Saturday, December 21, 2024
Trang chủSự thật Trung HoaNghiên cứu quốc tếNhìn lại 5 năm Phán quyết vụ kiện Biển Đông của Tòa...

Nhìn lại 5 năm Phán quyết vụ kiện Biển Đông của Tòa Trọng tài Thường trực La Haye

Cách đây 5 năm, ngày 12/7/2016, Tòa Trọng tài Thường trực La Haye vụ kiện Biển Đông được thành lập theo Phụ lục VII UNCLOS 1982 đã ra phán quyết với thắng lợi gần như tuyệt đối thuộc về Philippines trên hầu hết các nội dung mà nước này khởi kiện. Sau 5 năm, cuộc đấu tranh pháp lý trên Biển Đông đã có nhiều diễn biến mới quan trọng, nhất là trong 1 năm trở lại đây. Chúng ta cùng nhìn lại sự kiện lịch sử này.

Ngoại trưởng Philippines Albert del Rosario trình bày trong phiên khai mạc Tòa án Trọng tài Thường trực (PCA) ở La Haye.

Trước hết, cần phải khẳng định, kết quả vụ kiện là nhờ sự nỗ lực to lớn của Phillippines dưới thời chính quyền cựu Tổng thống Benigno Aquino III mới qua đời hôm 24/6/2021. Sau khi bị Trung Quốc gây hấn và chiếm bãi cạn Scarborough, đầu năm 2013, chính quyền của ông Aquino đã khởi kiện Trung Quốc ra Tòa Trọng tài theo Phụ lục VII UNCLOS 1982, vụ kiện kéo dài 3 năm rưỡi và kết thúc vào ngày 12/7/2016 với thắng lợi áp đảo của Philippines.

Trong phán quyết gần 480 trang, Hội đồng Trọng tài đã công nhận tất cả 5 quan điểm chính của Philippines: (i) Không có cơ sở pháp lý để Trung Quốc yêu sách “quyền lịch sử” đối với tài nguyên tại các vùng biển phía bên trong “đường 9 đoạn”; (ii) Không một cấu trúc nào tại Trường Sa (kể cả Ba Bình, cấu trúc lớn nhất ở Trường Sa hiện do Đài Loan chiếm đóng) có khả năng tạo ra các vùng đặc quyền kinh tế và các cấu trúc thuộc Trường Sa không thể cùng nhau tạo ra các vùng biển như một thực thể thống nhất; (iii) Trung Quốc đã vi phạm quyền chủ quyền của Philippines trong vùng đặc quyền kinh tế của nước này bằng việc (a) can thiệp vào hoạt động đánh cá và thăm dò dầu khí của Philippines, (b) xây dựng đảo nhân tạo và (c) không ngăn chặn ngư dân Trung Quốc đánh bắt ở khu vực này và trực tiếp cản trở các tàu của Philippines ở khu vực này; (iv) Các hoạt động bồi đắp và xây dựng nhân tạo trên 7 cấu trúc thuộc quần đảo Trường Sa của Trung Quốc đã gây hại nghiêm trọng với môi trường của các rặng san hô và vi phạm nghĩa vụ bảo tồn và bảo vệ các hệ sinh thái dễ bị tổn thương và môi trường sống của các loài đang suy yếu, bị đe dọa và bị huỷ diệt; (v) Các hoạt động bồi đắp, mở rộng của Trung Quốc đối với các cấu trúc ở Biển Đông đã phá huỷ các bằng chứng về điều kiện tự nhiên của các cấu trúc ở Biển Đông, làm trầm trọng hơn tranh chấp giữa các Bên.

Ngay sau khi Tòa Trọng tài Thường trực La Haye ra phán quyết, Trung Quốc tuyên bố: “Tòa Trọng tài không có quyền tài phán, Trung Quốc không chấp nhận, cũng không công nhận”. Mặc dù, trong 5 năm qua, phán quyết không được Trung Quốc tôn trọng và thực thi, song ý nghĩa của phán quyết ngày càng trở nên quan trọng, nhất là trong bối cảnh tình hình Biển Đông diễn biến hết sức phức tạp hiện nay khi Trung Quốc đang tìm cách phá vỡ trật tự dựa trên luật pháp quốc tế ở Biển Đông.

Thứ nhất, phán quyết 12/7/2016 đã trở thành một văn kiện pháp lý không thể đảo ngược; là một bước phát triển mới của UNCLOS 1982, trong việc áp dụng các điều khoản của Công ước cho tình hình thực tế trên Biển Đông. Mặc dù, trong 5 năm qua, do thi hành một chính sách gần gũi với Trung Quốc, Tổng thống đương nhiệm của Philippines Rodrigo Duterte có những phát biểu không phù hợp về ý nghĩa phán quyết 12/7/2016 (như nói rằng phán quyết là “tờ giấy lộn” để “vứt vào sọt rác” tối hôm 05/5), nhưng điều này không thể làm giảm đi giá trị của phán quyết.

Dù lên tiếng công khai ủng hộ phán quyết hay không, nhưng một điều có thể khẳng định là những nội dung của phán quyết 12/7/2016 đã trở thành quan điểm pháp lý của các nước ven Biển Đông như Malaysia, Việt Nam, Brunei, Indonesia, Singapore trên vấn đề Biển Đông.

Thứ hai, phán quyết 12/7/2016 đã khơi mào cho cuộc chiến pháp lý xung quanh vấn đề Biển Đông với sự tham gia của các nước ngoài khu vực, nhất là trong vòng 1 năm trở lại đây. Mở màn cho cuộc chiến pháp lý của các nước ngoài khu vực trên vấn đề Biển Đông là việc Mỹ gửi văn bản lên Liên hợp quốc ngày 01/6/2020 và ra Tuyên bố của Ngoại trưởng Mỹ hôm 13/7/2020, bác bỏ hầu hết các yêu sách của Trung Quốc ở Biển Đông, khẳng định giá trị pháp lý của phán quyết 12/7/2016 và yêu cầu các bên tuân thủ, thực hiện.

Tiếp nối Mỹ, nhiều đồng minh của Mỹ cũng gửi công hàm lên Liên hợp quốc phản đối các đòi hỏi phi lý của Trung Quốc ở Biển Đông; nhấn mạnh các yêu sách của Trung Quốc ở Biển Đông là trái với các quy định của luật pháp quốc tế, Công ước Liên hợp quốc về Luật biển 1982. Úc gửi công hàm hôm 24/7/2020; Anh, Pháp, Đức gửi chung một công hàm lên Liên hợp quốc hôm 16/9/2020, trước đó, 3 nước này đã từng ra Tuyên bố chung bày tỏ lập trường trên vấn đề Biển Đông vào cuối tháng 8/2020 và Bộ Ngoại giao Anh chính thức công bố lập trường về Biển Đông; tháng 1/2021, Nhật Bản gửi công hàm lên Liên hợp quốc phản bác các yêu sách của Trung Quốc ở Biển Đông. Nội dung chính của các văn bản này đều bác bỏ khẳng định lại những nội dung trong phán quyết năm 2016 của Tòa Trọng tài Thường trực La Haye như bác bỏ yêu sách về “quyền lịch sử” của Trung Quốc; nhấn mạnh “đường cơ sở thẳng” mà Trung Quốc tự ý vẽ ra xung quanh quần đảo Hoàng Sa là trái với các quy định của Công ước Liên hợp quốc về Luật biển 1982 (UNCLOS); yêu cầu Trung Quôc tuân thủ phán quyết và UNCLOS.

Thứ ba, phán quyết trở thành một bộ phận của luật pháp quốc tế bất chấp việc Trung Quốc không công nhận và không thực thi phán quyết; tạo cơ sở để các quốc gia thực thi quyền tự do hàng hải, hàng không trên Biển Đông. Phán quyết đảm bảo rằng các vùng nước nằm ngoài lãnh hải 12 hải lý từ các đảo ở Trường Sa sẽ là khu vực biển khơi mở cho tất cả các quốc gia thực hiện tự do hàng hải và hàng không và các hoạt động quân sự. Điều này được Mỹ và các đồng minh đặc biệt vận dụng để tăng cường sự hiện diện trên Biển Đông.

Trong hầu hết các chiến dịch tự do hàng hải (FONOP) ở Biển Đông, Mỹ luôn khẳng định việc tuân thủ luật pháp quốc tế và thúc đẩy thực thi phán quyết 12/7/2016, kể cả khi tiến hành FONOP ở khu vực quần đảo Hoàng Sa, Washington đều tuyên bố rõ ràng là “phá đường cơ sở thẳng mà Trung Quốc đơn phương vạch ra”.

Không chỉ có Mỹ tiến hành FONOP ở Biển Đông dựa trên phán quyết 12/7/2016, mà các đồng minh của Mỹ như Úc, Nhật, Anh, Pháp, Canada khi tiến hành tự do hàng hải hay diễn tập ở Biển Đông đều lấy phán quyết của Tòa Trọng tài làm cơ sở pháp lý.

Thứ tư, phán quyết khẳng định việc sử dụng biện pháp tài phán để giải quyết tranh chấp một cách hoà bình là một lựa chọn hoàn toàn khả thi, công bằng, khách quan, văn minh trong thế giới hiện đại ngày nay; đồng thời trở thành một án lệ quan trọng để có thể viện dẫn đối với các phiên tòa giải quyết tranh chấp biển, bao gồm Biển Đông trong tương lai.

Phán quyết ngày 12/7/2016 thúc đẩy tiến trình pháp lý giải quyết tranh chấp Biển Đông, mở đường cho Việt Nam, Malaysia, Indonesia và Brunei có thể đơn phương kiện Trung Quốc về các vùng đặc quyền kinh tế (EEZ) và thềm lục địa phía Nam Biển Đông. Những nội dung khởi kiện Trung Quốc của Philippines được Tòa xem xét, ra phán quyết trở thành những bài học đáng giá cho các nước ven Biển Đông. Các nước ven Biển Đông có thể đơn phương khởi kiện Trung Quốc những nội dung liên quan đến giải thích và áp dụng UNCLOS 1982 bởi những nội dung hoàn toàn thuộc thẩm quyền của Tòa Trọng tài được thành lập theo Phụ lục VII của Công ước.

Mặc dù các văn kiện của ASEAN không đề cập trực tiếp đến phán quyết 2016, song trong 5 năm qua kể từ khi Tòa ra phán quyết, tinh thần thượng tôn pháp luật luôn được để cao tại các diễn đàn trong khuôn khổ ASEAN và việc tôn trọng tiến trình ngoại giao, pháp lý thường xuyên được đưa vào các văn kiện của ASEAN khi đề cập đến Biển Đông. Điều này cho thấy ý nghĩa quan trọng, mở ra một giai đoạn mới cho giải quyết hòa bình các tranh chấp ở Biển Đông.

Thứ năm, phán quyết trở thành nền tảng cho việc thúc đẩy duy trì cục diện dựa trên pháp luật ở Biển Đông. Phán quyết ngày 12/7/2016 khẳng định tầm quan trọng của UNCLOS 1982 trong việc thiết lập một hệ thống các quy tắc trên biển và đại dương, bao gồm cả Biển Đông.

Phán quyết 12/7/2016 một mặt khẳng định vai trò của UNCLOS 1982 như “Hiến pháp của đại dương” trong việc duy trì một trật tự dựa trên luật lệ, mặt khác giúp làm sáng tỏ những vấn đề cụ thể để giải quyết những tranh chấp trên các đại dương; đồng thời, tác động tích cực đến sự phát triển của luật pháp quốc tế liên quan đến biển và đại dương. Sự diễn giải và áp dụng UNCLOS bởi các chuyên gia luật biển có thẩm quyền và đưa ra phán quyết sẽ còn tiếp tục được nghiên cứu bởi các luật gia, các nhà đàm phán và cố vấn chính phủ trong nhiều năm tới.

Phán quyết ngày 12/7/2016 là cuối cùng và ràng buộc với các bên liên quan. Một khiếm khuyết của cơ chế giải quyết tranh chấp của Tòa Trọng tài thành lập theo Phụ lục VII UNCLOS 1982 là không có chế tài buộc thực thi phán quyết nên trong suốt 5 năm qua, Trung Quốc không những không tuân thủ phán quyết mà lại còn tiếp tục gia tăng các hoạt động hung hăng trên Biển Đông, cưỡng ép bắt nạt các nước ven Biển Đông, thậm chí còn mở rộng các hoạt động xâm lấn xuống sâu phía nam Biển Đông.

Tuy nhiên, điều này càng làm lộ rõ mưu đồ độc chiếm Biển Đông bất chấp luật pháp quốc tế của Trung Quốc. Thái độ của Bắc Kinh đối với phán quyết ngày 12/7/2016 và những hành động hung hăng của họ trên thực địa ở Biển Đông càng làm xấu thêm hình ảnh của Trung Quốc trong con mắt cộng đồng quốc tế. Trên thực tế, thế giới đã không còn tin vào những lời phát biểu trống rỗng của những người cầm quyền ở Bắc Kinh về “sự phát triển hòa bình” của Trung Quốc mà ngược lại, Trung Quốc ngày càng trở thành nguy cơ lớn đối cả thế giới.

Việc Mỹ coi Trung Quốc là “thách thức địa chính trị lớn nhất thế kỷ 21” còn NATO coi Trung Quốc là “thách thức mang tính hệ thống” và ra Tuyên bố hôm 14/6/2021 nhấn mạnh “Những hành vi quyết đoán và tham vọng của Trung Quốc đã đặt ra những thách thức về mọi mặt đối với trật tự quốc tế dựa trên luật lệ và các lĩnh vực liên quan tới an ninh liên minh” thể hiện rõ sự lo ngại của các nước này và cả thế giới về mối nguy cơ đến từ Trung Quốc.

Nhìn lại 5 năm qua, mặc dù phán quyết của Tòa không được Trung Quốc thực thi, nhưng phán quyết đã trở thành nền tảng cho trật tự pháp lý ở Biển Đông và là một bộ phận của luật pháp quốc tế. Những nội dung trong phán quyết đã được thể hiện trong lập trường pháp lý của nhiều nước trong và ngoài khu vực trên vấn đề Biển Đông. Điều này không thay đổi được nữa. Đằng sau phán quyết là luật quốc tế. Đằng sau luật quốc tế là chính phủ các nước và cộng đồng quốc tế sẽ nỗ lực để bảo vệ luật quốc tế. Cuộc chiến công hàm xung quanh vấn đề Biển Đông tại Liên hợp quốc trong hơn một năm trở lại đây cho thấy tinh thần bất diệt của phán quyết. Rõ ràng phán quyết đã, đang và sẽ là một công cụ pháp lý quan trọng cho các nước ven Biển Đông trong cuộc đối đầu với chủ nghĩa bá quyền của Bắc Kinh ở Biển Đông.

RELATED ARTICLES

Tin mới