Wednesday, January 1, 2025
Trang chủQuân sựVì sao Nga ngày càng thân thiết với TQ, Ấn Độ?

Vì sao Nga ngày càng thân thiết với TQ, Ấn Độ?

Sự liên kết chặt chẽ hơn với Trung Quốc, Ấn Độ trở thành nhu cầu chiến lược của Nga để tạo ra đối trọng bù đắp cho sự xa lánh của Mỹ và Liên minh châu Âu sau vụ Moscow sáp nhập bán đảo Crimea.

Tổng thống Nga Vladimir Putin đã ký thông qua Chiến lược an ninh quốc gia mới hồi đầu tháng 7. Đây là văn bản hoạch định chiến lược cơ bản, xác định các ưu tiên chiến lược và lợi ích quốc gia của Moscow, đồng thời đưa ra các mục tiêu để tăng cường an ninh quốc gia của Nga.

Chiến lược an ninh quốc gia Nga xác định mở rộng hợp tác chiến lược với cả Trung Quốc và Ấn Độ, duy trì cách tiếp cận chính trị và ngoại giao nhằm giải quyết các xung đột, đồng thời ngăn chặn những hành động “không thân thiện”. Điều này cho thấy sự thức thời và quyết đoán của chính quyền Tổng thống Vladimir Putin trước những biến đổi nhanh chóng của tình hình, nhằm đưa nước Nga phát triển theo tầm nhìn định sẵn.

Những điểm nhấn trong chính sách đối ngoại của Nga

Ngoài những nội dung quan trọng về phát triển kinh tế và bảo vệ các giá trị đạo đức, tư tưởng quốc gia, văn hóa và lịch sử; tăng cường ổn định các hệ thống pháp lý quốc tế và an ninh mạng, Chiến lược an ninh quốc gia Nga ưu tiên phát triển quan hệ đối tác toàn diện với Trung Quốc, đồng thời phát triển hơn nữa quan hệ hợp tác chiến lược với Ấn Độ, nhằm thiết lập cơ chế bảo đảm an ninh, ổn định khu vực dựa trên cơ sở không liên kết trong khu vực châu Á – Thái Bình Dương.

Mối quan hệ giữa Nga và Trung Quốc đã có những bước chuyển đáng kể từ sau khi đại dịch Covid-19 bùng phát, đặc biệt kể từ đầu năm 2021 đến nay. Đó cũng chính là lý do khiến Tổng thống Nga Putin không ngần ngại ca ngợi quan hệ hai nước “đang ở mức cao nhất trong lịch sử”. Kết quả một cuộc thăm dò dư luận cuối năm 2020 cũng cho thấy, hơn một nửa số người Trung Quốc được hỏi cho biết, họ cảm thấy Moscow là đồng minh quan trọng nhất của Bắc Kinh.

Chính sách đối ngoại của Nga và Trung Quốc có nhiều nét tương đồng và có các lợi ích phù hợp, bởi cùng mục tiêu thách thức vị trí bá chủ thế giới của Mỹ. Moscow và Bắc Kinh đều phản đối chủ nghĩa xét lại của phương Tây nhằm áp đặt “tự do” lên trật tự thế giới dựa trên luật lệ. Nga và Trung Quốc cũng có sự hội tụ (mặc dù chưa hoàn chỉnh) về chính sách đối với các vấn đề quốc tế.

Những năm qua, Nga – Trung có hợp tác quân sự chặt chẽ hơn, bao gồm cả việc Trung Quốc tham gia các cuộc tập trận quy mô lớn hàng năm của Nga, các cuộc tuần tra chung bằng máy bay ném bom trên vùng Biển Nhật Bản và các cuộc tập trận hải quân chung. Moscow đã giúp Bắc Kinh hiện đại hóa lực lượng vũ trang, cung cấp máy bay chiến đấu Su-35, hệ thống S-400 và hỗ trợ công nghệ hệ thống cảnh báo tên lửa.

Sự liên kết chặt chẽ hơn với Trung Quốc trở thành nhu cầu chiến lược của Nga để tạo ra đối trọng bù đắp cho sự xa lánh mà Mỹ và Liên minh châu Âu (EU) dành cho Moscow sau khi nước này sáp nhập bán đảo Crimea, cũng như nhiều mâu thuẫn khác về chính trị và kinh tế. Mặt khác, Tổng thống Nga Putin nhận thấy rằng mối quan hệ Nga – Trung gần gũi hơn sẽ tác động bất lợi đến các tính toán chiến lược của Mỹ và phương Tây, tạo vị thế cho Moscow trước Washington.

Mở rộng quan hệ chiến lược với Ấn Độ cũng là một điểm nhấn trong Chiến lược an ninh mới của Nga. Trên thực tế, Nga và Ấn Độ đã nâng cấp quan hệ đối tác chiến lược đặc biệt và đặc quyền từ năm 2010. Nga coi trọng hợp tác với Ấn Độ bởi quốc gia này có tầm ảnh hưởng ngày càng tăng tại khu vực và là một trong các khách hàng vũ khí tiềm năng của Nga. Trong khi đó, phát triển quan hệ với Nga cũng là một trong những ưu tiên trong chính sách đối ngoại của Ấn Độ.

Gần đây, hồi đầu tháng 5, Nga và Ấn Độ đã nhất trí thiết lập cơ chế Đối thoại 2+2 giữa Bộ trưởng Ngoại giao và Bộ trưởng Quốc phòng hai nước. Với việc thiết lập cơ chế này, Nga và Ấn Độ thể hiện mong muốn thúc đẩy hơn nữa quan hệ đối tác chiến lược giữa hai nước. Và điều quan trọng là mối quan hệ Nga – Trung không ảnh hưởng tới việc Moscow và New Delhi tăng cường hợp tác.

Các chuyên gia đánh giá, tuy vẫn có những giới hạn trong hợp tác chiến lược Nga – Trung, cũng như sự khác biệt về chính sách ngoại giao của Nga và Ấn Độ, nhưng việc Moscow muốn mở rộng hợp tác chiến lược với cả New Delhi và Bắc Kinh là nhằm hướng tới xây dựng một tiến trình đảm bảo ổn định, an ninh khu vực châu Á – Thái Bình Dương, tách biệt hoàn toàn với các cơ chế do Mỹ dẫn dắt. Đồng thời, Nga muốn Trung Quốc và Ấn Độ giải quyết triệt để các căng thẳng tại biên giới hai nước.

Ngăn chặn hành động “không thân thiện”

Gần đây, quan hệ Nga – Mỹ và phương Tây nói chung xuống tới mức thấp nhất kể từ sau Chiến tranh Lạnh, liên quan đến hàng loạt vấn đề như việc Nga sáp nhập Crimea, cáo buộc Nga can thiệp bầu cử Mỹ, chương trình hạt nhân của Iran, căng thẳng Armenia – Azerbaijan, dự án đường ống dẫn khí đốt “Dòng chảy phương Bắc 2” (Nord Stream 2), hay vụ trục xuất các nhà ngoại giao, cũng như các động thái quân sự nhằm vào nhau…

Chiến lược an ninh quốc gia Nga nhận định môi trường địa chính trị bất ổn và xung đột gia tăng là kết quả của sự phân chia lại tiềm lực phát triển toàn cầu, với “một số quốc gia cố gắng níu giữ vị thế dẫn đầu thông qua các biện pháp cạnh tranh không công bằng, trừng phạt đơn phương hoặc công khai can thiệp vào công việc nội bộ của quốc gia khác”. Nga khẳng định sẽ duy trì cách tiếp cận chính trị và ngoại giao nhằm giải quyết các xung đột, nhưng Moscow sẵn sàng chặn đứng mọi hành động “không thân thiện” từ bên ngoài nhằm “đe dọa chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ”.

Danh sách các quốc gia được cho là có hành động “không thân thiện” chống lại Nga đã được Chính phủ Nga đã phê duyệt hồi tháng 4, trong đó chỉ đích danh Mỹ và Cộng hòa Séc. Trong văn bản của Chính phủ Nga nêu rõ: “Phê duyệt danh sách kèm theo các quốc gia nước ngoài có hành động không thân thiện chống lại Liên bang Nga, công dân Liên bang Nga hoặc các pháp nhân Nga, liên quan đến các biện pháp gây ảnh hưởng (chống lại) đang được áp dụng, được thiết lập theo sắc lệnh của Tổng thống Liên bang Nga vào ngày 23/4/2021”. Tuy nhiên, theo nhiều nguồn tin khác, danh sách này có thể còn có Ukraine, Gruzia, Estonia, Litva, Ba Lan, Anh, Canada.

Chiến lược an ninh quốc gia mới cho thấy Nga nhận thức rất rõ về tầm quan trọng của việc duy trì mối quan hệ song phương ổn định, để ngỏ cánh cửa hợp tác cho những vấn đề như kiểm soát vũ khí, biến đổi khí hậu, cuộc chiến chống khủng bố, ứng phó với dịch bệnh… Tuy nhiên, Nga có lập trường cứng rắn và kiên quyết trong bảo vệ các lợi ích cốt lõi. Tổng thống Putin nhiều lần khẳng định, Nga có lợi ích riêng của mình và sẽ luôn bảo vệ lợi ích đó, Moscow sẽ tìm ra những cách thức “không đối xứng”, nhanh chóng và cứng rắn để bảo vệ lợi ích quốc gia nếu các quốc gia khác từ chối đối thoại.

Theo các nhà phân tích, việc Nga ưu tiên mở rộng hợp tác chiến lược với cả Trung Quốc và Ấn Độ, đồng thời thể hiện lập trường cứng rắn trước những hành động không thân thiện, là nhằm thiết lập cơ chế bảo đảm an ninh, ổn định khu vực, đồng thời là lời cảnh báo tới các đối thủ. Từ đó, Nga có thể khéo léo tận dụng vai trò trong tam giác Mỹ – Nga – Trung để tìm kiếm lợi ích, củng cố vị thế và tiềm lực, đưa nước Nga phát triển theo tầm nhìn định sẵn, đây là hành động thức thời và quyết đoán.

RELATED ARTICLES

Tin mới