Tuesday, November 19, 2024
Trang chủBiển nóngSự kiệnChâu Âu choáng váng vì cảnh loạn lạc tại Kabul

Châu Âu choáng váng vì cảnh loạn lạc tại Kabul

Chính phủ và nhiều chính trị gia các nước châu Âu lên tiếng bày tỏ sự choáng váng trước cảnh tượng loạn lạc tại Kabul khi người dân Afghanistan tìm mọi cách rời bỏ đất nước sau khi lực lượng Taliban quay lại nắm quyền, cho rằng đây là một thất bại lịch sử đáng hổ thẹn của phương Tây.

Hàng chục nghìn người dân đang chịu ảnh hưởng từ các cuộc tấn công của Taliban.

Phát biểu với báo chí Đức ngày 16/8, lãnh đạo đảng Dân chủ Thiên chúa giáo – CDU, đồng thời là ứng cử viên hàng đầu thay thế vị trí Thủ tướng Đức của bà Angela Merkel sau cuộc Tổng tuyển cử liên bang Đức vào tháng 09/2021, ông Armin Laschet nhận định, những gì đang diễn ra tại Afghanistan là thất bại lớn nhất mà NATO phải hứng chịu kể từ khi Liên minh quân sự này được thành lập. Theo ông Armin Laschet, trước tình cảnh hiện nay, quân đội Đức sẽ phải đối mặt với một trong những nhiệm vụ nguy hiểm nhất là phải hành động khẩn cấp để sơ tán công dân Đức và những đồng minh người Afghanistan của Đức.

Chia sẻ quan điểm với ông Armin Laschet, nữ Thủ tướng Đức Angela Merkel cũng phát biểu trong một cuộc họp kín của lãnh đạo đảng CDU rằng đây là thời điểm vô cùng khó khăn và theo tính toán ban đầu, nước Đức cần phải sơ tán khoảng 10.000 người tại Afghanistan, bao gồm công dân Đức, khoảng 2500 nhân viên người Afghanistan làm việc cho Đại sứ quán và các tổ chức của Đức cũng như hàng nghìn người là các nhà hoạt động nhân quyền, luật sư, nhân viên chính phủ Afghanistan… những người mà chính phủ Đức nhận định có nguy cơ bị đe dọa tính mạng nếu ở lại Afghanistan.

Từ Pháp, các chính trị gia của mọi đảng phái cũng lên tiếng về tình hình Afghanistan. Jean-Luc Mélenchon, Chủ tịch đảng “Nước Pháp bất khuất” đánh giá, thất bại của Mỹ ở Afghanistan cho thấy cần thiết phải suy nghĩ kỹ trước khi can dự vào một cuộc chiến không lối thoát, và nước Pháp cần phải lấy đó làm bài học cho nước này tại Mali. Lãnh đạo nhóm nghị sĩ đảng cánh hữu “Những người Cộng hòa” tại Thượng viện Pháp, Bruno Retailleau thì nhận định “vì sự yếu kém của mình, phương Tây đã để thua một trận chiến căn bản trong cuộc chiến chống lại chủ nghĩa Hồi giáo cực đoan”. Nghị sĩ châu Âu của đảng Xã hội, Raphael Glucskmann thì  nhận xét “thất bại tại Afghanistan là toàn diện” và “phẩm giá giờ đây chỉ là một từ trống rỗng với các lãnh đạo phương Tây”.

Tại Anh, trả lời báo chí trong ngày 16/08, Bộ trưởng Quốc phòng Anh Ben Wallace đã xúc động, gần như không cầm được nước mắt khi thừa nhận, bất chấp nỗ lực của quân đội Anh, nhiều người Afghanistan sẽ không thể được giải cứu khỏi quốc gia Nam Á. Ông Ben Wallace cho rằng, đây là một ngày buồn với phương Tây và những gì mà các nước phương Tây cần phải làm hiện tại là thực hiện nghĩa vụ của mình với những đồng minh Afghanistan.

Bộ trưởng Quốc phòng Anh cho biết, hiện tại đang có khoảng 4.000 người là công dân Anh và công dân Afghanistan đủ điều kiện được Anh bảo trợ đang chờ đợi được giải cứu tại thủ đô Kabul và quân đội Anh đặt mục tiêu sơ tán khoảng 1 ngàn người mỗi ngày.

Cùng lúc đó, thủ lĩnh Công đảng đối lập tại Anh, ông Keir Starmer tiếp tục thúc giục Thủ tướng Anh Boris Johnson phải hành động khẩn cấp và quyết liệt để thể hiện vai trò lãnh đạo của nước Anh vào thời điểm này.

“Tôi không nghĩ sự thương cảm là thực sự giúp ích vào lúc này, nhưng tình hình ở Afghanistan quả thực là choáng váng và bi kịch. Chúng ta đang chứng kiến ngay trước mắt mình sự tan rã của những tiến bộ và hy sinh trong suốt 20 năm qua. Chúng tôi ghi nhận việc rút quân khỏi Afghanistan không phải là quyết định đơn độc của riêng chính phủ Anh, nhưng ít nhất thì Thủ tướng cũng cần phải bước ra và thể hiện sự lãnh đạo và cấp thiết vào lúc này”.

Là quốc gia cùng Mỹ dẫn đầu chiến dịch can thiệp quân sự vào Afghanistan cách đây 2 thập kỷ, đồng thời tham dự tích cực vào các hoạt động quân sự tại quốc gia này trong những năm qua, hiện tại chính phủ Anh đang đối mặt với rất nhiều chỉ trích. Chủ tịch Ủy ban đối ngoại của Hạ viện Anh, Tom Tugendhat cho rằng, thất bại ở Afghanistan là thảm họa chính sách lớn nhất của Vương quốc Anh từ sau cuộc khủng hoảng kênh đào Suez năm 1956.

Trong chiều ngày 16/08, người phát ngôn của Thủ tướng Anh Boris Johnson từ chối trả lời câu hỏi rằng, liệu ông Boris Johnson có xin lỗi những công dân Anh đã phục vụ tại Afghanistan và những người có thân nhân thiệt mạng tại Afghanistan hay không, nhưng thừa nhận “đây là đang là thời điểm vô cùng khó khăn cho những nhân viên này”.

Trong chiều tối ngày 16/08, chính phủ Anh tiếp tục có cuộc họp khẩn về tình hình Afghanistan. Thủ tướng Anh cũng đã điện đàm với Tổng thư ký NATO, Jens Stoltenberg và một phiên họp đặc biệt của Nghị viện Anh sẽ được triệu tập vào ngày 18/08 để thảo luận về cuộc khủng hoảng Afghanistan.

RELATED ARTICLES

Tin mới