Thursday, November 14, 2024
Trang chủBiển nóng“Bộ tứ kim cương” và những tác động đến vấn đề Biển...

“Bộ tứ kim cương” và những tác động đến vấn đề Biển Đông

Sau nhiều năm chỉ tổ chức các cuộc họp ở cấp quan chức cấp cao và cấp Bộ trưởng với kết quả là những tuyên bố riêng rẽ, vào ngày 12/3/2021, nhóm “Bộ tứ kim cương” (Quad) gồm bốn nước là Mỹ, Australia, Nhật Bản và Ấn Độ, lần đầu tiên đã tổ chức Hội nghị thượng đỉnh trực tuyến kéo dài hơn 2 giờ đồng hồ. Với những kết quả đạt được từ hội nghị này, dư luận cho rằng, Quad đã có bước tiến quan trọng trong tiến trình thể chế hóa nhóm bốn nước và vì thế các bước đi của Quad sẽ có những tác động tích cực đối với các vấn đề đang nổi lên ở Biển Đông hiện nay và trong tương lai. Nhận định trên xem ra là có cơ sở, xuất phát từ hai vấn đề chính sau:

Thứ nhất, nhìn từ góc độ yếu tố thúc đẩy hình thành Quad. Còn nhớ cách đây 19 năm, nghĩa là vào năm 2002, một số học giả Ấn Độ đã đưa ra ý tưởng thành lập một phiên bản “NATO châu Á” nhằm đối phó với sự “trỗi dậy” của Trung Quốc.

Người hưởng ứng tích cực nhất cho ý tưởng này khi đó chính là cựu Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe. Năm 2006, khi tranh cử chức Chủ tịch đảng Dân chủ Tự do, ông Abe kêu gọi các nước “có giá trị chung” tiến hành hợp tác an ninh. Năm 2007, bốn nước Mỹ, Nhật Bản, Australia và Ấn Độ đã tiến hành hội đàm cấp bộ trưởng về vấn đề trên, nhưng do Australia có nhiều mối quan hệ với Trung Quốc, nhất là trên lĩnh vực kinh tế, thương mại và không muốn kích động Bắc Kinh quá mức, nên Canberra đã rút khỏi cơ chế này và không tham gia các cuộc tập trận chung mang tên Malabar. Sau đó, bốn nước trên tuy vẫn ngấm ngầm hợp tác với nhau, nhưng về tổng thể, sự liên kết chỉ diễn ra ở mức bình thường.

Sau khi ông B.Obama lên làm Tổng thống Mỹ, Washington thực hiện chiến lược “tái cân bằng” sang khu vực châu Á – Thái Bình Dương và với chiến lược này, Mỹ bắt đầu hướng tới việc tạo ra sự đột phá trong quan hệ với Ấn Độ, làm cho New Delhi đóng vai trò quan trọng trong chiến lược của Mỹ ở khu vực. Đặc biệt, khi ông Narendra Modi lên cầm quyền ở Ấn Độ, quan hệ Mỹ – Ấn  ngày càng phát triển và cũng từ đó, hợp tác giữa bốn nước Mỹ, Nhật Bản, Australia và Ấn Độ có nhiều bước đi ngày càng gắn bó hơn.

Đương nhiên, sự ấm lên trong quan hệ của Quad không thể tách rời khỏi sự thay đổi của cục diện thế giới, nhất là khi ông Donald Trump lên làm Tổng thống thứ 45 của nước Mỹ và tuyên bố thực hiện chiến lược “Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương tự do và rộng mở”. Sự ra đời chiến lược này của Mỹ chủ yếu bắt nguồn từ ba yếu tố cơ bản sau:

1/ Tại khu vực, Trung Quốc đang chuyển từ nước lớn mang tính khu vực sang nước lớn mang tính toàn cầu, trong khi chiến lược “tái cân bằng” sang khu vực châu Á – Thái Bình Dương của Mỹ đã bộc lộ nhiều lạc hậu so với sự phát triển của Trung Quốc, buộc Mỹ phải có sự thay đổi. Đặc biệt thời gian gần đây, giới quan sát tuy có nhiều ý kiến khác nhau về yếu tố thúc đẩy sự ra đời của Quad, nhưng lại đều thống nhất rất cao với nhau ở một điểm, đó chính là những thách thức đến từ Bắc Kinh. Theo đó, cùng với việc nhanh chóng hiện đại hóa lực lượng quốc phòng và tăng cường hiện diện quân sự tại các vùng biển tranh chấp ở Biển Đông và biển Hoa Đông, thời gian gần đây quan hệ giữa Trung Quốc và các nước Quad ngày càng trở nên tồi tệ hơn với việc Bắc Kinh áp đặt các biện pháp trừng phạt đối với một loạt hàng hóa của Australia như lúa mạch, tôm hùm và rượu vang, sau khi các nhà lãnh đạo nước này kêu gọi một cuộc điều tra mở về nguồn gốc của đại dịch COVID-19; ngày càng có nhiều tàu và máy bay quân sự của Trung Quốc xâm nhập vào vùng biển tranh chấp ở biển Hoa Đông trong những tháng gần đây, khiến Tokyo rất lo ngại. Trong khi đó, căng thẳng giữa Trung Quốc với Ấn Độ bùng phát kể từ tháng 4/2020 đã dẫn đến cuộc đụng độ gây chết người đầu tiên trong nhiều thập kỷ tranh chấp biên giới giữa hai bên, càng làm cho Ấn Độ nhận thức sâu sắc hơn về mối đe dọa an ninh từ Trung Quốc. Dường như các thách thức chung này đã quá rõ ràng đến mức các nhà lãnh đạo thuộc Quad không cần phải né tránh gì nữa đối với Bắc Kinh. Vì thế có thể thấy, Hội nghị thượng đỉnh của nhóm Quad đang gửi đi một tín hiệu nghiêm túc và mạnh mẽ về những lo ngại của họ đối với những kế hoạch và hành động bành trướng của Trung Quốc trong khu vực, trong đó có vấn đề Biển Đông và muốn Trung Quốc phải lùi bước. Nói cách khác, muốn bao vây, kiềm chế Trung Quốc thì Mỹ phải mở rộng không gian chiến lược, tập hợp thêm lực lượng trong khu vực, trong đó quan trọng nhất là Nhật Bản, Australia và Ấn Độ.

2/ Trọng điểm của chiến lược “tái cân bằng” sang khu vực châu Á – Thái Bình Dương không chỉ là việc bao vây, kiềm chế sự “trỗi dậy” của Trung Quốc, mà còn phải lôi kéo, hướng lái các nước ASEAN phát triển theo ý đồ của Mỹ. Tuy nhiên, với sự nỗ lực của Bắc Kinh trong những năm qua, quan hệ giữa Trung Quốc với các nước ASEAN, nhất là trên lĩnh vực kinh tế ngày càng mật thiết, khiến cho chiến lược “tái cân bằng” sang khu vực châu Á – Thái Bình Dương không còn hiệu quả, điều đó dẫn tới việc buộc Mỹ phải thay đổi và nhanh chóng tìm kiếm chiến lược mới, trong đó vấn đề liên minh với các nước lớn trong khu vực là một nội dung trọng điểm.

3/ Mỹ muốn dựa vào sự cân bằng ở Ấn Độ Dương và Thái Bình Dương để giảm bớt gánh nặng chiến lược trên toàn cầu. Không thể phủ nhận một thực tế là, Mỹ luôn coi Trung Quốc là “đối thủ thách thức lớn nhất”, nhưng bố cục chiến lược mang tính toàn cầu của Mỹ dưới thời B.Obama đã làm trì hoãn tiến độ xoay trục sang khu vực châu Á – Thái Bình Dương. Vì vậy, muốn đọ sức với một Trung Quốc đang “trỗi dậy” ngày càng mạnh mẽ, Mỹ phải có một mô hình đồng minh mới trong khu vực này.

Trong ba yếu tố thúc đẩy ra sự đời chiến lược mới của Mỹ và cũng là lý do để hình thành Quad nói trên, thì quan trọng nhất chính là sự “trỗi dậy” của Trung Quốc, yếu tố này không chỉ đe dọa trực tiếp lợi ích của Mỹ, mà nó còn đe dọa tới lợi ích của ba nước còn lại là Nhật Bản, Australia và Ấn Độ. Đến nay, nhìn một cách tổng thể, dù chưa phải là một khối liên minh thực sự, nhưng mức độ hợp tác của Quad liên tục tăng, có lĩnh vực mang dáng dấp “bán đồng minh”.

Thứ hai, nếu như lý do chủ yếu và quan trọng nhất là yếu tố Trung Quốc để bốn nước hình thành Quad như đã nói trên, thì lý do tiếp theo khiến cho hoạt động của Quad sẽ có những tác động tích cực đối với vấn đề Biển Đông chính là từ những kết quả và sự thành công của Hội nghị thượng đỉnh diễn ra hôm 12/3/2021. Khác hẳn với các cuộc họp trước đây, lần đầu tiên Hội nghị nhóm họp với sự tham gia của quan chức cấp cao nhất các nước (Tổng thống Mỹ Joe Biden, Thủ tướng Nhật Yoshihide Suga, Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi và Thủ tướng Úc Scott Morrison); lần đầu tiên Quad ra Tuyên bố chung đề cập trực tiếp đến vấn đề Biển Đông, UNCLOS 1982, an ninh biển… Có thể khẳng định, hội nghị này là sự kiện đánh dấu bước tiến quan trọng trong tiến trình thể chế hóa từng bước hoạt động của Quad, nghĩa là: Về chính trị – an ninh, từ một cơ chế đối thoại lỏng lẻo, chưa đồng nhất cách gọi chính thức, không có bất kỳ chương trình hợp tác chung và không có tuyên bố chung nào, cơ chế này đã phát triển và từng bước thể chế hóa, theo đó: (1) Có sự tham gia của cấp nguyên thủ; (2) Có tuyên bố chung; (3) Có hợp tác chung về quân sự (tập trận chung Malabar); (4) Có chương trình nghị sự làm việc rõ ràng hơn khi thảo luận các vấn đề cụ thể về an ninh, kinh tế, phòng chống đại dịch COVID 19; (5) Sau hội nghị, nguyên thủ bốn nước thống nhất sẽ tổ chức các cuộc họp thượng đỉnh thường niên trong tương lai, trước mắt là cuối năm 2021. Về kinh tế, trong tất cả những tuyên bố, phát biểu sau các hội nghị Quad từ năm 2020 đến nay, một trong những nội dung được đề cập xuyên suốt là “hợp tác tăng cường sự linh hoạt chuỗi cung ứng toàn cầu”. Mặc dù chưa có một cơ chế, chương trình cụ thể cho hợp tác chung về kinh tế, nhưng các thành viên đều có những dự án, chương trình và sáng kiến song phương, tam phương hoặc hợp tác, hỗ trợ cho quốc gia ngoài nhóm, chủ yếu là với các quốc gia Đông Nam Á và châu Phi về phát triển kinh tế và cơ sở hạ tầng. Những hoạt động này một mặt làm sâu sắc thêm mối quan hệ hợp tác giữa các thành viên, củng cố nội nhóm, mặt khác làm cơ sở để bốn quốc gia thành viên tiến tới thiết lập những chương trình, dự án hợp tác chung của Quad. Đáng chú ý, hợp tác về phòng chống, sản xuất vaccine đối phó với đại dịch COVID-19 là một trong bốn nội dung xuyên suốt trong các tuyên bố, đặc biệt là Tuyên bố chung của Hội nghị thượng đỉnh Quad năm 2021. Sau Hội nghị này, Bộ Ngoại giao Nhật Bản đã lên kế hoạch hợp tác cụ thể về đóng góp tài chính, hợp tác nghiên cứu, phát triển và sản xuất vaccine. Kế hoạch này của Quad rất đáng quan tâm, bởi vì theo nhiều nguồn tin, vaccine phòng chống COVID-19 đang là “con bài” để Bắc Kinh lôi kéo, gây sức ép với các nước trong và ngoài khu vực theo ý đồ của họ.

Theo ông Kurt Campbell – Điều phối viên phụ trách Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương của Hội đồng An ninh quốc gia Mỹ, Quad không phải là một nhóm hình thức, nếu các nước khác muốn phối hợp, cánh cửa của Quad sẽ mở rộng. Điều này có nghĩa là, trong tương lai sẽ có nhiều nước cùng tham gia với các hoạt động của Quad. Thực tế hiện nay cho thấy, so với các quốc gia Đông Nam Á thì các nước thành viên của Liên minh châu Âu (EU) như Pháp, Anh có động lực và khả năng hợp tác với Quad nhiều hơn cả và có thể hình thành quan hệ hợp tác mở rộng. Với Pháp, đây là quốc gia có vùng đặc quyền kinh tế lớn thứ 2 thế giới sau Mỹ ở khu vực Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương với 11 triệu km2 cùng 1,6 triệu công dân. Về năng lực, Pháp là một trong những quốc gia EU có sức mạnh hải quân hùng mạnh nhất. Trong EU, Pháp là nước đầu tiên khởi xướng chiến lược Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương (2018). Bên cạnh đó, sự can dự thực tế của Pháp vào khu vực này diễn ra từ những năm 1990 với việc tham gia hợp tác quân sự, tập trận. Quá trình này tiếp tục được đẩy mạnh khi Pháp tham gia các hội nghị khu vực; tăng cường đối thoại ba bên với các thành viên Quad (Pháp – Ấn Độ – Australia; Ấn Độ – Pháp – Nhật Bản); cùng tập trận, điều tàu tuần tra đến Biển Đông; cùng với Anh, Đức ra tuyên bố chung phản đối yêu sách và các hành động phi pháp của Trung Quốc ở Biển Đông vào tháng 8/2019 và tháng 9/2020; cùng tập trận song phương, đa phương với các thành viên của Quad. Đối với Anh, đây là đồng minh thân cận của Mỹ, đồng thời đang có nhu cầu khẳng định lại ảnh hưởng, tạo vị thế mới sau khi rời khỏi EU. Giống như Pháp, thực tế Anh đã có những can dự từ trước đó với khu vực, như duy trì các căn cứ quân sự tại Brunei, đối thoại thường niên 2+2 (ngoại giao và quốc phòng) với Nhật Bản, thành viên nhóm Ngũ nhãn…. Gần đây, có nhiều dấu hiệu cho thấy Anh đang hướng đến một tập hợp lực lượng những quốc gia cùng chí hướng (like minded). Thủ tướng Anh Boris Johnson đang thúc đẩy hình thành nhóm D10 (G7 và thêm 3 thành viên được mời tham dự là Australia, Hàn Quốc và Ấn Độ). Nếu hình thành, cơ chế này sẽ bao gồm toàn bộ các thành viên Quad. Ngoài ra, Anh cũng chủ động hơn trong tiếp cận khu vực Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương, như đưa ra đánh giá tổng hợp về chính sách an ninh, quốc phòng, phát triển và ngoại giao với tiêu đề “Nước Anh trong thời đại cạnh tranh”, trong đó xác định Ấn Độ Dương -Thái Bình Dương là khu vực có vị trí vô cùng quan trọng đối với an ninh, kinh tế và tham vọng toàn cầu của Anh; điều tàu đến khu vực để thực hiện tự do hàng hải, gần đây là đưa tàu sân bay vào khu vực Biển Đông; cùng Pháp, Đức ra tuyên bố chung phản đối yêu sách và hành động phi pháp của Trung Quốc ở Biển Đông và mong muốn tham gia Hiệp định đối tác kinh tế xuyên Thái Bình Dương (CPTPP).

Như vậy, việc Quad nâng cấp thể chế lên mức cao nhất là tất yếu, và điều này chủ yếu xuất phát từ những thách thức đến từ Trung Quốc. Sự ra đời cũng như những việc làm mà Quad đã, đang và sẽ hướng tới trong tương lai chắc chắn sẽ có những tác động tích cực đối với vấn đề Biển Đông trên một số khía cạnh chính sau:

Một là, năm 2020 đã được ghi đậm dấu ấn bởi “cuộc chiến công hàm” rầm rộ nhất về Biển Đông tại cơ quan quyền lực cao nhất của thế giới là Liên hợp quốc. Ngoài công hàm của một số nước Đông Nam Á có tranh chấp với Trung Quốc ở Biển Đông, nhiều nước lớn bên ngoài khu vực như Mỹ, Anh, Pháp, Đức, Australia và gần đây nhất là Nhật Bản (đầu năm 2021) đều lên tiếng bác bỏ yêu sách về chủ quyền phi lý của Trung Quốc ở Biển Đông tại Liên hợp quốc. Việc thể hiện rõ hơn lập trường pháp lý trong vấn đề Biển Đông sẽ là nền tảng cho những phát ngôn và hành động cụ thể của các quốc gia có liên quan đến Biển Đông. Xu hướng này sẽ tiếp tục được duy trì nếu như Bắc Kinh tiếp tục có các hành động gây hấn ở vùng biển này. Gần đây nhất, trong tuyên bố đưa ra sau cuộc đối thoại 2+2 (ngoại giao và quốc phòng) trực tuyến diễn ra hôm 09/6/2021, Bộ trưởng Ngoại giao và Quốc phòng của Australia và Nhật Bản đã nhắc lại “những quan ngại sâu sắc về tình hình Biển Đông”, đồng thời tái khẳng định “sự phản đối mạnh mẽ của Nhật Bản và Australia đối với những nỗ lực đơn phương của Trung Quốc nhằm thay đổi hiện trạng tại vùng biển này”. Tiếp đó, ngày 10/6/2021, Ngoại trưởng Đức và người đồng cấp của Australia đã ký Tuyên bố Đối tác chiến lược Tăng cường nhằm thúc đẩy hơn nữa quan hệ giữa hai nước, trong đó nêu bật vai trò trung tâm của UNCLOS 1982 và khẳng định phán quyết của Tòa Trọng tài năm 2016 là quyết định cuối cùng, có tính ràng buộc đối với tất cả các bên.

Sau Hội nghị cấp cao trực tuyến của Quad, nhiều chuyên gia cho rằng, cùng với tiến trình thể chế hóa, Quad không chỉ thể hiện rõ ràng và mạnh mẽ hơn nữa lập trường pháp lý tại Biển Đông, mà còn có thể có các hành động khác mang tính thực tế hơn nếu Trung Quốc không chịu lùi bước.

Hai là, các nước thành viên Quad tiếp tục tăng cường hiện diện ở Biển Đông nhằm đảm bảo tự do hàng hải, hàng không và trật tự dựa trên luật pháp quốc tế. Năm 2020 cũng là năm “cao trào” của các hoạt động can dự thực sự của các nước thuộc nhóm Quad trong vấn đề Biển Đông. Mỹ đã triển khai 39 cuộc tập huấn cùng đồng minh và đối tác tại khu vực (trong nhiệm kỳ của Chính quyền D.Trump, Mỹ đã thực hiện 28 cuộc FONOP, gấp 7 lần Chính quyền B. Obama trước đây). Tháng 4/2020, lần đầu tiên Australia tập trận quân sự với Mỹ ở Biển Đông. Tháng 5/2019, lần đầu tiên Mỹ, Nhật Bản, Ấn Độ và Philippines tập trận chung trên Biển Đông. Đây cũng là lần đầu tiên Ấn Độ tham gia diễn tập đa phương với Mỹ và đồng minh ở khu vực bên ngoài các cuộc diễn tập trong khuôn khổ ADMM+. Việc Australia (đặc biệt là Ấn Độ) tham gia tập trận song phương hoặc đa phương với Mỹ ở Biển Đông là bước đi mới và quan trọng, cho thấy các nước trong Quad tự tin, quyết đoán hơn khi hiện diện trực tiếp ở Biển Đông để đối phó với các hoạt động của Trung Quốc.

Ba là, các nước thành viên Quad sẽ tăng cường hợp tác nâng cao năng lực biển cho các nước trong khu vực Biển Đông. Đây là nội dung mà các thành viên Quad đã, đang và sẽ tiếp tục duy trì, nhất là với Việt Nam, Philippines và Indonesia. Các lĩnh vực chủ yếu bao gồm: (1) Tín dụng ưu đãi quốc phòng, huấn luyện quân nhân cả về phần cứng và phần mềm, bảo trì và sửa chữa vũ khí (Ấn Độ); (2) Hỗ trợ cung cấp trang thiết bị như tàu tuần tra, chấp pháp biển (Nhật Bản, Mỹ); (3) Hỗ trợ học bổng đào tạo nguồn nhân lực về luật biển, sĩ quan (Australia, Ấn Độ); (4) Thăm viếng hải quân, thao diễn, hợp tác chống cướp biển, khủng bố, cứu hộ cứu nạn, xử lý sự cố tràn dầu (Ấn Độ, Nhật Bản, Australia); (5) Đối thoại chiến lược biển song phương (Ấn Độ, Australia, Nhật Bản), kinh tế biển xanh và quản lý vùng bờ (Ấn Độ, Nhật Bản, Australia); (6) Hợp tác thăm dò và khai thác dầu khí (Ấn Độ, Nhật Bản, Australia); (7) Phát triển cơ sở hạ tầng cảng biển (Ấn Độ).

Bốn là, sự phát triển và hành động của Quad có thể sẽ trở thành “sức ép” buộc Trung Quốc phải có sự điều chỉnh chương trình nghị sự trọng điểm phù hợp hơn với khu vực. Ví dụ, Bắc Kinh có thể cải thiện hành vi trong sáng kiến “Vành đai và con đường” (BRI) ở khu vực Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương, xóa bỏ hoài nghi đây là công cụ “bẫy nợ” của Trung Quốc thông qua một số việc làm như giảm mức độ khai thác kinh tế và tìm kiếm lợi ích chính trị; đưa ra mức lãi suất thấp về các khoản cho vay; loại bỏ các điều kiện mang tính cưỡng ép về chính trị, đồng thời tăng lợi ích cho quốc gia nhận đầu tư; cải tổ lại các hành vi đầu tư và đàm phán lại hợp đồng với một số nước… Tuy nhiên, cũng có ý kiến cho rằng, sự phát triển của Quad sẽ khiến Trung Quốc lo ngại và có các hành động mang tính răn đe và quyết đoán hơn đối với khu vực.

Xét cho cùng, sự ra đời, và nhất là việc Quad lần đầu tiên tổ chức Hội nghị thượng đỉnh cho thấy, Quad không chỉ nâng tầm mối quan hệ liên minh giữa các cường quốc hàng đầu thế giới sau nhiều năm mờ nhạt, mà còn khẳng định quyết tâm của các nước trước cam kết vì một khu vực Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương tự do, rộng mở và bao trùm, phát triển lành mạnh, được duy trì bởi các “giá trị dân chủ” và không bị kiềm chế bởi sự ép buộc. Đúng như ông Kurt Campbell đã nói:“Trong những năm qua, quốc gia gây ra nhiều vấn đề nhất cho Trung Quốc không phải là Mỹ, mà chính là Trung Quốc. Các chính sách như “ngoại giao chiến lang”, “quân sự hóa” Biển Đông đang khiến cả thế giới phản ứng dữ dội với Bắc Kinh. Việc Mỹ và các đồng minh ngày càng liên kết và mạnh tay hơn với Trung Quốc là tất yếu và chỉ là một phần của phản ứng đó”.

RELATED ARTICLES

Tin mới