Friday, March 29, 2024
Trang chủThâm cung bí sử50 năm TQ đi đêm với Mỹ

50 năm TQ đi đêm với Mỹ

Nhân dịp kỉ niệm 50 năm chuyến đi “bí mật” tới Trung Quốc của Kissinger, tờ Nikkei Asia đăng bài phỏng vấn cựu Trợ lý Ngoại trưởng Mỹ về Đông Á Daniel Russel (hiện là Chủ tịch Viện nghiên cứu Asia Society). Các chia sẻ của cựu Trợ lý cho thấy nhiều thay đổi trong cách tiếp cận mối quan hệ Mỹ – Trung của Mỹ.

Chia sẻ của Daniel Russel

So sánh cách nhìn nhận Trung Quốc hiện nay và 50 năm trước, cựu Trợ lý Ngoại trưởng Mỹ đưa ra một số đánh giá.

Thứ nhất, Mỹ không nhằm mục tiêu và không nên tìm cách thay đổi chế độ tại TQ như đã làm với đối thủ thời Chiến tranh Lạnh. Điều này vừa “không thực tế, không khôn ngoan”, vừa tiềm ẩn nhiều hệ lụy mang tính “thảm họa”.

Thứ hai, Mỹ cần giữ khoảng cách sức mạnh với TQ để đảm bảo quan hệ ổn định – điều đã được minh chứng trong lịch sử. Chỉ khi thấy Mỹ và sức mạnh của “cộng đồng các quốc gia dân chủ” tiếp tục vững mạnh, lãnh đạo TQ mới hành xử linh hoạt và cẩn trọng hơn. Russel nhấn mạnh lãnh đạo Trung Quốc vì theo chủ nghĩa Lê-nin nên sẽ “nể phục” sức mạnh.

Tuy nhiên, Russel nhấn mạnh Mỹ không duy trì khoảng cách TQ không phải bằng cách làm suy yếu, cô lập hay kiềm chế TQ – cách tiếp cận của Mỹ thời Chiến tranh Lạnh với Liên Xô – mà bằng cách tăng cường sức mạnh của mình và hệ thống đồng minh – đối tác. Mỹ phải củng cố vai trò lãnh đạo của mình trong việc định hình quan hệ quốc tế, đặt ra luật lệ và không được từ bỏ chuẩn mực cao về giá trị vì giá trị giúp Mỹ phát huy sức mạnh mềm.

Mỹ vẫn nên “lôi kéo” (engage) với Trung Quốc nhưng không nên tránh đối đầu và ủng hộ Trung Quốc phát triển như trước đây vì hiện nay Trung Quốc đã có sức mạnh đáng kể và hành xử ngày một mạnh mẽ, thách thức vị trí lãnh đạo của Mỹ và hệ thống chuẩn mực toàn cầu.

Thứ ba, tam giác quan hệ Mỹ – Nga – Trung hiện nay khác với tam giác Mỹ – Xô – Trung thời Chiến tranh Lạnh do nhiều yếu tố: (i) tùy thuộc kinh tế Mỹ – Trung quá lớn, không tách biệt như Mỹ – Xô ngày trước; (ii) Nga và Trung Quốc hợp tác chặt chẽ hơn chứ không ở thế đối đầu như thập niên 70; và (iii) Nga hiện nay tương đối yếu trong khi Trung Quốc đã quá hội nhập với hệ thống phương Tây. Do đó, Mỹ sẽ không có cách nào thay đổi “căn bản” được tam giác quan hệ Mỹ – Nga – Trung hiện nay như “bộ đôi” Nixon và Kissinger đã làm 50 năm trước.

Thứ tư, Chủ tịch Tập Cận Bình không giống các lãnh đạo Trung Quốc trước đây, không theo đuổi “giấu mình chờ thời” mà mang tính dân tộc hơn, theo trường phái chủ nghĩa Lê-nin mang tính ý thức hệ nhiều hơn. Russel cho rằng ông Tập đại diện cho tầng lớp lãnh đạo TQ có niềm tin rằng: càng nhiều quyền kiểm soát càng có lợi và tự do hóa chính trị sẽ là thảm họa cho TQ.

Một số nhận xét

Các chia sẻ của Daniel Russel cho thấy, dù tham gia vào chính sách “lôi kéo” Trung Quốc (engagement) dưới thời Obama, cựu Trợ lý có vẻ như ngả về cách tiếp cận mang tính cạnh tranh chiến lược nhiều hơn. Đây cũng là thay đổi rõ nét trong chính sách với Trung Quốc của Mỹ thời hậu Obama. Nếu như Mỹ giai đoạn đầu thời Obama tìm cách giúp Trung Quốc hội nhập với hy vọng Trung Quốc sẽ mở cửa cho tự do hóa chính trị, Chính quyền Trump từ rất sớm đã coi Trung Quốc là “đối thủ” ngang bằng với Nga – điều được khẳng định trong bản Chiến lược An ninh Quốc gia 2017. Trong những tháng đầu Chính quyền Biden, Mỹ tiếp tục xu hướng này khi khẳng định Trung Quốc là “đối thủ cạnh tranh nghiêm trọng nhất”.

Nhận định của Daniel Russel cũng mang màu sắc “chủ nghĩa hiện thực” nhiều hơn trước. Niềm tin Trung Quốc sẽ phải thúc đẩy tự do hóa do tùy thuộc kinh tế thời Russel còn làm Trợ lý Ngoại trưởng cho Obama thiên về “chủ nghĩa tự do” trong quan hệ quốc tế. Kiến nghị Mỹ giữ khoảng cách về sức mạnh đủ lớn để Trung Quốc phải tự điều chỉnh mình của Russel dựa trên lập luận về “cân bằng quyền lực” và “ổn định bá quyền” của “chủ nghĩa hiện thực”. Có lẽ, chính Daniel Russel cũng nhận thấy rõ những điểm yếu của cách tiếp cận trước đây.

Ngoài ra, quan điểm rằng Mỹ không nên cạnh tranh bằng cách cô lập hay làm suy yếu Trung Quốc phần nào có nét tương tự chính sách “vừa hợp tác vừa cạnh tranh” của Chính quyền Biden. Chính Mỹ cũng nhận thấy vai trò của Trung Quốc trong việc giải quyết các thách thức mang tính toàn cầu như biến đổi khí hậu, chống dịch bệnh, chống phổ biến hạt nhân… nên phương án cô lập Trung Quốc không hề khả thi. Tuy nhiên, Daniel Russel không nhắc đến thực tế rằng: Trung Quốc hiện đã vượt Mỹ trong một vài chỉ số kinh tế và quân sự, khiến việc cô lập hay làm suy yếu Trung Quốc khó khăn hơn trước. Cụ thể, về kinh tế, nếu so sánh GDP bằng sức mua tương đương (PPP), Mỹ đã mất vị trí số một từ năm 2013 (các dự báo uy tín đều cho rằng Trung Quốc sẽ vượt Mỹ về GDP vào giai đoạn 2028-2030). Về quân sự, Trung Quốc năm 2020 đã có lực lượng bộ binh lớn nhất thế giới với 915.000 quân sĩ (chưa tính quân dự bị) và lực lượng hải quân lớn nhất thế giới với khoảng 350 tàu chiến và tàu ngầm (so với 293 của Mỹ)…

Kiến nghị Mỹ không nên tìm cách “lật đổ chế độ chính trị” của Trung Quốc cho thấy Mỹ, dưới lăng kính của Russel, có thể đã học được “bài học” từ các can thiệp chính trị xây dựng các chế độ thân Mỹ ở nước ngoài. Tại Trung Đông, hệ quả của các hành động này hiện vẫn để lại cho Mỹ nhiều gánh nặng. Ngoài ra, ý thức hệ cũng không còn chi phối quan hệ của Mỹ với các nước như thời Chiến tranh lạnh nữa. Quan hệ Việt – Mỹ là minh chứng rõ rệt cho xu hướng này khi Mỹ khẳng định tôn trọng khác biệt chính trị hai nước và đã thúc đẩy quan hệ lên tầm Đối tác Toàn diện.

Về quan hệ Mỹ – Trung – Nga, Daniel Russel có lý khi nhận định Mỹ khó lòng tác động vào “tam giác” này như thời Chiến tranh lạnh (Mỹ đẩy mâu thuẫn Xô – Trung theo hướng có lợi cho mình). Tuy nhiên, cựu Trợ lý không nhắc đến khả năng Trung và Nga vẫn có thể gây sức ép lên Mỹ cùng một lúc dù Nga có suy yếu, tại hai địa bàn khác nhau là Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương và Châu Âu. Quan hệ Trung – Nga, dù không phải đối tác “tự nhiên” như nhiều ý kiến cho thấy mà vẫn ngày một khăng khít. Trong chuyến thăm Nga tháng 5/2021 vừa rồi của nhà ngoại giao hàng đầu Trung Quốc Dương Khiết Trì, Tổng thống Putin đã nhấn mạnh quan hệ song phương đang đạt mức “tốt nhất trong lịch sử”.

RELATED ARTICLES

Tin mới