Monday, November 25, 2024
Trang chủGóc nhìn mớiTQ “hái quả” từ Malaysia ?

TQ “hái quả” từ Malaysia ?

Vài năm gần đây, Malaysia luôn bị Trung Quốc quấy nhiễu hoạt động khai thác dầu khí trên Biển Đông. Bằng thủ đoạn gia tăng gây hấn, tháng 7 này, Bắc Kinh dường như đã gặt hái được một cái gì đó từ Kuala Lumpur.    

Tàu Trung Quốc trong một lần quấy nhiễu hoạt động dầu khí của Malaysia

Chẳng một quốc gia nào trong vùng duyên hải Biển Đông không là nạn nhân của Trung Quốc, nếu có ý chống lại tham vọng ngang ngược của họ. Việt Nam – tất nhiên rồi. Bởi đó là nước, trong con mắt của Bắc Kinh, ương bướng nhất. Sau Việt Nam là Philippines. Philippines dưới thời của ông Duterte, dù cách hành xử tiền hậu bất nhất khiến Trung Quốc không khỏi cảm thấy khó chịu. Nhưng sợ quốc gia này ngả hẳn vào Mỹ, nên Trung Quốc cũng chọn giải pháp “vừa đấm vừa xoa” để níu kéo, hầu có thêm một đồng minh để nâng cao khả năng đối trọng với Mỹ, đồng thời, phân tán, làm suy yếu tiếng nói của Asean trong quá trình đàm phán, xây dựng Bộ quy tắc về ứng xử trên Biển Đông (COC).

Còn Malaysia. Không như Việt Nam và Philippines, cách ứng xử của Kuala Lumpur trước các hành động hung hăng, ngang ngược của Trung Quốc trên Biển Đông, cơ bản, mềm dẻo, ít dữ dội hơn.

Điển hình cho cách ứng xử đó, là cuối năm 2019 tới nửa đầu năm 2020. Khi đó, tàu khoan thăm dò dầu khí West Capella và các tàu khoan dầu khác được Kuala Lumpur thuê đã liên tục bị tàu Trung Quốc đe dọa. Sự việc diễn ra ngay trong vùng đặc quyền kinh tế (EEZ) của Malaysia. Malaysia không mặc kệ, nhưng cũng không làm toáng lên trước thiên hạ. Họ chỉ lặng lẽ đáp lại bằng cách triển khai luân phiên 2 tàu tuần tra để bảo vệ nhóm tàu West Capella.

Thậm chí, vào lúc Trung Quốc đẩy sự quấy nhiễu lên mức độ cao hơn: cho tàu Hải Dương 8 cùng tàu hộ tống áp sát tàu West Capella và tiến hành khảo sát ngay trong EEZ của Malaysia, Kuala Lumpur vẫn chỉ thể hiện thái độ “quan ngại” một cách nhẹ nhàng trước sự “xuất hiện của các tàu chiến và tàu khác”.

Thôi thì trong thế nước yếu, đồng thời, cũng là khẩu khí ngoại giao, “quan ngại” cũng là được. Nhưng khó hiểu nhất là sự “quan ngại” đó hàm ý đánh đồng cả tàu Trung Quốc vi phạm EEZ của mình với tàu chiến Mỹ và Úc đang tập trận trên Biển Đông? Thậm chí, thời điểm đó, Malaysia còn kêu gọi Trung Quốc và Mỹ “giải quyết hòa bình sự khác biệt thông qua ngoại giao” – hành động được hiểu như “việc tôi tôi lo. Trung Quốc và Mỹ, các vị hãy kiềm chế với nhau đi”.

Tất nhiên, về ý đồ cả Trung Quốc, không nói, ai cũng biết, cũng như với Philippines, họ muốn có được cái gật đầu của Kuala Lumpur để cùng khai thác chung dầu khí trong khu vực mà Malaysia tuyên bố chủ quyền và kiểm soát.

Malaysia quá hiểu “khai thác chung” với một kẻ như Trung Quốc thì hệ lụy lâu dài là như thế nào. Và phản ứng dữ dội của người dân nước láng giềng Philippines với tổng thống của họ – ông Duterte – cũng vì thỏa thuận về cái gọi là “khai thác chung” với trên Biển Đông với Trung Quốc, không thể không buộc các nhà lãnh đạo Malaysia phải thận trọng.

Nhưng Kuala Lumpur lại cũng muốn yên ổn, giữ hòa khí với Bắc Kinh, nên chơi bài  lặng lẽ “nắm tay dưới gầm bàn” với Bắc Kinh như là …thượng sách?

Tất nhiên, gầm bàn thì thế, nhưng trên thực địa, vẫn phải cho máy bay, tàu chiến bám, theo dõi, phát tín hiệu cảnh báo tàu bè và máy bay Trung Quốc vi phạm như một cách khẳng định chủ quyền chính đáng, chứ không hề nhân nhượng.

Cũng có thể, từ kết quả các cuộc “nắm tay dưới gầm bàn” nêu trên mà mới đây, dư luận biết được một thông tin qua nguồn “rò rỉ”: Tập đoàn dầu khí quốc gia Petronas của Malaysia và công ty dầu khí ngoài khơi quốc gia TQ (CNOOC) hôm 7/7 đã ký kết một thỏa thuận cung cấp khí thiên nhiên hóa lỏng trị giá 7 tỷ USD trong vòng 10 năm.

Câu hỏi đặt ra là: Thỏa thuận này, phải chăng, mới chỉ là kết quả ban đầu? “Thỏa thuận khai thác dầu khí chung” trên Biển Đông mới là đích đến quan trọng giữa Trung Quốc và Malaysia?

RELATED ARTICLES

Tin mới