Phó tổng thống Hoa Kỳ Kamala Harris sẽ có chuyến công du đến thăm Singapore và Việt Nam vào cuối tháng 8 này. Phóng viên Giang Nguyễn phỏng vấn ông Derek Grossman, nhà nghiên cứu quốc phòng cao cấp của tổ chức Rand Corporation. Ông là chuyên gia về khu vực Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương. Ông Derek Grossman đã cho biết thông tin về khả năng quan hệ Mỹ-Việt sẽ được nâng cấp trong chuyến thăm lịch sử này.
Giang Nguyễn: Cảm ơn ông Derek Grossman đã dành thời gian trò chuyện với chúng tôi. Gần đây ông có viết trên Twitter về khả năng Phó Tổng thống Hoa Kỳ Kamala Harris trong chuyến công du sắp tới có thể sẽ thông báo nâng cấp quan hệ Việt-Mỹ từ quan hệ đối tác toàn diện lên quan hệ đối tác chiến lược. Đã có nguồn tin nào chăng khiến ông đưa ra trường hợp này?
Derek Grossman: Cảm ơn cô. Điều tôi viết trên Twitter là tất cả những gì tôi biết hiện giờ. Đây là thông tin từ một nguồn tin thân cận với sự việc. Tất nhiên không thể đảm bảo rằng Hoa Kỳ và Việt Nam sẽ nâng cấp quan hệ lên quan hệ đối tác chiến lược trong chuyến thăm của Phó Tổng thống Kamala Harris tới Việt Nam vào cuối tháng này. Nhưng chúng ta có thể đặt câu hỏi nếu có một vị khách cấp cao như vậy từ chính phủ Hoa Kỳ đến thăm Việt Nam, chắc hẳn phải có ‘thành quả’ cụ thể được đưa ra trong chuyến công du này. Vì vậy, những gì tôi được nghe trong vài ngày qua khiến tôi tin rằng việc này khả thi.
Trong quá khứ, cả hai bên đã đưa ra ý nâng cấp quan hệ đối tác nhưng việc này chưa được triển khai. Một số người, trong đó có tôi, quan niệm rằng lý do là vì trong thời gian vài năm gần đây đã không có một cuộc gặp cấp tổng thống giữa hai bên. Tất nhiên hệ thống chính trị Việt Nam có khác, họ có chủ tịch nước, có thủ tướng và tổng bí thư của Đảng. Nếu phía Việt Nam ở cấp cao nhất có thể, như tổng bí thư, có được một cuộc gặp gỡ với Tổng thống Biden thì rất có thể sẽ có thành quả là việc nâng cấp quan hệ đối tác toàn diện lên thành đối đối tác chiến lược. Nay có Phó Tổng thống Harris đến Việt Nam nên tôi nghĩ đây là cơ hội đó. Chúng ta chờ xem điều gì sẽ xảy ra.
Giang Nguyễn: Việc nâng cấp quan hệ đối tác từ toàn diện hiện nay lên quan hệ đối tác chiến lược trên thực tế có ý nghĩa gì, đặc biệt là với tình hình căng thẳng ở Biển Đông, sự tranh chấp với Trung Quốc và trong bối cảnh chính sách Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương của Tổng thống Biden?
Derek Grossman: Thực tế có lẽ không có nhiều thay đổi hàng ngày trong quan hệ giữa Hoa Kỳ và Việt Nam về hợp tác an ninh. Quan hệ hợp tác này, như tôi đã nhận định trong vài năm qua đã thực sự có tăng tốc. Nhưng việc nâng cấp quan hệ sẽ giúp Việt Nam báo hiệu cho Trung Quốc rằng Hà Nội đang ngày càng dựa vào Hoa Kỳ trong nỗ lực ngăn cản Trung Quốc ở Biển Đông. Nhưng không chỉ ở Biển Đông mà cả dọc theo sông Mekong, Trung Quốc đang xây các đập ở thượng nguồn, làm ảnh hưởng tiêu cực đến nguồn lương thực, lúa gạo và thủy sản của Việt Nam tại đồng bằng sông Cửu Long. Đây là một vấn đề rất lớn đối với Việt Nam.
Chúng ta thấy Bộ trưởng Ngoại giao Tony Blinken trong những ngày qua đã gặp các thành viên ASEAN qua một loạt năm cuộc họp và hai trong số đó là về sông Mekong. Có thể nói sông Mekong hiện đang là mối quan tâm và tôi nghĩ Việt Nam khá hài lòng về điều đó.
Việc nâng cấp mối quan hệ sẽ không có nhiều tác động trên thực tế hàng ngày. Nhưng nó gửi tín hiệu đến Trung Quốc rằng Hoa Kỳ và Việt Nam ngày càng cùng chia sẻ những quyền lợi lâu dài và cụ thể, là mục tiêu đẩy lùi Trung Quốc.
Giang Nguyễn: Trong chương trình nghị sự của chuyến công du của Phó Tổng thống Harris tất nhiên cũng sẽ đề cập đến các vấn đề kinh tế bị tác động bởi đại dịch, làm gián đoạn chuỗi cung ứng toàn cầu. Theo ông liệu sẽ có những thỏa thuận gì về hợp tác kinh tế không?
Derek Grossman: Chúng ta phải chờ xem. Tôi chưa nghe thấy điều gì cụ thể vào thời điểm này, nhưng chắc chắn sẽ có những tuyên bố liên quan đến phục hồi kinh tế và hỗ trợ trong mùa đại dịch.
Giang Nguyễn: Còn về vấn đề nhân quyền thì sao? Một số nguồn tin cho biết Phó Tổng thống Kamala Harris sẽ có những cuộc gặp gỡ với những nhóm xã hội dân sự. Chính quyền Biden, khác với chính quyền trước đây dưới thời Trump, cũng đã nhấn mạnh nhân quyền là một vấn đề mà họ quan tâm. Theo ông liệu vấn đề này có được đề cập và giới đấu tranh có thể hy vọng điều gì từ chuyến thăm này?
Derek Grossman: Vâng tôi thấy rất có khả năng vấn đề nhân quyền được đưa ra. Chính quyền Biden đã rất tích cực đề cập đến nhân quyền, tự do, dân chủ trên toàn thế giới và làm cách nào để Hoa Kỳ có thể hợp tác với các đối tác dân chủ cùng chí hướng. Tất nhiên Việt Nam không thuộc trong số các đối tác đó. Vì vậy nếu như Phó Tổng thống Harris gặp gỡ các nhóm dân quyền, điều này chắc chắn sẽ khiến giới lãnh đạo Đảng Cộng sản Việt Nam rất khó chịu.
Tuy nhiên chúng ta đã thấy, đặc biệt là trong chuyến thăm của Bộ trưởng Blinken tới Ấn Độ, cũng như chuyến đi của Bộ trưởng Austin qua Singapore, Việt Nam và Philippines, là thông điệp của chính quyền Biden về nhân quyền được xoa dịu. Điều này đặc biệt thể hiện trong chuyến thăm Ấn Độ của ông Blinken. Hiển nhiên Ấn Độ là một nền dân chủ, nhưng nó ngày càng là một nền dân chủ phi tự do, và có một số lo ngại về việc đối xử với người thiểu số, đặc biệt là người Hồi giáo ở Ấn Độ. Ông Blinken đã đến Ấn Độ và ông nói rằng ông tham gia đàm phán với Ấn Độ về dân chủ và nhân quyền từ một tư thế ‘khiêm cung’. Đó là từ ông đã sử dụng và ông nói rằng ông mong muốn có một cuộc đàm phán thẳng thắn và chân thật giữa hai đối tác dân chủ và bình đẳng, thay vì thuyết giảng Ấn Độ về dân chủ và nhân quyền.
Tương tự, khi Bộ trưởng Austin đến Singapore, ông ấy đã nói về việc xây dựng một liên minh hoàn hảo hơn ngay tại nước Mỹ, rằng bản thân chúng ta có những thiếu sót trong hệ thống dân chủ của mình, nhưng chúng ta đang cố gắng cải thiện nó.
Tôi nghĩ chúng ta sẽ thấy những lập luận tương tự trong chuyến thăm của PTT Kamala Harris. Bà chắc chắn sẽ có những cuộc trò chuyện đề cập đến nhân quyền, nhưng thông điệp có thể sẽ là xoa dịu hơn là ‘trách mắng’ nước chủ nhà.
Còn nếu cô nhìn lại chuyến thăm của Thứ trưởng Ngoại giao Wendy Sherman đến Indonesia, Campuchia và Thái Lan vài tháng trước, thông điệp đối với các quốc gia này thì lại không được xoa dịu và đặc biệt Campuchia và Thái Lan đã không hài lòng với cách nói đó. Nên tôi nghĩ chính quyền Biden sẽ đàm phán cẩn thận hơn, nhưng chắc chắn sẽ đặt vấn đề nhân quyền.
Giang Nguyễn: Thế thì chúng ta có thể khẳng định rằng sẽ không có bất kỳ biện pháp trừng phạt nào đối với các hành động vi phạm nhân quyền? Chúng ta biết rằng Việt Nam đã có một chiến dịch dai dẳng để bịt miệng những tiếng nói bất đồng chính kiến trong những năm gần đây?
Derek Grossman: Vâng, sự thật mích lòng: Tại Việt Nam tình hình nhân quyền đang trở nên tồi tệ hơn chứ không hề cải thiện. Có những người cho rằng Việt Nam chỉ là một chế độ độc tài vừa phải, hay đại loại như thế. Điều này hoàn toàn không đúng, ít nhất là đối với người dân Việt Nam. Tôi nghĩ chính quyền Biden sẽ đặt vấn đề nhân quyền nhưng câu hỏi là nó sẽ được gói ghém trong thông điệp ‘giá trị chung’ của chính quyền Biden như thế nào. Việc này không đơn giản khi Hoa Kỳ muốn tạo ra sự đồng thuận dựa trên lợi ích quốc gia.
Việt Nam và Hoa Kỳ đồng ý rằng Trung Quốc là một mối quan tâm, đó là lợi ích quốc gia chung. Thế nhưng Hoa Kỳ và Việt Nam có chia sẻ những giá trị chung không? Xin thưa là không. Vì vậy Hoa Kỳ và Việt Nam sẽ phải khắc phục được điểm này và tôi nghĩ cách để làm được điều đó là thông qua các mối quan hệ giữa con người với con người và qua việc giải quyết các vấn đề di sản chiến tranh, như Bộ trưởng Austin đã làm trong chuyến công du vào tháng trước. Những loại hợp tác này theo tôi sẽ giúp quan hệ song phương về lâu dài.
Giang Nguyễn: Cảm ơn ông Derek đã chia sẻ quan điểm.