Tuesday, January 7, 2025
Trang chủKinh tế - Văn hóa - Xã hộiNông nghiệp bền vững trong đại dịch: Cơ hội của Việt Nam

Nông nghiệp bền vững trong đại dịch: Cơ hội của Việt Nam

Trong bất cứ hoàn cảnh nào, nông nghiệp và nông dân luôn là hậu phương vững chắc, tuy nhiên Việt Nam cần khắc phục điểm yếu cố hữu để phát triển.

Dịch bệnh COVID-19 đã khiến giá lương thực, thực phẩm trên thế giới luôn ở mức cao. Theo Tổ chức Nông lương Liên hợp quốc (FAO), tính đến tháng 5/2021, giá lương thực toàn cầu đã đạt mức cao nhất trong gần một thập kỷ, tăng 40% so với cùng kỳ một năm trước đó.

Theo báo cáo, chỉ số giá lương thực của FAO đứng ở mức 127,1 điểm trong tháng 5/2021, thấp hơn 7,6% so với mức đỉnh hồi tháng 2/2011. Chỉ số này đã tăng 12 tháng liên tiếp và đạt mức cao nhất kể từ tháng 9/2011, do giá dầu thực vật, đường và ngũ cốc tăng cao. Cũng trong tháng 5, chỉ số giá ngũ cốc tăng 36,6% so với cùng kỳ năm 2020. Trong đó, dẫn đầu là giá ngô cao hơn 89,9% so với đầu năm 2021.

Xét ở mặt tích cực, nhiều chuyên gia cho rằng, giá lương thực, thực phẩm trên toàn cầu tăng lên là cơ hội cho nông nghiệp Việt Nam đẩy mạnh sản lượng và kim ngạch xuất khẩu.

Số liệu của Tổng cục Thống kê, năm 2020, kim ngạch nông, lâm, thủy sản vượt mức 41 tỷ USD. Trong 8 tháng năm 2021, nhóm hàng nông sản, lâm sản đạt 15,4 tỷ USD, tăng 14,9%. Nhóm hàng thủy sản đạt 5,58 tỷ USD, tăng 7,1%.

Theo GS.TS Vũ Trọng Hồng, nguyên Thứ trưởng Bộ NN-PTNT, từ dịch Covid – 19 chúng ta thấy rõ hơn vai trò quan trọng của nông nghiệp trong phát triển kinh tế và an sinh xã hội. Ông dẫn ví dụ, trước làn sóng dịch Covid-19 lần thứ hai, châu Á chiến thắng được là nhờ vào nông nghiệp. Trong phòng chống dịch, để đảm bảo cuộc sống cho người dân thì vẫn phải dựa vào nông nghiệp.  

TS Lê Hưng Quốc, nguyên Cục trưởng Cục Trồng trọt (Bộ NN-PTNT) cũng khẳng định, trong bất cứ hoàn cảnh nào, nông nghiệp và nông dân luôn là hậu phương vững chắc cho đất nước.

Bắt đầu xuất khẩu gạo từ năm 1989, tính đến nay, Việt Nam đã có hơn 30 năm xuất khẩu gạo. Theo quan điểm của ông Quốc, dù còn nhiều vấn đề về hiệu quả, giá cả, giá trị xuất khẩu nhưng trước hết về số lượng, Việt Nam dư thừa gạo là chỉ dấu cho thấy sự bền vững, ấy là chưa tính đến các loại nông sản xuất khẩu khác.

Nguyên Cục trưởng Cục Trồng trọt chỉ ra rằng, tính bền vững của nông nghiệp Việt Nam thể hiện ở ba khía cạnh: tự do hóa sản xuất; doanh nghiệp tham gia mạnh mẽ vào nông nghiệp trong tất cả các khâu và hội nhập quốc tế.

Trong kinh tế thị trường, ngay từ khi sản xuất đã phải xác định thu hoạch xong thì tiêu thụ ở đâu, thói quen tiêu dùng của thị trường thế nào, thị trường có yêu cầu gì về chất lượng, tiêu chuẩn, dung lượng của thị trường ấy là bao nhiêu…

Dù vậy, các ý kiến cũng đều chỉ ra điểm yếu cố hữu của nông nghiệp Việt Nam mà cho đến nay vẫn chưa khắc phục được, đó là kết nối thị trường yếu.

Theo nguyên tắc của kinh tế thị trường, sản xuất phải gắn với tiêu thụ. Ngay từ sản xuất đã phải phải xác định thu hoạch xong thì tiêu thụ ở đâu, thói quen tiêu dùng của thị trường thế nào, tiêu chuẩn, dung lượng của thị trường ấy ra sao… Tuy nhiên, cách làm của Việt Nam trong nhiều năm qua chủ yếu vẫn theo kiểu tự phát, đến đâu xử lý đến đó. Một hệ quả thấy rất rõ là nhiều mặt hàng nông sản vào mùa rộ lập tức xuất hiện tình trạng nơi sản xuất thì nông sản mất giá, chất đống, nơi tiêu thụ vẫn thiếu, phải ăn hàng giá cao. Lý do là bởi tổ chức thị trường kém, chuỗi cung ứng không rõ ràng khiến người sản xuất tự loay hoay, còn lãi lời rơi vào tay trung gian, tiểu thương.

TS Lê Hưng Quốc cho biết, đại dịch Covid-19 đã làm bộc lộ các khiếm khuyết trong quản trị về kinh tế, xã hội nói chung và ngành nông nghiệp nói riêng. Đó cũng chính là cơ hội để Việt Nam nghiêm túc nhìn nhận lại và kịp thời sửa chữa.

Minh chứng cho điều này, ông nhắc lại thời kỳ đầu của làn sóng dịch lần thứ 4, xuất hiện tình trạng “ngăn sông cấm chợ”, mỗi địa phương hiểu một kiểu, phần vì sợ lây nhiễm, phần vì thành tích khiến nông sản ứ đọng, không tiêu thụ được.

“Đáng lẽ chỉ ngăn người nhiễm Covid-19, không ngăn hàng hóa, đằng này một số nơi ngăn người, ngăn hàng hóa luôn. Hàng hóa nông sản ách tắc, khó khăn cho người sản xuất, doanh nghiệp lẫn an sinh của người dân”, ông Lê Hưng Quốc chỉ rõ.

Ông cũng nhắc lại sự việc xảy ra vào năm ngoái, Bộ Công thương đề xuất ngừng xuất khẩu gạo vì lo nếu dịch Covid-19 kéo dài, sẽ ảnh hưởng đến an sinh xã hội. Nhưng chỉ một ngày sau thì Bộ Công thương lại đề nghị Chính phủ dừng thi hành quyết định ngừng xuất khẩu đó để tránh gây thiệt hại không đáng cho các doanh nghiệp xuất khẩu gạo.

Ông Lê Hưng Quốc, nhấn mạnh, đụng đến vấn đề nông nghiệp là phải hết sức thận trọng vì hơn 60% dân số sống dựa vào nông nghiệp.

“Sau 2 năm, chiến lược chống dịch của các nước trên thế giới đang thay đổi, chuyển từ “zero virus” sang “sống chung với virus”, do đó không thể để tái diễn tình trạng “ngăn sông cấm chợ”, làm đứt gãy chuỗi cung ứng như vừa qua. Phải xem lại toàn bộ chuỗi xuất khẩu để đảm bảo thông suốt, các địa phương cũng không được ra giấy phép con ngăn cấm, phải có đường dây nóng để tắc chỗ nào xử lý ngay chỗ đó”, vị chuyên gia nhấn mạnh.

Cũng bày tỏ quan điểm về vấn đề này, PGS.TS Dương Văn Chín, nguyên Phó Viện trưởng Viện Lúa ĐBSCL cho biết, trước đây, trong khủng hoảng kinh tế, nông nghiệp luôn là bệ đỡ. Điều này thấy rõ khi xảy ra vấn đề ở từng mặt, chẳng hạn một ngành công nghiệp không xuất khẩu được, công nhân bị sa thải trở về nông thôn, quay về miếng ruộng mảnh vườn của họ ở quê, xem đó như một tài sản để dành phòng thân, chờ ngày quay trở lại các khu công nghiệp. Khi đó, nông nghiệp thực sự là bệ đỡ cho công nghiệp, dịch vụ.

Nhưng đại dịch Covid-19 đã gây nên một cuộc khủng hoảng toàn diện, không đơn thuần là về mặt kinh tế nữa, cả người dân ở nông thôn lẫn thành thị đều bị ảnh hưởng. Vì vậy, Việt Nam phải làm sao để nhanh chóng trở lại trạng thái bình thường mới, không thể để chuỗi sản xuất đứt gãy, vì một F0 mà cả nhà máy đóng cửa.

“Phải khống chế dịch càng nhanh càng tốt thì nền kinh tế mới khôi phục lại, trong đó có nông nghiệp. Nông nghiệp phát triển thì chúng ta có nông sản bán đi toàn thế giới. Thế giới luôn có nhu cầu về lương thực, thực phẩm, lúc đó Việt Nam khai thác thế mạnh của mình để vừa phục vụ người dân vừa thúc đẩy kinh tế phát triển”, ông nói.

Nhìn xa hơn, các vị chuyên gia cho rằng, để kết nối cung-cầu thông suốt, một mình Bộ NN-PTNT không thể làm được. Nhà nước phải đứng ra tổ chức, hình thành chuỗi cung ứng rõ ràng, phân công rõ nhiệm vụ ai mua ở nơi sản xuất, ai chịu trách nhiệm vận chuyển đến thị trường khi có tín hiệu từ thị trường; tổ chức tiêu thụ tại chỗ thế nào, nếu xuất khẩu thì làm thủ tục để làm sao hàng đi được…

Như vậy, tất cả các bộ, ngành, địa phương phải cùng vào cuộc để xử lý. Có như vậy sản phẩm hàng hóa làm ra đều có định hướng thị trường, ký kết hợp đồng đầy đủ, làm đến đâu bán đến đấy. Một khi có chuỗi cung ứng rõ ràng thì giá cả hàng hóa phải chăng, đồng thời thị trường tiêu thụ mở rộng.

RELATED ARTICLES

Tin mới