Lần đầu tiên Trung Quốc đã đưa ra cho Mỹ một danh sách những “lằn ranh đỏ” và hành động cần thiết để hàn gắn mối quan hệ song phương.
Thứ trưởng Trung Quốc Tạ Phong (Xie Feng) nói với người đồng cấp Mỹ Wendy Sherman trong sáng hôm đầu tuần này rằng quan hệ Mỹ-Trung đã đi đến mức “bế tắc” và đối diện “nhiều hậu quả nghiêm trọng”; theo một tuyên bố của Bộ Ngoại giao Trung Quốc.
“Nguyên nhân chủ yếu là do một số người ở Mỹ đang đối xử với Trung Quốc như một “kẻ thù tưởng tượng”” – ông Tạ nói.
Sau cuộc gặp, ông Tạ Phong nói rằng Trung Quốc đã trao cho phía Mỹ 2 danh sách – một bao gồm hành động hàn gắn mà Washington nên thực hiện đối với Trung Quốc, và hai là những quan ngại cốt lõi của Bắc Kinh.
Những điều được nêu trong danh sách “hàn gắn” bao gồm gỡ bỏ hạn chế thị thực đối với các thành viên Đảng Cộng sản Trung Quốc, gia đình họ, và các sinh viên Trung Quốc; gỡ bỏ lệnh trừng phạt nhăm vào giới lãnh đạo Trung Quốc, quan chức chính phủ và các cơ quan Trung Quốc; gỡ bỏ hạn chế đối với các Viện Khổng tử và công ty Trung Quố; hủy các phán quyết coi truyền thông Trung Quốc là đặc vụ nước ngoài; và hủy yêu cầu dẫn độ Giám đốc Tài chính Tập đoàn Huawei Mạnh Vãn Châu từ Canada về Mỹ.
Những điều được nêu trong danh sách quan ngại bao gồm ngừng ngay cách ứng xử không công bằng với công dân Trung Quốc ở nước Mỹ, ngừng việc quấy rỗi Đại sứ quán và các lãnh sự quán của Trung Quốc, ngăn chặn sự trỗi dậy của làn sóng bài người châu Á, bài Trung Quốc, và ngừng hành vi bạo lực nhằm vào công dân Trung Quốc.
Ông Tạ Phong nói rằng Trung Quốc cũng “thể hiện sự bất mãn đối với những phát biểu và hành động sai trái của Mỹ” liên quan tới cuộc điều tra nguồn gốc COVID-19, vấn đề Đài Loan, Tân Cương, Hong Kong và Biển Đông.
“Chúng tôi hối thúc Mỹ không đánh giá thấp sự quyết tâm, ý chí kiên cường và khả năng mạnh mẽ của 1,4 tỉ dân Trung Quốc trong việc bảovệ chủ quyền quốc gia, các lợi ích an ninh và phát triển” – Tân Hoa Xã dẫn lời ông Tạ Phong nói.
Trước cuộc họp tổ chức hôm 26/7, cả hai bên cũng đưa ra đòn phủ đầu với nhau, trong đó Ngoại trưởng Vương Nghị nói Trung Quốc sẽ đưa cho Mỹ một “bản hướng dẫn” cách đối xử với các quốc gia khác một cách công bằng. Trong khi một quan chức Mỹ nói rằng bà Sherman sẽ tiếp cận Trung Quốc với quan điểm “sức mạnh và đoàn kết”.
Ông Tạ Phong cũng chỉ trích chính phủ Mỹ vì tham gia vào nỗ lực “kìm hãm Trung Quốc” nhằm hạn chế sự phát triển của Bắc Kinh và tiếp tục sự bá quyền của Mỹ. Ông nói rằng một số người tìm cách làm biến Trung Quốc thành kẻ xấu để đánh lạc hướng dư luận khỏi các vấn đề bên trong nước Mỹ.
“Phía Mỹ lúc nào cũng nói về Trung Quốc, cứ như thể họ không nói hay làm gì khác mà không đả động tới Trung Quốc” – ông Tạ Phong nói, theo SCMP – “Chúng tôi kêu gọi phía Mỹ thay đổi lối suy nghĩ không đúng đắn cùng với chính sách rất nguy hiểm đối với Trung Quốc”.
Thứ trưởng Tạ Phong thêm rằng Trung Quốc sẵn lòng đàm phán với Mỹ một cách công bằng để “tìm kiếm điểm chung, cùng lúc xóa bỏ sự khác biệt” và kêu gọi Mỹ lựa chọn con đường “tôn trọng lẫn nhau, cạnh tranh công bằng và cùng tồn tại hòa bình”.
Cuộc gặp giữa ông Tạ Phong và bà Wendy Sherman diễn ra sau khi bà Sherman có chuyến thăm Nhật Bản, Hàn Quốc và Mông Cổ hồi tuần trước, tại đây bà tìm cách nêu bật cam kết của Washington với các đối tác trong khu vực nhằm “thúc đẩy khu vực Ấn Độ-Thái Bình Dương tự do và cởi mở, và duy trì, tăng cường trật tự quốc tế dựa trên luật pháp”.
Đương nhiên chuyến thăm Trung Quốc của bà Sherman không được giới chuyên gia kỳ vọng sẽ đạt bước đột phá nào, nhưng họ cho rằng chỉ riêng bản chất của cuộc đối thoại giữa quan chức cấp cao hai nước đã là quan trọng, bởi căng thẳng Mỹ-Trung vẫn tiếp tục tăng kể tư sau cuộc họp giữa Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken và nhà ngoại giao hàng đầu Trung Quốc Dương Khiết Trì hồi tháng 3 năm nay.
Cuộc họp cũng diễn ra ngay sau khi Mỹ và các đồng minh – bao gồm EU, Australia, Anh, New Zealand và Nhật Bản – đồng loạt cảnh báo Trung Quốc về “các hoạt động mạng độc hại”, và Mỹ áp lệnh trừng phạt đối với giới chức Hong Kong, kéo theo đòn trả đũa của Trung Quốc.