Saturday, November 23, 2024
Trang chủBiển nóngSự kiện'Đóng đinh' lập trường, quan hệ Mỹ - TQ bế tắc sau...

‘Đóng đinh’ lập trường, quan hệ Mỹ – TQ bế tắc sau cuộc gặp Thiên Tân

Quan hệ giữa Bắc Kinh và Washington dường như đang đi vào bế tắc khi cả hai bên đều khẳng định bên kia phải nhượng bộ để cải thiện tình hình.

Quan chức Mỹ – Trung Quốc tại Alaska.

Các quan chức Mỹ đã nhấn mạnh rằng chuyến đi của Thứ trưởng Ngoại giao Wendy Sherman đến thành phố cảng Thiên Tân, miền Bắc Trung Quốc, gặp Bộ trưởng Ngoại giao Vương Nghị và các quan chức khác là một cơ hội để đảm bảo rằng sự cạnh tranh gay gắt giữa hai đối thủ địa chính trị không dẫn đến xung đột.

Một số quan chức cũng nói các phiên họp kín có không khí thân mật hơn một chút. Nhưng những tuyên bố “gây chiến” xuất hiện từ cuộc họp, một lần nữa tái hiện giọng điệu từng được ghi nhận ở cuộc gặp Mỹ – Trung ở Alaska hồi tháng 3, khi các cuộc đàm phán ngoại giao cấp cao bị lu mờ bởi hàng loạt chỉ trích công khai từ cả hai phía.

Không ai nhường ai

Các cuộc họp ở Thiên Tân không thể hiện mức độ đối đầu rõ rệt như ở Alaska. Nhưng hai bên dường như không thực sự thương lượng được bất cứ điều gì. Cả hai kiên định với danh sách các yêu cầu đã được thiết lập.

Thứ trưởng Ngoại giao Mỹ Sherman gây áp lực với Trung Quốc về những hành động mà Washington nói là đi ngược lại trật tự quốc tế dựa trên luật lệ, bao gồm vấn đề Hong Kong, Tân Cương và Tây Tạng. Bên cạnh đó, trong các mối quan tâm chung như biến đổi khí hậu, Iran, Afghanistan và Triều Tiên, một quan chức Mỹ cũng cho biết, “tôi nghĩ sẽ sai nếu nói là Mỹ đang tìm kiếm hoặc lôi kéo sự hợp tác của Trung Quốc”.

“Sẽ phụ thuộc vào việc Trung Quốc xác định xem họ đã sẵn sàng như thế nào để… thực hiện bước tiếp theo”, một quan chức Mỹ khác nói về việc thu hẹp những bất đồng giữa hai bên.

Nhưng ngược lại, Ngoại trưởng Trung Quốc Vương Nghị tuyên bố “quả bóng” giờ đang ở trong sân nhà Mỹ.

Ông nói: “Khi nói đến tôn trọng các quy tắc quốc tế, chính Mỹ mới phải suy nghĩ lại”. Vương yêu cầu Washington dỡ bỏ mọi lệnh trừng phạt và thuế quan đơn phương đối với Trung Quốc.

“Đóng đinh” lập trường

Bộ Ngoại giao Trung Quốc gần đây báo hiệu rằng họ có thể đưa ra điều kiện trước với Mỹ trong bất kỳ hình thức hợp tác nào. Một số nhà phân tích cho rằng điều này có thể tạo ra lập trường ngoại giao cố định, khiến triển vọng cải thiện quan hệ trở nên mờ nhạt.

Bonnie Glaser, chuyên gia châu Á tại Quỹ Marshall Mỹ, cho rằng việc hai bên duy trì một số hình thức cam kết (như các cuộc gặp) là quan trọng. Nhưng đồng thời, dường như không có thỏa thuận nào ở Thiên Tân về các cuộc họp tiếp theo hoặc cơ chế đối thoại tiếp theo.

Glaser nói: “Điều đó có thể sẽ khiến các đồng minh và đối tác của Mỹ không yên tâm. Họ đang hy vọng về sự ổn định và khả năng dự đoán cao hơn trong mối quan hệ Mỹ – Trung Quốc”.

Nhưng bà nói thêm, cả hai bên có thể sẽ thất vọng nếu họ cứ chờ bên kia nhượng bộ trước.

Giới ngoại giao đã có một số kỳ vọng rằng Tổng thống Mỹ Joe Biden có thể gặp Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình lần đầu tiên kể từ khi trở thành Tổng thống, bên lề hội nghị thượng đỉnh G20 ở Italy vào tháng 10.

Tuy nhiên, Người phát ngôn Nhà Trắng Jen Psaki cho biết triển vọng về cuộc gặp Biden – Tập Cận Bình không xuất hiện ở Thiên Tân. Bà hy vọng sẽ có thêm một số cơ hội liên quan vào một lúc khác.

Trong khi đó, có dấu hiệu cho thấy chính quyền Biden có thể mở rộng quy mô các hoạt động hành pháp ảnh hưởng đến Bắc Kinh – như cản trở Iran bán dầu cho Trung Quốc, và phối hợp với các đồng minh trong các vấn đề về Bắc Kinh. Ông Biden cũng rất muốn tổ chức một hội nghị thượng đỉnh vào cuối năm nay với các nhà lãnh đạo của “Bộ tứ kim cương” QUAD – Nhật Bản, Australia và Ấn Độ.

Nhà Trắng cũng không đưa ra nhiều tín hiệu cho thấy họ có ý định giảm bớt thuế đối với hàng hóa Trung Quốc – chương trình đã được thiết lập dưới thời chính quyền Trump.

Đồng thời, hợp tác giữa hai bên về đại dịch COVID-19 cũng có vẻ đang trở nên “xa vời”. Mỹ gọi việc Trung Quốc từ chối kế hoạch của Tổ chức Y tế Thế giới nhằm điều tra nguồn gốc virus SARS-CoV-2 là “vô trách nhiệm” và “nguy hiểm”.

Cũng có rất ít dấu hiệu cho thấy Bắc Kinh sẵn sàng hợp tác với Washington về vấn đề khí hậu – một ưu tiên đối với ông Biden, mặc dù đặc phái viên về khí hậu của Mỹ John Kerry đã tích cực kêu gọi.

Eric Sayers, nghiên cứu viên tại Viện Doanh nghiệp Mỹ nhận định: “Có thể thấy được từ Thiên Tân là cả hai bên vẫn còn rất xa nhau về cách họ nhìn nhận giá trị và vai trò của các thỏa thuận ngoại giao”.

Trong khi đó Scott Kennedy, chuyên gia về Trung Quốc tại Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược và Quốc tế của Washington, bình luận rằng hiện tại dường như không bên nào cảm thấy cần phải tỏ ra hợp tác hơn.

Ông nói: “Và không có lợi ích trước mắt nào cho sự hợp tác đối với cả hai bên. Bất kỳ cử chỉ nào hướng tới hợp tác thực sự đều đi kèm với những cái giá đáng kể, cả về trong nước và chiến lược”.

Chuyên gia nhận định: “Tôi nghĩ rằng chỉ nên đặt kỳ vọng rất thấp về việc hai bên sẽ tìm thấy điểm chung và ổn định mối quan hệ trong tương lai gần”.

RELATED ARTICLES

Tin mới