Thursday, May 2, 2024
Trang chủGóc nhìn mớiBắc Kinh gửi gắm điều gì qua cuộc tập trận?

Bắc Kinh gửi gắm điều gì qua cuộc tập trận?

Từ ngày 6 đến 10/8 Trung Quốc đã tiến hành tập trận quy mô lớn, kéo dài trong 5 ngày. Khu vực tập trận nằm ở phía bắc Biển Đông, bao phủ phần lớn quần đảo Hoàng Sa (Trung Quốc gọi là Tây Sa) thuộc chủ quyền của Việt Nam. Vì sao quân đội Trung Quốc giễu võ giương oai vào lúc này?

Cuộc tập trận diễn ra vào lúc Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Austin vừa thăm Việt Nam và một số quốc gia Đông Nam Á. Và sang tuần tới Phó Tổng thống Mỹ Kamala Harris cũng có chuyến công du đến khu vực nêu trên. Đương nhiên, đó chỉ là ngẫu nhiên, Quân đội Trung Quốc đã có kế hoạch từ trước.

Các cuộc tập trận gia tăng đáng kể trong những tháng đầu năm 2021 cho thấy, đây là “lời cảnh cáo” của Bắc Kinh khi cho rằng Mỹ và phương Tây can thiệp ngày càng sâu vào tình hình ở Biển Đông. Chỉ riêng việc từ đầu năm 2021 đến nay đã có 5 quốc gia (Mỹ, Pháp, Anh, Đức, Ấn Độ) đưa các chiến hạm vào Biển Đông – một khu vực mà Trung Quốc cho là thuộc chủ quyền của mình đã chứng minh điều đó.

Cuộc tập trận trái phép của Trung Quốc bị phía Việt Nam phản ứng mạnh mẽ. Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Việt Nam Lê Thu Hằng đã lên tiếng chỉ trích vào ngày 5/8: “Việt Nam yêu cầu Trung Quốc tôn trọng chủ quyền của Việt Nam đối với quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa, chấm dứt và không tái diễn hoạt động vi phạm tương tự, làm phức tạp thêm tình hình ở Biển Đông”.

Đó là sự đáp trả tích cực, dẫu biết rằng nó chả khác nào ném đá ao bèo. Nhưng nếu lặng im thì Trung Quốc sẽ càng lấn tới. Họ cho rằng Việt Nam đã chấp nhận, đã phủi tay đối với Hoàng Sa. Bắc Kinh đã quá quen thời tiết chính trị trong khu vực. Bắc Kinh cũng thừa hiểu do Mỹ giật dây mà các nước đồng minh ồ ạt kéo vào khu vực này “gây rối”. Cụ thể, Bộ Tư lệnh các hạm đội Mỹ tuần trước thông báo, Hải quân Mỹ chuẩn bị tổ chức một đợt tập trận quy mô toàn cầu ở nhiều vùng biển khác nhau. Khu vực Tây Thái Bình Dương, trong đó có Biển Đông, sẽ là nơi tập trận lý tưởng. Các bên tham gia với Mỹ là Anh, Úc, Ấn Độ, Nhật Bản.

Qua cuộc tập trận vừa rồi, có thể thấy thông điệp của Bắc Kinh rất rõ ràng: Chúng tôi chưa bao giờ mạnh như bây giờ. Chúng tôi dư sức để đối phó với những gì Mỹ và đồng minh khuấy đảo trên Biển Đông. Các người phải biết rằng, chủ quyền biển đảo củaTrung Quốc là từ thời thượng cổ để lại, không “kẻ thù” nào có thể xóa bỏ lợi ích hợp pháp của Trung Quốc ở khu vực này (!).

Có một điểm đáng chú ý, trong cuộc tập trận vừa qua, Bắc Kinh thông qua việc thử tên lửa đạn đạo để thể hiện khả năng quân sự của quân đội nước này. Đây là cuộc tập trận ngay tại thực địa, nơi có thể xảy ra chiến tranh nóng. Nếu tình hình xấu nhất, thì Trung Quốc sẽ phải nghiền nát một trong những vũ khí quan trọng bậc nhất của Mỹ và đồng minh, đó là các nhóm tác chiến tàu sân bay. Có thể vừa qua Trung Quốc đã cho thử những loại vũ khí đạn đạo trong biên chế của quân đội, như tên lửa đạn đạo Đông Phong – 26 (DF-26).

Ngoài những mục đích nêu trên, cuộc tập trận của Quân đội Trung Quốc còn nhằm kiểm tra khả năng chiến đấu hỗn hợp giữa các quân chủng.  Trước khi tập trận, quân đội đã đưa tàu sân bay Sơn Đông ra Biển Đông. Cùng với việc phóng tên lửa còn có sự tham gia hỗn hợp của các lực lượng không quân, hải quân, tên lửa.  

Không cần bàn cãi gì thêm, rõ ràng, việc Trung Quốc liên tục tập trận trái phép trên Biển Đông đã vi phạm nghiêm trọng lợi ích của Việt Nam, làm gia tăng căng thẳng trong khu vực. Hoàng Sa không phải là nơi tranh chấp. Hoàng Sa trước sau như một  là của Việt Nam. Chớ có nghe Bắc Kinh xui dại “gác tranh chấp cùng khai thác”.

Nhưng đó không chỉ là việc của Hà Nội mà của tất cả các nước liên quan đang bị Bắc Kinh lấn lướt. Đặc biệt ASEAN cần tỏ thái độ rõ ràng, dứt khoát hơn. Trung Quốc không thể cao giọng, không thể ép buộc được chừng ấy nước trong khối các nước Đông Nam Á đang ngày càng thắt chặt mối quan hệ nhằm bảo vệ luật pháp quốc tế, bảo vệ chủ quền lãnh thổ, lãnh hải của mình.

Lúc này ASEAN cần thấy rõ cấu trúc an ninh khu vực đang bị mất công bằng, vì một số nước ngại “va chạm”, vì bị Trung Quốc mua sự lặng im bằng chiến lược kinh tế, bằng vaccin, và bằng cả sự đe dọa, như trường hợp của Campuchia, như Philippines sớm nắng chiều mưa, như Malaysia im lặng chờ thời.

Một khi các nước ASEAN không thật sự đoàn kết sẽ rơi vào cái bẫy của Bắc Kinh. Chiến thuật chia nhỏ bó đũa, bẻ gãy từng cái là điều họ đã và đang làm, khi lúc nào họ cũng đề nghị song phương và song phương, cứ đa phương là Trung Quốc lắc đầu nguầy nguậy.

Chung quanh cuộc tập trận đầu tháng 8 của quân đội Trung Quốc cho thấy, thế trận trên Biển Đông còn giằng co, lắm bất ngờ và vô cùng phức tạp. Muốn cho đỡ phức tạp thì cần có một nhạc trưởng. Có lẽ Mỹ và đồng minh đã nhận thấy trách nhiệm của mình trong thời “giữ gìn và làm giàu những giá trị Mỹ” như Tổng thống Joe Biden từng tuyên bố.

RELATED ARTICLES

Tin mới