Bình luận của vị chuyên gia quân sự Trung Quốc không thể coi là một thông điệp hòa bình, mà là một lời đe dọa. Lời đe dọa đó chắc chắn không phải tung ra một cách ngẫu nhiên, mà nằm trong kịch bản của những nhân vật hiếu chiến trong hải quân Trung Quốc.
Tàu khu trục Nam Ninh (162) và tàu hậu cần Tra Cán Hồ (967) tham gia cuộc tập trận
Cách đây hơn mươi lăm năm về trước, Trung Quốc thể hiện tham vọng bành trướng trên đại dương của họ một cách có phần mức độ. Dẫu tham vọng đã rất lớn, nhưng thật sự, lúc đó Trung Quốc chưa đủ lực. Giương cao khẩu hiệu “cường quốc trỗi dậy hòa bình” để thiên hạ mất cảnh giác, Bắc Kinh âm thầm chuẩn bị rồi sau đó, năm 2008 gửi tàu chiến tham gia chống hải tặc ở vùng vịnh Aden, ngoài khơi Somali, châu Phi. Một quan chức Trung Quốc khi đó từng nói: “Việc gửi tàu chống hải tặc ngoài khơi Somalia cho thấy khả năng của Trung Quốc trong việc thực hiện các sứ vụ tại các vùng biển xa xôi”
Vốn nhạy cảm với những phát ngôn kiểu Trung Quốc, nhiều người hiểu, đánh tiếng về thực hiện “sứ vụ tại các vùng biển xa xôi”, tất nhiên. Nhưng bên cạnh đó, đây còn là lời cảnh báo của Bắc Kinh với các bên đang gầm ghè với Trung Quốc về vấn đề chủ quyền Biển Đông, rằng: Một khi đã làm được các “sứ vụ xa”, thì “sứ vụ gần”, như Hoa Đông và Biển Đông chẳng hạn, với Trung Quốc “chỉ là chuyện nhỏ”.
Đó là câu chuyện “sứ vụ xa” hơn chục năm trước. Tới giữa năm 2021 này, nhiều người thêm một lần nữa phải nhớ lại câu chuyện này khi biết thông tin về tàu khu trục mang tên lửa dẫn đường Type 052D tham gia tập trận trên Biển Đông. Không nêu rõ thời điểm, nhưng việc truyền thông Trung Quốc đưa tin sự kiện này dồn dập trong các ngày 13 và 14/6 vừa qua khiến nhiều người cho rằng, nó diễn ra vào khoảng đầu tháng 6 này.
Thông tin này được đưa công khai như một sự phô trương trên ấn phẩm Hoàn Cầu thuộc Nhân Dân nhật báo – cơ quan ngôn luận của Đảng Cộng sản Trung Quốc ngày 14/6 vừa qua. Và nó là thông tin đầu tiên về tàu khu trục Type 052D. Chiếc khu trục này còn có tên là chiến hạm Nam Ninh, được hạ thủy tháng 8 năm 2020 và biên chế vào lực lượng hải quân Trung Quốc đầu năm nay.
Truyền thông Trung Quốc cũng cho biết tàu khu trục Nam Ninh dường như là chiến hạm thứ ba cùng loại, được đưa vào biên chế hải quân Trung Quốc trong năm 2021, sau 2 tàu khu trục cùng loại là Tô Châu và Hoài Nam. Trước đó, hải quân Trung Quốc cũng đã đưa vào biên chế hai các tàu khu trục cỡ Type 055 thứ hai và thứ ba, lớn hơn Type 052D, cùng trong năm này, là tàu chiến Lhasa và Đại Liên.
Thời báo Hoàn cầu được cho là đã “moi” được bình luận của một chuyên gia quân sự Trung Quốc, rằng: Việc tàu khu trục Nam Ninh tham gia cuộc tập trận ở Biển Đông cho thấy tàu chiến này đang đạt được những khả năng chiến đấu với tốc độ nhanh chóng; rằng: Sau khi đạt được các khả năng tác chiến, tàu khu trục Nam Ninh có căn cứ ở Biển Đông sẽ đóng một vai trò quan trọng trong việc bảo vệ “toàn vẹn lãnh thổ, chủ quyền quốc gia và những lợi ích phát triển của Trung Quốc”.
Cho dù chỉ là bình luận của một chuyên gia quân sự, chứ không phải người có trọng trách trong quân đội, hoặc trong hải quân, nhưng dư luận không thể không quan tâm. Bình luận sự kiện này, các chuyên gia quốc tế cho rằng: Đây không thể là một thông điệp hòa bình, mà là một lời đe dọa. Và lời đe dọa đó chắc chắn không thể tung ra một cách ngẫu nhiên, mà nằm trong kịch bản của giới quân sự hiếu chiến trong quân đội Trung Quốc. Nói cách khác, nhân vụ tàu khu trục Nam Ninh bổ sung vào lực lượng hải quân và đáp ứng được khả năng tác chiến, giới quân sự Trung Quốc, không muốn xuất đầu, lộ diện để bị dư luận phê phán, đã mượn miệng một chuyên gia để cảnh báo các nước duyên hải Biển Đông lâu nay bướng bỉnh, không chịu khuất phục, luôn phản ứng, chống lại yêu sách “đường chín đoạn” chiếm tới 90% Biển Đông mà Bắc Kinh ngang ngược, đơn phương đưa ra và đòi hỏi.