Saturday, January 11, 2025
Trang chủBiển nóngNgoại trưởng TQ lại ngụy biện về Biển Đông

Ngoại trưởng TQ lại ngụy biện về Biển Đông

Trong bài phát biểu mới đây về vấn đề Biển Đông, ông Vương Nghị, Ngoại trưởng Trung Quốc, không chỉ bóp méo sự thật mà còn đánh tráo khái niệm.

Tàu hải cảnh Trung Quốc đã nhiều lần gây rối ở vùng biển Việt Nam

Trang web của Bộ Ngoại giao Trung Quốc vừa đăng lại bài phát biểu của Ngoại trưởng nước này Vương Nghị về vấn đề Biển Đông, được nêu ra tại Hội nghị Bộ trưởng Ngoại giao cấp cao Đông Á vừa qua.

Bóp méo sự thật

Bài phát biểu đề cập 4 nguyên tắc cần tôn trọng là: tôn trọng sự thật lịch sử, tôn trọng luật pháp quốc tế, tôn trọng sự đồng thuận để giải quyết vấn đề Biển Đông dựa trên cơ sở hòa bình, tôn trọng các nước trong khu vực để tránh bị bên ngoài “can dự” và gây rối.

Thực tế, Việt Nam cũng như nhiều nước khác lâu nay đều luôn tôn trọng 4 nguyên tắc trên, nhưng Trung Quốc thì không.

Cụ thể như về “tôn trọng luật pháp quốc tế”, bài phát biểu của ông Vương tự cho rằng: “Theo luật pháp quốc tế, Trung Quốc có chủ quyền đối với quần đảo Nam Sa (cách Trung Quốc tự đặt ra để gọi quần đảo Trường Sa thuộc chủ quyền Việt Nam – NV) và đương nhiên có các quyền cũng như lợi ích biển tương ứng. Điều này không trái với các quy định của Công ước LHQ về luật Biển (UNCLOS) được thông qua sau này”.

Tuy nhiên, thực tế không phải như vậy! Năm 2016, Tòa trọng tài quốc tế ở The Hague đã đưa ra phán quyết bác bỏ chủ quyền “đường lưỡi bò” mà Trung Quốc tuyên bố ở Biển Đông. Vốn dĩ, tòa phân xử khi đó được thành lập dựa theo các thủ tục đề ra tại Phụ lục VII của UNCLOS 1982. Chính vì thế, phán quyết vừa nêu được nhiều nước thừa nhận như một căn cứ pháp lý quốc tế.

Thế nhưng, Trung Quốc từ sớm đã không tham gia việc phân xử, rồi từ năm 2016 đến nay thì không chấp nhận phán quyết. Không những vậy, từ đó đến nay, Trung Quốc còn liên tục tiến hành xây dựng phi pháp các hạ tầng, đặc biệt là cơ sở quân sự như nhà chứa máy bay, đường băng…, trên các bãi Vành Khăn, Xu Bi và Chữ Thập ở quần đảo Trường Sa mà nước này đang chiếm đóng trái phép. Song hành theo đó, Bắc Kinh có triển khai các hệ thống radar, tên lửa, chiến đấu cơ các loại… đến các thực thể trên. Trung Quốc còn tiến đến tìm cách kiểm soát Biển Đông bằng cách ban hành luật hải cảnh mới cho phép lực lượng hải cảnh nước này được quyền nổ súng nhằm vào tàu nước ngoài các vùng biển mà Bắc Kinh tuyên bố chủ quyền, với ý bao hàm cả Biển Đông.

Tất cả hành vi này đều đi ngược lại điều mà ông Vương Nghị phát biểu là “tôn trọng luật pháp quốc tế”. Hành vi của Trung Quốc gây nhiều quan ngại đã khiến cộng đồng quốc tế phải lên tiếng phản đối. Mỹ, Anh, Pháp, Đức… cùng một số nước đã đệ trình văn bản lên LHQ để phản đối tuyên bố chủ quyền cũng như hành vi của Trung Quốc ở Biển Đông.

Đổ lỗi

Cũng trong bài phát biểu, chủ đề “tôn trọng” thứ tư mà ông Vương Nghị nêu là: “Với nỗ lực chung của Trung Quốc và các nước ASEAN, Biển Đông nhìn chung đã duy trì được tình hình ổn định”. Qua đó, ông cho rằng: “Một số quốc gia ngoài khu vực muốn gây rối nên đã cố tình phóng một số lượng lớn tàu chiến và tàu chiến tối tân vào Biển Đông”.

Đây là cách đổ vấy trách nhiệm như nhiều tờ báo, chuyên gia “thân Bắc Kinh” vẫn đang ngụy biện để nói về tình hình Biển Đông trong những năm gần đây – như Thanh Niên đã nhiều lần chỉ ra.

Thực tế, chưa xét đến các yếu tố bên ngoài, thì từ suốt nhiều năm qua, Bắc Kinh đã tiến hành hàng loạt hành vi gây rối, đe dọa các bên ở Biển Đông, dẫn đến căng thẳng liên tục xảy ra.

Chính tàu hải cảnh, tàu dân binh của Trung Quốc liên tục gây rối ở các khu vực trên Biển Đông thuộc chủ quyền Việt Nam, liên tục đâm – đụng – va, thậm chí đâm chìm tàu cá Việt Nam đang đánh bắt hợp pháp ở vùng biển thuộc chủ quyền của nước nhà. Trung Quốc còn điều động các tàu khảo sát, giàn khoan với sự “tiền hô hậu ủng” của nhiều tàu hải cảnh được vũ trang, đã nhiều lần xâm phạm các khu vực thuộc chủ quyền VN ở Biển Đông. Điển hình là vụ giàn khoan Hải Dương-981 (Haiyang Shiyou-981) năm 2014 hay vụ tàu khảo sát Hải Dương 08 năm 2019.

Không những vậy, quân đội Trung Quốc thời gian qua thường xuyên tổ chức tập trận phi pháp ở khu vực quần đảo Hoàng Sa và quần đảo Trường Sa thuộc chủ quyền Việt Nam. Trong đó, nhiều cuộc tập trận còn bắn đạn thật, với sự tham gia của lực lượng chiến hạm hùng hậu, bao gồm cả tàu sân bay, tàu đổ bộ cỡ lớn… và còn nhiều lần có cả chiến đấu cơ tối tân. Ngoài ra, có cả các oanh tạc cơ có thể mang theo tên lửa chứa đầu đạn hạt nhân cũng tham gia tập trận. Năm ngoái, Bắc Kinh còn tổ chức bắn thử tên lửa đạn đạo Đông Phong 21 và Đông Phong 26 ra Biển Đông.

Những hành động đó của Trung Quốc đã gây bất ổn thật sự cho Biển Đông và nhiều lần khiến căng thẳng dâng cao.

RELATED ARTICLES

Tin mới