Sự xuất hiện của đại dịch COVID-19 đã làm chao đảo tình hình kinh tế, chính trị và xã hội của cả thế giới. Đại dịch đã trở thành chủ đề quan tâm của mọi doanh nghiệp, tổ chức, và đặc biệt giới tinh hoa các nước. Mối quan tâm không chỉ là việc tìm kiếm vắc xin, mà còn là cách hành xử của các nước, đặc biệt là các nước lớn, trong đó có Trung Quốc.
Trong các chuyến thăm Singapore và Việt Nam vừa qua, Phó Tổng thống Mỹ Harris đã thẳng thắn lên tiếng trước việc Trung Quốc chèn ép các nước láng giềng trong khu vực. Bà nói trong một cuộc họp báo tại Hà Nội: “Chúng tôi hoan nghênh sự cạnh tranh gay gắt, chúng tôi không mưu tìm xung đột, nhưng về các vấn đề như Biển Đông, chúng tôi sẽ lên tiếng. Chúng tôi sẽ lên tiếng khi có những hành động mà Bắc Kinh thực hiện đe dọa đến trật tự quốc tế dựa trên luật lệ”.
Trung Quốc luôn đưa ra các tuyên bố chủ quyền của nước này đối với các hòn đảo ở Biển Đông là “không thể chối cãi” khi phản bác lại tuyên bố của Phó Tổng thống Mỹ Kamala Harris: “Trung Quốc có chủ quyền không thể chối cãi đối với các đảo và vùng biển lân cận ở Biển Đông. Trung Quốc cam kết giải quyết các tranh chấp liên quan thông qua đàm phán và tham vấn với các nước liên quan trực tiếp trên cơ sở tôn trọng các sự kiện lịch sử và luật pháp quốc tế”.
Trung Quốc đang cố gắng dùng cái gọi là “ngoại giao chiến lang” để nhằm mục đích tuyên truyền ra thế giới để bảo vệ những hành động của Trung Quốc, cho dù đó là các hành động phi pháp và sai trái. Chủ tịch Tập Cận Bình coi đây là ưu tiên hàng đầu nhằm tác động tới dư luận thế giới, theo đó yêu cầu truyền thông nhà nước phải “bảo vệ và đứng về phía Đảng”.
Lính Trung Quốc tuần tra trên đảo Phú Lâm thuộc quần đảo Hoàng Sa hôm 29/1/2016. Reuters
Theo Giáo sư David Shambaugh, Đại học George Washington, Trung Quốc dành đến 10 tỷ USD mỗi năm cho việc tuyên truyền trên phạm vi quốc tế, trên mọi mặt trận từ truyền thông, mạng xã hội cho đến quảng cáo (1). Điều mỉa mai là Trung Quốc hay lợi dụng Facebook hay Twitter, những nền tảng bị cấm tại Đại lục, biến các nền tảng này thành các công cụ quan trọng để phổ biến những “lời hay ý đẹp” của Đảng Cộng sản Trung Quốc.
Điển hình của kiểu “ngoại giao chiến lang” này của Trung Quốc chính là việc ngày 26/8/2021, Đại sứ quán Trung Quốc tại Hà Nội đăng bài viết “bày tỏ lập trường đối với việc Phó Tổng thống Mỹ có phát biểu công kích Trung Quốc trong chuyến thăm Việt Nam” trên Facebook
Mang tiếng là bài viết của một cơ quan đại diện ngoại giao nhưng lại toàn những lời lẽ bóp méo sự thật, vu cáo trắng trợn, đúng như bản chất tráo trở của Trung Quốc vậy.
Những phát ngôn của bà Phó Tổng thống Mỹ Harris tại Singapore hay tại Việt Nam đều thể hiện tinh thần thượng tôn pháp luật, trong đó có UNCLOS 1982 và Phán quyết năm 2016; giải quyết hòa bình các tranh chấp ở Biển Đông trên cơ sở luật pháp quốc tế.
Sự thật ai là kẻ cưỡng ép, bắt nạt ở Biển Đông đã hết sức rõ ràng. Với những hành vi đâm chìm tàu cá; cho tàu vây hãm, uy hiếp hoạt động dầu khí hợp pháp của các nước; đưa tàu khảo sát, tàu nghiên cứu hoạt động bất hợp pháp trong vùng biển các nước láng giềng thì Trung Quốc mới chính là kẻ bắt nạt, cưỡng ép ở Biển Đông.
Hơn thế nữa, Đại sứ quán Trung Quốc còn bịa ra chuyện: “trong những năm 50-60, Mỹ đã nhiều lần xin phép với Trung Quốc về việc tiến hành đo đạc tại quần đảo Nam Sa (quần đảo Trường Sa của Việt Nam)”. Xin thưa với các ngài rằng cho đến tận những năm 80 của thế kỷ 20, Bắc Kinh hoàn toàn chưa có mặt ở quần đảo Trường Sa mãi đến năm 1988 khi Trung Quốc dùng vũ lực đánh chiếm sáu thực thể ở quần đảo Trường Sa của Việt Nam.
Đây là một sự thực lịch sử không thể chối cãi. Hiệp định Geneve 1954 mà Trung Quốc là một bên tham gia ở đó, quy định rõ trong những năm 50-60, hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa nằm dưới sự quản lý của chính quyền Việt Nam Cộng hòa miền Nam Việt Nam. Chính quyền Việt Nam Cộng hòa đã thực thi chủ quyền đối với hai quần đảo này và năm 1974, Bắc Kinh đã dùng vũ lực đánh chiếm quần đảo Hoàng Sa. Đây cũng là một sự thật lịch sử mà cả thế giới đều biết tới. Như vậy, làm gì có chuyện “Mỹ xin phép Trung Quốc khi đo đạc tại Nam Sa”.
Chưa kể, vào những năm 50-60, Trung Quốc mới đang “chập chững”, cuộc chiến Kim Môn, Mã Tổ năm 1958 đã thể hiện Hải quân Trung Quốc không là gì so với sức mạnh của Hải quân Hoa Kỳ. Lúc này Trung Quốc cũng chưa giành vị trí trong Liên Hợp Quốc, thì Trung Quốc “tuổi gì” để Mỹ phải xin phép Trung Quốc?
Chính Đại sứ quán Trung Quốc đang tìm cách chia rẽ quan hệ giữa Việt Nam và Mỹ khi bài viết nhắc đến những quá khứ trong chiến tranh Việt Nam đã đi qua gần 50 năm. Việt Nam là một dân tộc có lòng vị tha cao cả, luôn với tinh thần “khép lại quá khứ” để xây dựng mối quan hệ tốt đẹp với các dân tộc khác trên thế giới, bao gồm cả Trung Quốc. Hy vọng các ngài hãy đừng khơi dậy những gì trong quá khứ để làm hằn lên mối hận thù; hãy tập trung làm những điều tốt đẹp để xây dựng lòng tin. Cách hành xử cao thượng chính là cơ sở để tạo dựng niềm tin; còn những lời lẽ hằn học theo kiểu “chọc gậy bánh xe” chỉ càng làm xấu đi hình ảnh của một nước “Trung Hoa vĩ đại”.
Trung Quốc vẫn đang cố gắng tăng cường hình ảnh và “sức mạnh mềm” của mình. Tuy nhiên, theo nhiều nhà nghiên cứu, việc tăng cường quyền lực mềm không phải là một điều đơn giản và dễ dàng. Sự thật thì “quyền lực mềm” của Trung Quốc vẫn chỉ là “con hổ giấy”. Đơn giản là vì Trung Quốc không thể dễ dàng dùng tuyên truyền để “đổi trắng thay đen” các sự thật pháp lý và lịch sử ở biển Đông được. Theo điều tra của Pew Research Center tại 14 quốc gia phát triển, công bố vào tháng 10/2020, hình ảnh Bắc Kinh vô cùng tồi tệ trong giai đoạn đại dịch
Nhận định trên tạp chí Foreign Policy, nhà nghiên cứu Sulmaan Wasif Khan, làm việc tại Đại học Tuffs cho rằng kiểu ngoại giao “Chiến Lang” mà Trung Quốc áp dụng gần đây rõ ràng đang hủy hoại “đại chiến lược” của Trung Quốc, trong khi lại đặt ra nhiều rủi ro từ bên trong. Ông nói: “Nguy cơ thực sự nằm ở chỗ một khi sự tiêu cực độc hại lan ra khắp bộ máy, người ta sẽ không thể biết điểm dừng là ở đâu”