Saturday, November 23, 2024
Trang chủBiển nóngTQ và trật tự pháp lý dựa trên luật lệ ở khu...

TQ và trật tự pháp lý dựa trên luật lệ ở khu vực Ấn Độ Dương- Thái Bình Dương

Ngày 09/8/2021, tờ Giải phóng quân hàng ngày của Trung Quốc có đăng tải bài bình luận “Không ai uỷ quyền cho Mỹ thực hiện quyền cảnh sát ở Biển Đông” của tác giả  Bobby Naderi, người được cho là một nhà báo, sản xuất phim tài liệu, các chương trình tivi và radio có trụ sở tại London và là cộng tác viên của chương trình truyền hình của Thời báo Hoàn Cầu Trung Quốc . Ngay sau khi bài bình luận trên được đăng tải, cựu Thuyền trưởng Hải quân Mỹ Raul (Pete) A. Pedrozo, người hiện là giáo sư luật quốc tế của Đại học Hải chiến Mỹ đã đăng bài phản bác với nội dung chính như sau:

Ảnh tổng hợp

Theo Giáo sư Raul (Pete) A. Pedrozo, nhận định của nhà báo Naderi về việc Mỹ “không thể tạo ra luật lệ ở khu vực Biển Đông” là chính xác vì cả Mỹ cũng như Trung Quốc đều không thể tạo ra luật lệ ở Biển Đông.

Cũng như các vùng biển khác của thế giới, Biển Đông được điều chỉnh bằng các quy định của luật tập quán quốc tế đã được pháp điển hoá trong Công ước Luật biển 1982 vốn đã có quá trình phát triển trên hai thập kỷ qua . Hải quân Mỹ luôn bảo vệ các quy định tập quán này ngay từ thửa khai sinh của nền cộng hoà và đã hơn một lần tham gia các cuộc chiến tranh để bảo vệ tự do và quyền hàng hải. Nếu như bị thách thức, Mỹ sẽ không tránh được việc phải tiếp tục chiến đấu để bảo vệ một khu vực Ấn Độ Dương- Thái Bình Dương tự do và rộng mở.

Trải qua thời gian, trật tự pháp lý quốc tế dựa trên luật lệ đã điều chỉnh một cách hữu hiệu việc sử dụng hợp pháp các vùng biển và trật tự pháp lý này đang bị tấn công bởi Trung Quốc- quốc gia muốn thay đổi trật tự nhằm giành được các lợi thế phục vụ mục tiêu của những người theo chủ nghĩa dân tộc. Do đó, trong khi Mỹ có thể không tạo ra luật lệ, Mỹ chắc chắn có quyền và nghĩa vụ cùng với các quốc gia khác vốn được điều chỉnh bởi các nguyên tắc pháp lý bảo vệ tự do hàng hải, hàng không và việc sử dụng hợp pháp được thừa nhận về quốc tế đi kèm với các quyền tự do này.

Tác giả Naderi dẫn dắt câu chuyện là Trung Quốc không tạo ra bất cứ mối đe doạ nào đối với các quốc gia láng giềng của nước này và chính các cuộc tập trận hải quân dưới sự dẫn dắt của Mỹ đang được Washington sử dụng nhằm tạo ra một cách tinh vi hình ảnh về mối đe doạ Trung Quốc. Tuy nhiên, thực tế hàng chục các đối tác từ Ấn Độ Dương đến Nam Thái Bình Dương đang phải kết hợp các nỗ lực và tăng cường các lực lượng của mình do thừa nhận rằng Trung Quốc đang đưa đến các thách thức lớn nhất đối với hoà bình và an ninh ở khu vực Ấn Độ Dương- Thái Bình Dương kể từ thế chiến thứ 2. Nhận định của Naderi cho rằng các nỗ lực của Trung Quốc nhằm tạo ra một trật tự khu vực cần được ủng hộ do điều này dựa trên việc tôn trọng triệt để luật pháp quốc tế và Hiến chương Liên hợp quốc cũng như quyền của các quốc gia “tự do quyết định tương lai của mình và không chịu bất cứ áp lực và các mối đe doạ từ bên ngoài” thực sự mang tính thiếu tin cậy. Việc giải thích sai lầm như vậy là ít nhất hoàn toàn mang tính lừa lọc.

Một vài ví dụ điển hình về mối đe doạ Trung Quốc là: Đối với Nhật Bản, ngay trước khi Olympic Tokyo được khai mạc, Trung Quốc đã cho phát một đoạn video trong đó Trung Quốc đe doạ Nhật Bản bằng các vụ tấn công hạt nhân liên tục và một cuộc chiến toàn phương diện nếu Nhật Bản can thiệp vào việc xử lý vấn đề Đài Loan của Trung Quốc. Lời cảnh báo này được thực hiện cho dù Trung Quốc luôn khăng khăng chính sách “không khởi sự trước”, theo đó Trung Quốc chỉ sử dụng vũ khí hạt nhân nhằm đáp lại một cuộc tấn công hạt nhân chống lại Trung Quốc và thực hiện một cách vô điều kiện về sử dụng hoặc đe doạ sử dụng vũ lực để chống  lại các quốc gia không có vũ khí hạt nhân (như Nhật Bản). Hơn thế nữa, tàu của lực lượng Hải cảnh Trung Quốc tiếp tục xâm phạm một cách bất hợp pháp vùng biển xung quanh đảo Senkaku của Nhật Bản. Trong năm 2021, đã có 152 ngày liên tiếp tàu Hải cảnh Trung Quốc hoạt động trong vùng biển của đảo Senkaku, số lượng cao nhất từ 2012 cho đến nay. Điều này đã chứng tỏ việc Nhật Bản có tham gia Nhóm Bộ tứ cũng như việc xác định Trung Quốc là mối đe doạ an ninh số 1 trong Sách trắng năm 2021 của mìnhthì cũng không có điều gì là ngạc nhiên.

Việc Trung Quốc gia tăng đe doạ đối với Nhật Bản không có gì là ngạc nhiên nếu xét đến việc gia tăng mức độ gây hấn nhắm trực tiếp vào Đài Loan kể từ tháng 9/2020. Trong khoảng thời gian từ 1954- 2020, chỉ có 4 lần máy bay Trung Quốc xâm vi phạm đường Davis (đường trung tuyến của eo biển Đài Loan). Tuy nhiên, từ tháng 9/2020, việc xâm phạm của Trung Quốc đã gia tăng cả về số lượng và phạm vi, làm tăng khả năng những vụ xâm phạm chưa có tiền lệ này là không phù hợp với quyền tự do hàng không trong thời gian hoà bình trong vùng không phận quốc tế và hơn thế nữa, tạo ra mối đe dọa về việc sử dụng vũ lực chống lại Đài Loan vi phạm các quy định có liên quan của Hiến chương Liên hợp quốc. Có 4 đợt máy bay chiến đâu Trung Quốc vi phạm nhiều nhất là trong các tháng 9/2020 với 19 máy bay, tháng 3/2021 với 20 máy bay; tháng 4/2021 với 25 máy bay và tháng 8/2021 với 11 máy bay. Hơn thế nữa, từ tháng 1-11/2020, máy bay chiến đấu của Trung Quốc đã xâm phạm vùng nhận diện phòng không của Đài Loan 380 lần, trong khi đó số lượng này của năm 2016 và 2017 lần lượt là 6 và 20. Trong bối cảnh mối quan hệ căng thẳng giữa hai bờ, những hành động mang tính cưỡng ép này của máy bay chiến đấu Trung Quốc là nhằm mục đích thay đổi nguyên trạng ở eo biển Đài Loan và rõ ràng là gia tăng rủi ro của việc tính toán sai lầm và đối đầu quân sự. Mỹ duy trì chính sách một Trung Quốc song chính sách này dựa trên tiền đề là “tương lai của Đài Loan được quyết định bằng các biện pháp hoà bình” và bất cứ nỗ lực này nhằm quyết định tương lai Đài Loan bằng các biện pháp khác biện pháp hoà bình có thể được xem là mối thách thức nghiêm trọng đối với Mỹ. Hơn thế nữa, Trung Quốc gần đây tìm cách gia tăng căng thẳng thông qua việc công khai nói với Đài Loan là Mỹ sẽ từ bỏ ý định bảo vệ Đài Loan qua việc đề cập tới sự sụp đổ gần đây ở Kabul như là một tiền lệ. Việc gây hấn hiện tại của Trung Quốc đối với Đài Loan thể hiện nước này sẽ không thực hiện cam kết về việc đàm phán. Do đó, có lẽ đến lúc để Mỹ cân nhắc lại và từ bỏ Chính sách một Trung Quốc đã bị dẫn dắt sai lầm để tái thiết lập quan hệ ngoại giao với Đài Loan.

Đối với các quốc gia khu vực ASEAN, Trung Quốc thường phớt lờ các quy định của Tuyên bố về ứng xử của các bên ở Biển Đông (DOC) thông qua việc đe doạ và sử dụng vũ lực chống lại các quốc gia khác có yêu sách ở Biển Đông và thực hiện các hành động làm gia tăng căng thẳng và làm suy giảm ổn định và hoà bình ở khu vực như việc chiếm đóng, lấn biển và quân sự hoá một số các cấu trúc không có người ở. Trung Quốc cũng thường xuyên can thiệp vào việc thực hiện quyền của các quốc gia trong khu vực  đối với các nguồn tài nguyên của mình. Trung Quốc thông qua việc bắt giữ, đâm chìm tàu đánh cá, cản phá tàu khảo sát và các giàn khoan dầu khí ngoài khơi, bắt giữ  và tịch thu trái phép phương tiện đánh bắt cá cũng như cá đánh bắt được nhằm thể hiện việc thực thi kiểm soát vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa của mình. Trung Quốc đã ngăn cản các quốc gia có yêu sách tiếp cận nguồn tài nguyên dầu khí giá trị 2500 tỷ USD chưa được khai thác, đưa đến các tổn thất về mặt kinh tế to lớn cho các nước này. Các hành vi gây hấn này gây khó khăn cho việc thực hiện quyền chủ quyền và quyền tài phán của các quốc gia trong khu vực và chống lại khả năng của các nước này trong việc thực hiện Mục tiêu thiên niên kỷ của Liên hợp quốc.

Trung Quốc cũng đã thiết lập 07 căn cứ quân sự trên các đảo nhân tạo mà nước này xây dựng trái phép nhằm thay đổi nguyên trạng ở Biển Đông. Việc quân sự hoá các cấu trúc này rõ ràng đã vi phạm cam kết của Trung Quốc về việc tự kiềm chế trong việc triển khai các hoạt động có thể làm phức tạp và gia tăng căng thẳng đối với các tranh chấp đang diễn ra và tác động đến hoà bình, an ninh và ổn định ở khu vực. Cùng với đó, việc củng cố cơ sở hạ tầng như đối với đất liền cho các cấu trúc này như việc xây dựng sân bay và các nhà chứa máy bay chiến đấu, tạo ra các kênh cho việc tiếp cận các tàu chiến cỡ lớn và các cơ sở hậu cần tiếp nhiên liệu, nước ngọt,… tạo điều kiện cho Trung Quốc gia tăng sự hiện diện liên tục và mạnh mẽ mà có thể được sử dụng để đe doạ chủ quyền của các quốc gia trong  khu vực, cản trở việc tiếp cận tự do và mở rộng đối với Biển Đông, làm phương hại đến thịnh vượng toàn cầu.

Tại phiên thảo luận về an ninh biển tại Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc hồi tháng 8 vừa qua, Ngoại trưởng Mỹ Blinken đã đề cấp nhiều nội dung như nêu trên, nhấn mạnh tầm quan trọng của việc bảo vệ, thực thi và làm sống lại trật tự quốc tế dựa trên luật lệ như đã được phản ánh trong Công ước Luật Biển, khuôn khổ pháp lý điều chỉnh mọi hành vi liên quan đến biển và đóng vai trò then chốt đối với ổn định toàn cần và an ninh, thượng vượng của các quốc gia. Ngoại trưởng Blinken nhấn mạnh là trật tự quốc tế đang bị đe doạ nghiêm trọng bởi Trung Quốc ở khu vực Biển Đông nơi mà Trung Quốc triển khai các hành động nguy hiểm và kích động nhằm củng cố các yếu sách biển phi pháp và bắt nạt, đe doạ các nước có yêu sách khác khỏi “việc tiếp cận một cách hợp pháp đối với các nguồn tài nguyên biển của mình”.

Trung Quốc phản đối việc thảo luận vấn đề Biển Đông ở Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc, cho rằng phát biểu của Mỹ là thiếu trách nhiệm và Trung Quốc và các nước ASEAN có đủ khả năng duy trì hoà bình, ổn định ở khu vực Biển Đông và Mỹ đang khuấy thêm rắc rối thông qua việc cử tàu và máy bay đến khu vực. Trung Quốc nhấn mạnh thêm là Mỹ không có uy tín đối với các vấn đề trên biển, tính đến thực tế là Mỹ chưa gia nhập Công ước Luật Biển nhưng lại tự coi mình là “thẩm phán đối vơi Công ước”. Cho dù Mỹ đúng là chưa phải thành viên Công ước Luật Biển và điểm này sẽ tiếp tục được Trung Quốc khai thác để chỉ trích Mỹ. Tuy nhiên, kể từ 1983  Mỹ đã chấp nhận một cách công khai và hành xử phù hợp với các điều khoản của Công ước liên quan đến tập quán sử dụng biển và nước này cũng thừa nhận quyền của các quốc gia khác trên vùng biển của mình  như được quy định trong Công ước trong chừng mực mà các quyền và tự do của Mỹ  và các quốc gia khác được các quốc gia ven biển liên quan thừa nhận. Đồng thời, Mỹ cũng đã thực thi và khẳng định quyền và tự do hàng hải của mình trên cơ sở toàn cầu, phù hợp với Công ước và thể hiện là nước này không im lặng trước bất cứ hành động đơn phương nào của bất cứ quốc gia nào mà hạn chế quyền hàng hải và tự do và việc sử dụng hợp pháp các vùng biển bởi cộng đồng quốc tế.

Trong khi đó, Trung Quốc mặc dù là thành viên Công  ước Luật Biển, song được đa phần các quốc gia coi là quốc gia vi phạm thường xuyên đối với các quy định của Công  ước. Mọi quy định nội luậtcủa Trung Quốc áp dụng đối với các yêu sách biển của mình đều vi phạm Công  ước Luật Biển và luật tập quán quốc tế. Hầu hết hệ thống đường cơ sở thẳng của nước này chạy dọc bờ biển lục địa không đáp ứng các yêu cầu về mặt địa lý (Điều 5 và 7 của Công  ước) và do đó, bất hợp pháp. Tương tự như vậy, việc Trung Quốc yêu sách đường cơ sở xung quanh đảo Hoàng Sa và một phần đảo Senkaku cũng là phi pháp. Là quốc gia lục địa, Trung Quốc không thể vẽ đường cở sở thẳng xung quanh các quần đảo giữa khơi xa mà nước này yêu sách. Trung Quốc cũng thất bại trong việc chứng minh việc thực hiện thẩm quyền một cách liên tục, mở, hoà bình, hữu hiệu đối với Vịnh Bội Hải và eo biển Hải Nam cũng như chứng minh sự im lặng thực sự của các quốc gia khác về việc thực thi quyền này của Trung Quốc. Do vậy, việc Trung Quốc yêu sách là vịnh Bội Hải và eo biển Hải Nam là một phần nội thuỷ của nước này dựa trên quyền lịch sử là không phù hợp với luật pháp quốc tế. Tương tự, yêu cầu trong Luật lãnh hải của nước này năm 1992 về việc tàu chiến nước ngoài và  và các tàu Chính phủ dùng cho mục đích phi thương mại cần phải có sự cho phép trước khi thực hiện quyền qua lại vô hại lãnh hải là trái với Công ước Luật Biển (điều 17, 19) trong chừng mực các tàu này không liên quan đến các hoạt động bị coi là ảnh hưởng đến hoà bình, trật tự hoặc an ninh của các quốc gia ven biển.

Trung Quốc yêu sách là nước này có quyền tài phán đối với các vấn đề liên quan đến an ninh trong vùng tiếp giáp lãnh hải của mình là vi phạm nội dung của Điều 33 Công ước vốn giới hạn quyền của quốc gia ven biển đối với việc ngăn ngừa và trừng trị các vi phạm đối với luật lệ về y tế, xuất nhập cảnh, thuế má và hải quan và các quy định vi phạm trong lãnh hải của mình. Việc Trung Quốc cũng có ý định điều chỉnh mọi hoạt động quân sự trong vùng đặc quyền kinh tế của mình cũng khó đứng vững và được nhìn nhận là sự vi phạm gián tiếp luật pháp quốc tế. Trong khi Trung Quốc thực hiện đặc quyền đối với các nguồn tài nguyên tại các vùng biển và quyền tài phán đối với hoạt động nghiên cứu khoa học biển thì mọi quốc gia khác cũng có quyền tuyệt đối theo luật quốc tế khi thi hành hoạt động quân sự ngoài phạm vi lãnh hải của cac quốc gia ven biển. Trong phạm vi vùng đặc quyền kinh tế, các quốc gia đều hưởng quyền tự do hàng hải, hàng không và việc sử dụng hợp pháp các vùng biển quốc tế liên quan đến vùng biển này như đối với công hải (các điều 56, 86 và 89).

Khu vực nhận diện phòng không (ADIZ) mà Trung Quốc thiết lập năm 2013 bao gồm phần lớn vùng trời Đông Hải cũng không phù hợp với thực tiễn và tập quán quốc tế quốc tế có liên quan. Mọi quốc gia đều hưởng quyền tự do hàng không trong phạm vi không phận quốc tế nằm ngoài lãnh hải. Việc áp dụng các quy định của ADIZ  đối với các máy bay quá cảnh không có ý định vào vùng trời quốc gia của Trung Quốc là can thiệp vào tự do hàng không và do đó, vị phạm luật pháp quốc tế.

Việc Trung Quốc từ chối một cách đáng trách việc tuân thủ Phán quyết của Toà trọng tài vụ kiện Biển Đông tái khẳng định Trung Quốc luôn coi thường luật pháp quốc tế hiện hành và ưu tiên kế hoạch xảo quyệt của mình nhằm thay đổi trật tự pháp lý quốc tế dựa trên luật lệ để thúc đẩy các yêu sách biển phi lý của mình. Phán quyết đã khẳng định yêu sách quyền lịch sử mà nước này yêu sách ở Biển Đông trong phạm vi đường chín đoạn là trái với Công ước và không có giá trị pháp lý. Phán quyết của Toà trọng tài là chung thẩm và là thành viên của Công ước, Trung Quốc có nghĩa vụ tuân thủ Phán quyết. Bắc Kinh không thể lựa chọn quyết định nào nước này tuân thủ hoặc từ chối tuân thủ.

Nếu như Trung Quốc hành động như một quốc gia có trách nhiệm và không tiến hành các hành vi bắt nạt các quốc gia láng giềng, chắc chắn không ai phải làm cảnh sát tại khu vực Biển Đông. Tác giả Naderi đã chính xác khi nói rằng không ai uỷ quyền cho Hải quân Mỹ làm cảnh sát ở khu vực Biển Đông. Tuy nhiên, như Ngoại trưởng Bliken phát biểu hồi tháng 8 vừa qua tại phiên thảo luận của Hội đồng Bảo an, Liên hợp quốc, “mọi quốc gia có trách nhiệm bảo vệ các quy tắc mà tất cả chúng ta đã nhất trí tuân theo và giải quyết hoà bình các tranh chấp về biển” và nếu một quốc gia như Trung Quốc “không phải đối diện với bất cứ hệ quả nào đối với việc phớt lờ những quy tắc này, điều này sẽ thúc đẩy sự bất ổn và dơ bẩn lớn hơn ở mọi nơi”.

Một cuộc xung đột ở Biển Đông sẽ đưa đến thảm hoạ đối với kinh tế toàn cầu và có hệ quả nghiêm trọng, lâu dàu đối với hoà bình và an ninh quốc tế ở khu vực Ấn Độ Dương- Thái Bình Dương, nới có những tuyến hàng hải huyết mạch của thế giới. Do đó, Mỹ có lợi ích mang tính ràng buộc trong việc thực hiện chức năng “cảnh sát” và bảo đảm là các tuyến hàng hải ở Biển Đông rộng mở nhằm bảo vệ lợi ích kinh tế của Mỹ và các đồng mình và duy trì hoà bình và an ninh ở khu vực và thế giới.

Dù muốn hay không, khu vực Ấn Độ Dương- Thái Bình Dương sẽ chỉ hưởng ổn định, tăng trưởng kinh tế và thịnh vượng nếu như Mỹ và các đối tác duy trì các hoạt động quân sự một cách hoà bình và kiên quyết tại khu vực nhằm chống lại sự bành trướng của Trung Quốc. Là một vùng biển rộng lớn, Ấn Độ Dương- Thái Bình Dương đòi hỏi sự hiện hiện liên tục các lực lượng hải quân, không quân của các đồng mình và đối tác nhằm bảo đảm là khu vực này luôn tự do và rộng mở. Sự hoạt động liên tục của hải quân Mỹ sẽ là trụ cột cho an ninh, ổn định và hoà bình ở khu vực cũng như cân bằng lại các nỗ lực của Trung Quốc nhằm thay đổi trật tự pháp lý quốc tế dựa trên luật lệ mà đã giữ gìn hoà bình và ổn định cho khu vực trong vòng 8 thập kỷ qua. Là một quốc gia trong khu vực Thái Bình Dương, lãnh đạo toàn cầu và là cường quốc hàng hải, Mỹ cam kết chống lại việc Trung Quốc bắt nạt và cưỡng bức bất hợp pháp, chống lại chủ quyền của các quốc gia láng giềng của mình và tăng cường các nỗ lực nhằm củng cố các yêu sách biển bất hợp pháp. Trật tự dựa trên luật lệ mang lại lợi ích cho mọi quốc gia và nó sẽ tiếp tục đóng góp theo hướng này trừ phi các quốc gia bắt nạt như Trung Quốc được phép thay đổi nguyên trạng và thay đổi các quy tắc đã quản lý các đại dương một cách hữu hiệu hàng thế kỷ qua.

RELATED ARTICLES

Tin mới