Monday, January 27, 2025
Trang chủGóc nhìn mớiPhép thử của Philippines?

Phép thử của Philippines?

Từ chỗ kiên trì phương châm ứng xử mềm mại với Trung Quốc, gần đây, Philippines vẻ như đảo chiều. Bằng chứng là vừa qua, Manila đã có những động thái thể hiện sự rắn mặt trên thực địa để đáp lại những hành động gây hấn ngang ngược của Bắc Kinh.

Tàu số hiệu 189 của hải quân Trung Quốc

Thậm chí, đề cập sự “ngang bướng” bất ngờ này của Manila, nhiều chuyên gia quốc tế bình luận rằng, vẻ như Philippines đang chứng tỏ cho Trung Quốc thấy, sự chịu đựng bao giờ cũng có giới hạn.

Nhận định của giới chuyên gia không vô căn cứ. Nó dựa trên một sự việc diễn ra từ tháng 7/2021, nhưng tới thời điểm này, mới được tiết lộ qua người phát ngôn của cơ quan Cảnh sát biển Philippines (PCG). Việc chậm loan tin vụ việc chứng tỏ, Manila cũng đã tính toán, cân nhắc mọi bề lắm lắm.

Theo đó, được biết, hải quân Philippines đã “phát hiện một “tàu chiến hải quân” treo cờ Trung Quốc mang số hiệu 189, “được đánh dấu bằng các ký tự tiếng Trung”. Và: “Tàu tuần tra PCG đã tiến lại gần để quan sát rõ hơn hoạt động của tàu chiến hải quân Trung Quốc trong vùng biển của chúng ta”.

Rõ một điều, câu sau của người phát ngôn PCG không chỉ mạnh mẽ, dứt khoát, mà còn khẳng định rõ, “trong vùng biển của chúng ta” là tàu chiến hải quân Trung Quốc, chứ không phải “tàu lạ”; đồng thời, cho biết, đã phát loa cảnh cáo phía Trung Quốc rằng, họ đang vi phạm chủ quyền của Philippines.

Vụ việc khiến dư luận không thể nhớ lại vụ tàu Trung Quốc “chĩa súng laze vào tàu hải quân Philippines hồi tháng 4/2020 – hành động được dự đoán là để “đánh dấu” mục tiêu và dẫn đường cho tên lửa tấn công, nhằm đe dọa hải quân Philippines, sau khi khi bộ trưởng ngoại giao nước này gửi công hàm ngoại giao phản đối Trung Quốc công bố quyết định thành lập các quận huyện chiếm quyền quản lý bất hợp pháp trên Biển Đông.

Nhưng lần này thì khác. Hải quân Philippines đã từ bỏ cách ứng đối yếm thế. Họ không lùi xa, mà “tiến lại gần” như người phát ngôn đã mô tả.

Một cú húc chủ động và hung hãn của tàu Trung Quốc vào tàu Philippines – như đã từng xảy ra – trong trường hợp này, là điều hoàn toàn có thể tái diễn. Thậm chí, kèm theo đó, còn là những lời cảnh cáo ngược lại xua đuổi chủ nhà, bất luận, vị trí tàu Trung Quốc thời điểm đó trong vùng biển thuộc chủ quyền của quốc gia nào. Trung Quốc vẫn vậy: Ta mạnh, thì ta có quyền.

Vậy mà lần này thì không. Tàu Trung Quốc im lặng, không phản ứng. Hơn cả im lặng, sau đó, họ lừ lừ rời khỏi khu vực Philippines khẳng định là thuộc chủ quyền của mình.

Việc rời đi một cách dễ dàng của tàu chiến Trung Quốc khiến chính Manila cũng bất ngờ. Đến tổng thống Philippines, ông Rodrigo Duterte – người gần như trong phần lớn thời gian của nhiệm kỳ luôn ve vãn, lấy lòng Bắc Kinh; lấy lòng tới mức gần như chỉ dám đả động đến yêu cầu thực thi phán quyết của Tòa trọng tài (PCA) về vụ kiện Trung Quốc trên Biển Đông, một cách lấy lệ, cũng đã đặt câu hỏi: “Tại sao họ dễ dàng đồng ý rút lui? Chúng tôi thực sự không biết nữa.”

Không chỉ Philippines. Vốn đã quá quen với cách hành xử ương bướng, cường quyền của Trung Quốc, dư luận quốc tế, tới thời điểm này, cũng lấy làm khó giải thích diễn biến có hậu của vụ việc.

Rồi có thể sẽ tới lúc chính Trung Quốc nói ra tại sao họ lại “tử tế” với Philippines. Còn trước mắt, hãy cứ coi vụ việc trên như một bài test của Philippines nhằm đo Bắc Kinh sẽ phản ứng thế nào, nếu Manila hành động quyết đoán hơn thay cho cách đấu dịu mỗi khi bị Trung Quốc o ép trên Biển Đông.

RELATED ARTICLES

Tin mới