Sunday, December 29, 2024
Trang chủQuân sựTQ muốn "thử thách lòng nhẫn nhịn của Mỹ"

TQ muốn “thử thách lòng nhẫn nhịn của Mỹ”

Trong 4 ngày, Trung Quốc đã cho 149 máy bay quân sự quấy nhiễu Đài Loan. Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Mỹ đã có phản ứng mạnh mẽ hiếm thấy, chỉ trích hành động của Trung Quốc, Bắc Kinh đã lên tiếng đáp trả.

Ít nhất 17 tàu mặt nước của Hải quân 6 nước tiến hành diễn tập ở vùng biển gần Đài Loan.

Từ khi bước vào tháng 10, số lượng máy bay quân sự Trung Quốc tới quấy nhiễu Đài Loan liên tiếp đạt các mức cao kỷ lục mới. Theo thống kê từ cơ quan phòng vệ Đài Loan, từ ngày 1 đến ngày 4/10, lần lượt 38, 39, 16 và 56 máy bay quân sự Trung Quốc đã bay vào Vùng nhận dạng Phòng không Tây Nam (ADIZ) của Đài Loan. 56 chiếc bay vào trong ngày 4/10 là con số lớn nhất kể từ khi cơ quan quốc phòng Đài Loan bắt đầu tiết lộ tình trạng hoạt động của Không quân PLA vào ngày 17/9 năm ngoái.

Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Mỹ Ned Price ngày 4/10 đã tổ chức một cuộc họp báo trực tuyến và trả lời khi một phóng viên quan tâm đến việc máy bay quân sự Trung Quốc quấy nhiễu Đài Loan với quy mô chưa từng có và hỏi điều này liệu có liên quan đến việc Mỹ tăng cường triển khai quân sự trong khu vực hay không?

Ông Price nói không muốn suy đoán về động cơ của phía Trung Quốc, nhưng nói rằng Mỹ “thúc giục mạnh mẽ” (strongly urge) Bắc Kinh chấm dứt gây áp lực quân sự, ngoại giao, kinh tế và đe dọa Đài Loan. So với việc chỉ sử dụng từ “urge” (thúc giục) trước đây, ông Price rõ ràng đã gia tăng cách dùng từ, cho thấy Mỹ rất bức xúc trước việc Trung Quốc không đếm xỉa sự quan ngại của quốc tế và tiếp tục cưỡng ép quân sự đối với Đài Loan.

Ông Price nói rằng Mỹ “vô cùng lo ngại” về các hành động khiêu khích quân sự của Trung Quốc ở xung quanh Đài Loan. Ông cũng nhắc lại rằng cam kết của Mỹ đối với Đài Loan là “vững như bàn thạch”, điều này sẽ giúp duy trì hòa bình và ổn định ở eo biển Đài Loan và khu vực.

Trước đó, vào ngày 3/10, ông Ned Price cũng đã chủ động đưa ra tuyên bố lo ngại về việc máy bay Trung Quốc quấy nhiễu Đài Loan và chỉ trích Bắc Kinh phá hoại hòa bình và ổn định khu vực. Trước đây, Bộ Ngoại giao Mỹ thường chỉ phản ứng thụ động trước sự quấy nhiễu Đài Loan của các máy bay quân sự Trung Quốc khi có phóng viên hỏi, rất hiếm khi chủ động đưa ra tuyên bố quan ngại. Lần ông Ned Price chủ động ra tuyên bố gần nhất là hôm 23/1, khi Trung Quốc đột ngột gia tăng đáng kể tần suất máy bay quấy nhiễu.

Người phát ngôn Nhà Trắng Jen Psaki trong một cuộc họp báo hôm 4/10 khi được hỏi về vấn đề máy bay Trung Quốc áp sát Đài Loan, cũng đã chỉ trích Trung Quốc phá hoại hòa bình và ổn định của khu vực.

Khi có phóng viên đặt câu hỏi tại hiện trường rằng Bắc Kinh dường như phớt lờ những tuyên bố cứng rắn của Nhà Trắng và Bộ Ngoại giao Mỹ, Mỹ sẽ làm gì tiếp theo? Bà Jen Psaki nói rằng Mỹ đã truyền đạt một thông điệp rõ ràng thông qua kênh ngoại giao.

Ngoài các quan chức của chính quyền Biden, các nhân vật nặng ký khác trong giới chính trị Mỹ cũng đã công khai bày tỏ lo ngại về việc Trung Quốc gia tăng số lượng máy bay quấy nhiễu.

Thượng nghị sỹ Jim Risch, thành viên hàng đầu của Đảng Cộng hòa trong Ủy ban Đối ngoại Thượng viện, đã viết tweet rằng vào cuối tuần PLA đã cho hơn 80 máy bay đến Đài Loan để luyện tập “đánh rồi chạy” (hit and run). Thế giới cần bày tỏ phẫn nộ đối với các hành động gây hấn của Bắc Kinh và những lời lẽ đe dọa của các cơ quan truyền thông chính thức của Trung Quốc. Ông nhấn mạnh: “Chúng ta phải tiếp tục hỗ trợ nhân dân Đài Loan”.

Cựu Ngoại trưởng Mike Pompeo đã chia sẻ tin tức liên quan trên Twitter, kêu gọi Mỹ “mãi mãi sát cánh với Đài Loan”.

Cựu Chủ tịch Hạ viện Mỹ Newt Gingrich đã viết tweet đề nghị: Trung Quốc đã gửi 145 máy bay quân sự để xâm lược Đài Loan, với 52 máy bay chỉ trong một ngày (cơ quan phòng vệ Đài Loan trước đó đã công bố 52 chiếc vào ngày 4/10 và đến đêm muộn đã sửa lại thành 56 chiếc), vì vậy “Mỹ và Nhật Bản nên cử các đội cố vấn quân sự đến Đài Loan xem xét cần hỗ trợ Đài Loan những vũ khí nào để có thể đánh bại cuộc xâm lược hoặc phong tỏa của Trung Quốc”.

Theo tin từ trang web của Bộ Ngoại giao Trung Quốc ngày 4/10, bà Hoa Xuân Oánh, người phát ngôn bộ này đã trả lời câu hỏi của phóng viên về tuyên bố liên quan đến Đài Loan do người phát ngôn Bộ Ngoại giao Mỹ Ned Price đưa ra.

Trả lời câu hỏi: “Ngày 3/10, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Mỹ Ned Price đã ra tuyên bố nói rằng Mỹ quan ngại sâu sắc về các hành động khiêu khích quân sự của Trung Quốc gần Đài Loan, động thái này dễ dẫn đến đánh giá sai lầm và phá hoại hòa bình và ổn định khu vực. Ông ta thúc giục Trung Quốc chấm dứt gây sức ép và cưỡng ép Đài Loan, nói Mỹ sẽ duy trì cam kết với Đài Loan theo ba Thông cáo chung Mỹ-Trung Quốc, “Luật quan hệ Đài Loan” và “Sáu bảo đảm với Đài Loan” hỗ trợ Đài Loan tăng cường khả năng tự vệ… Phía Trung Quốc có bình luận thế nào?”.

Hoa Xuân Oánh trả lời: “Đài Loan là Đài Loan của Trung Quốc, không đến lượt Mỹ đưa ra những nhận xét vô trách nhiệm. Các lời lẽ liên quan của Mỹ đã vi phạm nghiêm trọng nguyên tắc một Trung Quốc và các quy định trong Ba bản thông cáo chung Trung-Mỹ, gửi những tín hiệu cực kỳ sai trái và vô trách nhiệm cho bên ngoài.

Trong thời gian qua, Mỹ liên tục có những hành động tiêu cực trong việc bán vũ khí cho Đài Loan và tăng cường quan hệ quân sự chính thức giữa Mỹ và Đài Loan, bao gồm thương vụ bán vũ khí trị giá 750 triệu USD cho Đài Loan, máy bay quân sự Mỹ hạ cánh trên đảo Đài Loan, và tàu chiến thường xuyên qua eo biển Đài Loan. Những hành động khiêu khích này đã gây tổn hại đến quan hệ Trung – Mỹ và phá hoại hòa bình, ổn định của khu vực, Trung Quốc kiên quyết phản đối và thực hiện các biện pháp đáp trả cần thiết”.

Bà Hoa Xuân Oánh nhấn mạnh: “Nguyên tắc một Trung Quốc là cơ sở chính trị của quan hệ Trung-Mỹ. Trong vấn đề Đài Loan, Mỹ cần tuân thủ nguyên tắc một Trung Quốc và các quy định của ba bản thông cáo chung Trung – Mỹ, thay vì đơn phương dàn dựng ra điều gì đó”.

Bà cảnh cáo Đài Loan: “Tìm kiếm “Đài Loan độc lập” là đi vào chỗ chết (tử lộ nhất điều). Trung Quốc sẽ thực hiện mọi biện pháp cần thiết để kiên quyết đập tan mọi âm mưu “Đài Loan độc lập”. Quyết tâm và ý chí bảo vệ chủ quyền quốc gia và toàn vẹn lãnh thổ của Trung Quốc là không thể lay chuyển”.

Bà cảnh báo: “Mỹ nên sửa chữa sai lầm, thiết thực tuân thủ nguyên tắc một Trung Quốc và các quy định của ba bản thông cáo chung Trung – Mỹ, xử lý thận trọng và ổn thỏa các vấn đề liên quan đến Đài Loan, chấm dứt chống lưng hỗ trợ thế lực ly khai “Đài Loan độc lập”, có những hành động thực tế để duy trì chứ không phải phá hoại hòa bình và ổn định ở eo biển Đài Loan”.

Trong khi đó, trang tin Trung Quốc Guancha (Nhà quan sát) đã úp mở nói rằng việc Trung Quốc ồ ạt cho máy bay quân sự bay vào ADIZ Tây Nam Đài Loan có liên quan đến các cuộc tập trận hải quân đa quốc gia của Mỹ, Anh, Nhật Bản, Hà Lan, Canada và New Zealand do ba tàu sân bay USS Carl Vinson, USS Ronald Reagan của Mỹ và HMS Queen Elizabeth dẫn đầu đang được tổ chức tại biển Philippine gần Đài Loan. Đây là lần đầu tiên Mỹ đã tập hợp ba tàu sân bay cho một cuộc tập trận kể từ năm 2017.

Ngoài ra, theo Trung tâm tư vấn Trung Quốc “Nhận thức tình thế chiến lược Nam Hải” (SCSPI), vào ngày 4/10, vệ tinh “Sentinel” đã chụp được ảnh tàu sân bay HMS Queen Elizabeth của Hải quân Anh đi qua eo biển Bashi đi vào Biển Đông; các máy bay vận tải CMV-22B của tàu sân bay USS Carl Vinson của Hải quân Mỹ cũng xuất hiện ở kênh Bashi, người ta suy đoán rằng USS Carl Vinson có thể cũng đã tiến vào Biển Đông.

Đầu ngày 4/10, Lực lượng Phòng vệ biển (Hải quân) Nhật Bản đã công bố các bức ảnh trên Twitter của mình cho thấy có ít nhất 17 tàu mặt nước các loại đã tham gia cuộc tập trận này. Trong đó, phía trước ảnh là các tàu sân bay HMS Queen Elizabeth của Anh và chiếc tàu sân bay đổ bộ Ise của Nhật; ngay phía sau ở hai bên là các tàu sân bay USS Carl Vinson và USS Ronald Reagan của Mỹ. Phía sau đội hình là các tàu khu trục, hộ vệ và tàu tiếp liệu của ba nhóm tấn công tàu sân bayh Mỹ và Anh, cũng như các tàu khác của Nhật Bản, New Zealand và Canada tham gia diễn tập.

Bình luận viên quân sự của trang Guancha cho rằng: “Đây là lần đầu tiên Mỹ tập trận chung với 3 tàu sân bay kể từ năm 2017. Mặc dù cuộc tập trận của 6 quốc gia thanh thế rất lớn, nhưng cuộc tập trận này của quân đội Mỹ có ý nghĩa chắp vá rất rõ, bởi 2 trong số 3 tàu sân bay tham gia đã bước vào giai đoạn cuối cùng của đợt triển khai này và sẽ trở về căn cứ ngay sau khi kết thúc đợt tập trận này để được bảo trì thường kỳ”.

Mặt khác, liên quan đến các cuộc tập trận do các nước ngoài khu vực tiến hành ở Biển Đông, ông Ngô Khiêm, người phát ngôn của Bộ Quốc phòng Trung Quốc, trước đó đã tuyên bố “Trung Quốc theo dõi chặt chẽ và hết sức cảnh giác về các động thái của quân đội Mỹ. Trong thời gian gần đây, Mỹ và các nước ngoài khu vực thường xuyên tiến hành các hoạt động quân sự ở Nam Hải (Biển Đông) để tăng cường hiện diện quân sự, hành động này không có lợi cho an ninh và ổn định ở đây, Trung Quốc kiên quyết phản đối điều này”.

Ngô Khiêm cũng nói: “Thực tế đã nhiều lần chứng minh Mỹ là kẻ thúc đẩy lớn nhất của quá trình quân sự hóa Nam Hải (Biển Đông), là kẻ gây rối hòa bình và ổn định khu vực. PLA luôn duy trì cảnh giác sẵn sàng chiến đấu cao độ, kiên quyết bảo vệ chủ quyền, an ninh và lợi ích phát triển quốc gia, kiên quyết bảo vệ hòa bình, ổn định và thịnh vượng của khu vực”.

RELATED ARTICLES

Tin mới