cầm quyền Bắc Kinh đang làm gia tăng căng thẳng ở Biển Đông. Hành động leo thang của Trung Quốc ở Biển Đông chỉ càng đẩy các nước ven Biển Đông ngả về phía Mỹ và ủng hộ cho chiến lược Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương của nhóm “Bộ Tứ”. Do vậy, giới phân tích khuyến cáo Bắc Kinh không nên thử thách lòng kiên nhẫn của các nước nhỏ ven Biển Đông vì cho dù có coi trọng quan hệ với Trung Quốc, nhưng vấn đề chủ quyền biển đảo luôn là thiêng liêng đối với mỗi quốc gia, dân tộc, các nước sẽ quyết tâm bảo vệ quyền và lợi ích chính đáng của mình.