Hàng nghìn tấn chuối đã vào vụ thu hoạch có nguy cơ không tiêu thụ được do Trung Quốc hạn chế thu mua.
Trung Quốc tạm dừng mua chuối khiến nông dân đứng ngồi không yên. Ảnh minh họa
Theo báo cáo của Sở NN-PT-NT Lào Cai, từ đầu tháng 8/2021, Trung Quốc hạn chế nhập khẩu chuối, mít, dưa hấu, khiến nông dân đứng ngồi không yên.
Báo chí trong nước ghi nhận, chỉ tính riêng mặt hàng chuối xuất khẩu của Lào Cai, dự kiến sản lượng chuối sản xuất trong 5 tháng cuối năm 2021 khoảng 17.204,2 tấn, 70% sản lượng sẽ xuất khẩu chính ngạch sang thị trường Trung Quốc và 30% sản lượng phục vụ nhu cầu chế biến.
Từ chỗ tiêu thụ nông sản khó đã kéo theo giá chuối tại Lào Cai giảm sâu. Hiện chuối đã vào vụ thu hoạch nhưng không thể thực hiện thông quan, xuất khẩu sang thị trường Trung Quốc nên ảnh hưởng rất lớn đến hoạt động sản xuất, kinh doanh của các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh.
Theo phản ánh của báo chí, tình trạng tương tự cũng xảy ra tại Lai Châu, số chuối tồn đọng khoảng 3.000 tấn, sản lượng dự kiến thu hoạch trong tháng tới là 4.000 tấn.
Trước thực trạng trên, Tổ công tác đặc biệt của Bộ NN-PT-NT đã làm việc với các địa phương. Tại đây, Tổ Công tác kiến nghị Bộ NN-PT-NT phối hợp với Bộ Công Thương tiếp tục đàm phán với các cơ quan hữu quan của Trung Quốc tháo gỡ lưu thông nông sản nhằm giúp người dân yên tâm sản xuất.
Bên cạnh đó, cần đẩy mạnh các chính sách khuyến khích, hỗ trợ doanh nghiệp, cơ sở thu mua chế biến hàng nông sản để chế biến sâu. Phối hợp với doanh nghiệp, hợp tác xã tập trung liên kết chặt chẽ với vùng nguyên liệu để đẩy mạnh chế biến, giảm bớt xuất khẩu sản phẩm tươi, thô.
Tiêu thụ nông sản vẫn là bài toán khó cho ngành nông nghiệp trong nước từ nhiều năm qua.
Trong đợt dịch bệnh vừa qua, tiêu thụ vải Bắc Giang và nông sản nhiều địa phương khác đã cho thấy rõ hơn về bài toán tiêu thụ các sản phẩm trong nước. Nhiều chuyên gia đã từng chỉ ra, có tình trạng ách tắc, gặp khó đầu ra là liên quan đến vấn đề quy hoạch, nông dân không nắm được thông tin thị trường; doanh nghiệp thì chưa mặn mà với nông nghiệp bởi làm nông nghiệp nhiều rủi ro.
Bên cạnh những khó khăn đang hiện hữu, trong vòng xoáy của dịch COVID-19, sản xuất, xuất khẩu của nông sản Việt Nam cũng còn những hạn chế nhất định như: Trồng trọt, chăn nuôi tự phát, chưa theo quy hoạch và không gắn với chế biến; phát triển và xây dựng thương hiệu chưa được quan tâm đúng mức; chất lượng sản phẩm không ổn định… Nói cách khác là doanh nghiệp với nông dân chưa phải “cặp đũa” có “đôi”.
Ngoài ra, vấn đề liên kết trong sản xuất – tiêu thụ nông sản cũng rời rạc, đứt gãy, doanh nghiệp còn mang tư duy thương vụ, trong khi nông dân có tư duy mùa vụ. Chính vì hai tư duy này không gặp nhau nên ngành nông sản trong nước cứ phải chạy theo để giải cứu.
Mặc dù câu chuyện hỗ trợ tiêu thụ nông sản không phải là mong muốn của ngành nông nghiệp cũng như người sản xuất, kinh doanh. Tuy nhiên, Bộ trưởng Bộ NN-PT-NT Lê Minh Hoan trong phát biểu mới đây cũng thẳng thắn chỉ ra, với cơ chế thị trường hiện nay, việc chấm dứt tình trạng này là chưa thể làm được trong một sớm một chiều.
Ông cho biết, trong những thời điểm nhất định, ngành nông nghiệp sẽ phải kêu gọi hỗ trợ tiêu thụ nông sản, nhưng ông cũng đề nghị không nên dùng từ “giải cứu” vì sẽ tạo ra tâm lý thương cảm.
Thay vào đó, ông kiến nghị có những hành động hỗ trợ cụ thể hơn. Hành động đầu tiên, theo ông là cần có tư duy và hành động quản trị ngay từ khi bắt tay vào sản xuất – tiêu thụ. Theo đó, phải có thông tin hai chiều, từ địa phương về Bộ và tới các hệ thống phân phối. Nếu không kết nối được thị trường, dù thị trường trong nước hay nước ngoài đều sẽ bị động trong tiêu thụ nông sản.
Cùng với đó phải có sự vào cuộc đồng bộ của các cơ quan, bộ ngành chức năng, như vai trò của Bộ Công thương trong điều tiết, phân phối, tiêu thụ sản phẩm.
Ngoài ra, một số ý kiến khác cho rằng, cần phải có dự tính, dự báo về dịch COVID-19 cũng như thiên tai, địch họa kịp thời, sát với thực tế; tăng năng lực của ngành công nghiệp bảo quản, chế biến; cần có chương trình Quốc gia về sản xuất, tiêu dùng “xanh”, bảo đảm tiêu chí an toàn thực phẩm là số 1.