Ấn Độ không bao giờ làm được những gì mà quốc đảo có quy mô lục địa Australia có thể, bao gồm cả gánh chịu tổn thất về kinh tế phi đối xứng của Trung Quốc.
Mỹ, Australia và Anh vừa công bố một thỏa thuận quân sự ba bên mới, được gọi là AUKUS. Ba thành viên của liên minh tình báo Ngũ Nhãn (Five Eyes) sẽ tăng cường hợp tác công nghệ quân sự, trí tuệ nhân tạo (AI), các vấn đề mạng, khả năng tấn công tầm xa, điện toán lượng tử và các hệ thống dưới nước. Hành động đầu tiên sẽ là chuyển giao một đội tàu ngầm chạy bằng năng lượng hạt nhân cho Australia.
Thời điểm công bố mang tính biểu tượng vì diễn ra trước hội nghị thượng đỉnh trực tiếp đầu tiên của Đối thoại An ninh Bộ Tứ (Quad) ở Mỹ vào ngày 24/9. Australia và Mỹ là hai trong số các thành viên của khuôn khổ này.
Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken cũng vừa có cuộc gặp với người đồng cấp Australia tại Washington, trong đó ông ca ngợi liên minh AUKUS là “mạnh mẽ và quan trọng”. Tất cả những điều này diễn ra ngay sau lễ kỷ niệm 70 năm Hiệp ước ANZUS đặt nền tảng cho quan hệ đối tác quân sự chiến lược đương đại của các bên.
“Đề án minh bạch ảnh hưởng nước ngoài” mà Australia ban hành năm 2018 được cho là do nghi ngờ về ảnh hưởng của Trung Quốc trong nước. Sau đó, Australia bắt đầu hành xử quyết đoán hơn ở Nam Thái Bình Dương. Mọi thứ lên đến đỉnh điểm vào năm 2020 sau khi Australia ủng hộ các tuyên bố về nguồn gốc của COVID-19, vấn đề Hong Kong và Biển Đông. Kết quả là thương mại song phương bị ảnh hưởng.
Việc thành lập AUKUS chống lại Bắc kinh không bao gồm Ấn Độ. Các phân tích đã chỉ ra việc Ấn Độ từ chối hủy bỏ thỏa thuận S-400 với Nga có thể là lý do chính khiến New Delhi không được mời tham gia tổ chức chia sẻ công nghệ quân sự này. Tuy nhiên, lý do có lẽ còn nhiều hơn thế.
Vị trí của Ấn Độ không phải là thuận lợi cho việc “’kiềm chế” Trung Quốc mặc dù có thể đã được nghĩ đến. Trên thực tế, sự cận kề về địa lý với Trung Quốc làm giảm khả năng Ấn Độ sẽ luôn hành xử mạnh mẽ chống lại Trung Quốc như Mỹ mong đợi. Điều này là do chủ nghĩa thực dụng, đơn giản vì Ấn Độ không thể chống lại Trung Quốc vô thời hạn mà không gánh chịu những chi phí khổng lồ.
Australia cách xa Trung Quốc về mặt địa lý, do đó sẽ không chịu áp lực quân sự đáp trả từ nước này như Ấn Độ. Điều này cho phép Australia linh hoạt hơn về mặt chiến lược để đối đầu với Trung Quốc.
Tất nhiên sẽ có các hệ quả kinh tế, tài chính và các hậu quả không đối xứng khác, nhưng các hệ quả an ninh là tương đối hiện hữu. Vì lý do này, Mỹ tự tin hơn nhiều vào khả năng của Australia trong việc đối đầu vô thời hạn đối với Trung Quốc nhiều hơn so với Ấn Độ.
Dưới góc độ địa lý, Australia là một đảo quốc nằm giữa Ấn Độ Dương và Thái Bình Dương, khu vực mà Mỹ gần đây đã mô tả là “Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương”. Ấn Độ chỉ nằm trong đại dương cùng tên, trong khi Nhật Bản chỉ ở Thái Bình Dương nên cả 2 nước này đều không có vai trò giống như Australia trong chiến lược lớn của Mỹ tại khu vực này.
Đặc quyền đối với máy bay chiến đấu và các đặc quyền hậu cần trên lãnh thổ của đồng minh AUKUS cho phép Lầu Năm Góc đồng thời gây ảnh hưởng bằng vũ lực ở cả 2 đại dương.
Một khía cạnh khác là giới lãnh đạo Australia thống nhất nhận thức rằng Trung Quốc là mối đe dọa an ninh quốc gia toàn diện nhất của nước này và do đó phải kiềm chế bằng mọi cách có thể, bất chấp các chi phí vật chất, tài chính và các chi phí khác liên quan.
Ấn Độ không có sự thống nhất về mục đích và ý chí chính trị để làm mọi thứ có thể nhằm kiềm chế Trung Quốc, kể cả việc tự gánh chịu những chi phí liên quan, vì nước này hợp tác với Trung Quốc thông qua BRICS và SCO. Ấn Độ cũng không hoàn toàn tuân theo các yêu cầu chống Trung Quốc của Mỹ trong vài năm qua vì vẫn chủ trương đa liên kết.
Yếu tố cuối cùng là “sự tương thích văn hóa” giữa các quốc gia Anglo-Saxon. Các cơ quan quân sự, tình báo và ngoại giao của Mỹ thấy dễ dàng làm việc với các đồng nghiệp Anglo-Saxon của họ ở Australia hơn là với Ấn Độ khác biệt về văn hóa.
Trở ngại lớn nhất đối với các kế hoạch này là yếu tố địa lý mà Australia lầm tưởng sẽ giúp ngăn họ khỏi hậu quả của việc khiêu khích quân sự với Trung Quốc. Mặc dù phần mềm mạng không được thực hiện trên bình diện vật lý và về mặt lý thuyết có thể được thực hiện mà không có những hạn chế như vậy, nhưng tên lửa tầm xa và hệ thống dưới nước lại là một câu chuyện khác. Trong trường hợp xấu nhất là một cuộc chiến tranh nóng, cả hai vũ khí này đều phải đi qua lãnh thổ Indonesia để tấn công Trung Quốc.
Với những yếu tố này, có thể thấy rõ ràng tại sao Mỹ chọn Australia thay vì Ấn Độ làm đồng minh hàng đầu của mình chống Trung Quốc. Anh sẵn sàng “chia sẻ gánh nặng” với Mỹ trong việc “kiềm chế” Trung Quốc thông qua Australia do chiến lược hậu Brexit nhằm hồi sinh “phạm vi ảnh hưởng” thời thuộc địa của họ ở Châu Á.