Tuesday, November 5, 2024
Trang chủSự thật Trung HoaNghiên cứu quốc tếĐàm phán Bộ quy tắc ứng xử ở Biển Đông: 25 năm...

Đàm phán Bộ quy tắc ứng xử ở Biển Đông: 25 năm nhìn lại

25 năm với nhiều thăng trầm, tiến trình đàm phán giữa ASEAN và Trung Quốc để thông qua Bộ Quy tắc ứng xử ở Biển Đông vẫn chưa thể hoàn thành.

Ngày 21-7-1996, cuộc họp giữa các bộ trưởng ngoại giao của Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) tại Jakarta (Indonesia) đã lần đầu tiên tán thành ý tưởng về việc thống nhất một Bộ quy tắc ứng xử ở Biển Đông. Văn kiện này sẽ là nền tảng cho sự ổn định lâu dài trong khu vực và thúc đẩy sự hiểu biết giữa các nước tranh chấp chủ quyền ở Biển Đông.

Tuy nhiên, đến thời điểm hiện tại, có rất ít dấu hiệu cho thấy có sự sự ổn định lâu dài, và “sự hiểu biết” giữa các quốc gia có tuyên bố chủ quyền ở Biển Đông đang trở nên mỏng manh hơn, theo trang Foreign Policy.

Tồn tại nhiều vấn đề

ASEAN và Trung Quốc cho đến nay đã thông qua Tuyên bố về Bộ Quy tắc ứng xử giữa các bên ở Biển Đông (DOC, năm 2002), Hướng dẫn thực hiện Tuyên bố (năm 2011), Khung cho Bộ quy tắc (năm 2017), và một “Văn bản đàm phán dự thảo duy nhất” (năm 2018). Tuy nhiên, Bộ quy tắc ứng xử cuối cùng vẫn chưa rõ ràng.
Hết dự thảo này đến dự thảo khác, các vấn đề vẫn chưa được thống nhất. Theo chuyên gia Ian Storey, thành viên cấp cao tại Viện ISEAS-Yusof Ishak ở Singapore, luôn có ba điểm mấu chốt chưa được giải quyết.

Thứ nhất, phạm vi địa lý của hiệp định nên như thế nào? Vì các quốc gia đang có tranh chấp chủ quyền ở đây và không ai sẽ nhường bên còn lại.
Thứ hai, COC có nên bao gồm danh sách những việc nên làm và không nên làm? Vì Bắc Kinh sẽ không muốn bị những quy tắc này “trói tay”.

Thứ ba, COC có nên ràng buộc về mặt pháp lý không? Vì hầu hết các quốc gia ASEAN ủng hộ điều đó, nhưng Trung Quốc thì không.

Đàm phán không liên tục

Sẽ là sai lầm nếu nghĩ rằng các cuộc đàm phán đã diễn ra liên tục trong 25 năm qua. Trong nhiều năm, Trung Quốc đã từ chối đàm phán với “một ASEAN thống nhất”. Bắc Kinh muốn đối phó trực tiếp với từng bên tranh chấp, để có thể phát huy sức mạnh kinh tế và quân sự nhằm chiếm ưu thế đàm phán.

Theo cựu Đại sứ Singapore Bilahari Kausikan, COC thường bị ngừng đàm phán khi quan hệ hai bên căng thẳng, và sẽ tiếp tục khi quan hệ được cải thiện. Tiến sĩ Huong Le Thu – nhà phân tích cấp cao của Viện Chính sách Chiến lược Úc lại có nhận định rằng một trong những lý do Trung Quốc kéo dài đàm phán là nhằm chuyển hướng chú ý của ASEAN để tập trung nâng cao các mục tiêu chiến lược của mình.

Vào tháng 11-2018, Thủ tướng Trung Quốc Lý Khắc Cường nói ông hy vọng các cuộc đàm phán về quy tắc ứng xử có thể được kết thúc “trong vòng ba năm”. Tuy nhiên, đại dịch COVID-19 đã cản trở tất cả cuộc họp năm 2020 và các cuộc đàm phán chỉ được nối lại một cách tạm thời vào tháng trước.

Hiện tại, các nhà đàm phán đang phải đau đầu với việc xử lý Văn bản đàm phán dự thảo duy nhất – một bản thảo dài dòng chứa đựng lập trường của tất cả các bên. Theo ông Storey, bước tiếp theo sẽ là quyết định những gì nên giữ và những gì nên loại bỏ. Đó sẽ là lúc “các tia lửa bắt đầu bay”.

Cần sự thống nhất giữa các nước ASEAN

Theo TS Huong, một trong những điều cản trở thông qua COC là vì khó có sự đồng thuận giữa các nước ASEAN, khi “lợi ích quốc gia và nhận thức về sự đe dọa” của mỗi nước không giống nhau.

“Nói một cách đơn giản, năm quốc gia giáp Biển Đông có nguy cơ bị đe dọa nhiều hơn so với các quốc gia ASEAN khác” – theo TS Huong.

Việt Nam và các quốc gia ven biển khác đều kiên quyết rằng Công ước Liên hợp quốc về Luật Biển phải là nền tảng của quy tắc ở Biển Đông, giống như ở các nước khác trên thế giới. Tuy nhiên, không phải tất cả các thành viên ASEAN đều hoàn toàn cố định về quan điểm này.

Theo ông B.A. Hamzah, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu Quốc phòng và An ninh Quốc tế tại ĐH Quốc phòng Malaysia, các nước Thái Lan, Myanmar, Campuchia và Lào không có tranh chấp chủ quyền trên biển với Trung Quốc, nên không thực sự ủng hộ đưa ra một đồng thuận chung của ASEAN về Biển Đông.

“Mỗi thành viên ASEAN đều có những lợi ích kinh tế và an ninh riêng để theo đuổi” – ông nói.

RELATED ARTICLES

Tin mới