Thursday, January 23, 2025
Trang chủSự thật Trung HoaNghiên cứu quốc tếTam giác quan hệ Mỹ - Indonesia - TQ và tác động...

Tam giác quan hệ Mỹ – Indonesia – TQ và tác động đối với Biển Đông

Tam giác quan hệ Mỹ – Indonesia – Trung Quốc có những diễn biến khá phức tạp thời gian qua mà một số học giả ví von là Indonesia đang “đi dây đầy tinh tế” trong cuộc cạnh tranh Mỹ – Trung ở khu vực.

Indonesia là nước lớn nhất trong ASEAN cả về diện tích lẫn dân số nên mặc dù không phải là bên liên quan trực tiếp đến tranh chấp Biển Đông, song Indonesia luôn có vai trò quan trọng đối với các vấn đề khu vực, bao gồm cả vấn đề Biển Đông. Vậy tam giác quan hệ Mỹ – Indonesia – Trung Quốc sẽ đem tới những tác động gì đối với an ninh khu vực nói chung và Biển Đông nói riêng, chúng ta cùng đi phân tích.

1.    Quan hệ giữa Indonesia và Trung Quốc đan xen giữa hợp tác và nghi kỵ

Dưới thời của Tổng thống Joko Widodo, quan hệ hợp tác giữa Indonesia và Trung Quốc trên phương diện kinh tế đã có bước tiến lớn. Trung Quốc là một đối tác kinh tế thương mại quan trọng hàng đầu của Indonesia trong những năm gần đây. Trung Quốc là nhà đầu tư lớn thứ hai tại Indonesia sau Singapore, với giá trị đầu tư là 4,8 tỷ USD. Ngay cả trong bối cảnh các nước vật lộn với đại dịch Covid-19 vào năm 2020, đầu tư của Trung Quốc vào Indonesia vẫn tăng 9%. Trong năm 2020, Trung Quốc cũng là đối tác thương mại lớn nhất của Indonesia với giá trị thương mại là 71,4 tỷ USD. Indonesia là một trong những nước ASEAN tham gia tích cực vào sáng kiến “Vành đai, con đường” của Trung Quốc với nhiều dự án đầu tư lớn, trong đó có dự án đường sắt cao tốc Jakarta-Bandung. Indonesia cũng tích cực hưởng ứng “ngoại giao vắc xin” của Trung Quốc, bao gồm tăng cường hợp tác vắc xin (Indonesia đặt mua 125,5 triệu liều vắc-xin của Trung Quốc, chiếm 38% tổng lượng vắc-xin mà nước này đặt mua; Trung Quốc tỏ ý sẵn sàng hỗ trợ Indonesia trở thành trung tâm sản xuất vắc-xin ở Đông Nam Á)… Ngoài ra, trong sự kiện tàu ngầm của Indonesia bị đắm hồi tháng 5 năm vừa qua, lực lượng hải quân hai nước lần đầu tiên đã tiến hành hợp tác cứu hộ cứu nạn, từ đó thiết lập mối quan hệ thân thiện.

Hiểu rõ vai trò quan trọng của Indonesia ở khu vực, Trung Quốc luôn chìa “cành ô liu” hợp tác để lôi kéo quốc gia vạn đảo này. Những người lãnh đạo ở Bắc Kinh luôn tìm cách tranh thủ Indonesia bằng việc nêu ra những điểm tương đồng giữa hai nước như cùng là đại diện của các nước lớn đang phát triển và các nền kinh tế mới nổi, có lợi ích chung rộng rãi và quan điểm phát triển tương đối gần gũi… Trong cuộc gặp với Ngoại trưởng Indonesia Retno Marsudi hồi tháng 4/2021, Ngoại trưởng Trung Quốc Vương Nghị nhấn mạnh Trung Quốc sẵn sàng thảo luận với Indonesia việc thiết lập quan hệ đối tác kinh tế toàn diện song phương nhằm thúc đẩy quan hệ hai bên giai đoạn hậu đại dịch; đồng thời, cho rằng việc Trung Quốc và Indonesia chung tay chống lại dịch Covid-19 đã tạo ra hình mẫu cho sự hợp tác giữa các nước đang phát triển.

Bắc Kinh luôn nhấn mạnh việc kịp thời tăng cường trao đổi chiến lược và làm sâu sắc hơn quan hệ hợp tác cùng có lợi giữa Trung Quốc và Indonesia không chỉ có ý nghĩa to lớn đối với sự phát triển của mỗi nước, mà còn tạo ra ảnh hưởng tích cực đối với khu vực và thế giới; bày tỏ mong muốn đẩy mạnh phối hợp giữa hai bên trong các vấn đề khu vực và quốc tế, đóng góp nhiều hơn nữa vào sự ổn định, phát triển của châu Á. Nhìn bề ngoài, quan hệ Indonesia – Trung Quốc rất mật thiết, nhưng thực tế không phải như vậy.

Bất chấp hợp tác kinh tế bền vững giữa Bắc Kinh và Jakarta và những lời nói “có cánh” của lãnh đạo Trung Quốc, các cuộc khảo sát do Pew Research thực hiện gần đây cho thấy 48% người dân Indonesia cho rằng đầu tư của Trung Quốc sẽ chỉ gây ra tác động tiêu cực đến xã hội, đặc biệt là liên quan đến vấn đề việc làm. Tâm lý bài ngoại gần đây tại Indonesia có dấu hiệu gia tăng khi Trung Quốc tăng cường các hoạt động kinh tế tại quốc gia Đông Nam Á này, đặc biệt là làn sóng người lao động Trung Quốc tràn vào Indonesia.

Một rào cản lớn nhất trong quan hệ giữa Indonesia và Trung Quốc là vấn đề Biển Đông. Nhiều người Indonesia vẫn đang nghi ngờ động cơ của Trung Quốc trong quan hệ với Jakarta do tâm lý bài Hoa kéo dài hàng thập kỷ qua và sự hung hăng gần đây của Bắc Kinh ở Biển Đông.

Mặc dù Indonesia tuyên bố không phải là quốc gia có tranh chấp chủ quyền với Trung Quốc ở Biển Đông, nhưng vùng biển có diện tích khoảng 19.300 km2 thuộc vùng đặc quyền kinh tế của Indonesia xung quanh quần đảo Natuna nằm trong cái được gọi là “đường 9 đoạn”, mà Bắc Kinh yêu sách nhưng đã bị phán quyết năm 2016 của Tòa Trọng tài bác bỏ. Từ đầu những năm 2010, đội tàu cá Trung Quốc với sự hậu thuẫn của lực lượng tuần duyên thường xuyên tiến hành các hoạt động xâm nhập vùng biển của Indonesia.

Jakarta coi lập trường cứng rắn của Bắc Kinh – trong đó gồm việc Trung Quốc khăng khăng cho rằng một phần Biển Natuna là một phần “ngư trường truyền thống” của họ – là mối đe dọa trực tiếp nhất đối với chủ quyền của Indonesia.

Trong một cuộc thăm dò công khai năm 2020 do Media Survei Nasional thực hiện trước lễ kỷ niệm 75 năm độc lập của Indonesia, 31,5% trong số 466 người được hỏi từ 17 thành phố trên khắp quốc gia Đông Nam Á này coi Trung Quốc là mối đe dọa thứ nhất. Do vậy mà giới học giả Indonesia nhận định rằng, “cành ô liu” tốt nhất mà Trung Quốc có thể trao cho Indonesia là ngừng các hoạt động xâm nhập của tàu thuyền Trung Quốc vào Biển Natuna.

 Jakarta cứng rắn bác bỏ đề nghị đàm phán song phương của Bắc Kinh về quyền đánh bắt cá trong khu vực. Jakarta khẳng định rằng việc nước này có chủ quyền đầy đủ đối với quần đảo Natuna là vấn đề không thể bàn cãi và do đó không cần bất kỳ cuộc đàm phán nào. Kế hoạch hiện đại hóa quân đội trị giá 125 tỷ USD mà Bộ trưởng Quốc phòng Indonesia Prabowo Subianto gần đây đang tìm kiếm sự chấp thuận của Quốc hội được coi là nỗ lực rõ ràng nhất của Jakarta nhằm chống lại hành động hung hăng của Trung Quốc ở Biển Đông.

2.    Indonesia đang thắt chặt quan hệ với Mỹ

Trong khi tiếp tục thúc đẩy các mối quan hệ kinh tế, thương mại với Trung Quốc, chính quyền Jakarta cũng tìm cách tăng cường quan hệ với Mỹ nhất là trong lĩnh vực quốc phòng và an ninh nhằm giảm sức ép từ Trung Quốc. Sau khi Tổng thống Biden nhậm chức, quan hệ giữa Indonesia và Mỹ đã có những bước tiến quan trọng. Indonesia là nước đầu tiên trong khu vực một quan chức ngoại giao cấp cao trong chính quyền Tổng thống Biden đến thăm, thể hiện một bước đi mang nhiều tính toán của Mỹ.

Theo Bộ Ngoại giao Mỹ, Indonesia đã nhận được 39 triệu USD viện trợ từ Mỹ vào năm ngoái (2020) để hỗ trợ quân sự và an ninh, đào tạo và giáo dục. Trước đó, Indonesia cũng đã nhận được 5 triệu USD nhằm nâng cao nguồn lực quốc phòng, bao gồm tăng cường an ninh hàng hải của nước này trong giai đoạn 2016-2020. Lực lượng Vũ trang Indonesia và lực lượng quân đội Mỹ khu vực Thái Bình Dương cũng thường xuyên tổ chức các cuộc tập trận chung song phương và đa phương như Garuda Shield (Lá chắn Garuda), trong đó tập trung vào nâng cao năng lực gìn giữ hòa bình và phối hợp tác chiến. Giới quan sát nhận định mức độ hợp tác quốc phòng giữa Jakarta và Washington vượt trội so với hợp tác quốc phòng giữa Indonesia và Trung Quốc, song trong lĩnh vực kinh tế thương mại Washington còn kém xa so với Bắc Kinh. Năm 2020, thương mại của Indonesia với Mỹ chỉ đạt 27,2 tỷ USD, chưa bằng 1/2 kim ngạch thương mại Indonesia – Trung Quốc.

Cuối tháng 6/2021, Jakarta và Washington đã hợp tác xây dựng một Trung tâm huấn luyện hàng hải trị giá 3,5 triệu USD ở Batam, phía Nam Eo biển Malacca. Diễn biến này có ý nghĩa quan trọng về mặt chiến lược do trung tâm được quy hoạch gần với các tuyến hải lộ sầm uất giữa Biển Đông và Eo biển Malacca, có thể được coi là nỗ lực của Mỹ nhằm tái khẳng định vị thế của Washington với tư cách là đối tác quốc phòng hàng đầu của Indonesia và kiềm chế ảnh hưởng của Trung Quốc tại Đông Nam Á. Động thái này cũng cho thấy Mỹ đang tăng cường hiện diện ở Indonesia nhằm kiềm chế ảnh hưởng ngày càng tăng của Trung Quốc ở Đông Nam Á.

Cùng với đó, quân đội Mỹ và Indonesia tổ chức cuộc tập trận chung lớn nhất từ trước đến nay, trong khoảng 2 tuần, bắt đầu từ ngày 01 đến 14/8/2021 với sự tham gia của 2.282 binh sĩ Mỹ và 2.246 quân Indonesia. Cuộc tập trận này là một phần của cuộc tập trận “Garuda Shield” do quân đội Indonesia và Mỹ tiến hành hàng năm trong hơn một thập kỷ qua, được tổ chức trên các đảo Sumatra, Sulawesi và Kalimantan của Indonesia.

Một động thái mới rất đáng chú ý là trong lúc diễn ra các hội nghị trong khuôn khổ Hội nghị Bộ trưởng Ngoại giao ASEAN lần thứ 54 dưới hình thức trực tuyến (từ ngày 02 đến 06/8) thì Bộ trưởng Ngoại giao Indonesia Retno Marsudi lại đích thân tới Washington để cùng ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken tiến hành cuộc đối thoại chiến lược lần đầu tiên giữa Indonesia và Mỹ vào ngày 03/8/2021. Cuộc đối thoại diễn ra trong thời gian Mỹ và Indonesia tiến hành cuộc tập trận lớn nhất ở Biển Đông và ngay trước cuộc họp trực tuyến giữa Ngoại trưởng Mỹ Blinken với các đồng nhiệm ASEAN.

Tại cuộc họp, Ngoại trưởng Marsudi nhấn mạnh cuộc đối thoại chiến lược mở ra “một trang sử mới trong mối quan hệ Indonesia – Mỹ”; khẳng định Mỹ là một trong những đối tác quan trọng đối với ASEAN trong việc thực thi chiến lược Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương và một quan hệ đối tác vững chắc giữa Mỹ với Indonesia sẽ là “tài sản quan trọng cho việc quý vị (Mỹ) gia tăng sự tham gia ở khu vực”. Trong thông cáo báo chí về cuộc đối thoại chiến lược này được phát ra hôm 04/8, Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken cho biết Washinton và Jakarta đã “bày tỏ quan điểm chung về an ninh hàng hải”, cùng cam kết “bảo vệ tự do hàng hải ở  c pBiển Đông, đồng thời tiếp tục cộng tác với nhau về an ninh mạng và ngăn ngừa tội phạm trên mạng”.

3.    Tác động đối với Biển Đông

Với vị trí chiến lược quan trọng và chịu tác động từ cuộc cạnh tranh Mỹ-Trung, Indonesia đang tìm cách tạo sự cân bằng hơn trong quan hệ với cả Mỹ và Trung Quốc nhằm triển khai chính sách đối ngoại “tự do và chủ động”. Việc Jakarta đang nỗ lực tối đa hóa tiềm năng hiện có trong mối quan hệ với cả hai siêu cường trong tam giác My – Indonesia – Trung Quốc không chỉ giúp duy trì sự thịnh vượng và chủ quyền của Indonesia mà còn có tác động tích cực đối với khu vực, thể hiện trên một số điểm sau:

Thứ nhất, việc Indonesia thể hiện thái độ cứng rắn không khoan nhượng trước các hành vi hung hăng của Trung Quốc ở Biển Đông sẽ góp tiếng nói chung với các nước ven Biển Đông khác trong việc ngăn chặn sự bành trướng của Trung Quốc. Việc Jakarta gửi công hàm lên Liên hợp quốc bác bỏ các yêu sách của Trung Quốc, bao gồm “đường 9 đoạn” và đề cao giá trị pháp lý phán quyết năm 2016 của Tòa Trọng tài góp phần tạo thêm sức mạnh cho các nước ven Biển Đông trên mặt trận pháp lý trong đấu tranh với Trung Quốc.

Dù không được coi là bên liên quan trực tiếp tới tranh chấp Biển Đông, song rõ ràng Indonesia đang đồng hành cùng các nước khác ven Biển Đông trong cuộc chiến pháp lý chống lại tham vọng của Trung Quốc ở Biển Đông.

Thứ hai, Indonesia và Mỹ tăng cường hợp tác quốc phòng và an ninh trên biển khiến Mỹ có điều kiện tăng cường sự hiện diện ở Biển Đông. Đây là nhân tố quan trọng góp phần duy trì hòa bình, ổn định và bảo đảm tự do an ninh, an toàn hàng hải và hàng không, bảo vệ trật tự dựa trên pháp luật ở Biển Đông.

Thứ ba, việc Indonesia thể hiện một thái độ cứng rắn trên vấn đề Biển Đông và thắt chặt quan hệ an ninh, quốc phòng với Mỹ sẽ có ý nghĩa quan trọng, góp phấn tạo đồng thuận chung trong ASEAN trên vấn đề Biển Đông nói chung và trong đàm phán với Trung Quốc về Bộ Quy tắc ứng xử ở Biển Đông (COC) nói riêng vì Indonesia luôn giữ một vai trò dẫn dắt trong ASEAN. Như một số chuyên gia đánh giá việc tăng cường hợp tác an ninh trên biển giữa Indonesia – Mỹ là cú đánh trực diện vào ý đồ của Trung Quốc muốn đẩy Mỹ và các nước ngoài khu vực ra khỏi Biển Đông mà phía Trung Quốc đã nhiều lần nêu trong đàm phán COC. Đặc biệt, Indonesia được coi là nước không liên quan trực tiếp đến tranh chấp Biển Đông lại có thái độ quyết liệt trước sự hung hăng của Trung Quốc ở Biển Đông khiến quan điểm của Indonesia dễ thuyết phục các nước không liên quan đến tranh chấp Biển Đông trong ASEAN.

Ngoài gia, việc Jakarta xử lý hài hòa mối quan hệ với hai siêu cường là những bài học đáng giá cho các nước ASEAN khác trong việc triển khai quan hệ với cả Mỹ và Trung Quốc để không bị rơi vào thế kẹt trong cuộc cạnh tranh Mỹ – Trung ở khu vực và trên Biển Đông, đồng thời tận dụng sự cạnh tranh này để tạo đối trọng lẫn nhau nhằm đạt được lợi ích cao nhất.

RELATED ARTICLES

Tin mới