Thursday, January 9, 2025
Trang chủKinh tế - Văn hóa - Xã hộiKhách sạn phá sản hàng loạt

Khách sạn phá sản hàng loạt

Sau thời gian dài giảm giá “sập sàn”, lần lượt rao bán cắt lỗ… hệ thống khách sạn, cơ sở lưu trú tại khắp các địa phương đã kiệt sức, lần lượt “dừng cuộc chơi”.

Đóng cửa hàng ngàn khách sạn

Sáng chủ nhật (27/6), Thanh Son, cô chủ 27 tuổi của hệ thống homestay “Color Dalat” tại Đà Lạt, buồn bã chia sẻ trên trang Facebook cá nhân thông tin UBND tỉnh Lâm Đồng ban hành quyết định tiếp tục tăng cường triển khai thực hiện một số biện pháp phòng, chống dịch bệnh Covid-19, kèm theo chú thích: “Thôi xong, chính thức tiêu!”. Tốt nghiệp đại học tại TP. HCM, có sẵn mảnh đất của gia đình, cô gái trẻ vay một phần vốn của bố mẹ, một phần vay ngân hàng để xây dựng 7 căn homestay nhỏ nhắn, trang trí theo phong cách trẻ trung tươi sáng, hướng tới đối tượng khách trẻ đam mê chụp ảnh, check-in. Gần 2 năm sau khi “Color Dalat” đi vào hoạt động, Thanh Son đã tích cóp, thu về đủ số tiền trả khoản vay ngân hàng. Son kể năm 2018, Color Dalat bắt đầu hoạt động ổn định.

“Thế nhưng bắt đầu từ năm ngoái, dịch bệnh bùng phát khiến tình trạng kinh doanh rất bấp bênh, khách trồi sụt liên tục. Khi các địa phương khác có dịch thì Đà Lạt, đặc biệt là các khu homestay nhỏ, lập tức bị ảnh hưởng. Từ đầu năm đến nay thì coi như “đứt” hẳn. Mình vẫn cố không đóng cửa vì đây là nghề của mình, thậm chí “muối mặt” về vay tiền thêm của bố mẹ để bù lỗ nhưng giờ cũng không chịu nổi nữa rồi. Mình mới quyết định treo bảng ngưng hoạt động ngay sau khi có chỉ thị mới của tỉnh. Vừa thất nghiệp, vừa thêm khoản nợ lớn, nghĩ mà chán!”, cô gái trẻ thở dài.

Khách sạn tại Đà Lạt “chỉ sống thêm 1 tuần nữa”?

Ông Nguyễn Viết Vân, Giám đốc Sở VH-TT-DL Lâm Đồng, cho biết do ảnh hưởng dịch Covid-19, tính đến nay đã có 978 khách sạn và 7 khu du lịch ở TP. Đà Lạt dừng hoạt động. Hiện tại ở TP. Đà Lạt chỉ còn một số khách sạn tầm trung và các khách sạn cao cấp trong Khu du lịch Hồ Tuyền Lâm còn hoạt động, chủ yếu đón khách gia đình đến lưu trú từ 1 tuần – 10 ngày. Tất cả khách đều được kiểm tra khai báo y tế phòng dịch Covid-19 đầy đủ. Nhiều khu du lịch phải cho nhân viên tạm nghỉ việc hoặc giảm lương.

Từ đầu năm đến nay, TP. Đà Lạt đón được 1,9 triệu lượt khách (cao điểm dịp nghỉ lễ 30/4 và 1/5) nhưng đến thời điểm này, các khách sạn, cơ sở lưu trú còn hoạt động chỉ đạt công suất 6-7%, trong đó có những đoàn khách từ TP. HCM đến Đà Lạt từ cuối tháng 5 nhưng vẫn lưu lại vì dịch Covid-19 bùng phát ở TP. HCM. Nếu dịch Covid-19 kéo dài và diễn biến phức tạp, dự báo khoảng 1 tuần nữa, tất cả các khách sạn, cơ sở lưu trú ở TP. Đà Lạt phải đóng cửa hoàn toàn.     

Theo thông tin mới nhất từ Sở VH-TT-DL Lâm Đồng, đến nay đã có gần 1.000 khách sạn, 7 khu du lịch ở TP.Đà Lạt tạm dừng hoạt động, nhất là các khách sạn quy mô lớn. Không chỉ Đà Lạt, tại TP.HCM, một trong những “hub” du lịch lớn nhất cả nước, dịch bệnh đã khiến hơn 50% cơ sở lưu trú hạng 3 sao hoặc tương đương tạm ngưng hoạt động. Các cơ sở lưu trú hạng 4 sao và 5 sao hoạt động cầm chừng với doanh thu lưu trú giảm 70% so với năm 2019. Trong đó, doanh thu từ hoạt động lưu trú của khách sạn 5 sao giảm hơn 80%, của khách sạn 4 sao giảm hơn 70% và các khách sạn 3 sao giảm hơn 80%. Lượng du khách giảm mạnh, rất nhiều đơn vị đã cắt giảm nhân sự hoặc đóng cửa, hoặc tạm ngưng hoạt động để hạn chế chi phí tối đa.

Tương tự, hình ảnh các khách sạn 3 – 4 sao cửa đóng then cài xuất hiện khắp các quận tại TP.Đà Nẵng. Từ gần 1.000 cơ sở lưu trú, thành phố của những cây cầu chỉ còn lại khoảng 400 cơ sở lưu trú du lịch còn cầm cự do còn khách ở dài hạn và phục vụ khách đi công tác. Thế nhưng, với số lượng 90 – 100% đoàn khách du lịch trong tháng 5 và tháng 6 đã hủy tour, số khách sạn, nhà nghỉ còn hoạt động được dự báo sẽ tiếp tục giảm mạnh trong thời gian tới.

Bán tháo cũng không xong

Từ giữa năm 2020 đến nay, làn sóng bán tháo khách sạn để cắt lỗ liên tục diễn ra và vẫn chưa có dấu hiệu ngưng. Từ Hà Nội, TP.HCM đến Nha Trang, Đà Nẵng, Quảng Ninh… ban đầu là khách sạn nhỏ, sau đó tới các khách sạn “có sao” rồi đến cả khách sạn 4 – 5 sao cũng lần lượt được rao bán. Thế nhưng, bán tháo cũng không đơn giản.

Cửa Lò, Sầm Sơn không có khách lưu trú

Đang trong thời điểm du lịch biển nhưng những ngày này, TX.Cửa Lò (Nghệ An) vắng “như chùa Bà Đanh”. Năm nay, Cửa Lò có thêm 5 khách sạn mới đưa vào khai trương, nâng số khách sạn, nhà nghỉ lên 304 với hơn 14.000 phòng. Tuy nhiên, do dịch Covid-19 nên toàn bộ khách sạn, nhà nghỉ gần như đang phải đóng cửa bỏ không vì không có khách.

Ông Hoàng Văn Phúc, Phó chủ tịch UBND TX.Cửa Lò, cho biết dù hoạt động tắm biển vẫn chưa bị cấm, nhưng do các nhà hàng phải dừng hoạt động để phòng, chống dịch nên khách không đến. Ngoài các chủ khách sạn, nhà hàng thất thu, điêu đứng, hàng ngàn người khác hoạt động trong lĩnh vực dịch vụ du lịch cũngmất việc.

Tình hình kinh doanh khách sạn tại TP biển Sầm Sơn (Thanh Hóa) cũng đang lâm vào tình trạng tương tự. Bà Đàm Thị Thái, Trưởng phòng VH-TT TP.Sầm Sơn (Thanh Hóa), cho biết: “Thời gian cho mùa du lịch biển năm nay đã gần kết thúc, nhưng gần như 690 cơ sở lưu trú trên địa bàn TP đều phải đóng cửa do không có du khách”.

Các khu du lịch biển khác trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa như Hải Tiến, Hải Hòa… cũng rơi vào tình cảnh không có khách. Hầu hết khách sạn, nhà nghỉ cho đến các nhà hàng đều “đói” khách dù thời tiết năm nay nắng nóng kéo dài, nước biển trong, rất thuận lợi cho du lịch biển phát triển.

Anh Trần Tú (Hà Nội) đang sở hữu một khách sạn 5 tầng, 17 phòng, mặt tiền 9 m tại phố Trần Duy Hưng cho biết cách đây khoảng 9 tháng, anh rao bán khách sạn này với giá 17 tỷ đồng. Qua môi giới, anh Tú nhận được lời hỏi thăm của một vài mối nhưng không đi đến thỏa thuận vì hầu hết đều thương lượng trả giá thấp hơn nhiều với lý do dịch bệnh, khách sạn kinh doanh khó khăn, không đảm bảo doanh thu. Một phần nghĩ tình hình kiểm soát dịch của VN khả quan, du lịch sẽ sớm hồi phục, anh Tú vẫn cố duy trì. “Chần chừ một chút mà thành sai lầm lớn. Gần 1 năm rồi kinh doanh bết bát, giờ không có ai hỏi thăm ngó ngàng gì. Không bán được, tôi tính sang nhượng, giá thuê giảm còn 30 triệu/tháng cũng chẳng ai quan tâm nên giờ đang phải rao thanh lý từng cái TV, cái tủ lạnh, điều hòa. Đổi nghề thôi chứ đu không nổi nữa”, anh Tú giãi bày.

Chuyên gia kinh tế Đỗ Hòa dự báo tình trạng ế ẩm của các cơ sở lưu trú, đặc biệt là khách sạn cao cấp sẽ còn kéo dài ít nhất 1 – 2 năm nữa. Dịch bệnh vẫn còn diễn biến phức tạp, ngành du lịch ban đầu dự báo còn “đóng băng” đến hết 2021 mới có thể dần vực dậy, nhưng tình hình này có thể còn kéo dài hơn. Các khách sạn sau thời gian ngưng hoạt động bị xuống cấp, hư hỏng, giờ cũng không còn đủ tiềm lực để quay trở lại. Mặt khác, đối tượng khách du lịch chọn ở khách sạn 4 – 5 sao thường là khách quốc tế, có điều kiện kinh tế hoặc người lớn tuổi, những người rất thận trọng, đặt tiêu chí an toàn lên hàng đầu nên phải đến khi dịch bệnh thực sự được kiểm soát, họ mới trở lại đi du lịch. Hiện nay, kể cả khi hộ chiếu vắc xin, du lịch quốc tế đang rục rịch được mở lại thì lượng khách cũng rất nhỏ giọt, không thể đủ sức cáng đáng chi phí hoạt động quá lớn của một khách sạn 4 – 5 sao.

“Thực tế các khách sạn hạng sang mới đang chịu khó khăn lớn nhất. Một số khách sạn chọn tạm ngưng hoạt động để cắt giảm tối đa chi phí, cố cầm cự qua dịch; một số vẫn duy trì hoạt động không có nghĩa tiềm lực lớn còn chịu được mà có thể do doanh nghiệp đang rất cần dòng tiền. Tình hình kinh doanh dịch vụ khách sạn sắp tới có thể sẽ còn xấu đi, khả năng sẽ có cuộc phá sản hàng loạt đối với ngành lưu trú, du lịch”, ông Hòa cảnh báo.

RELATED ARTICLES

Tin mới