Sunday, December 22, 2024
Trang chủSự thật Trung HoaNghiên cứu quốc tếĐức gia nhập Hiệp định Hợp tác chống cướp biển và cướp...

Đức gia nhập Hiệp định Hợp tác chống cướp biển và cướp có vũ trang chống lại tàu thuyền ở khu vực Châu Á

Ngày 01/8/2021, Đức đã gia nhập và chính thức là thành viên thứ 21 của Hiệp định Hợp tác chống cướp biển và cướp có vũ trang chống lại tàu thuyền ở khu vực Châu Á. 

Giải thích về mục đích gia nhập Hiệp định, phía Đức nhấn mạnh “Tự do và an ninh của các tuyến hàng hải có vai trò quan trọng đối với nền kinh tế của Đức” do khoảng 60% hàng hoá xuất khẩu của Đức được vận chuyển qua các tuyến đường hàng hải quốc tế và trong những năm vừa qua, số lượng các vụ cướp biển ở khu vực Châu Á đã liên tục gia tăng một các đáng kể, khoảng 17% so với năm 2019, bất kể tình hình đại dịch Covid- 19 đang diễn biến phức tạp.  Hành động tấn công tàu thuyền không chỉ gây nguy hiểm về mặt an ninh cho tàu thuyền, thủy thủ đoàn mà còn gây tác động sâu sắc đến các tuyến đường giao thông đường biển giữa Châu Á và Châu Âu, những tuyến hàng hải được coi là huyết mạch của kinh tế thế giới. Đồng thời, phía Đức cũng khẳng định “Đức mong muốn đóng vai trò tích cực hơn trong việc chống lại và ngăn ngừa cướp biển tại khu vực này”.

Trong giai đoạn gần đây, Đức đã có sự thay đổi quan điểm đối với vấn đề Biển Đông theo hướng công khai và lên tiếng mạnh mẽ hơn trước các hành vi vi phạm của Trung Quốc. Việc gia nhập Hiệp định này, cũng như việc tàu chiến Đức sẽ tiến hành hoạt động tại khu vực Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương, trong đó có khu vực Biển Đông, cho thấy Đức đang triển khai nhiều biện pháp trên thực tế nhằm hiện thực hoá chiến lược đối ngoại của nước này đối với khu vực Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương được thể hiện trong “Hướng dẫn chính sách cho khu vực Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương” được thông qua tháng 9/2020.

Hiệp định hợp tác chống cướp biển và cướp có vũ trang chống lại tàu thuyền ở khu vực Châu Á được hình thành trên cơ sở sáng kiến của Thủ tướng Nhật Bản Kozumi nhằm thiết lập một cơ chế hợp tác ở khu vực Châu Á nhằm đối phó với các thách thức cướp biển và cướp có vũ trang tàu thuyền đang gia tăng. Sau 5 năm chuẩn bị và đàm phán, Hiệp định được 14 nước Châu Á thông qua năm 2004, chính thức có hiệu lực năm 2006 và trở thành Hiệp định hợp tác đầu tiên giữa các chính phủ ở khu vực Châu Á trong lĩnh vực này.

Theo Hiệp định, Trung tâm chia sẻ thông tin (ISC) được thiết lập, có trụ sở ở Singapore với mục đích chính là tăng cường hợp tác khu vực thông qua hoạt động chia sẻ thông tin, xây dựng năng lực và các hình thức hợp tác trong việc chống lại cướp biển và cướp có vũ trang chống lại tàu thuyền với đại diện của tất cả các nước thành viên. Đồng thời, các quốc gia thành viên Hiệp định cũng thành lập Trung tâm chia sẻ thông tin là đầu mối quốc gia trong việc chia sẻ thông tin liên quan đến hoạt động chống cướp biển.

Điều đặc biệt là mặc dù tên gọi là Hiệp định hợp tác chống cướp biển và cướp có vũ trang chống lại tàu thuyền ở khu vực Châu Á, song không chỉ các nước Châu Á là thành viên mà Hiệp định đã có sự tham gia của nhiều nước ngoài khu vực như Mỹ, 5 quốc gia ở Châu Âu và Úc. Điều này cho thấy rõ tầm quan trọng của việc đảm bảo an ninh, an toàn của các tuyến hàng hải huyết mạch ở khu vực Biển Đông. Với chiến lược Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương mà nhiều nước đang định hình hiện nay, chắc chắn trong thời gian tới, việc hợp tác gìn giữ an ninh, ổn định, trong đó có vấn đề cướp biển, cướp có vũ trang chống lại tàu thuyền ở khu vực Châu Á sẽ được gia tăng.

RELATED ARTICLES

Tin mới