Wednesday, June 26, 2024
Trang chủĐiểm tinSự thật kinh hoàng ở ngành tư pháp TQ

Sự thật kinh hoàng ở ngành tư pháp TQ

Gần 1/3 cựu quan chức ngành tư pháp Trung Quốc tiếp tục làm việc trong ngành luật bị phát hiện vi phạm pháp luật – theo kết quả chiến dịch chống tham nhũng mới nhất nhằm vào lĩnh vực này.

Ông Trần Nhất Tân, Chánh văn phòng Ủy ban Chính pháp Trung ương Trung Quốc

Theo báo Bưu điện Hoa Nam Buổi sáng (SCMP), chiến dịch chống tham nhũng trong lĩnh vực tư pháp là một phần trong chương trình rộng hơn nhằm làm trong sạch hệ thống tư pháp Trung Quốc.

Gần 1/3 cựu thẩm phán, kiểm sát viên Trung Quốc sai phạm

Nhà chức trách Trung Quốc nói những tiêu cực trong tư pháp đang làm xói mòn lòng tin của công chúng vào chính quyền và “đe dọa an ninh nhà nước” – SCMP cho hay.

Đợt truy quét tham nhũng mới nhất diễn ra từ tháng 2 đến tháng 6/2021 đặc biệt nhắm vào các luật sư từng làm kiểm sát viên hay thẩm phán ở cấp thành phố và cấp huyện, bên cạnh những người hành nghề luật sau khi rời chức vụ trong nhà nước.

Tại cuộc họp báo của Ủy ban Chính pháp Trung ương đảng Cộng sản Trung Quốc hồi tuần trước, thông tin được công bố nói rằng có 7.640 cựu thẩm phán và kiểm sát viên rời cương vị từ năm 2012 đã tiếp tục làm việc trong ngành luật.

Trong số đó, khoảng 2.044 người – tương đương gần 30% – bị xác định vi phạm quy định cấm họ tham gia trong các vụ việc có liên hệ với chức vụ cũ. 101 người đã làm việc như những “môi giới tư pháp” – cụm từ dùng để ám chỉ những người dùng mối quan hệ để giúp người khác hối lộ các quan tòa.

Những người sai phạm đối mặt với nhiều mức độ hình phạt, từ đình chỉ công việc cho đến truy tố.

Các nhà phân tích pháp lý cho biết cuộc truy quét ngành tư pháp vừa qua là chưa từng thấy cả về quy mô lẫn mục tiêu cụ thể, nhưng các chuyên gia nói một chiến dịch như thế chưa thể giải quyết được tình trạng tham nhũng trong ngành tư pháp Trung Quốc bởi sự thiếu kiểm tra và cân bằng.

Theo luật pháp Trung Quốc, các thẩm phán và kiểm sát viên được phép làm việc trong ngành luật sau khi rời chức vụ, nhưng không được phép đại diện cho thân chủ trước tòa trong vòng 2 năm, đồng thời chịu lệnh cấm trọn đời trong việc tham gia những hồ sơ có liên quan đến chức vụ cũ của họ.

Chánh văn phòng Ủy ban Chính pháp Trung Quốc, ông Trần Nhất Tân, nói rằng Tòa án Nhân dân tối cao, Viện Kiểm sát Nhân dân Tối cao và Bộ Tư pháp Trung Quốc đang hợp tác nhằm siết chặt các quy định.

Tham nhũng tư pháp mới hé lộ “phần nổi” của tầng lớp tinh hoa Trung Quốc?

Tao Jingzhou, một trọng tài quốc tế làm việc ở Bắc Kinh, Hồng Kông và London, đánh giá tình trạng tham nhũng trong ngành tư pháp Trung Quốc có thể lan rộng hơn so với những phát hiện trong cuộc điều tra vừa qua.

“Các thẩm phán Trung Quốc bắt đầu làm việc ngay sau khi tốt nghiệp, khác với ở các nước phương Tây – nơi họ thường làm việc trong vai trò luật sư trước rồi mới trở thành thẩm phán,” Tao nói.

“Bởi vậy, không có sự tích lũy của cải và không có mức lương cao [cho thẩm phán] ở Trung Quốc, và nhiều thẩm phán ghen tị với thu nhập cao của các luật sư. Điều này dễ sinh ra tham nhũng.”

“Thân chủ quan tâm đến việc hãng luật có quan hệ với tòa án hay không, chứ không phải trình độ pháp lý,” Tao bình luận, cho rằng đây là lý do các công ty luật ở Trung Quốc sốt sắng chào mời các cựu thẩm phán và kiểm sát viên.

“Nhiệm vụ quan trọng nhất của họ là tạo dựng các mối liên hệ tốt.”

Zhang Deshui, phó giám đốc Trung tâm nghiên cứu chính phủ sạch tại Đại học Bắc Kinh, chỉ ra rằng các cựu thẩm phán, kiểm sát viên tham nhũng hiểu rõ lỗ hổng trong chính sách để lợi dụng, đồng thời khai thác các mối quan hệ và làm suy yếu công lý.

“Họ nên ủng hộ cải cách để cho phép nhân viên tư pháp hưởng thành quả của cải cách và cải thiện thu nhập. Họ nên là tầng lớp tinh hoa trong xã hội, và họ phải có trách nhiệm xã hội cũng như đạo đức nghề nghiệp,” ông Zhuang nói.

Tao lưu ý rằng nếu Trung Quốc không ngăn chặn được tình trạng dùng quan hệ để thắng kiện thì kết quả của chiến dịch thanh lọc ngành tư pháp vẫn sẽ bị giới hạn.

Trung Quốc thông qua luật mới để chống tham nhũng

Ông Trần Nhất Tân cho biết các kênh mới đã được thiết lập để cho phép cán bộ, công chức tố giác tham nhũng.

Ông Zhuang Deshui nói tham nhũng trong hệ thống chính pháp đã có lịch sử lâu dài ở Trung Quốc và đặc biệt nguy hại, bởi nó làm suy giảm cơ hội của người dân trong việc giành được công lý và làm giảm lòng tin của mọi người vào hệ thống.

Ông Neysun Mahboubi, từ Trung tâm Nghiên cứu về Trung Quốc đương đại tại Đại học Pennsylvania (Mỹ), bình luận trên SCMP: “Sự khác biệt chính dường như tập trung vào là bộ máy chính trị-pháp luật, bao gồm cảnh sát, công tố viên và tòa án. Điều này có vẻ khác biệt không chỉ so với các chiến dịch chống tham nhũng trước đây dưới thời [Chủ tịch] Tập Cận Bình, mà còn liên quan đến các chiến dịch trong vài thập kỷ qua.”

Trong nỗ lực mới nhất, Ban thường vụ Quốc hội Trung Quốc hôm 20/8 đã thông qua dự luật nhằm củng cố quyền lực của các thanh tra, với mục tiêu chống tham nhũng và ngăn chặn sai phạm trong đội ngũ cán bộ.

Luật Giám sát Công chức, có hiệu lực từ tháng 1/2022, cho phép các thanh tra của cơ quan chống tham nhũng đưa ra tòa những quan chức can thiệp vào công việc của họ. Luật mới cung cấp cơ sở pháp lý cho một đội ngũ các nhà điều tra mới được thành lập, như một phần trong chiến dịch chống tham nhũng quyết liệt của Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình.

RELATED ARTICLES

Tin mới