Thursday, January 9, 2025
Trang chủBiển ĐôngPháp luật biểnTQ sửa đổi quan điểm về nhiều sự kiện lịch sử, đưa...

TQ sửa đổi quan điểm về nhiều sự kiện lịch sử, đưa thêm hai sự kiện liên quan Việt Nam

Nhân dịp kỷ niệm 100 năm thành lập Đảng Cộng sản Trung Quốc, Tân Hoa xã đã phát hành “Đại sự ký 100 năm ĐCSTQ (7/1921 – 6/2021)” với nhiều sửa đổi quan trọng về các sự kiện lớn ở Trung Quốc.

Toàn văn “Đại sự ký 100 năm Đảng Cộng sản Trung Quốc (7/1921 – 6/2021)” do Viện Nghiên cứu Văn kiện và Lịch sử Đảng Trung ương Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) biên soạn dài hơn 90.000 từ. Ba đoạn đầu là phần giới thiệu, mô tả bối cảnh thành lập ĐCSTQ, sau đó ghi lại các sự kiện lịch sử qua từng năm. Biên niên Đại sự ký Lịch sử ĐCSTQ bắt đầu từ tháng 7/1921 và kết thúc bằng việc khai trương Phòng triển lãm Lịch sử ĐCSTQ vào tháng 6/2021. Đại sự ký 100 năm Đảng Cộng sản Trung Quốc” được trình bày theo bố cục “viễn lược cận tường” (xa thì khái quát, gần thì chi tiết). Riêng 9 năm dưới thời lãnh đạo của ông Tập Cận Bình (2012-2021) dài hơn 30.000 từ, chiếm khoảng một phần ba toàn bộ tài liệu biên niên sử này.

ĐCSTQ luôn có truyền thống nhấn mạnh đến lịch sử. Năm 2011, nhân kỷ niệm 90 năm Ngày thành lập Đảng Cộng sản Trung Quốc, Văn phòng Nghiên cứu Lịch sử Đảng của Ban Chấp hành Trung ương ĐCSTQ cũng đã biên soạn Biên niên Đại sự ký lịch sử Đảng Cộng sản Trung Quốc (7/1921 – 6/2011). So sánh hai biên niên sử nhân kỷ niệm 100 năm và 90 năm thành lập, không khó để nhận thấy trong 4 sự kiện được cho là nhạy cảm của lịch sử Đảng CS Trung Quốc, gồm: Phong trào chống phái Hữu, Đại nhảy vọt, Cách mạng Văn hóa và Sự kiện Thiên An Môn (ngày 4/6/1989), Biên niên sử năm 2021 đã có sự sửa đổi đáng kể về 3 sự kiện Phong trào chống phái Hữu, Đại nhảy vọt và Cách mạng Văn hóa, nhưng xác định tính chất của Sự kiện Thiên An Môn thì vẫn giữ nguyên.

Phong trào chống phái Hữu

Biên niên Đại sự ký phiên bản 2011 ghi về Phong trào chống phái Hữu như sau: “Ngày 27 tháng 4 năm 1957, Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Trung Quốc ban hành ‘Chỉ thị về phong trào Chỉnh Phong’. Nội dung chính là chống chủ nghĩa quan liêu, bè phái và chủ nghĩa chủ quan, và triển khai toàn diện phong trào Chỉnh Phong, chủ đề là giải quyết những mâu thuẫn trong nội bộ nhân dân. Cán bộ trong, ngoài đảng và quần chúng đã đưa ra nhiều phê bình và kiến nghị hữu ích về công tác của đảng, chính quyền và tác phong của đảng viên, cán bộ. Ngày 8/6, do một số rất ít phần tử cực hữu trong quá trình Chỉnh Phong đã nhân cơ hội phát động một cuộc tấn công chống hệ thống chế độ Xã hội chủ nghĩa vừa ra đời. Ủy ban Trung ương Đảng Cộng sản Trung Quốc đã ban hành ‘Chỉ thị về tổ chức các lực lượng chuẩn bị chống lại các cuộc tấn công của các phần tử phái Hữu’. Phong trào Chỉnh Phong chuyển hướng sang đấu tranh chống phái Hữu và cơ bản kết thúc vào mùa Hè năm 1958. Việc phản kích lại cuộc tiến công của phái Hữu là đúng đắn và cần thiết. Tuy nhiên, cuộc đấu tranh chống phái Hữu đã được mở rộng nghiêm trọng, một bộ phận trí thức, nhân sĩ yêu nước và cán bộ đảng viên bị quy sai thành phần tử phái hữu, gây nên hậu quả bất hạnh”.

Phiên bản 2021 của Biên niên sử đã xóa bỏ đoạn mô tả “những cán bộ trong, ngoài đảng và quần chúng đã đưa ra nhiều phê bình và kiến nghị hữu ích về công tác của đảng, chính quyền và tác phong của đảng viên, cán bộ”, và “một bộ phận trí thức, nhân sĩ yêu nước và cán bộ đảng viên bị quy sai thành phần tử phái hữu, gây nên hậu quả bất hạnh”.

Cuộc Đại nhảy vọt

Biên niên Đại sự ký bản năm 2011 viết về cuộc Đại nhảy vọt: “Từ ngày 5 đến 23 tháng 5 năm 1958, Hội nghị Trung ương lần thứ 2, Đại hội đại biểu toàn quốc khóa VIII của Đảng Cộng sản Trung Quốc đã được tổ chức, chính thức thông qua Đường lối chung là ‘Dốc hết sức mình, vươn lên hàng đầu, xây dựng Chủ nghĩa Xã hội nhanh, nhiều, tốt, rẻ’. Sau hội nghị, phong trào Đại nhảy vọt đã được phát động trên cả nước.

Từ ngày 2/8 đến ngày 16/8/1959, Phiên họp toàn thể lần thứ 8 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Trung Quốc khóa VIII đã được tổ chức tại Lư Sơn, thông qua nghị quyết về ‘Đấu tranh bảo vệ đường lối chung của Đảng và chống chủ nghĩa cơ hội Hữu khuynh và nghị quyết về Bành Đức Hoài và những người khác. Sau cuộc họp, toàn đảng đã sai lầm phát động cuộc đấu tranh ‘chống Hữu khuynh’ và tiếp tục ‘nhảy vọt’ một cách mù quáng. Từ năm 1959 đến năm 1961, do những sai lầm của ‘Đại nhảy vọt’ và ‘Chống cánh Hữu’, cộng với thiên tai và chính phủ Liên Xô xé bỏ hợp đồng, nền kinh tế quốc dân đất nước ta gặp khó khăn nghiêm trọng, đất nước và nhân dân bị thiệt hại nặng nề”.

Biên niên Đại sự ký phiên bản mới năm 2021 đã xóa bỏ đoạn mô tả “Sau cuộc họp, toàn đảng đã sai lầm phát động cuộc đấu tranh ‘chống Hữu khuynh’ và tiếp tục ‘nhảy vọt’ một cách mù quáng. Từ năm 1959 đến năm 1961, do những sai lầm của ‘Đại nhảy vọt’ và ‘Chống cánh Hữu’, cộng với thiên tai và chính phủ Liên Xô xé bỏ hợp đồng, nền kinh tế quốc dân đất nước ta gặp khó khăn nghiêm trọng, đất nước và nhân dân bị thiệt hại nặng nề”

Năm 1959, Biên niên sự kiện bản 2021 ghi thêm một số sự kiện không được ghi lại trong phiên bản năm 2011 như: các thành tựu “phát hiện mỏ dầu Đại Khánh”, “Tinh thần Đại Khánh, Tinh thần Người Sắt” và “Công nghiệp học Đại Khánh”, xây dựng Mỏ dầu Ngọc Môn, Mỏ dầu Thắng Lợi, Mỏ dầu Đại Cảng và Nhà máy sản xuất máy kéo Số 1 đi vào sản xuất.

Cuộc Cách mạng Văn hóa

Về Cách mạng Văn hóa, phiên bản Biên niên Đại sự ký 2011 viết: “Từ ngày 4 đến ngày 26 tháng 5 năm 1966, Bộ Chính trị Ủy ban Trung ương Đảng Cộng sản Trung Quốc đã triệu tập cuộc họp mở rộng và thông qua ‘Thông tri của Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Trung Quốc’ (gọi tắt là ‘Thông tri ngày 16 tháng 5’) được xây dựng dưới sự chủ trì của Mao Trạch Đông. Từ ngày 1 đến ngày 12 tháng 8 cùng năm, Hội nghị toàn thể lần thứ 11 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Trung Quốc khóa VIII đã được tổ chức và ra ‘Quyết định của Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Trung Quốc về cuộc Đại cách mạng Văn hóa vô sản’ và cải tổ cơ cấu lãnh đạo của Trung ương. Việc triệu tập hai cuộc họp này là một dấu hiệu của việc phát động toàn diện ‘Đại Cách mạng Văn hóa’. Sau 10 năm cuộc ‘Cách mạng Văn hóa’, đã khiến đảng, đất nước và nhân dân phải gánh chịu những thất bại và tổn thất nghiêm trọng nhất kể từ khi thành lập nước Trung Quốc mới”.

Phiên bản mới của Biên niên sự kiện lịch sử 2021 đã xóa đoạn “Thông tri ngày 16 tháng 5 được xây dựng dưới sự chủ trì của Mao Trạch Đông”, và đoạn “Sau 10 năm cuộc Cách mạng Văn hóa, đã khiến đảng, đất nước và nhân dân phải gánh chịu những thất bại và tổn thất nghiêm trọng nhất kể từ khi thành lập nước Trung Quốc mới”.

Phiên bản Biên niên Đại sự ký 2011 ghi lại rằng: “Vào ngày 6 tháng 10 năm 1976, Bộ Chính trị Ủy ban Trung ương ĐCSTQ thực hiện ý nguyện của đảng và nhân dân, đã thực hiện các biện pháp quyết liệt ra tay đập tan Bè lũ 4 tên. Sau khi tin tức được công bố, hàng trăm triệu quần chúng trên cả nước đã hết lòng ủng hộ và tổ chức các cuộc diễu hành ăn mừng hoành tráng. Cuộc Cách mạng Văn hóa kéo dài 10 năm đã kết thúc”.

Phiên bản mới Biên niên Đại sự ký 2021 đã xóa bỏ đoạn “Sau khi tin tức được công bố, hàng trăm triệu quần chúng trên cả nước đã hết lòng ủng hộ và tổ chức các cuộc diễu hành ăn mừng hoành tráng”. Ngoài ra, phiên bản 2021 cũng đã xóa đoạn viết: “Cuối năm 1976, Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Trung Quốc đã phát hành tài liệu về chứng cứ phạm tội của Bè lũ 4 tên cho toàn đảng toàn dân và cả nước phát động một phong trào quần chúng để vạch trần và phê phán Bè lũ 4 tên”.

Phiên bản Biên niên sự kiện 2011 ghi lại rằng “Hội nghị toàn thể lần thứ 6 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Trung Quốc khóa XI được tổ chức từ ngày 27 đến ngày 29 tháng 6 năm 1981, đã thông qua ‘Nghị quyết về một số vấn đề lịch sử của Đảng kể từ khi thành lập của nước Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa’, tổng kết khoa học về lịch sử 32 năm kể từ khi thành lập nước Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa, đưa ra kết luận đúng đắn về một loạt vấn đề lịch sử chính, triệt để phủ định cuộc Đại Cách mạng Văn hóa; đồng thời thực sự cầu thị đánh giá địa vị lịch sử của Mao Trạch Đông, phân tích đầy đủ về ý nghĩa vĩ đại của Tư tưởng Mao Trạch Đông với tư cách là tư tưởng chỉ đạo của Đảng. Việc thông qua ‘Nghị quyết’ đánh dấu sự hoàn thành nhiệm vụ của đảng trong việc giải quyết sự hỗn loạn trong tư tưởng chỉ đạo”.

Về đoạn này trong nội dung Hội nghị toàn thể lần thứ 6 Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Trung Quốc khóa XI, phiên bản mới Biên niên sự kiện 2021 đã sửa câu ghi: “Nghị quyết về một số vấn đề lịch sử của Đảng kể từ khi thành lập của nước Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa, tổng kết khoa học về lịch sử 32 năm kể từ khi thành lập nước Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa, đưa ra kết luận đúng đắn về một loạt vấn đề lịch sử chính, triệt để phủ định cuộc Đại Cách mạng Văn hóa” được sửa đổi thành “tổng kết đúng đắn về những sự kiện lịch sử trọng đại của đảng trong 32 năm kể từ ngày thành lập nước Trung Quốc mới, đặc biệt là Cách mạng Văn hóa”, và xóa bỏ đoạn nói “triệt để phủ định Cách mạng Văn hóa”.

Ngoài ra, phiên bản Biên niên Đại sự ký 2021 còn ghi lại nhiều thành tựu đã đạt được trong thời kỳ Cách mạng Văn hóa trên các lĩnh vực kinh tế, khoa học kỹ thuật quốc phòng. Ví dụ, năm 1966, Trung Quốc đã thực hiện thành công vụ phóng tên lửa đất đối đất đầu tiên mang đầu đạn hạt nhân; năm 1969, Trung Quốc thực hiện thành công vụ thử hạt nhân dưới lòng đất đầu tiên và tuyến tàu điện ngầm đô thị đầu tiên của Trung Quốc ở Bắc Kinh đã hoàn thành và thông xe; năm 1970, Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Trung Quốc phê duyệt xây dựng Dự án Đập thủy điện Cát Châu Ba trên sông Dương Tử; năm 1971 tàu khu trục mang tên lửa dẫn đường đầu tiên do Trung Quốc phát triển đã chính thức được đưa vào biên chế chiến đấu của quân đội. Tất cả những điều này không được ghi trong phiên bản Đại sự ký năm 2011.

Sự kiện ngày 4 tháng 6 (Sự kiện Thiên An Môn)

Về Biến cố ngày 4 tháng 6 năm 1989 (còn gọi là Sự kiện Thiên An Môn), bản Biên niên sự kiện năm 2011 ghi: “Vào dịp giao nhau giữa mùa Xuân và mùa Hè năm 1989, một cơn phong ba chính trị đã xảy ra ở Bắc Kinh và một số thành phố khác. Đảng và chính phủ dựa vào nhân dân, có lập trường rõ ràng chống lại hỗn loạn, dập tắt cuộc bạo loạn phản cách mạng ở Bắc Kinh và bảo vệ chính quyền nhà nước xã hội chủ nghĩa, bảo vệ lợi ích cơ bản của nhân dân và đảm bảo công cuộc cải cách, mở cửa và hiện đại hóa tiếp tục tiến lên”. Văn bản của Biên niên sự kiện 2021 đã sao chép nguyên văn đoạn này mà không có bất kỳ thay đổi nào, việc xác định tính chất của Sự kiện ngày 4 tháng 6 không thay đổi.

Đưa thêm các sự kiện liên quan đến Việt Nam

Đáng chú ý, trong “Đại sự ký 100 năm Đảng Cộng sản Trung Quốc (7/1921 – 6/2021)” đã bổ sung thêm các sự kiện liên quan trong quan hệ giữa Trung Quốc và Việt Nam mà trong phiên bản “Đại sự ký lịch sử Đảng Cộng sản Trung Quốc (7/1921 – 6/2011)” không có. Đó là sự kiện Trung Quốc huy động 60 vạn quân tiến hành cuộc chiến tranh xâm lược 6 tỉnh Biên giới phía Bắc nước ta (17/2/1979) và Trung Quốc dùng vũ lực tiến công chiếm giữ, sát hại một số cán bộ chiến sĩ Hải quân của ta ở bãi đá Gạc Ma trong quần đảo Trường Sa thuộc chủ quyền Việt Nam (14/3/1988).

Cụ thể, trong phần Đại sự ký năm 1979 có ghi: “2月17日-3月16日 中国边防部队实施对越自卫反击战” (Từ ngày 17/2 đến 16/3: lực lượng bảo vệ biên giới Trung Quốc thực thi cuộc Chiến tranh Phản kích tự vệ chống Việt Nam”.

Trong phần Đại sự ký năm 1988 có ghi: “3月14日 人民解放军海军进行南沙群岛自卫还击作战” (Ngày 14/3, Hải quân Quân giải phóng nhân dân đã tiến hành tác chiến đánh trả tự vệ ở quần đảo Nam Sa (tên Trung Quốc tự đặt cho quần đảo Trường Sa thuộc chủ quyền Việt Nam).

RELATED ARTICLES

Tin mới