Sunday, January 12, 2025
Trang chủGóc nhìn mớiTQ bắt đầu "ngại" NATO

TQ bắt đầu “ngại” NATO

Ông Vương Nghị khẳng định Trung Quốc sẽ không phải là đối thủ của NATO, và hai bên nên đối thoại nhiều hơn.

Các tàu chiến của Anh, Mỹ và Hà Lan tham gia hoạt động hàng hải ở Biển Đông vào ngày 29/7.

Ngoại trưởng Trung Quốc kêu gọi các quốc gia thành viên NATO tập trung vào khu vực châu Âu và Bắc Mỹ hơn là thành lập một liên minh quân sự mới ở châu Á-Thái Bình Dương. Đây là vấn đề được đề cập trong một cuộc trò chuyện hiếm hoi giữa hai bên thông qua cuộc gọi trực tuyến hôm 27/9.

Trong cuộc điện đàm đầu tiên của ông Vương Nghị với Tổng thư ký NATO Jens Stoltenberg, Bộ trưởng Ngoại giao Trung Quốc Vương Nghị nói rằng liên minh xuyên Đại Tây Dương chỉ nên ở trong “vị trí địa lý vốn có của họ”.

Ông Stoltenberg cho biết khối lo ngại về việc Trung Quốc “mở rộng kho vũ khí hạt nhân” mặc dù họ không coi Bắc Kinh là kẻ thù.

Các nhà quan sát cho rằng cuộc gọi cho thấy cả hai bên đều hiểu cần phải cải thiện thông tin liên lạc trước tình cảnh mối quan hệ đối đầu giữa Trung Quốc và Hoa Kỳ ngày càng có chiều hướng xấu đi.

Dù không nêu tên cụ thể quốc gia nào, ông Vương nói NATO không nên bị lung lay bởi những thông tin sai lệch và dối trá về Trung Quốc.

“Khu vực châu Á – Thái Bình Dương là nơi hoạt động của Trung Quốc. Một số quốc gia thành viên đã triển khai tàu quân sự và máy bay đến các khu vực gần Trung Quốc. Khu vực châu Á – Thái Bình Dương không cần một liên minh quân sự mới – nó không nên gây ra đối đầu giữa các cường quốc và cũng không nên tham gia vào các vòng tròn quan hệ nhỏ được tạo ra để kích động một cuộc Chiến tranh Lạnh mới”, tuyên bố của Bộ Ngoại giao Trung Quốc dẫn lời ông Vương cho hay.

“NATO nên hoạt động trong khu vực địa lý vốn có của họ”.

Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương, một liên minh chính trị và quân sự giữa 30 quốc gia châu Âu và Bắc Mỹ, được thành lập sau Thế chiến thứ hai. Tuy nhiên, các quốc gia thành viên đã tăng cường sự hiện diện của họ ở khu vực Ấn Độ – Thái Bình Dương, đặc biệt là trong những tháng gần đây khi Mỹ tập trung vào việc củng cố quan hệ với các đồng minh dưới thời Tổng thống Joe Biden.

Cả Anh và Đức đều đã triển khai các tàu quân sự tới khu vực. Trong một động thái bất ngờ vào ngày 15/9, Mỹ và Anh đã cam kết cung cấp công nghệ cho hạm đội tàu ngầm hạt nhân của Australia trong một thỏa thuận an ninh 3 bên được gọi là liên minh AUKUS và được coi là nhắm vào Trung Quốc.

Trong một tuyên bố hồi tháng 6, NATO cảnh báo về mối đe dọa quân sự do Bắc Kinh gây ra, với lý do “kho vũ khí hạt nhân đang mở rộng nhanh chóng” và “những thách thức mang tính hệ thống” đối với trật tự quốc tế.

Ông Vương Nghị khẳng định Trung Quốc sẽ không phải là đối thủ của NATO, và hai bên nên đối thoại nhiều hơn.

Ông Vương nói: “Chìa khóa để thúc đẩy mối quan hệ đôi bên là nhìn nhận đối phương một cách khách quan, không nghe những thông tin sai lệch và không bị lừa bởi những lời dối trá và tin đồn. Trung Quốc đã không, và sẽ không phải là đối thủ của NATO”.

Ông Stoltenberg kêu gọi Bắc Kinh tham gia vào các cuộc đàm phán về kiểm soát vũ khí.

“Tổng thư ký nhắc lại rằng NATO không coi Trung Quốc là đối thủ, nhưng kêu gọi Trung Quốc duy trì các cam kết quốc tế và hành động có trách nhiệm trong hệ thống quốc tế”, một tuyên bố của NATO cho biết.

“Tổng thư ký lo ngại về các chính sách hung hăng của Trung Quốc, việc nước này mở rộng kho vũ khí hạt nhân và sự thiếu minh bạch về hiện đại hóa quân đội của nước này.”

RELATED ARTICLES

Tin mới