Tuesday, January 7, 2025
Trang chủGóc nhìn mớiTại sao Bắc Kinh không dám cho chiến hạm Đức ghé Thượng...

Tại sao Bắc Kinh không dám cho chiến hạm Đức ghé Thượng Hải

Các nhà quan sát nhận định, phản ứng của Trung Quốc với việc tàu chiến Đức đề nghị cập cảng Thượng Hải trên hành trình đến Biển Đông sẽ định hình mối quan hệ song phương trong tương lai.

Một tàu chiến của Đức đang hướng đến châu Á – Thái Bình Dương sau lời kêu gọi của Mỹ với các đồng minh về một chính sách chú trọng hơn đến khu vực này.

Động thái này của Đức, diễn ra ngay sau khi đội tàu sân bay HMS Queen Elizabeth của Anh đã bắt đầu hành trình đến thăm 40 quốc gia và tại Biển Đông, hạm đội Anh dự định tham gia cuộc tập trận với Mỹ trong khuôn khổ chương trình “bảo vệ tự do hàng hải”.

Trung Quốc “đứng ngồi không yên” chuyện tàu Đức đến Biển Đông

Chiến hạm Bayern của Đức khởi hành từ bến cảng Wilhelmshaven với hơn 200 binh sĩ trên tàu cho nhiệm vụ kéo dài 6 tháng nhằm tăng cường sự hiện diện trong khu vực châu Á – Thái Bình Dương.

Báo SCMP cho biết, chính phủ Đức tuyên bố, việc triển khai tàu chiến lần này sẽ giúp họ thực thi chính sách trừng phạt của Liên hợp quốc đối với Triều Tiên, cũng như thực hiện một số cuộc tập trận hải quân và các chuyến thăm cảng.

Theo đó, trên hành trình này, tàu Bayern dự kiến sẽ ghé một số nước Singapore, Hàn Quốc, Australia và sau đó sẽ di chuyển qua Biển Đông vào tháng 12 tới. Đây là lần đầu tiên kể từ năm 2002, một tàu chiến Đức đến khu vực Biển Đông đang tranh chấp này.

Chuyến đi diễn ra sau lời kêu gọi của Mỹ rằng, các đồng minh cần quan tâm nhiều hơn đến châu Á – Thái Bình Dương và bao gồm việc đi qua Biển Đông, một tuyến hàng hải quan trọng mà Trung Quốc đang có những tuyên bố chủ quyền vô lý và gây chỉ trích trên khắp thế giới.

Trong một nỗ lực vạch ra điểm đến rõ ràng trên hành trình của mình, Đức đã đề nghị ghé thăm cảng tại Thượng Hải, Trung Quốc. Tuy nhiên, Bắc Kinh không nói rõ ràng rằng có đồng ý hay không mà chỉ yêu cầu Berlin làm rõ lý do ghé cảng ở Thượng Hải, động thái rõ ràng cho thấy, họ đang lo ngại về sứ mệnh lần này của Đức.

Dù Berlin tuyên bố sẽ không đi qua phạm vi 12 hải lý của bất kỳ thực thể nào trong khu vực, nhưng Bộ Ngoại giao Trung Quốc cho biết sẽ đưa ra quyết định sau khi Đức làm rõ mọi ý định liên quan đến hoạt động của tàu chiến.

Theo các chuyên gia, chỉ trong vòng chưa đầy 6 tháng, một số quốc gia đồng minh thân cận và đối tác của Mỹ đã liên tiếp điều tàu quân sự đến Biển Đông, khiến Trung Quốc thật sự như ngồi trên đống lửa.

Căng thẳng Đức-Trung Quốc âm ỉ

Giám đốc bộ phận nghiên cứu châu Âu tại Viện Nghiên cứu Quốc tế Trung Quốc, ông Cui Hongjian, cho rằng,thật sự đang có nhiều vấn đề lớn hơn đang âm ỉ cháy trong mối quan hệ Trung-Đức và Bắc Kinh gặp khó khăn trong việc xử lý đề nghị của Berlin, vì nó sẽ ảnh hưởng đến quan hệ giữa hai nước sau cuộc bầu cử Đức vào tháng 9, khi Thủ tướng Angela Merkel rời nhiệm sở.

Một trong những vấn đề đang khiến cả hai căng thẳng là hồi năm ngoái, Đức đã thông qua các hướng dẫn mới về khu vực Ấn Độ – Thái Bình Dương, đề xuất nhu cầu hợp tác an ninh nhiều hơn và đa dạng hóa quan hệ đối tác kinh tế với các quốc gia trong khu vực để “tránh phụ thuộc đơn phương”.

Các giới chức quốc phòng Đức cũng cho biết, các tuyến đường biển ở khu vực Ấn Độ – Thái Bình Dương đã không còn thông thoáng và an toàn.

Phát biểu trước khi tàu chiến Bayern khởi hành, Bộ trưởng Quốc phòng Đức Annegret Kramp-Karrenbauernhấn mạnh, thông điệp của chúng tôi rất rõ ràng: nhằm bảo vệ các giá trị và lợi ích cùng các đồng minh và đối tác vì “thực tế là các tuyến đường biển không còn rộng mở và an toàn nữa, và các yêu sách lãnh thổ đang được áp dụng theo luật của những kẻ mạnh luôn luôn đúng”.

Các tuyên bố chủ quyền vô lý của Trung Quốc ở Biển Đông từ lâu đã làm gia tăng căng thẳng với phương Tây. Ngoài ra, đề nghị cho tàu cập cảng Thượng Hải của Đức được đưa ra trong bối cảnh căng thẳng giữa Trung Quốc và châu Âu gia tăng. Hai bên đã áp đặt các biện pháp trừng phạt ăn miếng trả miếng đối với các cáo buộc qua lại về vấn đề Tân Cương, trong khi hiệp ước đầu tư quan trọng giữa EU và Trung Quốc đã bị hoãn lại.

“Những viên thuốc bọc đường”

Cả Berlin và Bắc Kinh vẫn đang nỗ lực ổn định quan hệ song phương. Theo chuyên gia Cui Hongjian, cách tiếp cận của Đức – được thúc đẩy bởi mục tiêu kép là vừa bảo vệ lợi ích kinh tế của Đức với đối tác thương mại lớn nhất và hợp tác chặt chẽ với các đồng minh “cùng chí hướng” về các vấn đề liên quan – là không khả thi và không bền vững.

“Mục tiêu mà Đức muốn đạt được là làm hài lòng cả hai bên. Nhưng rất khó để Trung Quốc chấp nhận điều đó”, ông Cui nói và nhấn mạnh “Đó nên là một lời cảnh tỉnh để họ nhận ra rằng đối phó với Trung Quốc không hề đơn giản”.

Theo ông, động thái của Đức giống như “những viên thuốc bọc đường” vậy, một mặt vừa muốn thể hiện động thái thân thiện bằng cách ghé thăm Thượng Hải khi đi ngang qua Biển Đông với danh nghĩa tự do hàng hải.

Một phát ngôn viên của Bộ Quốc phòng Đức cho biết, sứ mệnh lần này không nhằm vào bất kỳ quốc gia cụ thể nào, nhưng Berlin cũng nói rõ, họ muốn nhấn mạnh thực tế là “không chấp nhận các yêu sách lãnh thổ của Trung Quốc”.

Hiện nay, theo chuyên gia Cui, Trung Quốc chưa từ chối đề nghị ghé cảng của Đức – đây là một tín hiệu cho thấy họ có khả năng sẽ đồng ý – bởi Bắc Kinh biết rõ quyết định lần này của họ sẽ ảnh hưởng đến quan hệ song phương sau cuộc bầu cử ở Đức vào tháng 9 tới.

Tuy nhiên, chuyên gia Thorsten Benner, Giám đốc Viện Chính sách công Toàn cầu ở Berlin, việc Bắc Kinh yêu cầu Berlin làm rõ ý định của mình là điều “bất thường”. Ông cho rằng, rõ ràng là Berlin vừa nỗ lực phát tín hiệu ủng hộ luật pháp biển quốc tế trong khi tránh gây bất lợi cho Bắc Kinh.

Theo chuyên gia này, đối với Bắc Kinh, chuyến ghé cảng Thượng Hải mà Berlin cho là thân thiện dường như chỉ càng “tô son điểm phấn” cho một sứ mệnh không thân thiện.

Nhưng nếu Bắc Kinh muốn gửi thông điệp đến Berlin là “Đức cần phải chọn 1 trong 2”, điều đó có thể sẽ càng giúp củng cố quan điểm của những người ủng hộ lập trường cứng rắn hơn đối với Bắc Kinh tại Đức.

RELATED ARTICLES

Tin mới