Thursday, January 9, 2025
Trang chủKinh tế - Văn hóa - Xã hộiLập đoàn kiểm tra nhập khẩu gạo giá rẻ từ Ấn Độ

Lập đoàn kiểm tra nhập khẩu gạo giá rẻ từ Ấn Độ

Bộ Công thương yêu cầu các doanh nghiệp phối hợp, cung cấp kịp thời, đầy đủ, chính xác giấy tờ, tài liệu, thông tin theo yêu cầu của Đoàn kiểm tra.

Bộ Công thương cho biết, ngày 24/6, Bộ đã ban hành Quyết định về việc thành lập Đoàn kiểm tra tình hình thi hành pháp luật về hoạt động xuất nhập khẩu gạo.

Theo Danh sách Đoàn kiểm tra, ông Phan Văn Chinh – Cục trưởng Cục Xuất nhập khẩu – Bộ Công thương được giao trách nhiệm là Trưởng đoàn. Các thành viên còn lại trong Đoàn gồm: 01 đại diện Vụ Pháp chế (Bộ Công Thương); 01 đại diện Hiệp hội Lương thực Việt Nam và 02 người thuộc Phòng Xuất nhập khẩu hàng nông, lâm, thủy sản (Cục Xuất nhập khẩu – Bộ Công thương).

Đoàn kiểm tra có nhiệm vụ làm việc với các đơn vị có liên quan về tình hình xuất nhập khẩu gạo hàng hóa phục vụ công tác quản lý, điều hành xuất nhập khẩu gạo theo Nghị định số 107/2018/NĐ-CP ngày 15 tháng 8 năm 2018 của Chính phủ, Nghị định số 69/2018/NĐ-CP ngày 15 tháng 5 năm 2018 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều của Luật Quản lý ngoại thương.

Các doanh nghiệp thuộc đối tượng kiểm tra phối hợp, cung cấp kịp thời, đầy đủ, chính xác các giấy tờ, tài liệu, thông tin theo yêu cầu của Đoàn kiểm tra và chịu trách nhiệm trước pháp luật về tính chính xác của những thông tin, tài liệu đã cung cấp cho Đoàn kiểm tra. Trong đó, bao gồm các thông tin về tình hình nhập khẩu, kinh doanh, tiêu thụ, tồn kho gạo từ Ấn Độ của doanh nghiệp.

Trước đó, ngày 22/6, Cục Xuất nhập khẩu đã có Công văn gửi các công ty nhập khẩu gạo từ Ấn Độ. Theo đó, để phục vụ công tác quản lý nhà nước đối với hoạt động kinh doanh xuất khẩu gạo chống gian lận xuất xứ, bảo vệ thương hiệu gạo Việt Nam, Cục Xuất nhập khẩu đã yêu cầu các công ty nhập khẩu gạo từ Ấn Độ phối hợp cung cấp các thông tin về tình hình nhập khẩu, kinh doanh, tiêu thụ, tồn kho gạo Ấn Độ của công ty và gửi báo cáo về Bộ Công thương (đầu mối là Cục Xuất nhập khẩu) trước ngày 29/6/2021.

Theo phản ánh, thời gian qua có tình trạng một số doanh nghiệp Việt Nam mua gạo Ấn Độ về đấu trộn với gạo Việt Nam để giảm giá nhằm thắng thầu.

Trao đổi với Đất Việt, PGS.TS Dương Văn Chín, nguyên Phó Viện trưởng Viện Lúa ĐBSCL cho biết, sở dĩ gạo Ấn Độ rẻ hơn gạo Việt Nam là do gạo trắng hạt dài của Ấn Độ là loại gạo có chất lượng thuộc phân cấp thấp, tỷ lệ amylose cao, cứng cơm.

Bên cạnh đó, chính phủ Ấn Độ có chính sách trợ cấp phân bón cho nông dân để khuyến khích họ sản xuất nên giá thành hạ.

“Hiện chính phủ Ấn Độ muốn bỏ trợ cấp này vì nó đi ngược với quy định của Tổ chức Thương mại quốc tế (WTO), nhưng thực hiện không được vì bị các hội đoàn nông dân phản đối và các đảng phái chính trị không muốn mất phiếu ủng hộ. Chính vì thế, Ấn Độ rất chần chừ trong việc thay đổi chính sách này và việc trợ cấp vẫn tiếp diễn”, ông Chín cho biết.

Việc một số doanh nghiệp Việt Nam mua gạo Ấn Độ về đấu trộn với gạo Việt Nam để thắng thầu, theo ông Chín, là hành động không thể chấp nhận được, làm mất uy tín của gạo trắng hạt dài Việt Nam. Việt Nam phấn đấu nâng cao chất lượng, nâng cao giá bán gạo trắng hạt dài lên ngang ngửa với Mỹ chứ không phải đấu trộn làm mất uy tín để giảm giá .

Sai lầm hơn, theo ông Chín, có doanh nghiệp còn in bao bì bằng tiếng Việt và yêu cầu công ty đóng bao bì theo yêu cầu của nhà nhập khẩu Việt Nam, sau đó xuất về Việt Nam, công ty Việt Nam chỉ việc xuất thẳng sang các nước với danh nghĩa là gạo Việt Nam và lấy lời. Việc này vi phạm luật về xuất xứ vì gạo đó không phải trồng trên đất nước Việt Nam và ông đề nghị cơ quan chức năng cần có hành động kịp thời, phù hợp để bảo vệ nền nông nghiệp Việt Nam.

“Không nên theo xu hướng giảm giá để thắng thầu và doanh nghiệp không nên làm việc có hại cho ngành lúa gạo Việt Nam, có hại cho nông dân trồng lúa Việt Nam. Việt Nam cần rõ ràng với cả đối tác: chúng ta sản xuất theo cơ chế thị trường, không có chuyện trợ cấp phân bón cho nông dân, gạo trắng hạt dài của Việt Nam ngon cơm. Nước nào muốn mua gạo giá rẻ, cứng cơm thì sang Ấn Độ, Pakistan để mua, còn Việt Nam cứ giữ hiện trạng giá hiện nay, không nên phá giá”, PGS.TS Dương Văn Chín bày tỏ quan điểm.

RELATED ARTICLES

Tin mới