Thursday, January 9, 2025
Trang chủKinh tế - Văn hóa - Xã hộiThu giữ kho hàng 50 tấn của ông chủ TQ

Thu giữ kho hàng 50 tấn của ông chủ TQ

Kho hàng gần 50 tấn trị giá khoảng 10 tỉ đồng tại Bắc Ninh bị lực lượng liên ngành phát hiện có dấu hiệu giả mạo nhãn hiệu nổi tiếng.

Thông tin từ Tổng cục Quản lý thị trường (QLTT) mới đây cho biết, ngày 12/8, Cục QLTT Bắc Ninh phối hợp với Công an tỉnh Bắc Ninh và các đơn vị chức năng trên địa bàn tỉnh kiểm tra và thu giữ số lượng lớn hàng hoá có dấu hiệu giả mạo nhãn hiệu nổi tiếng.

Kho hàng này do ông Chen Jin Ming, quốc tịch Trung Quốc, là chủ sở hữu.

Trong quá trình kiểm tra, lực lượng chức năng phát hiện 12 loại mặt hàng, với số lượng hơn 4 triệu sản phẩm là các loại bút mang nhãn hiệu “Thiên Long”, “Plog GP-777”, dao cạo râu mang nhãn hiệu “Gillette”, “Croma”, “BiC”. Trị giá của lô hàng ước tính gần 10 tỷ đồng.

Theo ước tính lô hàng có tổng trọng lượng khoảng 40-50 tấn. Phần lớn các mặt hàng đều có dấu hiệu giả mạo các nhãn hiệu đã được đăng ký bảo hộ tại Việt Nam.

Tại thời điểm kiểm tra, ông Chen JinMing chưa xuất trình được hóa đơn chứng từ liên quan đến toàn bộ số hàng hóa trong kho.

Đây là vụ việc có số lượng, trị giá hàng vi phạm lớn, có tính chất điển hình trên địa bàn do Cục QLTT tỉnh Bắc Ninh phối hợp với các cơ quan chức năng phát hiện, kiểm tra.

Đến chiều ngày 13/8, đoàn kiểm tra đã hoàn tất các thủ tục lập biên bản tạm giữ toàn bộ hơn 4 triệu sản phẩm có dấu hiệu vi phạm để tiếp tục xác minh, làm rõ để có các bước xử lý tiếp theo quy định của pháp luật.

Liên tiếp triệt phá các kho hàng giả

Đây không phải là kho hàng đầu tiên bị bắt giữ trong năm nay. Ngay từ những tháng đầu năm 2021, hàng loạt kho hàng giả tại nhiều địa phương đã bị triệt phá.

Đầu tiên phải kể đến là vụ phá kho hàng giả thương hiệu nổi tiếng lớn nhất miền Bắc tại Nam Định.

Theo Tổng cục Quản lý thị trường (Bộ Công Thương), sau gần 6 tháng trinh sát, ngày 17/3/202, Tổng cục Quản lý thị trường chỉ đạo Tổ 368 phối hợp với Cục Quản lý thị trường Nam Định và PC 03, Công an tỉnh Nam Định ập vào kho tàng trữ hàng hóa giả nhãn hiệu Hermès, LV, Chanel… tại địa chỉ thôn Đại Lại, xã Vĩnh Hào, huyện Vụ Bản, tỉnh Nam Định.

Kho hàng rộng hơn 500m2 tàng trữ khoảng 20.000-30.000 sản phẩm vi phạm, chủ yếu túi nhái nhãn hiệu Hermès, LV, Chanel… Lực lượng chức năng phải dùng tới 10 xe 3,5 tấn mới có thể di chuyển hết số hàng giả tại kho hàng này. Lô hàng vi phạm ước trị giá khoảng 6 tỉ đồng.

Tại thời điểm kiểm tra, chủ kho hàng không xuất trình được bất cứ giấy tờ chứng minh nguồn gốc xuất xứ hợp pháp của hàng hóa.

Theo lực lượng chức năng, các đối tượng này chủ yếu sử dụng mạng xã hội để chào bán và dịch vụ chuyển phát để vận chuyển hàng hóa.

Hàng chục tài khoản với các tên gọi khác khau như The Queen Shop; Trang Anna (The Queen); Dung Vũ (Boss The Queen); The Queen – Chuyên túi VIP; Dương Vũ Xuân; The Queen – Đại Dương – Sỉ lẻ túi xách; Kho Túi xách – Hàng Quảng Châu… được thay nhau sử dụng để né tránh sự kiểm tra của các cơ quan chức năng và đơn vị vận chuyển khi bị tố cáo và chặn tài khoản vì vi phạm.

Đặc biệt, một thủ đoạn tinh vi phải kể đến trong vụ việc này, đó là, đối tượng sử dụng một cửa hàng trung gian tại Hà Nội tại địa chỉ đường Hồ Tùng Mậu, phường Phú Diễn, quận Bắc Từ Liêm, Hà Nội để làm địa chỉ giới thiệu sản phẩm. Nhưng thực chất, cửa hàng này không hề chứa bất cứ sản phẩm nào. Toàn bộ hàng hóa được chứa trữ tại kho hàng tại địa chỉ thôn Đại Lại, xã Vĩnh Hào, huyện Vụ Bản, tỉnh Nam Định.

Tiếp đến là vụ triệt phá kho hàng giả, hàng nhái rất lớn ở Ninh Bình.

Vụ việc diễn ra ngày 31/3/2021, theo đó, Cục Quản lý thị trường tỉnh Ninh Bình chủ trì, phối hợp với Công an tỉnh Ninh Bình (trực tiếp là Phòng Cảnh sát điều tra tội phạm về tham nhũng, kinh tế, buôn lậu và Công an huyện Gia Viễn) tiến hành kiểm tra đột xuất kho hàng có diện tích gần 1.000m2 của ông Trần Văn Bản (ở thôn Điềm Khê, xã Gia Trung, huyện Gia Viễn).

Kho hàng chứa một lượng lớn các sản phẩm gia dụng, dân dụng, thực phẩm, thực phẩm chức năng, quần áo, đồng hồ… có dấu hiệu giả mạo nhãn hiệu, nhập lậu, vi phạm về nhãn hàng hóa, an toàn thực phẩm.

Qua điều tra của lực lượng Quản lý thị trường tỉnh Ninh Bình, một trong những phương thức được cơ sở này sử dụng để kinh doanh là sử dụng nền tảng số để livestreams bán hàng trên mạng xã hội (chủ yếu là Facebook). Ghi nhận trên hệ thống bán hàng của cơ sở, mỗi video livestream có khoảng 5.000 view và trung bình một ngày sẽ có khoảng 1.000 đơn hàng được gửi đi thông qua các dịch vụ vận chuyển.

Theo Cục trưởng Cục QLTT Ninh Bình, đây là chuyên án khám kho hàng sử dụng nền tảng số để bán hàng trên mạng lớn nhất từ trước đến nay tại Ninh Bình.

Trước đó một ngày, lực lượng chức năng Hà Nội cũng kiểm tra, thu giữ hàng trăm mã hàng với hàng vạn sản phẩm từ quần áo, đồ gia dụng đến mỹ phẩm được kinh doanh chủ yếu qua mạng xã hội thông qua hình thức livetreams bán hàng tại một kho hàng tại Hà Nội.

Kho hàng có cơ sở tại thôn Phú Mỹ A, xã Phú Sơn, Ba Vì, Hà Nội. Kho hàng tiêu dùng do Nguyễn Văn Ngọc, sinh năm 1992, hộ khẩu thường trú tại thôn Bằng Y, xã Sơn Đà, huyện Ba Vì, thành phố Hà Nội làm chủ kinh doanh.

Tất cả các sản phẩm đều có dấu hiệu giả mạo nhãn hiệu hoặc là hàng nhập lậu. Khi làm việc với đoàn kiểm tra, cơ sở không xuất trình được bất kỳ giấy tờ chứng minh nguồn gốc hợp pháp của hàng hóa ngoài Giấy chứng nhận đăng ký hộ kinh doanh. Tại đây, lực lượng chức năng ghi nhận một lượng lớn hàng hóa có dấu hiệu giả mạo các nhãn hiệu đã được đăng ký bảo hộ tại Việt Nam như Gucci, channel, LV, Adidas. Cùng hàng nghìn sản phẩm gia dụng nhập lậu như bếp từ, bếp nướng, nồi cơm điện, chảo điện….

Qua điều tra của lực lượng chức năng, một trong những phương thức được cơ sở này sử dụng đó là thông qua hệ thống phần mềm mang tên TPOS cả chục facebook khác sẽ đồng loạt chia sẻ các livestream này để chốt đơn hàng. Ghi nhận trên hệ thống bán hàng của cơ sở trên, chỉ trong 6 tháng có tới hơn 655.000 đơn hàng được chốt bán. Tức, trung bình một ngày sẽ có hơn 3.000 đơn hàng được gửi đi thông qua hệ thống chuyển phát Giao Hàng Nhanh.

Các Đội Quản lý thị trường số 1, số 14 TP Hà Nội vẫn niêm phong sản phẩm để vận chuyển về kho phục vụ việc xác minh làm rõ các vi phạm của cơ sở để xử lý theo đúng quy định của pháp luật.

Tại Hà Nam, một cơ sở đang sản xuất hàng nghìn sản phẩm quần áo thời trang nam có dấu hiệu giả mạo nhiều nhãn hàng thời trang nổi tiếng như “Adidas”, “Nike”, “Lacoste”, “Burberry” cũng đã bị lực lượng QLTT Hà Nam bắt quả tang và thu giữ.

Kho hàng có địa chỉ tại thôn Thanh Nghĩa – xã Đồn Xá – huyện Bình Lục – tỉnh Hà Nam, do ông Trần Trọng Sử là chủ cơ sở.

Tại thời điểm kiểm tra, chủ cơ sở không xuất trình được hợp đồng gia công và hóa đơn, chứng từ liên quan đến nguyên liệu phục vụ sản xuất.

Đoàn kiểm tra Đội QLTT số 1 đã ra quyết định tạm giữ hơn 5.000 thành phẩm là quần áo thời trang nam các loại có gắn nhãn mang thương hiệu Adidas, Nike, Lacoste, Burberry và hơn 4.000 nhãn rời mang nhãn hiệu Adidas, Nike, Burberry.

Đội QLTT số 1 đã chuyển giao toàn bộ hồ sơ vụ việc và tang vật đến Đội 3 – Phòng Cảnh sát kinh tế – Công an tỉnh Hà Nam, để tiếp tục điều tra làm rõ và xử lý theo quy định của pháp luật.

RELATED ARTICLES

Tin mới