Sunday, November 17, 2024
Trang chủGóc nhìn mớiĐằng sau những động thái dồn dập trong tháng 7 của Washington...

Đằng sau những động thái dồn dập trong tháng 7 của Washington liên quan tới khu vực và Biển Đông

Tháng 7 vừa qua đã chứng kiến những động thái dồn dập của Mỹ ở khu vực Đông Nam Á, thể hiện trên một số điểm sau:

Tàu USS Benfold của Hải quân Hoa Kỳ trong một lần neo đậu tại Căn cứ

Thứ nhất, hôm 14/7,  Hội nghị Bộ trưởng Ngoại giao đặc biệt ASEAN – Mỹ đã được tổ chức theo hình thức trực tuyến, hơn 1 tháng sau khi sự kiện này bị trì hoãn vì lý do kỹ thuật. Trước việc hai bên không tổ chức sự kiện như dự kiến vào ngày 25/6/2021, Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Mỹ Ned Price đã thay mặt Ngoại trưởng Blinken gửi lời xin lỗi chân thành tới các Ngoại trưởng ASEAN, đồng thời nhấn mạnh: “Mỹ cam kết xem trọng vai trò trung tâm của ASEAN và vai trò thiết yếu của ASEAN trong cấu trúc Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương”. Người phát ngôn của Hội đồng An ninh quốc gia Mỹ thì khẳng định Washington đã chuẩn bị một loạt cuộc gặp cấp cao với ASEAN để thảo luận về nhiều vấn đề.

Đáng chú ý, phát biểu tại Hội nghị Bộ trưởng Ngoại giao đặc biệt ASEAN – Mỹ, Ngoại trưởng Mỹ Blinken đã bác bỏ các yêu sách hàng hải phi pháp của Trung Quốc ở Biển Đông, đồng thời tuyên bố Mỹ đứng về phía các nước Đông Nam Á bị Bắc Kinh chèn ép.

Trước đó, hôm 11/7, nhân dịp 5 năm ngày Tòa Trọng tài ra Phán quyết về Biển Đông, Ngoại trưởng Blinken đã đưa ra tuyên bố khẳng định tính ràng buộc pháp lý của phiên tòa; nhấn mạnh Không ở đâu trật tự hàng hải dựa trên luật lệ lại bị đe dọa lớn hơn ở Biển Đông; lên án Trung Quốc cưỡng ép và đe dọa các quốc gia ven Biển Đông, đe dọa quyền tự do hàng hải trên tuyến đường biển quan trọng này của thế giới; tái khẳng định lập trường của Mỹ về các yêu sách biển ở Biển Đông được tuyên bố ngày 13/7/2020 bởi Ngoại trưởng Mỹ khi đó là ông Mike Pompeo; khẳng định rằng một cuộc tấn công vũ trang vào các lực lượng vũ trang, tàu công vụ hoặc máy bay của Philippines ở Biển Đông sẽ kích hoạt các cam kết phòng thủ chung của Mỹ theo Điều IV của Hiệp ước Phòng thủ chung Mỹ-Philippines năm 1951.

Những phát biểu nói trên của ông Blinken thể hiện rõ chính quyền của Tổng thống Biden sẽ tiếp tục các chính sách Biển Đông của chính quyền tiền nhiệm với một mức độ cao hơn.

Thứ hai, chuyến công du của Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Lloyd J. Austin III đến 3 nước Đông Nam Á là Singapore, Việt Nam và Philippines cuối tháng 7/2021 là minh chứng rõ ràng về cam kết lâu dài của Mỹ đối với khu vực cũng như lợi ích của Washington trong việc duy trì trật tự quốc tế dựa trên luật lệ trong khu vực và thúc đẩy vai trò trung tâm của ASEAN. Trong bài phát biểu tại Viện Nghiên cứu chiến lược quốc tế (Singapore) hôm 27/7, Bộ trưởng Austin khẳng định yêu sách chủ quyền của Bắc Kinh trên Biển Đông “không có căn cứ trong luật quốc tế”, “yêu sách đó xâm phạm chủ quyền của các nước trong khu vực”; tuyên bố: “Chúng tôi (Mỹ) tiếp tục ủng hộ các nước ven biển trong khu vực duy trì các quyền của họ theo luật pháp quốc tế. Và chúng tôi (Mỹ) vẫn cam kết thực hiện trách nhiệm theo hiệp ước đối với Nhật Bản ở quần đảo Senkaku và đối với Philippines ở Biển Đông”.

Bộ trưởng Austin nhấn mạnh Bắc Kinh “không sẵn sàng giải quyết các tranh chấp một cách hòa bình cũng như tôn trọng luật pháp quốc tế”; tuyên bố Mỹ không tìm kiếm đối đầu với Trung Quốc nhưng sẽ không chùn bước khi các lợi ích của Mỹ bị đe dọa; khẳng định Washington “không yêu cầu các nước trong khu vực phải chọn giữa Mỹ và Trung Quốc”.

Giới quan sát nhận định bài phát biểu của Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Austin “đặc biệt làm yên lòng” những người lo ngại nhất điều mà họ cho là thiếu sự quan tâm của chính quyền Mỹ. Chuyến thăm của Bộ trưởng Austin và những phát biểu mạnh mẽ của ông thể hiện cam kết của chính quyền Tổng thống Mỹ Joe Biden trong việc chứng minh tầm quan trọng của Đông Nam Á là không thể thiếu trong kiến trúc Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương mà Washington đang theo đuổi.
Việc Lầu Năm góc chọn Singapore – nước có lợi ích sống còn trên tuyến hàng hải ở Biển Đông và Việt Nam, Philippines – 2 nước có tranh chấp lớn nhất với Trung Quốc ở Biển Đông trong chuyến thăm đầu tiên đến khu vực của Bộ trưởng Austin cho thấy chính quyền mới của Tổng thống Biden đang hết sức coi trọng vấn đề Biển Đông và việc ngăn chặn Trung Quốc bành trướng ở Biển Đông là điểm mấu chốt trong chiến lược Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương mà Mỹ cùng 3 nước (Úc, Nhật, Ấn Độ) trong nhóm “Bộ Tứ” đang thúc đẩy.

Việc Bộ trưởng Austin nhấn mạnh đến xây dựng quan hệ đối tác không bắt buộc phải chọn bên khiến cho các nước Đông Nam Á dễ dàng chấp nhận hơn. Tại Việt Nam Bộ trưởng Austin đã thống nhất được với người đồng cấp Việt Nam về ưu tiên hợp tác nâng cao năng lực thực thi pháp luật trên biển; chia sẻ quan điểm về tầm quan trọng của việc tôn trọng các quyền và lợi ích hợp pháp của các quốc gia ven biển, giải quyết hòa bình các tranh chấp cũng như duy trì môi trường hòa bình, ổn định, an ninh, an toàn, trật tự và tự do hàng không, hàng hải tại các vùng biển và đại dương theo quy định của luật pháp quốc tế và UNCLOS 1982. Tại Philippines, Bộ trưởng Austin đã nhận được “cái gật đầu” đồng ý gia hạn Thỏa thuận VFA.

Đặc biệt, ngay sau khi Bộ trưởng Austin kết thúc chuyến thăm Đông Nam Á, Nhà Trắng chính thức công bố Phó Tổng thống Mỹ Kamala Harris sẽ thăm Singapore và Việt Nam vào hạ tuần tháng 8 này và mục tiêu chuyến đi là thảo luận với các nhà lãnh đạo Đông Nam Á về những vấn đề an ninh cấp bách trong khu vực, trong đó có yêu sách chủ quyền của Trung Quốc ở Biển Đông. Ngoài ra, Ngoại trưởng Mỹ Blinken đã tham gia 5 cuộc họp với Ngoại trưởng các nước ASEAN trong khuôn khổ Hội nghị Bộ trưởng Ngoại giao ASEAN lần thứ 54 vào đầu tháng 8/2021.

Thứ ba, theo thông báo trên website chính thức của Hạm đội 7 thuộc hải quân Mỹ ngày 28/7/2021, một số tàu chiến và đơn vị từ 3 lực lượng chuyên trách thuộc Hạm đội 7 của Mỹ đã lập Nhóm hành động trên biển (SAG), triển khai hoạt động ở Biển Đông. SAG gồm tàu tác chiến cận bờ USS Tulsa (LCS-16), tàu khu trục tên lửa dẫn đường USS Kidd (DDG-100) và Đơn vị cơ động rà phá vật liệu nổ số 5 (EODMU 5), chuyên xử lý bom đạn, chất nổ. Đây là lần đầu tiên tàu tác chiến cận bờ và tàu khu trục tên lửa dẫn đường lập SAG, mở rộng các khả năng có thể hỗ trợ chỉ huy Hạm đội 7 tiến hành nhiều hoạt động tác chiến ở vùng biển khu vực, trong đó có Biển Đông. SAG đã thể hiện nhiều khả năng trong các lĩnh vực như tác chiến trên biển, chống tàu ngầm và thủy lôi.

Chỉ huy Nhóm tác chiến viễn chinh 7 Chris Engdahl nhấn mạnh trong thông báo: “Việc kết hợp các khả năng của những đội này thành một mối thể hiện cam kết của chúng tôi (Mỹ) đối với ổn định khu vực. Khả năng thích ứng của những lực lượng được triển khai là những chỉ dấu rõ ràng về sự hỗ trợ liên tục của Hạm đội 7 đối với một Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương tự do và rộng mở”. Thông báo về việc lập SAG được đưa ra trong bối cảnh quân đội Trung Quốc liên tục tập trận ở Biển Đông, gây tình hình căng thẳng leo thang.

Thứ tư, trong cuộc họp báo từ đảo Guam ngày 29/7/2021, Đô đốc Karl Schultz, Tư lệnh Lực lượng Tuần duyên Mỹ (USCG) tuyên bố ra mắt đội tàu phản ứng nhanh thế hệ mới tại Guam, bổ sung năng lực hành pháp trên biển cho tư lệnh vùng đối phó với Trung Quốc tại Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương. Đội tàu phản ứng nhanh thế hệ mới có năng lực hơn hẳn lớp tàu tuần tra trước đó. Đội tàu gồm 3 tàu tuần tra lớp mới nhất là Sentinel, lần lượt có tên Frederick Hatch, Myrtle Hazard và Oliver Henry.

Việc bổ sung khí tài mới ở đảo Guam cho phép USCG mở rộng phạm vi tuần tra tại Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương (Indo-Pacific), phối hợp với các đối tác tại khu vực để đảm bảo tự do lưu thông hàng hải và ngăn nạn đánh bắt trái phép ở Indo-Pacific.

Tại lễ ra mắt đội tàu phản ứng nhanh thế hệ mới, Đô đốc Schultz cảnh báo tình trạng quấy rối và đánh bắt bất hợp pháp trong vùng đặc quyền kinh tế của các nước khác, đe dọa an ninh hàng hải và cả chủ quyền của những nước ven biển; đề cập đến hành vi “cưỡng ép” của Trung Quốc trên biển, thông qua việc triển khai các tàu hải cảnh hộ tống tàu cá và việc sử dụng vòi rồng để uy hiếp tàu cá nước khác. Đô đốc Schultz để ngỏ khả năng đội tàu phản ứng nhanh thế hệ mới tham gia các chiến dịch tuần tra bảo vệ tự do hàng hải FONOP ở Biển Đông. Việc đội tàu phản ứng nhanh thế hệ mới tham gia chiến dịch tự do hàng hải ở Biển Đông hoàn toàn có thể xảy ra trong thời gian tới. Trên thực tế, tàu của tuần duyên Mỹ đã đi qua eo Biển Đài Loan theo khuôn khổ sứ mệnh FONOP năm 2019 và đã tiến hành FONOP ở khu vực quần đảo Trướng Sa và được triển khai gần các tàu Trung Quốc đang quấy phá hoạt động dầu khí của Malaysia trong năm 2021.

Ngoài ra, theo một số nguồn tin, trong tháng 7/2021, dường như tất cả các tàu ngầm tấn công hạt nhân lớp Seawolf đã được triển khai ở Thái Bình Dương. Ba tàu USS Seawolf, USS Connecticut và USS Jimmy Carter đều xuất phát từ Bremerton, Washington. Các tàu ra đời từ những năm 1990 là loại tàu ngầm lớn nhất, nhanh nhất và được trang bị mạnh nhất trong số khoảng 50 tàu ngầm tấn công của hạm đội Mỹ.

Việc hải quân Mỹ triển khai cả ba tàu ngầm tấn công mạnh nhất trong biên chế hải quân nước này trên cùng lúc ở Thái Bình Dương trong lúc Trung Quốc đang ráo riết gia tăng sức mạnh hải quân là động thái rất đáng chú ý. Các chuyên gia quân sự nhận định có thể Mỹ đang cân nhắc những phương án quân sự để ứng phó với những tình huống leo thang căng thẳng ở khu vực, trong đó có Biển Đông, biển Hoa Đông và eo biển Đài Loan. Sự gia tăng số lượng tàu Seawolf có ý nghĩa lớn đối với chiến lược hải quân của Mỹ vào thời điểm mà đối thủ cạnh tranh lớn nhất của Mỹ là Trung Quốc, đang phát triển nhanh hạm đội của mình.

Những động thái dồn dập của Mỹ ở khu vực, nhất là những hoạt động liên quan đến Biển Đông trong tháng 7 vừa qua cho thấy quyết tâm của Washington trong việc ngăn chặn Bắc Kinh bành trướng ở Biển Đông nói riêng và trong khu vực nói chung. Những nỗ lực ngoại giao, quốc phòng của Mỹ trong việc làm yên lòng các nước Đông Nam Á cũng như củng cố các lực lượng trên biển ở khu vực nêu trên nhằm khẳng định với các nước Đông Nam Á là Mỹ vẫn xem khu vực này rất quan trọng và Washington sẽ không để yên cho Bắc Kinh gia tăng ảnh hưởng tại đây.

Giới phân tích nhân định chính quyền của Tổng thống Biden đang làm đúng những gì đã nói, với những hành động cụ thể. Chính sách ngoại giao của Tổng thống Joe Biden đang được triển khai theo hai bước: một là, tái thiết quan hệ với các nước đồng minh và hai là, thành lập một liên minh chống Trung Quốc với những lộ trình, kế hoạch rất rõ ràng.

Sau khi đã cơ bản xây dựng được mối quan hệ bền chặt với các đồng minh châu Á, châu Âu, thực hiện cơ bản bước thứ nhất “tái thiết quan hệ với các đồng minh”, giờ là lúc chính quyền Tổng thống Biden thể hiện sự coi trọng vai trò của các nước Đông Nam Á để triển khai bước thứ hai là “thiết lập một liên minh chống Trung Quốc”. Với cách tiếp cận này, trong những tháng tới, Mỹ sẽ còn có thêm nhiều nỗ lực ngoại giao đối với khu vực Đông Nam Á, đồng thời với các hoạt động của các đồng minh, đối tác ở khu vực như cuộc họp thượng đỉnh trực tiếp của nhóm “Bộ Tứ”, chuyến thăm của bà Phó Tổng thống Mỹ đến Singapore, Việt Nam…

Một số nhà phân tích cho rằng cách tiếp cận của Washington dưới thời Tổng thống Biden sẽ mềm mại, uyển chuyển hơn so với chính quyền tiền nhiệm. Theo đó, Mỹ muốn thuyết phục ASEAN hoặc ít nhất lôi kéo một số thành viên của tổ chức này phối hợp với các biện pháp ngoại giao và kinh tế của Mỹ trên các vấn đề khu vực, bao gồm cả vấn đề Biển Đông.

RELATED ARTICLES

Tin mới