Việt Nam được đánh giá là một trong những quốc gia có nhiều tiềm năng, lợi thế để xây dựng và phát triển kinh tế biển. Với 3.260km bờ biển trải dài từ Bắc đến nam và hơn 3.000 hòn đảo lớn nhỏ.
Nhiều thập kỷ qua, con người đã khai thác nhiều thế mạnh ở bờ biển. Để đánh thức tiềm năng kinh tế biển thì lần biển là một giải pháp hiệu quả để bảo vệ bờ biển, chủ động ứng phó với biến đổi khí hậu, xây dựng khu đô thị mở rộng không gian sống, du lịch khu kinh tế biển sầm uất.
Thời gian qua, Việt Nam đã phê duyệt một số dự án lấn biển tiêu biểu như: Khu lấn biển thành phố Rạch Giá (Kiên Giang) rộng 420ha; Khu công nghiệp Nam Đình Vũ (Hải Phòng) rộng 1.329ha; Khu đô thị du lịch Hùng Thắng (Quảng Ninh) rộng 224ha; Khu đô thị Đa Phước (Đà Nẵng) rộng 210ha…những dự án lấn biển này nhanh chóng trở thành điểm nhấn thu hút các nhà đầu tư và phát triển thương mại, du lịch.
Giới chuyên gia cho rằng: Chiến lược phát triển kinh tế biển Việt Nam từ nay đến 2030, việc mở rộng không gian ra biển và đại dương là tất yếu. Không chỉ các dự án sát biển, mà cần hướng đến các dự án cách xa bờ như kè biển, đê biển, bồi lấp đầm vũng, kết nối các đảo…
Để phát triển thành những khu dân cư, khu đô thị, và có thêm đất để đảm bảo công tác quốc phòng, an ninh tại các khu vực cách xa đất liền.
Nhưng, lấn biển nói thì dễ nhưng làm thì tất phức tạp, bởi hành động này sẽ tác động tiêu cực đến hệ sinh thái ven biển, chôn vùi đáy biển và gây biến đổi dòng chảy, việc lấn ra biển tạo nên mớ lộn xộn các công trình dưới mặt nước. Nó gây nên sự hỗn độn cho các sinh vật biển và môi trường sống, phá hủy các rặng đá san hô vốn là nguồn thức ăn cho cá và là kết cấu bảo vệ vùng ven biển khỏi tác động của sóng, và làm mất ổn định nhiều hệ sinh thái quý giá ven biển.
Việc xây dựng trên lớp trầm tích được nạo vét cũng có những rủi ro cho con người ở vì lớp này không ổn định như lớp đá trên đất liền. Các báo cáo cho biết quần đảo Palm Jumeirah ở Dubai đang lún xuống. Nền đất lấn là một rủi ro ở vùng hay có động đất. Sự rung động kéo dài có thể làm cho các lớp đất đắp đã đầm chặt của vùng đất lấn bị hóa lỏng. Đó đã là nhân tố đáng kể góp phần vào việc phá hủy của lần động đất lớn ở San Francisco năm 1906.
Tại Việt Nam một số dự án lấn biển bị các doanh nghiệp xây cát ứ, gây cản trở sinh hoạt, sản xuất của người dân, gây bức xúc trong dư luận, chưa kể một số khu vực lấn biển xâm phạm đến khu bảo tồn thiên nhiên, đất thuộc Bộ quốc phòng.
Thời gian qua, khai thác tiềm năng kinh tế biển chưa mang lại hiệu quả như mong đợi gây bức xúc dư luận trong thời gian qua. Hiện nay, quy định của pháp luật về lấn biển chỉ dừng lại ở quy định, khuyến khích, chưa có quy định, pháp lý cụ thể. Vì vậy, dự thảo Nghị định quy định hoạt động lấn biển do Bộ Tài nguyên và Môi trường xây dựng nhận được sự quan tâm đặc biệt của dư luận với kỳ vọng tạo ra khuôn khổ pháp lý đồng bộ và toàn diện để điều chỉnh hoạt động lấn biển, giảm thiểu những tác động tiêu cực đối với môi trường. Lãnh đạo Bộ Tài nguyên và Môi trường cho biết: Nghị định quy định rõ khu vực lấn biển là khu vực biển không thuộc khu bảo tồn, khu tránh trú bão, cảng biển, luồng hàng hải và các khu vực được quy hoạch, sử dụng vào mục đích an ninh, quốc phòng. Khu vực này được xác định cụ thể vị trí địa lý, diện tích, ranh giới, tọa độ trên nền bản đồ địa hình đáy biển. Đặc biệt, các dự án lấn biển chỉ được cấp phép khi phù hợp với kế hoạch, phương án lấn biển được cấp có thẩm quyền phê duyệt và qua đánh giá, thẩm định chặt chẽ tác động môi trường, bảo đảm hạn chế tối đa tác động xấu đến môi trường sinh thái cũng như cộng đồng dân cư ven biển.
Điểm mới của dự thảo nghị định được dư luận đồng tình, ủng hộ cao là những dự án lấn biển phải bố trí một quỹ đất nhất định bên bờ biển giao cho địa phương quản lý để xây dựng công trình công cộng, đảm bảo nhu cầu sinh hoạt của người dân.
Trên khắp thế giới, khi các thành phố trở nên chật chội phương án tiến ra biển đã được thông qua. Nhiều kế hoạch xây dựng những đảo lớn và công trình vĩ đại ở các vùng bờ biển với nét đặc trưng là nạo vét và san lấp với hàng triệu tấn vật liệu. Nếu tiếp tục lấn biển như vậy thì trong tương lai liệu nó có ảnh hưởng gì đến cuộc sống ở đại dương và hệ sinh thái không?.