Thursday, January 9, 2025
Trang chủQuân sựLộ diện WZ-7, “át chủ bài chiến lược trên không” của TQ

Lộ diện WZ-7, “át chủ bài chiến lược trên không” của TQ

Tại Triển lãm Hàng không Chu Hải năm nay, UAV Trung Quốc trở thành trọng điểm nhận được sự quan tâm rộng rãi của bên ngoài. Trong số các loại UAV, chiếc WZ-7 được quan tâm nhất mới chỉ biết đến qua ảnh vệ tinh.

Mặc dù chiếc máy bay không người lái (UAV) WZ-7 (viết tắt của “Wuzhen” – Trinh sát không người lái) đã đưa vào biên chế được mấy năm nhưng thế giới bên ngoài vẫn chỉ biết về nó rất ít, ngay cả cái tên WZ-7 cũng chỉ biết chắc chắn trong Triển lãm hàng không Chu Hải lần này. Trước đó, giới quân sự thế giới và truyền thông trong, ngoài Trung Quốc thường gọi nó với cái tên UAV “Xianglong”, còn phỏng đoán tên biên chế của nó là “WZ-9”. Trang tin QQ ngày 1/10 cho biết, WZ-7 được coi là “Trung Quốc không trung chiến lược vương bài” (Át chủ bài chiến lược trên không của Trung Quốc).

Mô hình chiếc UAV “Xianglong” lần đầu tiên xuất hiện trước công chúng tại Triển lãm Hàng không Chu Hải năm 2006. Vào thời điểm đó, mô hình thu nhỏ của nó đã nhận được sự chú ý rộng rãi ngay khi lộ diện. Thiết kế của UAV “Xianglong” rất đặc biệt, với cách bố trí khí động học dạng cánh nối rất hiếm gặp, đã trở thành điểm nhấn của triển lãm hàng không lúc bấy giờ. Mặc dù UAV “Xianglong” không bao giờ xuất hiện trước công chúng sau đó, nhưng thông qua một vài bức ảnh chụp lén, thế giới bên ngoài đã dần biết đến thiết kế và những cải tiến thực tế của chiếc máy bay được truyền thông Trung Quốc coi là “Át chủ bài chiến lược trên không” này.

Chiếc máy bay UAV “Xianglong” thực tế xuất hiện sau đó khá khác so với mẫu thu nhỏ ban đầu: thiết kế đuôi đơn cao thẳng đứng ban đầu đã được thay đổi thành thiết kế đuôi hình chữ V nhỏ hơn, và cửa phun động cơ ở đuôi có thêm hai vây đã được thêm vào bên dưới vòi đuôi. Cấu trúc giữa các cánh đã phát triển từ cấu trúc cánh buồm ban đầu thành hình nón chỉnh lưu và một số loại cảm biến có thể đã được tích hợp bên trong.

Điều thú vị là sau khi áp dụng những thay đổi này, Xianglong UAV ngày càng trở nên giống với ngoại hình của UAV chiến lược RQ-4 Global Hawk nổi tiếng của Mỹ, cùng tình trạng và cách sử dụng của cả hai loại tương đối giống nhau. Nhưng các chỉ số tính năng chính của “Xianglong” đều yếu hơn so với Global Hawk. Ví dụ, “Xianglong” được đẩy bằng động cơ phản lực WP-13, với trọng lượng cất cánh bình thường là 7,5 tấn và tốc độ bay hành trình khoảng 700 km/h, có thể bay kéo dài 10 giờ ở độ cao 20.000m, tầm hoạt động tối đa khoảng 7.500km và bán kính chiến đấu 2.500 km. RQ-4 Global Hawk có tầm hoạt động 20.000km. Vì vậy, “Xianglong” còn được cư dân mạng gọi giễu là “District Hawk”.

RQ-4 Global Hawk là một máy bay không người lái do hãng Northrop Grumman của Mỹ phát triển và sản xuất. Nó chủ yếu phục vụ Không quân và Hải quân Mỹ, cũng giống như máy bay trinh sát U-2 nổi tiếng do Công ty Lockheed Martin của Mỹ phát triển, nhiệm vụ chính của RQ-4 là theo dõi các mục tiêu cục bộ và chi tiết ở phía sau phòng tuyến của đối phương và cung cấp cho chỉ huy ở hậu phương khả năng quan sát chiến trường. Vì RQ-4 được trang bị radar khẩu độ tổng hợp có độ phân giải cao, nó hoàn toàn có thể do thám bên trong các quốc gia khác và thu thập thông tin tình báo quân sự từ không phận quốc tế. Loại UAV trinh sát này có thể hoạt động bất chấp thời tiết, ngày hay đêm.

Thuật ngữ “District Hawk” (Đại bàng toàn huyện) hiển nhiên hạ thấp nghiêm trọng tính năng tiên tiến của UAV “Xianglong”, phản ánh khoảng cách giữa nó và “Global Hawk” (Đại bàng toàn cầu) bằng giọng điệu phóng đại. Dù sao, UAV chiến lược RQ-4 Global Hawk có trọng lượng cất cánh tối đa hơn 14 tấn, trong khi UAV “Xianglong” của Trung Quốc chỉ là loại UAV cỡ lớn khoảng 7 tấn nên đương nhiên sẽ thua kém về tải trọng nhiệm vụ và thời gian bay liên tục. Nó chỉ có thể có ưu thế nhất định về tốc độ bay. Thực sự có sự khác biệt và khoảng cách có thể nhìn thấy bằng mắt thường giữa “Xianglong” và RQ-4 Global Hawk.

Nhưng nếu chỉ so sánh đơn giản về tính năng thiết bị nhiều khi thường không có nhiều ý nghĩa và thiết bị nên được đặt theo yêu cầu nhiệm vụ của người sử dụng để khám phá xem chúng có tiên tiến hay không.

WZ-7 Xianglong được trang bị radar khẩu độ tổng hợp trên không, có tầm phát hiện xa và độ chính xác cao, độ phân giải ở chế độ làm việc tiêu điểm đạt 0,5 mét. Với thùng quang điện, WZ-7 có thể xác định và phân tích tính chất, tính xác thực và kiểu loại của mục tiêu chi tiết hơn từ độ cao lớn. Điều đáng nói, dựa vào thiết kế kiểu mô-đun, các mô-đun phụ tải ở bụng WZ-7 có thể được thay thế linh hoạt theo các nhiệm vụ khác nhau. Thậm chí sau khi thay thế thiết bị radar, nó có thể được chuyển đổi thành một máy bay cảnh báo sớm và trinh sát trên không cỡ lớn, với tiềm năng nâng cấp không giới hạn.

Không quân Trung Quốc không có các yêu cầu về nhiệm vụ trinh sát chiến lược toàn cầu và do thám, giám sát toàn cầu như Mỹ. Tất cả những gì họ cần là một chiếc UAV có thể thực hiện các nhiệm vụ trinh sát tầm cao ở các khu vực biên giới trọng điểm, chẳng hạn như Cao nguyên Thanh Hải-Tây Tạng và Biển Đông. Từ quan điểm của yêu cầu nhiệm vụ, tính năng hiện có của UAV “Xianglong” là đủ để đáp ứng nhu cầu.

Nếu không so sánh nó với chiếc máy bay trinh sát không người lái có vị trí cao hơn như Global Hawk, thì trên thực tế, nhìn ra thế giới, thực sự không có quốc gia nào khác ngoài Mỹ có được loại máy bay trinh sát không người lái cao cấp này. Hơn nữa, khoảng cách giữa UAV WZ-7 Xianglong và RQ-4 Global Hawk không phải là không thể thu hẹp. Thiết kế ban đầu của UAV WZ-7 là tương đối tiên tiến, có thể có tính năng cao hơn, có điều chỉ được gắn động cơ WP-13 lạc hậu hơn. WZ-7 ban đầu được chế tạo để phối hợp với máy bay chiến đấu J-8F, với ưu điểm là độ cao tốt, nhưng nhược điểm là lực đẩy nhỏ, trọng lượng bản thân nặng, tiêu hao nhiên liệu thấp, hạn chế đến hành trình và tải trọng. Ngày nay, Trung Quốc đã có nhiều sản phẩm cùng cấp độ nhưng tiên tiến hơn, nếu UAV WZ-7 được cải tiến nâng cấp, tính năng của nó chắc chắn sẽ được nâng lên rất nhiều, khoảng cách với RQ-4 Global Hawk sẽ được thu hẹp.

Hiện tại, trên thế giới có hai loại máy bay không người lái cỡ lớn, một là máy bay không người lái tầm cao có thời gian hoạt động lâu (HALE) và loại còn lại là máy bay không người lái độ cao trung bình có thời gian hoạt động lâu (MALE). UAV loại MALE thường sử dụng động cơ pít-tông hoặc động cơ phản lực cánh quạt và dựa vào cánh quạt để bay ở độ cao dưới 8.000 mét và tốc độ bay tối đa khoảng 300 đến 500 km/h. Có rất nhiều quốc gia có thể sản xuất máy bay không người lái loại MALE, ngoài dòng Winglong/Caihong của Trung Quốc và các mẫu MQ-9 Reaper của Mỹ; các nước Israel, Thổ Nhĩ Kỳ và Nga cũng có nhiều mẫu UAV loại MALE tính năng tốt.

Hiện tại, chỉ có Trung Quốc và Mỹ có thể sản xuất máy bay không người lái loại HALE (Nga cũng đã phát triển, nhưng chưa được đưa vào sử dụng). UAV tầm xa có thời gian hoạt động lâu HALE thường sử dụng động cơ phản lực cánh quạt hoặc tuốc bin phản lực, với độ cao bay tối đa khoảng 20.000 m và tốc độ bay tối đa 800 km/h. Ưu điểm của bay ở độ cao là sức cản của không khí thấp hơn, tốc độ bay nhanh hơn, ít bị hỏa lực phòng không bắn hạ, mà bay càng cao, nhìn càng xa. Do đó, máy bay không người lái HALE được gọi là trang bị cấp chiến lược.

Không khó để nhận thấy rằng Không quân Trung Quốc đã tập trung thể hiện UAV tầm cao tốc độ cao WZ-8 và UAV tầm cao tầm xa WZ-7 tại Triển lãm hàng không lần này. Họ nhấn mạnh các máy bay trinh sát không người lái cỡ lớn chủ lực của Không quân Trung Quốc đánh dấu khả năng trinh sát chiến lược và chiến thuật của Không quân Trung Quốc đã được nâng cao đáng kể. Cần biết rằng, khả năng trinh sát chiến lược và chiến thuật cũng là một kỹ năng cần thiết của một lực lượng không quân và không quân chiến lược của một nước lớn, điều này nhằm khẳng định thông báo cách đây một thời gian của Trung Quốc rằng Không quân Trung Quốc đã có một lực lượng không quân chiến lược.

Truyền thông Trung Quốc cũng lưu ý, Không quân Trung Quốc không phải chỉ có 2 UAV cỡ lớn nói trên, không chỉ có các UAV cỡ lớn phục vụ mục đích trinh sát mà còn rất nhiều loại UAV nữa chưa được công khai. Xét từ khía cạnh xu hướng phát triển và tốc độ nghiên cứu phát triển, Không quân Trung Quốc đã áp dụng cách bố cục máy bay tàng hình kiểu cánh dơi, và một thế hệ máy bay trinh sát không người lái mới, giống như máy bay trinh sát không người lái tàng hình RQ-180 của Không quân Mỹ, cũng đang trên đường phát triển.

Theo Chinatimes, trong Triển lãm hàng không Chu Hải lần này, đã có 2 chiếc WZ-7 Xianglong được trưng bày tĩnh, một tại tại khu của Tập đoàn Công nghiệp hàng không Quý Châu, chiếc còn lại xuất hiện tại gian hàng của doanh nghiệp quốc phòng và hàng không quốc doanh “China Aviation Industry Corporation”.

Các tin tức cho thấy WZ-7 là máy bay trinh sát không người lái sử dụng động cơ phản lực WP-13 do Nga thiết kế, Trung Quốc chế tạo, thiết kế cánh kết nối và song song độc đáo của WZ-7 so với các hình dạng UAV khác, cánh của nó chắc hơn nhưng kém linh hoạt hơn.

Chuyên gia Kelvin Wong của tạp chí Jane’s Defence Weekly chỉ ra rằng WZ-7 Xianglong tương tự như RQ-4 Global Hawk của Mỹ, tuy nhiên, tính năng của động cơ kém hơn so với Global Hawk. Tờ Defense News cho biết, so với các loại cánh truyền thống, ưu điểm của cấu trúc WZ-7 là tăng tỷ lệ lực nâng và khả năng điều khiển bay dễ dàng hơn.

Defense News cũng đề cập rằng WZ-7 dài khoảng 12 mét và sải cánh khoảng 22 mét, đã được phục vụ trong Lực lượng Không quân Trung Quốc từ năm 2019. Có người từng chứng kiến ​​WZ-7 bay qua biên giới giữa Trung Quốc và Ấn Độ, biên giới với Triều Tiên và trên Biển Đông.

RELATED ARTICLES

Tin mới