Theo Hãng tin Reuters, hôm 12/7, quân đội Trung Quốc tuyên bố, họ đã “xua đuổi” một tàu chiến Mỹ “xâm nhập trái phép” vào vùng biển gần quần đảo Tây Sa (Hoàng Sa của Việt Nam) trên Biển Đông.
Cái lý do mà Bộ Tư lệnh Chiến khu nam bộ, thuộc Quân đội Trung Quốc, nêu ra nghe không lọt tai cho lắm, nên sau đó đã bị phía Mỹ phản bác. Các ngài ở Bộ Tư lệnh Chiến khu phán rằng: Tàu USS Benfold của Mỹ đã liều lĩnh đi vào vùng biển thuộc chủ quyền của nước này, mà không có sự chấp thuận họ, phá hoại sự ổn định Biển Đông.
Đáp lại, Hải quân Mỹ trong tuyên bố ngay sau đó nêu rõ: Tàu Benfold khẳng định các quyền và tự do hàng hải trong vùng lân cận của quần đảo Hoàng Sa hoàn toàn phù hợp luật pháp quốc tế. Ấy là chưa kể, trong các tuyên bố của Hà Nội, Hoàng Sa hoàn toàn là thuộc về Việt Nam, đã bị Bắc Kinh xua quân chiếm đóng từ năm 1974.
Sự kiện nóng này chỉ là một minh chứng cho sự nhất quán trong chính sách đối ngoại của Mỹ, đặc biệt là thái độ của Washington đối với Bắc Kinh là bất di bất dịch. Mới đây, hôm 11/7, Chính quyền Tổng thống Mỹ Joe Biden đã một lần nữa khẳng định lập trường của cựu Tổng thống Donald Trump, bác bỏ hầu hết các yêu sách hàng hải phi lý của Trung Quốc tại Biển Đông.
Washington tuyên bố cứng rắn: Bất kỳ cuộc tấn công nào nhằm vào Philippines ở Biển Đông sẽ là ngòi nổ cho những phản ứng của Mỹ, bởi hai nước là đồng minh, đã xây dựng Hiệp ước phòng thủ chung giữa Mỹ và Philippines.
Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken tái khẳng định điều này vào lúc Philippines kỷ niệm 5 năm ngày Tòa trọng tài quốc tế ra Phán quyết về vấn đề biển Đông (12/7/2016 – 12/7/2021). Nội dung cơ bản của Phán quyết là, bác bỏ hoàn toàn các yêu sách về quyền lịch sử của Trung Quốc tại Biển Đông. Mặc dù, Trung Quốc vẫn tuyên bố không chấp nhận Phán quyết và tiếp tục đẩy tới các hoạt động quân sự hóa, gây mất an ninh, trật tự trên biển.
Tháng 7 năm ngoái, Tổng thống Mỹ Donald Trump đã nhấn mạnh rằng, Mỹ tiếp tục ủng hộ Phán quyết của PCA. Công pháp quốc tế không phải trò đùa, yêu cầu Trung Quốc phải chấm dứt ngay những hành động bất hợp pháp trên Biển Đông.
Nhân đây xin nhắc lại, khái niệm “Đường lưỡi bò” xuất hiện lần đầu trong bản đồ Trung Quốc vào năm 1948, với tên gọi “Đường 11 đoạn”. Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa sau khi thành lập năm 1949 vẫn tự xác định lãnh thổ trên Biển Đông theo đường 11 đoạn này. Đến năm 1953 thì bỏ hai đoạn trong vịnh Bắc Bộ, trở thành “Đường 9 đoạn”.
Ngày 12/7/1976 Tòa PCA đã bác bỏ cái mà Trung Quốc tự nhận là “quyền lịch sử”. Cái “quyền” mà Bắc Kinh tự nhận trái ngược hoàn toàn với Công ước Liên hợp quốc về Luật biển (UNCLOC, 1982).
Vậy nên, dịp này, Ngoại trưởng Blinken tiếp tục khẳng định lập trường của chính quyền tiền nhiệm, từng được cựu Ngoại trưởng Mike Pompeo nêu ra. Đó cũng là thể hiện thái độ dứt khoát của Washington ủng hộ Công pháp quốc tế. Blinken đã dùng lời lẽ gần giống như người tiền nhiệm Pompeo: “Không có nơi nào mà trật tự hàng hải dựa trên luật lệ bị đe dọa nhiều như ở Biển Đông”.
Ông Blinken nhắc tới tuyên bố của ông cựu Ngoại trưởng Pompeo: “Mỹ tái khẳng định chính sách ngày 13/7/2020 liên quan các yêu sách chủ quyền hàng hải ở biển Đông. Mỹ cũng tái khẳng định rằng, một cuộc tấn công vũ trang nhằm vào các lực lượng vũ trang, tàu hoặc máy bay của Philippines ở biển Đông sẽ dẫn đến kích hoạt các cam kết phòng thủ chung của Mỹ”.
Điều ông Blinken nói căn cứ vào Điều IV của Hiệp ước Phòng thủ Tương hỗ Mỹ-Philippines năm 1951. Theo đó, hai nước sẽ viện trợ lẫn nhau trong trường hợp bị tấn công. Khi Washington đã tỏ ra cứng rắn như vậy, Bắc Kinh chỉ có một con đường là tuân thủ các nghĩa vụ của mình theo luật pháp quốc tế. Cần chấm dứt mọi hành vi khiêu khích, từng bước thực hiện các cam kết tuân thủ trật tự hàng hải dựa trên luật lệ, tôn trọng quyền của các quốc gia.
Tuyên bố hôm 11/7 của chính quyền Biden được đưa ra trong bối cảnh căng thẳng giữa Mỹ và Trung Quốc ngày càng khó tìm được tiếng nói tương đồng. Những mâu thuẫn tích tụ từ lâu, cộng với những mâu thuẫn mới do đại dịch Covid-19 gây ra, cùng các vấn đề nhân quyền ở Đài Loan, Hồng Kông, Tây Tạng…càng làm sâu thêm hố ngăn cách giữa hai cường quốc.
Trong khi đó, Bắc Kinh khẳng định rằng, chính Mỹ mới là kẻ phá hoại hòa bình thế giới. Tờ Hoàn cầu Thời báo từng viết: “Dùng cạnh tranh và đối đầu chiến lược để chèn ép đè bẹp Trung Quốc, kiểu động viên chính trị ấy đã thâm nhập xã hội Mỹ với mức độ sâu sắc hơn nhiều so với sự động viên của xã hội Trung Quốc trong cuộc đấu tranh không khoan nhượng với Mỹ và cuối cùng thắng Mỹ. Washington đã huy động toàn bộ chính quyền, toàn xã hội và thậm chí là toàn thể các nước Đồng minh cùng nhau chèn ép Trung Quốc. Nước Mỹ muốn xây dựng một bức màn sắt để ngăn chặn giao lưu với Trung Quốc”.
Trong một trật tự thế giới đầy biến động và bất định, các nước yếu hơn trong khu vực như Philippines, Indonesia, Việt Nam… dễ bị mắc kẹt trong cuộc ganh đua quyền lực giữa các cường quốc. Làm sao để có được một cơ chế hợp tác toàn cầu và khu vực? Đó ý tưởng tốt, cần được xem xét ở tầm khu vực và quốc tế.
Chính sách nhất quán của Washington với Trung Quốc dù sao cũng là chỗ dựa tinh thần cho các nước yếu thế. Còn với Trung Quốc, ít nhất cũng làm cho họ bớt hung hăng hơn ở Biển Đông. Cái việc “xua đuổi” tàu Mỹ như đã nói ở trên chỉ là ngón đòn để thử phản ứng của Washington.