Chỉ trong vòng 1 tuần từ ngày 28/7 đến ngày 4/8, Cục Hải sự tỉnh Hải Nam và tỉnh Quảng Đông (Trung Quốc) liên tục ra 10 thông báo về các cuộc tập trận quân sự trên biển. Đáng chú ý nhất trong số đó là cuộc tập trận phạm vi lớn nhất trên Biển Đông kéo dài từ ngày 6-10/8. Các chuyên gia của Trung Quốc đồng quan điểm cho rằng chuỗi động thái cứng rắn kể trên của Trung Quốc là có chủ đích và thông điệp rõ ràng.
Chỉ trong vòng 1 tuần từ ngày 28/7 đến ngày 4/8, Cục Hải sự tỉnh Hải Nam và tỉnh Quảng Đông (Trung Quốc) liên tục ra 10 thông báo về các cuộc tập trận quân sự trên biển. Đáng chú ý nhất trong số đó là cuộc tập trận phạm vi lớn nhất trên Biển Đông kéo dài từ ngày 6-10/8, trải rộng từ phía Đông đảo Hải Nam xuống đến quần đảo Hoàng Sa với diện tích tập trận hơn 100.000 km2.
Cùng thời điểm này, ngày 2/8, Tổng Công ty Dầu khí Hải dương Trung Quốc (CNOOC) ra thông cáo báo chí cho biết Trung Quốc bắt đầu sản xuất dầu khí tại mỏ Liuhua 21-2. Mỏ này nằm ở phía Đông Biển Đông, độ sâu trung bình là 437m, dự kiến Trung Quốc sẽ khai thác 8 giếng tại đây. Hiện nay CNOOC đang hoạt động hết công suất để đạt được mục tiêu đáp ứng sản lượng 15.070 thùng/ngày vào năm 2023.
Bên cạnh đó, Trung Quốc cũng liên tiếp công khai thông tin các giàn khoan Nam Hải số 4, Nam Hải số 7, Nam Hải số 10 và Hải dương 943 sẽ tiến hành khoan tác nghiệp ở khu vực phía Bắc Biển Đông, quanh đảo Hải Nam trong tháng 8-9/2021.
Các chuyên gia của Trung Quốc đồng quan điểm cho rằng chuỗi động thái cứng rắn kể trên của Trung Quốc là có chủ đích và thông điệp rõ ràng.
“Chiến binh sói” đang “sẵn sàng chiến đấu”
Theo lý giải của Giáo sư Zhou Yongsheng (Chu Vĩnh Sinh, Học viện Ngoại giao Trung Quốc), Trung Quốc đang muốn khẳng định hiện diện và sức mạnh của mình trước sự “khiêu khích” của Anh, Đức và các bên trên Biển Đông. Đồng thời, Bắc Kinh cũng muốn chuyển thông điệp ra bên ngoài rằng, Trung Quốc đang “sẵn sàng chiến đấu”.
Giáo sư Zhou gắn hành động của Trung Quốc với động thái của Anh khi triển khai tàu sân bay HMS Queen Elizabeth đến Đông Á và tiến hành tập trận trên Biển Đông vào cuối tháng 7 vừa qua. Ngoài Anh, tàu chiến Bayern (Bavaria) của Đức cũng đã khởi hành đến Biển Đông – đánh dấu lần trở lại khu vực đầu tiên của Hải quân Đức sau gần hai thập kỷ. Theo ông Zhou, điều đáng nói ở đây là Đức trước đây luôn tuyên bố sẽ không đi vào khu vực Biển Đông do Berlin muốn duy trì quan hệ với hải quân với Trung Quốc. Song lần này, Đức không những cử tàu chiến tới Biển Đông mà dường như còn có một kế hoạch điều động tàu chiến sẵn sàng đối phó với Trung Quốc trên Biển Đông.
Theo quan sát của Giáo sư Zhou, cả Anh và Đức đều có động thái cho thấy các nước này muốn khiêu khích Trung Quốc khi triển khai tàu chiến đến Biển Đông lần này. Mặc dù Hải quân Anh đã thông báo sẽ không đi vào phạm vi 12 hải lý các đảo trên Biển Đông, và Hải quân Đức cũng gửi thông báo xin phép ghé thăm cảng Thượng Hải. Tuy nhiên, ông Zhou cho rằng Bắc Kinh coi các cuộc tập trận tự do hàng hải trên Biển Đông của các nước phương Tây như Anh, Đức là thách thức nghiêm trọng tuyên bố chủ quyền của Trung Quốc.
Đứng trước thách thức đó, Trung Quốc buộc phải có hành động đáp trả và ngay lập tức chuyển thông điệp rằng nước này đã và đang “mài gươm chờ ngày sẵn sàng chiến đấu”. Điều này cho thấy đường lối tư duy “chiến lang” của các “chiến binh sói” Trung Quốc chưa bao giờ chấm dứt.
Vì Mỹ “nhe nanh”, Trung Quốc buộc phải “múa vuốt”
Ngay sau động thái của Anh và Đức, Mỹ tiếp tục tuyên bố tập trận quy mô lớn chưa từng có trên Biển Đông. Theo thông báo từ Lầu Năm Góc, cuộc tập trận toàn cầu Quy mô lớn 21 của Mỹ có sự tham gia của các quân chủng Mỹ, Anh, Úc, Nhật ở 17 múi giờ khác nhau và trải dài khắp khu vực Ấn Độ – Thái Bình Dương. Thông qua cuộc tập trận này, Mỹ muốn chuyển thông điệp tới Trung Quốc rằng Mỹ có thể cùng lúc giải quyết các thách thức ở nhiều khu vực từ Biển Đen, Đông Địa Trung Hải đến Biển Đông và Biển Hoa Đông, và có thể đồng thời ngăn cản Trung Quốc thống nhất Đài Loan hay kiểm soát quần đảo Điếu Ngư.
Đáp trả lại thông điệp này của Mỹ, theo chuyên gia Hu Xijin (Hồ Tích Tiến, Global Times), Trung Quốc cũng muốn đưa ra lời nhắn gửi tới Mỹ rằng “nếu Mỹ không sợ chiến đấu ở Ấn Độ – Thái Bình Dương, thì Trung Quốc cũng không hề sợ chiến đấu trên Biển Đông”.
Các học giả Trung Quốc cũng chỉ ra rằng Chính quyền của Tổng thống Biden kể từ đầu nhiệm kỳ đến nay dường như đang theo đuổi chính sách cứng rắn hơn với Trung Quốc. Trên thực địa, ngày 23/1/2021 – chỉ ba ngày sau khi lên nắm quyền, Tổng thống Biden đã đưa nhóm tàu sân bay Roosevelt vào Biển Đông. Ngày 4/2, Mỹ tiếp tục triển khai tàu khu trục tên lửa dẫn đường tiên tiến nhất tới Nhật Bản. Ngay sau đó, ngày 5/2, Mỹ tiếp tục cho tàu khu trục tên lửa dẫn đường USS McCain đi qua eo biển Đài Loan và đi vào khu vực lãnh hải 12 hải lý của Hoàng Sa, đồng thời cử các máy bay tấn công từ tàu sân bay USS Ronald Regan và USS Nimitz tiến vào Biển Đông.
Ngoài ra, ngày 3/8 vừa qua, Mỹ đã phê duyệt kế hoạch bán cho Đài Loan 40 đơn vị pháo tự hành, xe bọc thép, súng máy và dụng cụ chuyển đổi đạn pháo nhằm tăng cường khả năng tự vệ của Đài Loan, bất chấp phản ứng của Trung Quốc.
Trước các diễn biến khiến Bắc Kinh bất mãn này, các chuyên gia Trung Quốc ra sức lên án tấn công Mỹ trên truyền thông và dư luận. Quan điểm chung của giới học giả Trung Quốc cho rằng Mỹ đang gia tăng can dự và tăng cường các hoạt động quân sự khiến tình hình Biển Đông thêm phức tạp. Học giả Trung Quốc cũng lập luận rằng bối cảnh hiện nay buộc Trung Quốc phải đáp trả bằng các cuộc tập trận quy mô không thua kém gì các cuộc tập trận mà Mỹ và các nước phương Tây tiến hành trên Biển Đông.
Khi Trung Quốc “múa vuốt” tấn công, Mỹ và các bên sẽ phản ứng ra sao?
Chuyên gia Trung Quốc chỉ ra rằng, đối tượng mà các cuộc phô diễn sức mạnh của Trung Quốc lần này hướng tới không phải là các bên trong tranh chấp Biển Đông, mà là các nước phương Tây và đặc biệt là Mỹ. Nói cách khác, Trung Quốc đang muốn thử mức độ “hiếu chiến” của Mỹ và các đồng minh tại khu vực.
Dường như muốn “vuốt ve” các bên trong tranh chấp, Giáo sư Zhou chỉ ra rằng mục tiêu của chính quyền trung ương Trung Quốc được thể hiện rõ thông qua việc Bắc Kinh lựa chọn các vị trí hành động trong khoảng thời gian này. Theo ông Zhou, khi mâu thuẫn hay xung đột xảy ra giữa Trung Quốc và các bên yêu sách, Trung Quốc thường lựa chọn các phạm vi khu vực biển gần sát với nước có xung đột để hành động. Tuy nhiên, lần này Trung Quốc lựa chọn phạm vi trung tâm, không sát với đường biên giới biển của các bên yêu sách khác. Điều này cho thấy Bắc Kinh chỉ muốn đánh động và cảnh cáo Mỹ và các nước phương tây không nên tiếp tục các hành động “khuấy động Biển Đông” chọc giận Trung Quốc.
Tuy vậy, không lựa chọn vị trí nhạy cảm không có nghĩa là Trung Quốc lùi bước trong các yêu sách Biển Đông của mình. Chuyên gia chiến lược quân sự Xu Liping (Hứa Lý Bình, Viện Nghiên cứu Chiến lược Toàn cầu và Khu vực Châu Á-Thái Bình Dương, Viện Khoa học Xã hội Trung Quốc) cho rằng, chuỗi động thái cứng rắn lần này của Trung Quốc không chỉ hướng đến các nước bên ngoài khu vực đang gia tăng sự can dự vào Biển Đông, mà còn muốn truyền thông điệp đến tất cả các bên rằng “quyết tâm bảo vệ chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ trên biển của Trung Quốc không hề thay đổi”.
Quay lại với thông điệp Trung Quốc đang thử phản ứng của các bên. Trang mạng Đa chiều (Đài Loan) chỉ ra rằng thông báo tập trận trên diện tích hơn 100 nghìn km2 biển của Quân Giải phóng Nhân dân Trung Hoa (PLA) cho thấy lần này Trung Quốc sẽ không chỉ bắn pháo hay ngư lôi, mà sẽ đưa cả các loại tên lửa đạn đạo tầm trung và tầm xa ra diễn tập để tăng khả năng răn đe các “đối thủ” trên Biển Đông. Ngoài ra, Trung Quốc sẽ còn phô diễn sự phối hợp nhuần nhuyễn giữa các binh chủng và khí tài từ tàu ngầm, tàu chiến mặt nước, máy bay chiến đấu cho đến các loại tên lửa có thể bắn hạ bất kỳ mục tiêu nào trên Biển Đông.
Trang Đa chiều cũng cho rằng lần này PLA có khả năng sẽ diễn tập phóng tên lửa đạn đạo Đông Phương-26 và tên lửa đạn đạo Đông Phương-21D với tầm bắn lên tới 5000km. Với việc triển khai các tên lửa này, Trung Quốc muốn truyền tải thông điệp rằng Trung Quốc có đủ năng lực để “dằn mặt” bất kỳ tàu mặt nước nào hoạt động ở trong khu vực Biển Đông.
Chuyên gia quân sự Lu Lishi (Lã Lễ Thi, cựu quân nhân Hải quân Đài Loan) cũng chỉ ra rằng phạm vi mà Trung Quốc tuyên bố tập trận lần này chồng lấn với khu vực Mỹ thường xuyên cử tàu tới “tuần tra và giám sát”. Chính vì vậy, việc Trung Quốc tập trận ở đây là cách để thử phản ứng xem liệu Mỹ có “dám” đi vào “vùng cấm” khi Trung Quốc đã “cảnh cáo” hay không. Vì vậy, theo chuyên gia này, thông điệp mà Trung Quốc muốn gửi tới Mỹ chính là “ENTERING PROHIBITED” (“Miễn vào”), không chỉ thế, bởi Trung Quốc có khả năng sẽ diễn tập bắn tên lửa đạn đạo, nên nếu Mỹ không tuân thủ “cảnh cáo miễn vào” của Trung Quốc thì có thể sẽ trở thành “mục tiêu” cho cuộc diễn tập của Trung Quốc.
Và câu chuyện phía sau “hậu trường”
Có ý kiến cho rằng Trung Quốc vẫn luôn khéo léo lồng ghép nhiều mục đích trong cùng một hành động.
Một trong những ý đồ có thể được chính quyền Bắc Kinh lồng ghép trong các hoạt động rầm rộ trên Biển Đông gần đây có thể là mong muốn hướng dư luận trong nước ra bên ngoài để “âm thầm” tổ chức cuộc họp bí mật Bắc Đới Hà – sự kiện chính trị nội bộ thu hút sự quan tâm của 1,4 tỷ dân Trung Quốc và các chính khách quốc tế. Tuy Trung Quốc chưa bao giờ công khai tổ chức Hội nghị này, việc Bộ Ngoại giao Trung Quốc thông báo hoãn họp báo thường kỳ trong 2 tuần kể từ ngày 2/8 có thể là chỉ dấu cho thấy Hội nghị Bắc Đới Hà đang được bí mật tổ chức.
Trong bối cảnh Đại hội 2022 đang cận kề và tham vọng kéo dài nhiệm kỳ của Chủ tịch Tập Cận Bình ngày càng rõ ràng, Hội nghị Bắc Đới Hà năm nay được đánh giá là một trong những bước quan trọng để ông Tập hiện thực hóa giấc mộng của mình. Do đó, có khả năng chính quyền Trung Quốc muốn “khuấy động” tình hình bên ngoài và phô trương sức mạnh quân sự nhằm phục vụ các mục tiêu chính trị nội bộ, đồng thời giảm sự chú ý của dư luận trong nước và quốc tế vào cuộc họp kín đang diễn ra tại Bắc Đới Hà.