Monday, November 18, 2024
Trang chủGóc nhìn mớiVì sao TQ xuống thang với Mỹ?

Vì sao TQ xuống thang với Mỹ?

Quốc khánh lần thứ 72 (1/10) của Trung Quốc diễn ra có phần tẻ nhạt. Có thể năm nay là năm lẻ. Nhưng theo các nhà bình luận quốc tế thì điều đáng chú ý hơn là nước này có vẻ như trở nên “mềm mỏng” hơn trong sách lược ngoại giao, nhất là đối với Mỹ.

Chọn thời điểm kỷ niệm Ngày thành lập nước Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa để thể hiện sự thân thiện hơn với Mỹ và các nước đồng minh, dường như Bắc Kinh muốn nói rằng, chúng tôi đang chú ý lắng nghe, tôn trọng ý kiến của các quốc gia, vì hòa bình, độc lập, vì sự ổn định trong khu vực và trên thế giới.

Sự mềm mỏng hơn thể hiện rõ trong cuộc điện đàm mới đấy giữa Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình với Tổng thống Mỹ Joe Biden hồi giữa tháng 9 vừa qua. Báo chí Trung Quốc đồng loạt đưa tin: “Lần này, ông Biden đã cho thấy sự chân thành”. Trên các phương tiện truyền thông không hề xuất hiện các bài la ó, công kích Mỹ.

Hẳn độc giả còn nhớ, cuối tháng 8 vừa qua, khi Kamala Hariss- Phó Tổng thống Mỹ thăm Việt Nam, báo chí Trung Quốc như một cỗ máy khổng lồ đã nhả đạn vào chính quyền của bà này. Thậm chí ngay trên Facebook của Đại sứ quán Trung Quốc tại Hà Nội đã đăng bài châm chích, phải nói đúng hơn là chửi bới Washington.

Bài của nhà Đại sứ phang thẳng cánh: “Không đánh mà khai, mục đích của Mỹ trong chuyến đi này chính là thách thức Trung Quốc. Phía Trung Quốc kiên quyết phản đối. Đại sứ quán Trung Quốc bày tỏ lập trường như sau: Mỹ bất chấp lịch sử và sự thật của vấn đề Nam Hải, bất chấp nguyện vọng của các nước ASEAN về việc cùng nhau giữ gìn hòa bình, ổn định tại Nam Hải, cố tình bịa đặt luận điệu “Trung Quốc cưỡng ép tại Nam Hải”, xuyên tạc và bôi nhọ lập trường của Trung Quốc”.

Trang Facebook viết tiếp với thái độ cứng rắn, đồng thời khéo léo dằn mặt Việt Nam: “Những năm 50, 60 thế kỷ trước, Mỹ đã nhiều lần xin phép với Trung Quốc về việc tiến hành đo đạc tại quần đảo Nam Sa (Trường Sa của Việt Nam- BĐ.net). Trong thời gian khá dài, Chính phủ Mỹ cam kết không có lập trường về vấn đề chủ quyền Nam Hải. Hiện nay, phía Mỹ đã chà đạp cam kết nghiêm túc của mình, ngang nhiên kích động và cưỡng ép các nước trong khu vực thách thức Trung Quốc. Rõ ràng là điều mà Mỹ thật sự mong muốn không phải hòa bình, ổn định khu vực, cũng không phải cái gọi là “tự do hàng hải”, mà là ngang ngược hoành hành tự do của tàu chiến Mỹ tại Nam Hải. Mỹ mới là kẻ thúc đẩy quân sự hóa tại Nam Hải, là kẻ thật sự cưỡng ép và bắt nạt”.

“Lưỡi không xương nhiều đường lắt léo”, chỉ sau vài tuần, giọng điệu của ông chủ Trung Nam Hải đã uốn éo khác thường. Điều này đặt ra một câu hỏi: Vì sao lại như thế? Hay là Bắc Kinh đang dọn dẹp dư luận, chuẩn bị bầu không khí êm dịu cho cuộc gặp thượng đỉnh trực tiếp đầu tiên giữa ông Tập Cận Bình và ông Joe Biden?

Một lý do nữa, Trung Quốc đang chuẩn bị cho một cuộc họp rất quan trọng – Hội nghị Ban Chấp hành Trung ương lần thứ 6. Dự kiến Hội nghị sẽ diễn ra vào tháng 11 tới. Nội dung cuộc họp sẽ thể hiện những chủ trương, quan điểm hạt nhân của Đại hội Đảng toàn quốc, dự kiến vào mùa thu năm 2022.

Về sự kiện này, ông Tần Cương, tân Đại sứ Trung Quốc tại Washington, đã có bài phát biểu vào ngày 31/8 ở Ủy ban Quốc gia về Quan hệ Mỹ – Trung có trụ sở tại New York. Ông Tần ngon ngọt: “Trung Quốc mong muốn tạo ra đột phá trong mối quan hệ vốn căng thẳng sâu sắc với Mỹ. Trung, Mỹ không nên hiểu lầm, đánh giá sai, xung đột hoặc đối đầu. Một số người tin rằng Bắc Kinh đang muốn chống lại Washington nhằm thách thức và thay thế vị trí của Mỹ. Đây là một đánh giá sai lầm nghiêm trọng về chính sách chiến lược của Trung Quốc”.

Vỗ về “người anh em” Mỹ, ông Tần Cương nói rằng, hệ thống chính trị của Trung Quốc cũng minh họa cho những lý tưởng của Cố Tổng thống Mỹ Abraham Lincoln và những người Hy Lạp cổ đại đã sáng tạo ra hình thức chính phủ đại diện. Ông viện dẫn quyền tham gia một số cuộc bầu cử và các cuộc tham vấn về những chính sách quan trọng của người Trung Quốc và cho rằng, đây là bằng chứng về một nền dân chủ không khác so với Mỹ (!).

Ô hay, cũng là tiếng nói chính thống của Đại sứ mà sao tréo ngoe như thế giữa hai ông đại diện tại Hà Nội và tại Washington? Vừa mới “chửi” không tiếc lời đã vội “hát” bài đối thoại.

Điều mà Tần Cương vừa nói phù hợp với cách mà Chủ tịch Tập điện đàm với Tổng thống Biden. Rằng, hai bên cần tỉnh táo, tránh những thông tin sai, tính toán sai và những xung đột ngoài ý muốn. Tuy nhiên, Tập Cận Bình cũng không muốn tỏ ra yếu thế trong nỗ lực kiểm soát mối quan hệ ngoại giao với Mỹ. Ông cũng không thể đưa ra bất kỳ nhượng bộ nào, vì nếu làm theo các yêu cầu của Mỹ, chính sách đặc trưng của ông sẽ mất uy tín.

Vào tháng 12 tới, Hội nghị thượng đỉnh vì dân chủ sẽ diễn ra dưới sự chủ trì của Tổng thống Mỹ Joe Biden. Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken từng lưu ý: Sẽ không loại trừ việc mời Đài Loan tham gia. Điều đó là “xúc phạm” Trung Quốc. Nếu có sự tham gia của Đài Loan sẽ là một đòn thẳng cánh nhằm vào Trung Quốc.
Ấy là chưa nói đến thái độ của Mỹ trong vai trò lãnh đạo “Bộ tứ kim cương” (QUAD) và  liên minh mới AUKUS đang “nhóm lửa” tăng cường một cuộc chạy đua vũ trang trong khu vực. Thành thử sự xuống thang của Trung Quốc có lẽ chỉ là để thăm dò phản ứng của Lầu Năm Góc. Có lẽ chỉ để Washington bớt đe dọa, làm căng thẳng tình hình trên Biển Đông để Bắc Kinh rảnh tay chuẩn bị Đại hội Đảng.

Khi mục tiêu, chiến lược lâu dài không thay đổi, thì sách lược ngoại giao khác nào tấm áo khoác, có khi chỉ là áo giấy. Những “nỗ lực” ngoại giao không thay thế được những hành động leo thang quân sự vẫn hằng ngày diễn ra trước mắt thiên hạ trên Biển Đông.

RELATED ARTICLES

Tin mới