Friday, May 3, 2024
Trang chủGóc nhìn mớiNỗ lực về mặt… ngôn ngữ

Nỗ lực về mặt… ngôn ngữ

Tại cuộc họp của Đại hội đồng Liên hợp quốc khóa 76, Tổng thư ký Antonioo Guterres đã tỏ ra cứng rắn khi phê bình hai quốc gia lớn là Mỹ và Trung Quốc đang có những hành động gây gia tăng căng thẳng không chỉ ở trên Biển Đông. Đáp lại Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình và Tổng thống Mỹ Joe Biden đều có ý kiến tranh luận. Nhưng theo các nhà quan sát, đó chỉ là nỗ lực về mặt ngôn ngữ.

Cụ thể, hôm 21/9, ông Tập Cận Bình đã bình thản nói tại cuộc họp Đại hội đồng, rằng, các quốc gia nên tăng cường đối thoại. Đó là con đường ngắn nhất của hòa bình. Phát biểu của ông Tập được đưa ra sau khi Tổng thống Mỹ Joe Biden tuyên bố: Mỹ muốn tránh cuộc “Chiến tranh Lạnh mới”.

Ông Tập cho rằng: “Các tranh chấp cần được giải quyết thông qua đối thoại và đàm phán. Thành công của quốc gia này không đồng nghĩa với thất bại của quốc gia khác. Thế giới này đủ lớn để đáp ứng sự phát triển và tiến bộ chung của tất cả các quốc gia”.

Các vị nguyên thủ tham dự cuộc họp không mấy bất ngờ trước những ý kiến đầy vẻ ngụy biện cho những hành động gây bất ổn đến tình hình khu vực và thế giới. Từ nhiều năm nay, Trung Quốc vẫn thường nhắc tới cái gọi là chủ nghĩa đa phương và hợp tác quốc tế. Thế nhưng nói đằng đông thì họ làm đằng tây. Chẳng hạn chính sách của Đại lục đối với Đài Loan và các tranh chấp lãnh thổ ở Biển Đông luôn luôn là minh chứng cho sự đổi trắng thay đen của Trung Nam Hải.

Nói là đối thoại, hòa hoãn, song ông Tập Cận Bình vẫn nhắm tới mục tiêu Washington. Ông Tập nhắc tới những liên quan đến các sự kiện ở Afghanistan: “Những diễn biến gần đây trong tình hình thế giới một lần nữa cho thấy sự can thiệp quân sự từ bên ngoài và cái gọi là chuyển đổi dân chủ chẳng đem lại gì ngoài tác hại”.

Thời gian qua, các phương tiện truyền thông của Trung Quốc cũng liên tục nói tới “sự hỗn loạn” chung quanh việc rút quân của Mỹ và NATO ở Afghanistan. Bắc Kinh khẳng định: Washington phải chịu trách nhiệm cho bất kỳ bất ổn nào xảy ra trong khu vực này.

Ông chủ ở Trung Nam Hải dường như muốn lưu ý với ông chủ Nhà trắng rằng, cần thận trọng trong việc thúc đẩy các giá trị Mỹ. Những giá trị này không nhất thiết là một tài sản chiến lược ở Đông Nam Á, nơi chúng không được chia sẻ bởi tất cả các nước. “Dân chủ” là một thuật ngữ dễ thay đổi, “nhân quyền” được hiểu một cách mập mờ, theo nhiều cách khác nhau. Đông Nam Á chứ không phải Mỹ. Họ chú trọng nhiều hơn đến quyền của cộng đồng hơn là quyền của cá nhân.

Với tư cách là một cường quốc cân bằng ngoài khơi, Mỹ luôn cảm thấy khó khăn khi định vị lập trường của mình. Nếu chống Trung Quốc quá mạnh sẽ khiến các nước trong khu vực lo ngại bị vướng vào cạnh tranh Mỹ – Trung, vướng vào việc lựa chọn ngả theo bên nào. Nếu lập trường quá thụ động lại gây ra nỗi sợ hãi khu vực bị Mỹ bỏ rơi.

Tình thế ngoại giao của Washington quả là hết sức khó khăn. Biden đã tìm mọi cách tránh sai lầm của Cựu Tổng thống Obama khi nghĩ rằng, Mỹ cần giảm bớt sự cạnh tranh để giành được sự hợp tác của Bắc Kinh.

Thực tế, Bắc Kinh không bao giờ hợp tác để “các bên cùng có lợi”. Chỉ khi nào có lợi cho mình, Bắc Kinh mới hợp tác, theo cách chơi truyền thống của họ “mèo trắng hay mèo đen cũng tốt, miễn là bắt được chhuột”. Cho nên, các quốc gia phải vừa cạnh tranh vừa hợp tác, không hợp tác một cách biến mình thành kẻ ăn theo nước lớn.

Thực tế, Trung Quốc đang muốn xâm lấn, thâu tóm Biển Đông. Làm sao có thể đối thoại và hợp tác đối với kẻ điếc, kẻ không muốn nghe sự thật. Đối thoại đến khi nào để Trung Quốc trả lại các đảo trên Biển Hoa Đông và Biển  Đông đã chiếm giữ trái phép của các nước khác? Đối thoại đến bao giờ để Trung Quốc rút hết những con tàu và những cuộc tập trận mang tính đe dọa, uy hiếp an ninh các vùng lãnh hải thuộc chủ quyền nước khác? Đối thoại đến bao giờ để nước này trả lại môi trường trong lành cho Biển Đông?

Nếu cứ nghe những lời của ông Tập thì hòa bình, ổn định, hợp tác và phát triển sẽ được lập lại ngay sau diễn đàn Hội nghị. Nhưng, điều này ông Tập đã nói đúng: “Thế giới này đủ lớn”. Khi Mỹ không muốn xảy ra cuộc chiến tranh Lạnh mới, khi Trung Quốc muốn đàm phán và đối thoại để đạt mục tiêu hòa bình thì chẳng còn gì phải bàn cãi. Không một quốc gia nào lại cả tin đến ngây thơ như thế! Quốc gia nào cũng mong muốn thay vì nỗ lực về ngôn ngữ hãy nỗ lực bằng hành động.

RELATED ARTICLES

Tin mới