Monday, January 27, 2025
Trang chủGóc nhìn mớiĐi giữa hai hàng quân

Đi giữa hai hàng quân

Cuối tuần này, sau khi viếng thăm Singapore, bà Kamala Harris – Phó Tổng thống Mỹ sẽ tới thăm Việt Nam. Chuyến thăm của bà có nhiều nội dung trong chương trình nghị sự (Báo Biendong.net đã đề cập trong bài viết lần trước). Nay chúng tôi muốn lưu ý thêm: khả năng nâng quan hệ Mỹ-Việt lên đối tác chiến lược là rất khó.

Chắc bạn đọc thừa hiểu, cái khó ở đây chính là Hà Nội sợ rằng, việc quá thắm thiết với Mỹ sẽ như một hành động “chọc giận” Bắc Kinh. Còn trong lòng thì lúc này đây các nhà  lãnh đạo ở Ba Đình đang rất muốn bắt tay khăng khít với Mỹ. Dự đoán, sau lời đề nghị của Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Austin trong chuyến thăm lần trước, bà Harris cũng sẽ nhắc lại lời đề nghị nâng cấp mối quan hệ từ song phương lên đối tác chiến lược.

Được lời như cởi tấm lòng. Hà Nội sẽ được nhiều hơn mất trong xu thế quốc tế hiện nay, đặc biệt là trong lúc Trung Quốc ngày càng lộ mặt về những âm mưu và hành động lấn tới trên Biển Đông. Thế nhưng, vì từ lâu Việt Nam-Trung Quốc vốn là hai nước có quan hệ “hữu nghị-hợp tác”, giống nhau ở thể chế chính trị, ở vị trí độc tôn của Đảng cộng sản, cho nên Hà Nội không dễ xích lại gần hơn với Mỹ.

Tại sao nói Hà Nội được nhiều hơn mất? Trước hết là mối quan hệ giữa Việt Nam và Mỹ chưa có thời điểm nào kể từ năm 1975 đến nay thuận lợi như lúc này. Mỹ đang đặt vấn đề quan hệ với Việt Nam lên mức cao nhất. Vị thế Việt Nam trong mắt Mỹ rất cao kể từ khi hai bên bình thường hóa quan hệ năm 1995.

Đấy là nói về đại cục, về tầm chiến lược. Riêng về kinh tế, Việt Nam rất coi trọng vai trò của Mỹ trong hợp tác  kinh tế, an ninh – quốc phòng. Trong vô vàn thách thức an ninh trong khu vực, nhất là sự căng thẳng trên Biển Đông, việc Mỹ và Việt Nam bắt tay nhau chặt chẽ  sẽ tạo nên một hợp lực giữa một quốc gia đang bị đe dọa về chủ quyền cùng một quốc gia có tiềm lực kinh tế, quân sự hùng mạnh, sẵn sàng đáp trả những hành động phi pháp, gây mất ổn định trong khu vực.

Chuyến thăm của Phó Tổng thống Mỹ tới Việt Nam cho thấy, chính quyền Tổng thống Joe Biden đang dành ưu tiên hàng đầu cho Hà Nội trong chính sách của họ đối với khu vực Đông Nam Á. Chuyến thăm cũng góp phần tái khẳng định cam kết của Mỹ đối với khu vực.  Tăng cường hợp tác với những quốc gia nòng cốt ở khu vực như Việt Nam chính là một lựa chọn đúng đắn để ngăn chặn tham vọng bá chủ thế giới của Trung Quốc.

Tại sao lại là “lựa chọn đúng đắn?”. Có thể trả lời ngắn gọn rằng: Việt Nam đang trở thành một mắt xích đáng kể trong chuỗi cung ứng toàn cầu. Trong bối cảnh chiến tranh thương mại Mỹ – Trung Quốc thúc đẩy các công ty đa quốc gia đa dạng hóa chuỗi cung ứng của họ ra khỏi Trung Quốc, Việt Nam sẽ là một nguồn cung cấp hàng nhập khẩu của Mỹ, đồng thời là một thị trường ngày càng lớn cho hàng xuất khẩu, cũng như dòng vốn đầu tư của nước này.  

Về an ninh quốc gia, Mỹ luôn ủng hộ  lập trường của Việt Nam, nhất là vấn đề Biển Đông; hỗ trợ xây dựng năng lực hàng hải cho Việt Nam thông qua việc tài trợ các tàu tuần tra, tàu cảnh sát biển… Rồi đây các hoạt động hợp tác sẽ tiếp tục được duy trì nhằm  đối phó với các thách thức an ninh mới trên Biển Đông.

Qua những phân tích nêu trên, cho thấy, Việt Nam và Mỹ nâng cấp quan hệ lên mức đối tác chiến lược là hợp lý trong thời điểm này. Danh có chính thì ngôn với thuận. Cũng không chỉ có “ngôn” mà còn là những hành động cụ thể, thiết thực – như việc Mỹ ủng hộ vaccines  chống Covidd-19 chẳng hạn.  Nếu không có khuôn khổ đối tác chiến lược, thì các hoạt động hợp tác an ninh – quốc phòng thực chất giữa hai nước hoặc việc phân bổ ngân sách liên quan từ phía Mỹ, làm sao có thể được các cơ quan hữu trách ở Mỹ, như Quốc hội, thông qua?

Vấn đề lớn hơn và cũng phức tạp hơn rất nhiều là làm thế nào để chấm dứt những gia tăng căng thẳng trên Biển Đông do Trung Quốc gây ra. Nếu là đối tác chiến lược Mỹ sẽ có những  lý do hợp lý cho những quyết định mạnh mẽ về quân sự, chứ không chỉ là những hành động như một kẻ diễu hành, diễn mãi một vở “tuần tra bảo đảm trật tự hàng hải”, hay tổ chức diễn tập.

Trở lại vấn đề nâng cấp đối tác chiến lược giữa Việt Nam và Mỹ. Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Austin, trong chuyến thăm Việt Nam hôm cuối tháng 7, đã đề nghị nghiên cứu và nâng cao quan hệ của Mỹ với Việt Nam khi gặp mặt Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc và Thủ tướng Phạm Minh Chính. Hai nguyên thủ đều không có câu trả lời dứt khoát. Nếu như lần này Phó Tổng thống Harris tiếp tục nhắc lại những đề nghị này khi gặp lãnh đạo Việt Nam thì Hà Nội sẽ trả lời sao?

Chắc vẫn là “bổn cũ chép lại”. Tức là, Hà Nội sẽ ngọt nào: Thưa bà, chúng tôi xin cảm ơn thiện chí của Wasinghton. Thực ra quan hệ Việt Nam với Mỹ trước tới nay tuy chưa phải là đối tác chiến lược nhưng có nhiều mặt còn hơn chiến lược. Chúng ta tiếp tục duy trì và nâng cao hơn.

Thế có nghĩa là Mỹ và Việt Nam chưa đi chặng đường đủ xa để có thể công bố về mối quan hệ chiến lược.  Cách thương thuyết tạm như thế . Và ông bạn láng giềng “núi liền núi sông liền sông” cũng chả có cách gì để làm mặt giận. Hà Nội lại tiếp tục đi giữa hai hàng quân như thế, trước hết là để giữ độ an toàn, để chờ đến lúc nào đó đi chặng đường đủ xa (!).

RELATED ARTICLES

Tin mới