Saturday, July 27, 2024
Trang chủGóc nhìn mớiÔng Ngụy Phượng Hoàng bị sờ gáy

Ông Ngụy Phượng Hoàng bị sờ gáy

Trong thời đại dịch Covid-19 hoành hành khắp thế giới, các cuộc họp trực tuyến giữa lãnh đạo các quốc gia trở nên hiệu quả, an toàn, tiết kiệm, mà vẫn nói thẳng được với nhau những vấn đề nhạy cảm, dễ gây ra những “vết thương” ngoại giao. Mới đây cuộc họp trực tuyến giữa nữ Bộ trưởng Quốc phòng Đức với người đồng cấp của Trung Quốc là một cuộc họp như vậy.

Những tưởng nhà ngoại giao nữ xinh đẹp sẽ nói những điều êm tai, nhưng không,  Bộ trưởng Quốc phòng Đức Annegret Kramp-Karrenbauer đã khiến Bộ trưởng Quốc phòng Trung Quốc Ngụy Phượng Hoàng tái mặt. Bà này bỗng nhiên nhắc tới chuyện Trung Quốc 5 năm qua đã ngó lơ phán quyết của Tòa thường trực trọng tài Liên hợp quốc về việc Tòa xử thắng kiện cho Philippines. Thông tin này được Hãng tin Reuters hôm 6/7 loan báo, dẫn theo thông cáo từ Bộ Quốc phòng Đức.

Chúng tôi xin lưu ý, bà Annegret Kramp-Karrenbauer được cho là người có vị trí xuất phát thuận lợi để có thể tranh đua vào chiếc ghế Thủ tướng Đức sắp tới, sau khi bà Angela Merkel kết thúc nhiệm kỳ và rút lui khỏi chính trường.

Khi ông Tướng ba sao đứng đầu đội quân súng ống của Trung Quốc còn chưa kịp phản ứng gì thì Tướng không sao Đức nói sát xàn xạt. Rằng, dù là thắng kiện hay thua kiện thì các bên vẫn phải tuyệt đối tuân thủ Phán quyết của Tòa án quốc tế. Bởi đây là công lý, bảo vệ cho bên kiện là Philippines về tuyên bố chủ quyền “Đường lưỡi bò” vô lối của Trung Quốc “liếm” gần hết Biển Đông.

Trong khi đó đáng lẽ ra bà Bộ trưởng Quốc phòng Đức phải thông báo về việc một tàu hộ vệ của Đức sẽ đi vào khu vực Biển Đông trong tháng 8 tới. Đó là điều Bắc Kinh và ông Ngụy Phượng Hoàng chờ đợi.

Theo các nguồn tin, hành trình của khinh hạm này trên đường về sẽ đi ngang Biển Đông. Kể từ năm 2002, đây là lần đầu một tàu chiến Đức xuất hiện ở Biển Đông. Tàu này sẽ không đi qua khu vực 12 hải lý (tính từ các thực thể tranh chấp ở Biển Đông).

Thông tin về chuyến tàu “nhiều nghi vấn” này lập tức được Washington ca ngợi. Ngược lại, Trung Quốc lên tiếng cảnh báo. Rằng Đức cần phải nghiêm chỉnh chấp hành luật pháp quốc tế trên biển, cụ thể là Công ước quốc tế về luật biển (UNCLOC) năm 1982. Cụ thể là, phát ngôn viên của Bộ Ngoại giao Trung Quốc Vương Văn Bân lưu ý: Mọi quốc gia đều có quyền tự do đi lại trên biển và bay qua không phận ở Biển Đông. Có điều, không nên coi đó là cái cớ để đe dọa chủ quyền, an ninh quốc gia của các nước ven biển.

Không hiểu ông Vương ám chỉ ai đe dọa ai?

Những người quan tâm đến tình hình Biển Đông đều biết rõ rằng, năm 2021 Đức chỉ là một trong số nhiều nước Châu Âu đưa tàu chiến tới Biển Đông. Vào tháng 3, tàu hộ vệ trinh sát Prairial của Pháp đã có “chuyến thăm” cảng Cam Ranh của Việt Nam, trong sự lặng im khó hiểu của truyền thông Việt Nam.

Ông Nicolas Warnery – đại sứ Pháp tại Việt Nam- chỉ nói chung chung: Chuyến thăm ở cảng Cam Ranh là sự kiện rất quan trọng của Pháp tại Việt Nam trong năm nay. Đây cũng là tín hiệu ủng hộ tự do hàng hải và hàng không của Pháp ở Biển Đông, cũng như khu vực Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương. Trước khi tàu Prairial đến Cam Ranh, Pháp cũng đã điều tàu đổ bộ Tonnere và tàu hộ tống Surcouf  thực hiện nhiệm vụ  trong ba tháng ở khu vực Thái Bình Dương, tham gia tập trận với Mỹ và Nhật Bản.

Một quốc gia khác là Anh cũng không quên để mắt đến Biển Đông. Bộ Quốc phòng Anh cho hay, tàu sân bay HMS Queen Elizabeth của hải quân nước này đã tới Đông Nam Á trong khoảng thời gian từ tháng 4 tới tháng 6.  

Trước đó, hồi tháng 1/2021, khu trục hạm Winnipeg của Canada cũng đi qua eo biển Đài Loan. Con tàu xuất hiện như một tín hiệu truyền đi: “Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương là một khu vực tự do – rộng mở”.

Như vậy, không chỉ có Mỹ đưa tàu bè, máy bay xuất hiện thường xuyên ở khu vực Biển Đông nhằm tuần tra bảo vệ an ninh hàng hải, mà hàng loạt “ông lớn” ở châu Âu cũng góp mặt ở khu vực nóng bỏng này. Và lời nhắc nhở “khiếm nhã” của nữ Bộ trưởng Quốc phòng Đức về phán quyết của Tòa trọng tài quốc tế được đưa ra trong bối cảnh một số nước châu Âu bỗng nhiên tràn ra “Biển Nam Trung Hoa”.

Âu đó cũng là một lời bác bỏ mạnh mẽ cái “đường 9 đoạn” mà Trung Quốc vẽ ra, tự nhận Biển Đông là của nước này từ thời thượng cổ (!). Thư hỏi, nếu đó là “ao nhà” của Trung Quốc thì liệu Đức, Anh, Pháp, Canada có dám đưa lưới vào vét cá không?

RELATED ARTICLES

Tin mới