Friday, January 10, 2025
Trang chủGóc nhìn mớiPhilippines đi theo hướng nào trước chính sách với TQ ở Biển...

Philippines đi theo hướng nào trước chính sách với TQ ở Biển Đông

Dù ông Rodrigo Duterte, Tổng thống Philippines, vừa tái khẳng định lập trường hữu hảo với Trung Quốc về Biển Đông, nhưng điều đó khó nhận được sự đồng thuận trong nội bộ Philippines và ông Duterte cũng sắp kết thúc nhiệm kỳ.

Không muốn xung đột ?

Trong đó, đề cập việc Tòa trọng tài quốc tế năm 2016 đưa ra phán quyết bác bỏ “đường lưỡi bò” do Trung Quốc đưa ra đối với Biển Đông, ông Duterte cho rằng đó là “một phần của luật pháp quốc tế”, nhưng cũng đồng thời nhận định phán quyết không có tính ràng buộc pháp lý.

Mỹ bác yêu sách của Trung Quốc ở Biển Đông

Phát biểu ở Singapore hôm qua, Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Lloyd Austin thẳng thừng bác bỏ yêu sách của Trung Quốc ở Biển Đông là không có cơ sở theo luật pháp quốc tế và cảnh báo yêu sách đó “chà đạp lên chủ quyền của các nước trong khu vực”, theo tờ Nikkei Asia. Ông Austin còn làm nổi bật tình trạng Bắc Kinh “không sẵn sàng giải quyết các tranh chấp một cách hòa bình cũng như tôn trọng luật pháp quốc tế”. Ông Austin nhấn mạnh Mỹ tiếp tục ủng hộ các nước ven biển trong khu vực duy trì các quyền của họ theo luật pháp quốc tế.    
Minh Trung

Khẳng định không muốn xung đột với Trung Quốc, Tổng thống Duterte dẫn chứng rằng nếu xảy ra xung đột thì “ngay cả trên bãi biển Palawan (thuộc tỉnh Palawan của Philippines), trước 5 – 10 phút khi Philippines cất cánh máy bay, Trung Quốc đã dội tên lửa xuống khu vực này”. Từ thực tế này, ông cho rằng sẽ chỉ “đối xử tốt” với Trung Quốc. Bên cạnh đó, ông còn dẫn chứng một số hành động “hữu hảo” của Bắc Kinh khi cung cấp vắc xin ngừa Covid-19 cho Manila.

Cũng trong bài phát biểu, đề cập đến Mỹ, Tổng thống Philippines tỏ vẻ không hài lòng khi chỉ ra: “Họ nói rằng nếu Philippines bị tấn công, họ sẽ bảo vệ. Nhưng họ đã đưa ra tuyên bố rằng Mỹ không can thiệp vào các cuộc xung đột, liên quan ranh giới của các quốc gia khác”. Ý ông ám chỉ rằng Washington sẽ không hỗ trợ Manila nếu Philippines xảy ra xung đột liên quan Biển Đông. Từ năm ngoái, Manila đòi rút khỏi thỏa thuận thăm viếng quân sự song phương với Washington và tương lai của thỏa thuận này đến nay chưa ngã ngũ.

Chỉ trích nội bộ

Bài phát biểu của ông Duterte nhanh chóng bị chỉ trích mạnh mẽ ngay trong nội bộ Philippines. Ông Antonio Carpio, cựu Thẩm phán Tòa án tối cao Philippines, cho rằng ông Duterte đã đánh tráo khái niệm giữa việc bảo vệ chủ quyền như thế nào với việc bảo vệ chủ quyền tất yếu dẫn đến xung đột. Tờ Nikkei Asia dẫn lời ông Carpio nhấn mạnh việc đấu tranh bảo vệ chủ quyền không phải nhằm hướng đến xung đột và đó là lý do mà Manila đã tìm đến Tòa trọng tài quốc tế để phân xử.
Thực tế, từ đầu năm đến gần đây, một số quan chức cấp cao của Philippines chỉ trích mạnh mẽ Trung Quốc về vấn đề Biển Đông.
Cuối tháng 4, Bộ trưởng Quốc phòng Philippines Delfin Lorenzana tuyên bố Trung Quốc “không có quyền hay cơ sở pháp lý để ngăn cản Manila tiến hành cuộc diễn tập” ở Biển Đông. Tuyên bố của ông Lorenzanna nhằm phản ứng lại việc Bắc Kinh yêu cầu Manila dừng các cuộc tập trận mà các lực lượng tuần duyên và quản lý ngư nghiệp Philippines tiến hành trên Biển Đông từ ngày 24.4. Việc tập trận của Philippines được xem là cách đáp trả sự hiện diện đông đảo của tàu dân binh, tàu hải cảnh và thậm chí là tàu quân sự Trung Quốc trong khu vực trước đó.
Thậm chí, Phó tổng thống Philippines Leni Robredo đầu tháng 5 đã lên tiếng chỉ trích việc Tổng thống Duterte ngày 5.5 gọi phán quyết của Tòa trọng tài quốc tế (PCA) hồi năm 2016 về Biển Đông chỉ là “mảnh giấy” để “vứt sọt rác”. Bà Robredo cho rằng tuyên bố của ông Duterte là “sai trái” và bà cũng khẳng định không thể bỏ qua những hành động “thân Trung Quốc” của vị tổng thống.
Ngay chính ông Duterte cũng từng “đổi giọng” đối với Trung Quốc về vấn đề Biển Đông. Tờ South China Morning Post ngày 20.4 dẫn lời Tổng thống Duterte tuyên bố về Biển Đông trong cuộc họp diễn ra ngày hôm trước rằng ông sẵn sàng điều động tàu chiến đến Biển Đông để đối phó với tàu Trung Quốc đang hiện diện tại đây. Ông còn đe dọa khi đó hậu quả sẽ rất “đẫm máu”.
Nhận định về các diễn biến vừa nêu khi trả lời Thanh Niên, PGS-TS Richard Heydarian (chuyên gia phân tích quốc tế tại Philippines) cho rằng: “Tổng thống Duterte dường như đang đứng trước các áp lực đòi hỏi phải cứng rắn với Trung Quốc”. Tương tự, TS Koh Swee Lean Collin (chuyên gia tại Trường Nghiên cứu quốc tế S.Rajaratnam, Singapore) cũng đánh giá: “Rõ ràng, có những áp lực trong nước mà ông Duterte đang phải đối mặt. Áp lực đó chống lại việc Manila phụ thuộc vào Trung Quốc để phục hồi sau đại dịch và cả vắc xin ngừa Covid-19”.
Bên cạnh đó, chuyên gia Heydarian cũng chỉ ra thực tế: “Một điều cũng trở nên khá rõ ràng là chính sách lâu nay Tổng thống Duterte theo đuổi trong quan hệ với Trung Quốc theo cách rất “thân thiện” thì nay đã không hiệu quả. Đến giờ, không hề có một dự án hạ tầng lớn nào của Trung Quốc được hoàn thành ở Philippines. Trong khi đó, Bắc Kinh lại quân sự hóa nhiều khu vực ở Biển Đông và triển khai cả lực lượng quân sự dưới hình thức dân binh biển để đe dọa Philippines”.

Tương lai chưa rõ ràng

Trong khi đó, nhiệm kỳ tổng thống 6 năm của ông Duterte dự kiến kết thúc vào tháng 6.2022 và theo hiến pháp Philippines thì ông không được tái cử. Đương kim Tổng thống Duterte cũng tỏ ý muốn tiếp tục duy trì quyền lực để bảo vệ các di sản chính sách khi tuyên bố có thể sẽ tranh cử phó tổng thống.
Và ông Duterte có thể song hành tranh cử cùng con gái là bà Sara Duterte-Carpio – ứng viên sáng giá trong cuộc tranh cử tổng thống Philippines vào năm sau. Bên cạnh đó, ông Duterte cũng được cho là có thể đồng hành cùng đồng minh chính trị quan trọng là thượng nghị sĩ Emmanuel “Manny” Pacquiao – một võ sĩ quyền anh nổi tiếng thế giới.
Tuy nhiên, bà Sara Duterte-Carpio vừa qua đã cho rằng không tính đến khả năng liên minh tranh cử là “Duterte – Duterte”, ám chỉ sẽ không liên danh tranh cử cùng cha. Theo giới quan sát, nguyên nhân vì bà Sara Duterte-Carpio không muốn trở thành cái bóng của người cha. Bên cạnh đó, quan hệ giữa ông Duterte với thượng nghị sĩ Pacquiao đang rạn nứt. Hồi đầu tháng 7, hai bên đã chỉ trích nhau kịch liệt.
Từ các thực tế trên, tham vọng của ông Duterte trong việc sẽ làm phó tổng thống để bảo vệ di sản chính trị đang đối mặt nhiều thách thức. Chính vì thế, chính sách của Philippines đối với Trung Quốc về Biển Đông đang đứng trước ngã rẽ mới, mà trong đó có thể quay về với các biện pháp cứng rắn như dưới thời người tiền nhiệm của ông Duterte là cố Tổng thống Benigno Aquino III – người đã quyết định chọn cách khởi kiện Trung Quốc ra Tòa trọng tài quốc tế.
RELATED ARTICLES

Tin mới