Tuesday, November 19, 2024
Trang chủKinh tế - Văn hóa - Xã hộiDoanh nghiệp Mỹ muốn VIỆT NAM chấm dứt phong tỏa

Doanh nghiệp Mỹ muốn VIỆT NAM chấm dứt phong tỏa

Các doanh nghiệp Mỹ mong muốn Chính phủ Việt Nam duy trì cam kết mở cửa lại nền kinh tế và không phong tỏa khi các ca lây nhiễm xuất hiện.

Ngày 30/9, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ có buổi làm việc trực tuyến với đoàn đại biểu cấp cao Hội đồng kinh doanh Mỹ – ASEAN (USABC).

Tại cuộc làm việc, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ đã nghe ý kiến của gần 20 doanh nghiệp về các vấn đề liên quan đến môi trường đầu tư kinh doanh của Việt Nam trong bối cảnh thích ứng với dịch bệnh Covid-19 và phục hồi sau đại dịch.

Chủ tịch Quốc hội cũng đã trực tiếp trả lời các vấn đề doanh nghiệp quan tâm liên quan đến thẩm quyền của Quốc hội. Trong đó, các doanh nghiệp Mỹ mong muốn Chính phủ Việt Nam duy trì cam kết mở cửa lại nền kinh tế và không trở lại phong tỏa khi các ca lây nhiễm xuất hiện.

Các doanh nghiệp cũng cho rằng ưu tiên cấp bách nhất hiện nay là cho phép mở cửa trở lại ở quy mô thực sự, đầy đủ, không có khoản trợ cấp hoặc giảm thuế nào quan trọng bằng việc cho phép mở cửa trở lại rộng rãi, bền vững.

Trả lời kiến nghị của các doanh nghiệp, Chủ tịch Quốc hội nêu rõ hiện nay, Việt Nam đang chuyển hướng về chiến lược phòng, chống dịch theo hướng sống chung, an toàn và thích ứng với dịch Covid-19.

Về đề xuất của các doanh nghiệp như Netflix, IBM, MasterCard liên quan đến chuyển đổi số, kinh tế số, phát triển ngành công nghiệp điện ảnh, Chủ tịch Quốc hội nêu rõ một trong những động lực tăng trưởng kinh tế của Việt Nam trong giai đoạn tới đây là dựa nhiều vào khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo, nhấn mạnh yếu tố con người.

“Xây dựng và kiến tạo một hệ sinh thái khởi nghiệp, hệ sinh thái cho đổi mới sáng tạo ở Việt Nam là vấn đề được Quốc hội và Chính phủ Việt Nam đặc biệt quan tâm. Việt Nam mong muốn các doanh nghiệp Mỹ và USABC tiếp tục đóng góp ý kiến cho Việt Nam trong lĩnh vực này, nhất là về chuyển đổi số, phát triển nền kinh tế số”, Chủ tịch Quốc hội nhấn mạnh.

Chủ tịch Quốc hội cũng ghi nhận các kiến nghị về giảm, giãn, hoãn thuế, phí và cho biết vừa qua, Quốc hội và Chính phủ Việt Nam đã ban hành nhiều chính sách để hỗ trợ doanh nghiệp.

Tại tọa đàm chuyên gia trong nước và quốc tế về kinh tế – xã hội vừa được Quốc hội tổ chức cũng đã thống nhất cần tiếp tục có các gói hỗ trợ từ cả chính sách tài khóa và chính sách tiền tệ, trong đó chú trọng hơn các chính sách tài khóa nhằm đóng góp nhiều hơn cho việc hỗ trợ doanh nghiệp, không chỉ giãn, hoãn các khoản thuế mà còn hỗ trợ cho cả các doanh nghiệp đang bị thua lỗ, đang gặp khó khăn về dòng tiền hoặc hỗ trợ bằng tiền mặt cho người lao động và người sử dụng lao động.

Ủy ban Thường vụ Quốc hội Việt Nam cũng đã gợi ý với Chính phủ nghiên cứu, có các chính sách mới hỗ trợ doanh nghiệp thua lỗ thông qua các chính sách giúp giảm chi phí đầu vào, chi phí về nhân công hoặc cho phép chuyển lỗ vào các thời kỳ sau nhiều hơn so với quy định của pháp luật hiện hành. Các giải pháp này đang được các cơ quan của Quốc hội và Chính phủ tích cực nghiên cứu, xây dựng.

Quốc hội Việt Nam cũng sẽ tiếp tục đẩy mạnh phòng chống tham nhũng, tiêu cực, chú trọng hơn đến tiết kiệm, chống lãng phí; đẩy mạnh cải cách tư pháp, đảm bảo quyền công dân đi đôi với tăng cường trật tự, kỷ cương xã hội.

Về công tác hoàn thiện thể chế của Việt Nam trong 5 năm tới, Chủ tịch Quốc hội nhấn mạnh sẽ dành ưu tiên nhiều hơn cho việc thúc đẩy đổi mới mô hình tăng trưởng dựa trên năng suất, chất lượng, hiệu quả và đổi mới sáng tạo…

Quốc hội Việt Nam cũng sẽ tiếp tục có các chính sách mới hoặc sửa đổi pháp luật nhằm củng cố các thành quả về “tam nông”; xây dựng thể chế chính sách, chiến lược về phát triển đô thị và kinh tế đô thị, liên kết kinh tế vùng và có cơ chế đặc thù cho một số địa phương trọng điểm.

Tiếp tục củng cố thành quả tái cơ cấu kinh tế về đầu tư, doanh nghiệp nhà nước, tài chính ngân sách. Theo đó sẽ chú trọng nhiều hơn đến việc thúc đẩy cổ phần hóa đơn vị sự nghiệp công, thoái vốn nhà nước tại doanh nghiệp; tháo gỡ những điểm nghẽn, vướng mắc trong lĩnh vực đầu tư công và đầu tư tư nhân, sửa đổi Luật Đất đai.

RELATED ARTICLES

Tin mới