Thursday, December 26, 2024
Trang chủBiển nóngChính sách “chia để trị” có phá vỡ được phòng tuyến trên...

Chính sách “chia để trị” có phá vỡ được phòng tuyến trên Biển Đông?

Đầu tháng 7/2021 Tổ chức Sáng kiến minh bạch hàng hải châu Á (AMTI) thông tin về căng thẳng liên quan diễn biến xung quanh mỏ khí Kasawari giữa Trung Quốc và Malaysia.

Tàu chiến của Mỹ và Australia diễn tập trên Biển Đông ngày 18/4.

Theo đó từ ngày 3-7.7.2021 tàu hải cảnh Trung Quốc CCG 5403 cản trở hoạt động lắp đặt tại giàn khoan Kasawari. Đây là ít nhất lần thứ 3 kể từ tháng 4.2020 tàu hải cảnh Trung Quốc quấy rối hoạt động khai thác năng lượng của Malaysia ở Biển Đông, theo AMTI.

Trước những diễn biến căng thẳng này, câu hỏi được đặt ra là: Tại sao vào thời điểm hiện này Trung Quốc liên tục quấy đảo vùng biển, vùng trời phía Nam Biển Đông, nhất là khu vực có liên quan đến yêu sách của Malaysia đối với vùng biển phía Nam quần đảo Trường Sa?

Những tranh chấp phức tạp

Do những biến đổi về lịch sử và pháp lý, hiện nay trong Biển Đông đang tồn tại 2 loại bất đồng, tranh chấp, mà Malaysia là một trong những bên tranh chấp chủ yếu, nhất là khu vực biển, đảo ở phần phía Nam Biển Đông:

Tranh chấp về quyền thụ đắc lãnh thổ đối với quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa: “Tranh chấp” về quyền thụ đắc lãnh thổ với Việt Nam do Trung Quốc (kể cả Đài Loan), Philippines, Malaysia, gây ra bằng việc sử dụng vũ lực để xâm chiếm một số thực thể địa lý thuộc quần đảo Hoàng Sa và quần đảo Trường Sa của Việt Nam. Malaysia hiện chiếm đóng 7 thực thể địa lý nằm ở phía Nam Trường Sa, tất cả đều là những rạn san hô.

Tranh chấp về việc giải thích và áp dụng UNCLOS trong việc xác định ranh giới các vùng biển và thềm lục địa và phân định các vùng biển chồng lấn giữa các quốc gia ven Biển Đông. Đây là loại tranh chấp được hình thành trong xu hướng thay đổi có tính chất cách mạng về địa – chính trị, địa – kinh tế trên phạm vi toàn thế giới với việc khoảng 36% diện tích biển và đại dương thế giới đã được đặt dưới chủ quyền, quyền chủ quyền và quyền tài phán của các quốc gia ven biển kể từ khi Công ước của Liên hợp quốc về Luật Biển 1982 ra đời. Kết quả là, trên thế giới còn khoảng 416 tranh chấp về ranh giới biển, thềm lục địa cần được hoạch định, trong đó khu vực Đông Nam châu Á có khoảng 15 tranh chấp; tất nhiên người ta không tính đến tranh chấp được tạo thành bởi đường biên giới lưỡi bò của Trung Quốc, vì tính chất phản khoa học và hoàn toàn đi ngược lại các tiêu chuẩn của UNCLOS 1982.

Vì vậy, để hiện thực hóa yêu sách vùng biển, đảo nằm trong đường “lưỡi bò” phi pháp, Trung Quốc đang tìm cách khai thác tình trạng tranh chấp này để chọc thủng một mắt xích quan trọng nằm trong phòng tuyến ngăn cản bước tiến của Trung Quốc về phía Nam Biển Đông.

Trung Quốc cho rằng ASEAN cũng là một nhân tố dễ bị chia rẽ và Trung Quốc có tầm ảnh hưởng rất lớn ở Đông Nam Á bởi sự phụ thuộc về kinh tế, các thỏa thuận thương mại tự do và khả năng đổi hướng các cuộc thảo luận của ASEAN thông qua Campuchia, Lào, Thái Lan, Myanma,…

Gần đây, Trung Quốc rất lo ngại trước việc Hoa Kỳ đã thể hiện quan điểm ủng hộ quyền tự do hàng hải và luật pháp quốc tế, đồng nghĩa với việc đứng về phía các nước Đông Nam Á để chống lại “lợi ích cốt lõi” của Trung Quốc ở Biển Đông. Họ cho rằng đa số các nước trong ASEAN đều hoan nghênh sự can thiệp không có cơ sở của Mỹ và logic chiến tranh lạnh về quyền tự do hàng hải.

Ngoài Việt Nam, Malaysia cũng được Trung Quốc coi là rào cản chủ yếu đối với chiến lược biển đầy tham vọng của Trung Quốc trong quá khứ, hiện tại và cả trong tương lai.

Đặc biệt từ khi Thủ tướng Mahathir Mohamad lên cầm quyền, với quyết định lịch sử là lập tức tạm dừng để xem lại các dự án bất bình đẳng mà cựu Thủ tướng Najib Razak đã ký với một loạt doanh nghiệp nhà nước Trung Quốc trong khuôn khổ Đại dự án “Vành đai và Con đường”.

Quyết định này của vị “nguyên lão” khả kính lập tức được sự đồng tình ủng hộ của không chỉ người dân Malaysia mà còn của hầu hết nhân dân trong khu vực và quốc tế. Bởi vì, qua thực tế đã được triển khai tại một số quốc gia, nhiều chuyên gia kinh tế, chính trị, các học giả… đều có chung một nhận định rằng Đại dự án “Vành đai và Con đường”, đã dần dần bộc lộ bản chất đích thực của nó. Trong đó đáng chú ý có mục tiêu sử dụng dự án này để “bẫy” các quốc gia khi tham gia, phải mặc nhiên thừa nhận yêu sách của Trung Quốc đối với hầu hết Biển Đông; hợp thức hóa việc chiếm đóng bất hợp pháp của Trung Quốc đối với các thực thể địa lý nằm giữa Biên Đông cũng nằm trong tính toán của Bắc Kinh đằng sau “Đại dự án” này.

Tham vọng chọc thủng phòng tuyến trên Biển Đông

Những gì đã và đang diễn ra ở khu vực phía Nam Biển Đông trong thời gian gần đây là những hành động có tính toán của Trung Quốc nhằm phá vỡ khối đoàn kết của các thành viên ASEAN, trong đó chủ yếu là giữa Việt Nam-Philippines, Việt Nam-Malaysia, đang tồn tại một số bất đồng, tranh chấp tại một số khu vực nhạy cảm trong Biển Đông; là hành động cố ý thách thức và là phép thử đối với các quốc gia khác trong và ngoài khu vực, với tư cách là đồng minh hay đối tác với các nước trong khu vực Biển Đông, nhất là Hoa Kỳ, một đối thủ cạnh tranh về địa – chính trị, địa – chiến lược, địa – kinh tế với Trung Quốc; cũng là hành động được sắp xếp trong một cuộc diễn tập quân sự quy mô lớn với sự tham gia của các quân binh chủng hợp thành nhằm chuẩn bị cho một cuộc “xâm lăng mới” để làm chủ Biển Đông trong bố cảnh quốc tế và khu vực hiện nay.

Tuy nhiên, mặc dù Chính phủ mới của tân Thủ tướng Muhyiddin đang trong quá trình củng cố quyền lực do bị chi phối bởi tình hình chính trị trong nước và đại dịch Covid-19, vẫn khó có khả năng sẽ đặt vấn đề hợp tác ngoại giao và quốc phòng với Trung Quốc làm ưu tiên hàng đầu vào thời điểm này. Hơn nữa, các động thái của Bắc Kinh đối với những tranh chấp trên Biển Đông cũng làm nguội lạnh tình hữu nghị và tăng sự hoài nghi của giới chức quốc phòng Malaysia về hiệu quả của việc phát triển các mối quan hệ quốc phòng với Trung Quốc.

Sự kiện giàn khoan West Capella của Malaysia hồi tháng 4 năm ngoái là một minh chứng rõ nét nhất cho điều này. Bằng chứng là vị tân Thủ tướng Muhyiddin đã khởi động Kế hoạch tổng thể về Đoàn kết quốc gia (2021-2030); một hành trình với 3 mục tiêu chính gồm tăng cường sự thống nhất và hội nhập quốc gia, xây dựng bản sắc dân tộc và sản sinh ra những người Malaysia biết trân trọng và thực hành đoàn kết.

Một kế hoạch dài hạn khác đã trở thành hiện thực trong năm đầu tiên của nhiệm kỳ là việc Malaysia tham gia Hiệp định Đối tác Kinh tế Toàn diện Khu vực (RCEP). Theo tính toán, RCEP sẽ không chỉ thúc đẩy thương mại nội khối ASEAN mà còn thúc đẩy sự phát triển kinh tế của khu vực thông qua sức mạnh tổng hợp có được từ sự tương tác của ASEAN với các nền kinh tế tiên tiến hơn của RCEP, chẳng hạn như Australia, New Zealand, Hàn Quốc, Nhật Bản và Trung Quốc.

Như vậy, có thể thấy rằng, mặc dù vận dụng nhiều kế sách, chiêu trò, tìm cách áp dụng chính sách “chia để trị” của chủ nghĩa thực dân kiểu cũ đối với các nước trong khu vực ASEAN, nhất là các nước xung quanh Biển Đông, Trung Quốc khó có thể chọc thủng những phòng tuyến được lập nên bởi Việt Nam ở phía Tây, Philippines ở phía Đông, Indonesia, Malaysia… ở Nam Biển Đông. Đây là những phòng tuyến được xây đắp và củng cố bằng niềm tin chiến lược mà nội hàm của nó chính là sự thống nhất về lập trường thượng tôn pháp luật trong việc giải quyết mọi bất đồng, tranh chấp trong Biển Đông bằng giải pháp hòa bình; ngăn chặn mọi hoạt động vi phạm các quyền và lợi ích hợp pháp của tất cả các quốc gia ở trong và ngoài khu vực Biển Đông…

RELATED ARTICLES

Tin mới